PHẤN ĐẤU ĐỂ THÂN CHỨNG GIÁO PHÁP

HELLMUTH HECKER

NYANAPONIKA THERA

Trích: Đại Đệ Tử Phật, Bước Thầy Con Theo; Hiệu đính: Bhikkhu Bodhi; Nguyên tác: Great Disciplines of the Buddha; Hướng dẫn: Hòa Thượng Kim Triệu Khippapañño; Soạn dịch: Ban Biên Tập Thích Ca Thiền Viện

Bấy giờ đôi bạn dẫn đầu hai trăm năm mươi khất sĩ đồng môn tiến về Động Trúc Lâm, đúng lúc Đức Thế Tôn đang giảng pháp cho chư tăng. Biết hai vị này sắp đến nên Ngài tuyên bố:

“Này chư tỳ khưu, Kolita và Upatissa đang đến đây. Họ sẽ là hai trưởng đệ tử của Như Lai, một đôi đệ tử ưu tú!”

Rồi hai vị cùng các khất sĩ đồng môn phủ phục dưới chân Đức Phật, cung kính đảnh lễ Ngài, và đồng thưa:

“Bạch Đức Thế Tôn, xin cho chúng con được xuất gia với Ngài và thọ đại giới tỳ khưu.”

“Hãy đến đây, chư tỳ khưu!” Bổn Sư trả lời. “Giáo Pháp đã tuyên giảng rồi! Nay hãy sống đời phạm hạnh cao quý để chấm dứt khổ đau!” Vài lời ban giới ngắn gọn này của Đức Bổn Sư là đủ lễ xuất gia cho các vị.

Kể từ đây, kinh điển Pāli gọi tên Upatissa là Sāriputta (con của Sārī), và Kolita là Mahā Moggallāna để phân biệt với các vị tỳ khưu khác cùng tên. Sau khi tất cả thọ đại giới xong, Đức Bổn Sư ban cho họ một bài pháp. Cuối pháp thoại, tất cả đều đắc thánh quả a-la-hán, chỉ trừ Sāriputta và Mahā Moggallāna.

Hai vị ẩn cư ở hai nơi khác nhau, nỗ lực tu học để được đạo quả cao quý nhất theo hạnh nguyện của mình. Sāriputta ở lại nội thành Rājagaha, hành thiền trong một hang có tên là Động Heo Rừng. Từ đây Sāriputta đi bộ đến thành phố để trì bình khất thực hằng ngày và nghe Đức Phật thuyết pháp. Tất cả những gì nghe được qua kim khẩu Bổn Sư, ngài đều tích cực thâm nhập vào tâm thức, rồi xuyên thấu một cách có hệ thống để cuối cùng đạt được sự hiểu biết rõ ràng về thực tướng của vạn pháp. Sau hai tuần, ngài chứng ngộ thánh quả a-la-hán, đoạn trừ mọi ô nhiễm lậu hoặc (āsavakkhaya).

Về phần Mahā Moggallāna, bởi lý do nào đó không ghi lại trong kinh điển, ngài độc cư trong một khu rừng gần làng Kallavāputta ở xứ Magadha. Bằng tất cả nỗ lực tinh tấn, Đại đức quyết chí hành thiền theo tư thế ngồi và đi không ngưng nghỉ. Thế nhưng, với quyết tâm ấy, Đại đức vẫn thường bị những cơn buồn ngủ nặng nề khống chế. Dù hết sức cố gắng giữ thẳng thân và đầu, ngài vẫn cứ gà gật gục xuống. Có những lúc ngài có thể giữ cho mắt khỏi nhắm lại chỉ hoàn toàn bằng ý chí. Cái nóng nhiệt đới khủng khiếp, sự căng thẳng của nhiều năm sống đời khất sĩ lang thang, và sức ép nội tâm bấy lâu nay cùng một lúc phủ chụp xuống ngài, và vì vậy, gần đến điểm cuối của hành trình tầm đạo, cơ thể ngã gục do mệt mỏi, kiệt sức.

Nhưng Đức Thế Tôn, với thiên nhãn thanh tịnh, luôn thầm lặng theo dõi vị đệ tử và quan tâm đến những khó khăn Moggallāna đang gặp phải. Ngài dùng thần thông hiện thân ra trước mặt Moggallāna. Khi Đại đức trông thấy Đức Bổn Sư đứng trước mặt, một phần lớn của sự mệt mỏi dã dượi liền tan biến.

Rồi Đức Thế Tôn ban những lời hướng dẫn cụ thể và tuần tự để giúp chế ngự được những cơn buồn ngủ hay hôn trầm dai dẳng. Phương pháp tốt nhất là không chú tâm vào ý nghĩ đến ngay trước cơn buồn ngủ. Tuy nhiên, đây là cách khó nhất. Nếu không thành công thì nên suy niệm đến những bài pháp vi diệu đã được nghe để gây phấn chấn.

Nếu những biện pháp thuộc tâm này không hữu hiệu, hãy dùng các động tác thuộc thân như kéo tai, lắc thân, xoa bóp tay chân, đứng lên khỏi chỗ ngồi, rửa mặt bằng nước lạnh, nhìn vào tất cả các hướng chung quanh, nếu vào đêm thì nhìn lên trời cao đầy sao sáng. Nên chú tâm vào sự nhận thức ánh sáng, vun bồi một tâm thức tràn ngập ánh sáng. Nếu không thành công, hãy đi kinh hành, chánh niệm quán thân trên thân.

Và nếu các phương pháp trên không chế ngự được hôn trầm, hãy chánh niệm tỉnh giác nằm xuống và nghỉ ngơi giây lát. Khi vừa thấy khỏe khoắn, tươi mát, hãy nhanh chóng ngồi dậy, không cho phép sự dã dượi quay về. Nhưng Đức Phật không chỉ hướng dẫn về cách đối trị hôn trầm thụy miên trong lúc hành thiền, Ngài còn nhắc nhở Moggallāna về hai hành vi dẫn đến tâm dao động bất an: kiêu mạn và hiếu thắng.

Thứ nhất, vị tỳ khưu kiêu mạn sẽ muốn được sự tôn kính của thí chủ khi đi khất thực. Nếu gia chủ không sớt bát vì đang bận bịu mà không thấy vị tỳ khưu đang đứng trì bình, tâm vị tỳ khưu sẽ xôn xao, lo phiền. Tâm bị dao động như thế sẽ thiếu cảnh giác, không tự chế, và như vậy rất khó an định.

Thứ hai, vị tỳ khưu thích biện luận, biện luận dẫn đến nhiều lời lẽ và sự hiếu thắng, tâm vị ấy sẽ bị khích động và bất an, khó kiểm soát, khó đạt được sự định tâm. Phân tán năng lực vào các mục tiêu vô ích và phù phiếm như vậy, hành giả sẽ khó tinh tấn tỉnh giác khi hành thiền, và vì thế không thể tìm được tâm an trụ và hạnh phúc thanh tịnh.

Nghe xong lời chỉ dẫn của Bổn Sư, Moggallāna thưa:

“Bạch Tôn Sư, tóm tắt lại, như thế nào một tỳ khưu được giải thoát nhờ đoạn diệt tham ái, như thế nào vị ấy đạt đến cứu cánh giải thoát, cứu cánh phạm hạnh, cứu cánh viên mãn, trở thành bậc tối thượng giữa chư thiên và loài người?”

“Này Moggallāna, ở đây vị tỳ khưu được nghe rằng: ‘Không có gì đáng để bám víu!’ Từ đó, vị ấy thân chứng tất cả các pháp; từ đó, thấu hiểu tất cả các pháp; từ đó, phàm có bất cứ cảm thọ nào vị ấy cũng trú tâm quán tánh vô thường của chúng, quán ly tham, quán đoạn diệt, quán từ bỏ; từ đó, vị tỳ khưu không còn bám víu vào bất cứ gì trên thế gian. Không còn bám víu sẽ không dao động bất an; không dao động bất an sẽ tận diệt được mọi ô nhiễm trong tâm. Vị ấy biết rằng: ‘Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa.’”

Sau khi nhận được những lời chỉ dẫn và sách tấn Đức Phật đặc biệt ban cho riêng mình (AN 7:58), Moggallāna nỗ lực thực tập, tích cực chiến đấu loại bỏ các chướng ngại nội tâm. Trong thời gian sống đời du sĩ, ngài đã chế ngự được hai chướng ngại tâm đầu tiên là tham lam và ác ý. Nay, với sự hỗ trợ của Đức Bổn Sư, ngài loại trừ thêm được chướng ngại thứ ba và thứ tư là hôn trầm dã dượi và dao động bất an. Nhờ vậy Đại đức có thể chứng đắc các tầng thiền định vô sắc giới, chuẩn bị tâm để tu tập tuệ giác minh sát.

Đầu tiên Moggallāna thân chứng và hưởng được hỷ lạc tràn ngập của sơ thiền, một trạng thái định thâm sâu. Nhưng sau đó các tư tưởng trần thế dần dần trở lại, kéo Đại đức trở xuống trạng thái ý thức giác quan. Đức Phật lần này không hướng dẫn tỉ mỉ như trước, mà chỉ ban một lời khuyên ngắn gọn giúp đệ tử thoát ra chỗ bế tắc trong thiền định. Đức Thế Tôn cảnh giác Moggallāna đừng buông lung tin rằng mình được bảo đảm về sự an trú trong tầng thiền định thứ nhất này, mà phải cố gắng làm chủ trạng thái hỷ lạc này. Khi thực hành lời dặn dò đó, Đại đức trở nên chủ động, lão luyện hơn, và không còn bị các tư tưởng trần tục quấy nhiễu nữa.

Vững vàng trong tầng sơ thiền rồi, kế đó Moggallāna đạt nhị thiền, còn gọi là “sự im lặng thánh thiện”, bởi vì trong tầng thiền này mọi ý nghĩ xao động, lăng xăng đều dừng bặt. Tuần tự như thế ngài tiến đến tứ thiền, rồi xa hơn nữa đến tầng thâm định của vô sắc giới (arūpajjhāna) và tầng diệt thọ tưởng định (saññāvedayitanirodha). Rồi ngài đạt vô tướng tâm định, vắng bặt tất cả dấu hiệu của các pháp chịu điều kiện (SN 40:2-9).

Nhưng những chứng đắc này chưa phải là rốt ráo, vì đến đây Moggallāna lại phát triển một chấp thủ vi tế vào các kinh nghiệm siêu việt của mình, một loại dính mắc còn tính vô minh về một sở đắc tâm linh cao tột nào đó. Nhưng rồi cũng nhờ sự chỉ dạy của Bổn Sư, Đại đức đã vượt lên được các ô nhiễm tâm vi tế cuối cùng này và đạt quả vị cuối cùng, giác ngộ viên mãn, chứng đắc trí tuệ toàn hảo thâm sâu của một vị a-la-hán.

Cũng như Sāriputta, Moggallāna là bậc a-la-hán thuộc hạng “giải thoát bằng cả hai cách” (ubhatobhāgavimutta). Mặc dù tất cả các vị a-la-hán đều đồng nhất về mặt giải thoát rốt ráo khỏi vô minh và đau khổ, các vị được phân biệt thành hai hạng dựa trên sự tinh thông về thiền định:

  • Vị nào đắc được tám tầng thiền (aṭṭha vimokkhā) bao gồm cả bốn tầng thiền vô sắc và diệt thọ tưởng định được gọi là vị “giải thoát bằng cả hai cách”: giải thoát khỏi thân vật chất bằng thiền vô sắc giới và khỏi các tâm ô nhiễm bằng con đường trí tuệ của các vị a-la-hán.
  • Vị nào không tinh thông tám tầng thiền này nhưng tận diệt được tất cả tâm ô nhiễm bằng trí tuệ được gọi là vị “giải thoát bằng trí tuệ” (paññāvimutta).

Hơn thế nữa, Moggallāna không chỉ thuần thục các tầng thiền định liên tiếp mà còn khảo sát tỉ mỉ những lộ trình của năng lực thần thông (iddhipāda), và do đó hoàn mãn được khả năng hiểu biết siêu phàm hay thần trí (abhiññā). Ngài đã tự nhận mình là “vị đệ tử nhờ sự hỗ trợ của Bổn Sư mà đã đạt được trí tuệ thần thông tối thắng.”

Toàn bộ quá trình phát triển tâm linh này diễn ra chỉ trong vòng một tuần. Đây quả thật là bảy ngày của một công trình chuyển hóa tâm linh vĩ đại, đầy thử thách gay go, phấn đấu, và chiến thắng. Quyết tâm mạnh mẽ và sâu sắc của Moggallāna trong thời gian ngắn ngủi này có thể cũng đôi lúc chao đảo. Một con người với tâm thức linh hoạt và có nhiều năng khiếu tự nhiên như thế, chắc chắn đã phải nỗ lực tối đa để đoạn diệt tất cả ô nhiễm ngủ ngầm đã trói buộc ngài vào thế gian đầy tiềm năng hứa hẹn này. Để nén ép một khối kinh nghiệm tâm linh bao la như vậy trong một tuần vỏn vẹn, các khía cạnh của thời gian và không gian chắc phải thu dồn lại tối đa và tan biến. Kinh điển ghi lại vào đêm Đức Phật đạt đạo quả Chánh Đẳng Chánh Giác, Ngài đã quán chiếu được chín mươi mốt đại kiếp quá khứ của mình chỉ trong canh đầu đêm ấy. Moggallāna cũng vậy, để hoàn thiện được trí tuệ thần thông siêu phàm, ngài cũng phải quán chiếu được bao nhiêu đại kiếp quá khứ của mình trong luân hồi. Nơi đây, ý niệm về thời gian hoàn toàn không còn hiện hữu.

Về sau, Moggallāna nói rằng ngài đắc a-la-hán chỉ trong một tuần tu tập là do tốc trí (khippābhiñña), nhưng tiến trình tu của ngài rất khó khăn, hay gặp trở ngại (dukkha-patipadā), phải nhờ đến sự hỗ trợ của Đức Bổn Sư. Sāriputta đắc đạo quả trong hai tuần cũng do tốc trí, nhưng tiến trình tu của ngài suôn sẻ, không có khó khăn (sukha-paṭipadā). Moggallāna đạt mục tiêu nhanh hơn Sāriputta nhờ có sự hướng dẫn và sách tấn trực tiếp và tỉ mỉ của Đức Phật. Nhưng Sāriputta hơn ngài về sự độc lập trong tiến trình tu cũng như về mức độ vi diệu và quảng bác của trí tuệ.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. PHẨM HẠNH TRI ÂN CỦA ĐẠI ĐỨC XÁ LỢI PHẤT
  2. THỰC HÀNH GIÁO PHÁP TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY

Bài viết khác của tác giả

  1. A NAN ÐA LÚC PHẬT GẦN NHẬP NIẾT BÀN
  2. NẺO ĐƯỜNG RIÊNG – CÂU CHUYỆN VỀ NGƯỜI THỊ GIẢ TRUNG THÀNH CỦA ĐỨC PHẬT
  3. A NAN ÐA ĐỐI VỚI NỮ GIỚI

Bài viết mới

  1. THỰC HÀNH BỒ ĐỀ TÂM
  2. LÒNG TỰ TRỌNG
  3. LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÁT KHỞI LÒNG SÙNG MỘ