PHẨM HẠNH TRI ÂN CỦA ĐẠI ĐỨC XÁ LỢI PHẤT

NYANAPONIKA THERA

Trích: Đại Đệ Tử Phật, Bước Thầy Con Theo; Nguyên tác: Great Disciplines of the Buddha; Hiệu đính: Bhikkhu Bodhi; Việt dịch: Ban Biên Tập Thích Ca Thiền Viện

Một trong những phẩm hạnh nổi bật nhất của Sāriputta có lẽ là đức tính biết ơn không phân biệt tôn ti thứ bậc, và dù ân đức đã thọ nhận nhỏ bé hay xa xưa vô cùng.

Ngài sẵn sàng ghi nhận mọi sự phê bình, sửa sai, khuyên bảo từ bất cứ ai – dù tuổi đời hay tuổi hạ nhỏ đến đâu – không chỉ với sự khiêm cung mà còn với một lòng tri ân chân thành. Chú giải Susīma Sutta (SN 2:29) thuật rằng, một lần nọ, do thoáng vô ý bất cẩn mà một chéo y nội (antaravāsaka) của Sāriputta lệch xuống, chạm đất. Một vị sa di bảy tuổi trông thấy, chỉ cho ngài và thưa: “Bạch sư, y phải được quấn ngay thẳng quanh thân.”

“Lành thay!” Sāriputta hoan hỷ trả lời.

Rồi Đại đức liền bước sang một bên, cẩn thận chấn chỉnh y áo, rồi tiến lại vị sa di, cung kính chắp tay, và nói rằng: “Bây giờ đã tề chỉnh rồi, thưa thầy!”

Câu chuyện này còn được ghi lại qua một bài kệ trong kinh Milindapañha (Mil. 397):

Nếu một vị xuất gia lên bảy tuổi

Khuyên bảo tôi, tôi cúi đầu đón nhận;

Hướng về người, chặt dạ kính ghi ân;

Suốt đời người mãi mãi là thầy tôi.

Với một khuyên bảo đơn sơ như vậy mà Sāriputta vẫn giữ sự khiêm cung, tôn kính, biết ơn… huống chi là ân sư Assaji, người đã khai tâm cho Sāriputta qua một bài kệ ngắn ngủi vỏn vẹn bốn câu mà hé mở được cánh cửa trí tuệ đưa ngài vào dòng thánh, và đem Giáo Pháp của Đức Thế Tôn đến với ngài. Vì vậy, suốt cả cuộc đời, Sāriputta luôn luôn tỏ rõ lòng kính ngưỡng, tri ân Trưởng lão Assaji.

Chú giải Nāvā Sutta và chú giải Kinh Pháp Cú (về kệ 392) ghi lại rằng, bất cứ lúc nào Sāriputta cùng ngụ trong một tịnh xá với Trưởng lão Assaji, ngay sau khi đảnh lễ Thế Tôn, ngài luôn luôn đến viếng thăm và lễ bái Trưởng lão, tự nhủ: “Vị Đại đức này là vị thầy đầu tiên của ta. Nhờ người mà ta biết được Giáo Pháp của Đức Phật.” Còn khi Trưởng lão Assaji ngụ tại một tịnh xá khác, Sāriputta thường hướng về nơi Trưởng lão đang cư trú, quỳ rạp thân xuống đất, cung kính lễ lạy như thầy đang ở trước mặt mình vậy.

Tuy nhiên, sự kiện này làm một số chư tăng hiểu lầm và nói rằng: “Đã là một vị trưởng đệ tử mà Sāriputta vẫn còn lễ bái các cõi trời! Đến nay mà chưa từ bỏ được những tà kiến bà-lamôn!”

Khi những lời chỉ trích này đến tai Thế Tôn, Ngài dạy: “Không phải như thế đâu, chư tỳ khưu! Sāriputta không lễ bái các cõi trời mà đảnh lễ người đầu tiên đã đem Giáo Pháp đến cho mình, kính ngưỡng người ấy như một vị thầy. Sāriputta là người thành kính biết ơn thầy tổ.”

Rồi Bổn Sư thuyết Nāvā Sutta, bắt đầu với những câu sau: “Như chư thiên tôn vinh Chúa Indra của họ, các con hãy biết kính ngưỡng người đã cho các con học hỏi Giáo Pháp.”

Tôn giả Assaji đọc bài kệ khai tâm, đưa tôn giả Xá Lợi Phất đến với giáo pháp của Đức Phật

Lòng biết ơn và nhớ ơn của Sāriputta còn trải dài đến những thí chủ tín tâm, dù giai cấp xã hội hay phẩm vật cúng dường của họ có nhỏ bé khiêm nhường đến đâu đi nữa. Đó là câu chuyện về Trưởng lão Rādha trong chú giải Kinh Pháp Cú (về kệ 76).

Tại tịnh xá Jetavana ở Sāvatthi có một người bà-la-môn nghèo khổ, bần hàn tên là Rādha tá túc. Ông làm công quả, chăm lo những việc lặt vặt như nhổ cỏ, quét dọn, và hằng ngày chư tăng chu cấp cho ông vật thực để độ sanh. Tuy nhiên, khi ông ngỏ lời xin xuất gia, chư tăng không ai chịu thu nhận.

Một ngày nọ, trong lúc quan sát căn cơ của chúng sanh, Đức Thế Tôn thấy người bà-la-môn nghèo khổ này đã đầy đủ phước duyên đắc quả a-la-hán. Ngài hỏi chư tăng có vị nào nhớ đã được ông cúng dường phẩm vật gì hay không. Sāriputta thưa rằng Đại đức nhớ trong một lần đi trì bình khất thực ở Rājagaha, người bà-la-môn nghèo khốn này đã cúng dường Đại đức một vá thức ăn mà ông vừa xin được để nuôi chính thân mình. Đức Phật dạy Sāriputta làm lễ xuất gia cho Rādha. Đại đức hoan hỷ vâng lời.

Từ đó Đại đức nghiêm ngặt hướng dẫn Rādha tu học, lập đi lập lại những lời giáo huấn để ông luôn nhớ biết đâu là thiện nghiệp để hành trì, đâu là bất thiện nghiệp mà đoạn diệt. Rādha luôn luôn thành tâm hoan hỷ ghi nhận tất cả lời dạy dỗ của thầy, không chút tự ái hay buồn giận. Không bao lâu, ông đắc quả a-la-hán.

Nhân dịp này, chư tăng ca ngợi đức tính biết ơn của Sāriputta và còn tán thán rằng vì ngài là người luôn hoan hỷ ghi nhận mọi lời chỉ bày và giáo huấn, nên thu nhận đệ tử cũng có được đức tính ấy. Nghe những lời ngợi khen này, Đức Phật dạy rằng không chỉ hiện tại mà trong tiền kiếp Sāriputta đã có phẩm hạnh biết và nhớ bất cứ ân đức nào đã được thọ nhận trong đời. Sau đó Đức Thế Tôn kể lại chuyện tiền thân về một con voi biết ơn, Alīnacitta Jātaka (Jāt. 156).

Jātaka 156
Ngày nọ khi Đức Phật đang ngụ tại tịnh xá Jetavana, một vị tỳ khưu đến bên Ngài và tự thú rằng tâm mình yếu đuối, nhu nhược. Đức Thế Tôn động viên tinh thần ông: “Này tỳ khưu, xưa kia sư đã từng chiến thắng, giành lại cả vương quốc Bārānasī, dâng hiến lên một cậu bé sơ sanh. Sư đã làm được do sự quyết tâm kiên định. Giờ đây, với hạnh nguyện hành trì giới luật cao thượng để tìm cầu giải thoát, sư làm sao có thể yếu lòng, thất niệm?”

Đoạn, Ngài kể câu chuyện tiền thân sau.

Xưa, xưa lắm, khi Brahmadatta là quốc vương xứ Bārānasī, có một ngôi làng tụ tập những người thợ mộc xây dựng nhà cửa để làm kế sinh nhai. Mỗi ngày họ chèo thuyền lên thượng nguồn dòng sông, vào rừng sâu, chặt cây, đẽo gọt thành kèo cột, đánh số để lên khung, bó cột lại, khuân vác về thuyền rồi chở về thành phố. Họ rất thiện nghệ và kiếm được lợi tức khấm khá.

Một hôm, gần khu vực họ làm việc trong rừng, một con voi dẫm nhầm lên một mảnh dằm của cây xiêm gai. Mảnh dằm đâm xuyên qua chân, gây sưng tấy, mưng mủ làm độc, khiến voi đau đớn cực độ. Khi nghe tiếng những người thợ mộc cưa cây, voi nghĩ, “Những người thợ mộc này có thể chữa lành chân ta.” Cố lê lết thân đau, voi tiến lại gần họ và nằm xuống.

Thoạt tiên, những người thợ mộc rất ngạc nhiên. Nhưng rồi, phát hiện bàn chân sưng phù của voi, họ săm soi cẩn thận, thấy được cái dằm gỗ. Họ bèn dùng một khí cụ bén nhọn cắt quanh dằm, cột dằm vào một sợi dây để kéo ra khỏi chân voi. Xong, họ trích cạn mủ vết thương, dùng nước ấm rửa sạch, và băng bó cẩn thận sạch sẽ. Chỉ một thời gian ngắn sau, chân voi hoàn toàn lành lặn.

Biết ơn cứu mạng của những người thợ mộc, voi quyết tâm đền đáp bằng cách đỡ đần công việc cho họ. Từ đó về sau, voi giúp họ bứng cây, kéo gỗ. Mỗi khi họ cần đồ nghề, voi dùng vòi nhấc các dụng cụ lên, đem đến nơi họ đang làm việc. Vào giờ ăn trưa, những người thợ cung cấp thức ăn cho voi để voi khỏi phải đi tìm vật thực.

Một thời gian dài trôi qua, voi biết mình đã già và không còn có thể tiếp tục phục vụ những người thợ mộc bao lâu nữa. Ngày kia, voi đem lại con trai của mình, một bạch tượng hùng dũng tuyệt đẹp, đã được huấn luyện thuần thục. Voi nói với những người thợ: “Con voi niên thiếu này là con của ta. Vì các ông đã cứu mạng ta, ta giao con ta cho các ông. Từ nay, con ta sẽ thay ta phụng sự các ông.”

Sau khi giải thích cặn kẽ tất cả nhiệm vụ phải chu toàn cho con nghe, voi già một thân một mình quay vào rừng. Voi trẻ ngoan ngoãn trung thành làm việc, phục vụ cho những người thợ mộc, y như cha mình ngày xưa. Những người thợ cung cấp vật thực cho voi con, như ngày nào đã nuôi dưỡng voi cha. Và voi con ngày một lớn mạnh.

Hằng ngày, sau giờ làm việc, voi xuống sông tắm rửa trước khi trở về rừng. Con cháu những người thợ mộc thường thích thú lôi kéo chiếc vòi của voi, bày đủ thứ trò chơi dưới nước, trên bờ để cùng voi nô đùa.

Dĩ nhiên, người và những loài vật có phẩm hạnh không bao giờ tiểu tiện hay đại tiện vào nước sông. Voi cũng vậy, trắng ngần và cao quý, luôn luôn cẩn thận, không phóng uế khi ngâm mình trong sông mà chờ cho đến khi lên bờ.

Một ngày mưa tầm tã nặng hạt, nước lũ của sông kéo nửa tảng phân khô của voi từ trên bờ, cuốn về miệt hạ lưu. Tảng phân trôi đến Bārānasī và kẹt vào một bụi cây, ngay nơi những người quản tượng của nhà vua dẫn năm trăm voi đến tắm. Khi những con voi này ngửi được mùi phân của con voi trẻ cao quý, chúng không dám xuống sông mà lại dương đuôi, quạt tai và chạy đi nơi khác.

Nghe quản tượng thuật lại sự việc, những người huấn luyện voi đoán biết có một vật đặc biệt ở trong dòng nước. Họ ban lệnh lùng kiếm khắp con sông, và rồi tảng phân được tìm thấy trong bụi cây. Họ nghiền phân thành bột, trộn với chút nước, rắc lên lưng những con voi khác. Bột này khiến chúng bỗng nhiên mang một mùi thơm ngọt ngào dễ chịu, và chúng lập tức ngâm mình xuống sông tắm rửa.

Bấy giờ, những người huấn tượng quả quyết rằng phân kia phải xuất phát từ một con voi vô cùng cao quý. Họ trình lên vua và khuyên ngài nên tìm bắt con voi ấy cho triều đình. Vua truyền lệnh sửa soạn thuyền bè và lên đường về hướng thượng lưu sông. Khi đến nơi những người thợ mộc lập nghiệp, vua thấy con voi trẻ đang chơi đùa dưới nước. Vừa thoáng nghe tiếng trống lệnh của vua, voi liền ra khỏi dòng sông, đến đứng kế bên những người thợ mộc. Tất cả cùng kính cẩn đảnh lễ vua.

“Tâu hoàng thượng,” họ thưa, “nếu ngài cần chúng tôi làm việc gì cho ngài, ngài không cần phải ngự giá đến đây. Ngài có thể truyền lệnh, và chúng tôi sẽ đến dâng lên ngài.”

“Không, các khanh à,” Vua nói, “trẫm đến đây không để lấy gỗ mà để thu nhận con voi này.”

“Tâu hoàng thượng, voi này nay là của ngài!” Họ lập tức vâng lệnh, nhưng voi thì không chịu di dịch.

Vua trực tiếp hỏi voi: “Khanh muốn trẫm phải làm gì?”

“Tâu hoàng thượng, ngài hãy ban lệnh trả công những người thợ mộc đã nuôi dưỡng tôi,” voi trả lời.

“Sẵn sàng, khanh à!” Vua truyền đem hàng trăm ngàn quan tiền chất đống chung quanh vòi, đuôi và bốn chân voi. Nhưng vẫn chưa đủ, voi vẫn từ chối, không chịu nhích chân. Vua bèn chu cấp thêm quần áo, tiền bạc cho những người thợ mộc và cả gia đình họ.

Hài lòng vì những người bạn của mình nay có thể sống sung túc dù không còn sự giúp đỡ của mình nữa, voi chào từ biệt những người thợ mộc và vợ con họ, rồi cùng vua lên đường.

Voi phụng sự vua như một chiến hữu. Không một ai khác được phép cỡi voi. Với sự giúp sức của voi, vua chiến thắng lẫy lừng, xưng bá cả nước Ấn Độ.

Sau đó một thời gian, chánh hậu của vua thọ thai. Khi bà sắp sanh nở thì vua băng hà.

Ai ai cũng biết rằng, nếu hay tin vua qua đời, voi sẽ tan nát tâm can vì đau đớn. Vì thế người ta vẫn chăm sóc voi như thường lệ, nhưng không hề hé môi tiết lộ nửa lời. Tin đồn về cái chết của vua nhanh chóng lan đến tai vua xứ Kosala. Ông nghĩ: “Bārānasī chắc chắn thuộc về ta rồi!” và quyết định tấn công vương quốc này. Ông thân chinh thống lãnh đại quân, bao vây kinh thành.

Dân chúng Bārānasī đóng chặt cửa thành và gởi thông điệp đến ông: “Hoàng hậu Bārānasī sắp lâm bồn, các chiêm tinh gia đã tiên đoán rằng, trong bảy ngày nữa, Hoàng hậu sẽ hạ sanh một bé trai. Nếu quả thật lệnh bà sanh hoàng nam, chúng tôi mới chiến đấu bảo vệ vương quốc. Xin cho chúng tôi bảy ngày.”

Vua xứ Kosala ưng thuận.

Đúng như lời tiên tri, vào ngày thứ bảy, một bé trai chào đời. Vì cậu sanh ra để thu phục nhân tâm nên hoàng hậu đặt tên cậu là Alīnacitta, có nghĩa là “người đem lại niềm cảm kích.”

Trong ngày ấy, quân lính vùng dậy, mở cuộc chiến chống lại vua xứ Kosala. Tuy nhiên, vì không có người thống lãnh, quân lính bị đánh lùi và bắt đầu nao núng tinh thần.

Ngay sau khi cuộc chiến mở màn, sứ giả về trình tấu lên hoàng hậu: “Quân ta phải rút lui. E rằng chúng ta sẽ thất trận. Vương tượng, chiến hữu trung thành của cố hoàng thượng, cho đến giờ vẫn chưa biết tin vua đã băng hà, tin hoàng tử vừa được hạ sanh, và tin kinh thành đang bị vua xứ Kosala vây hãm. Đã đến lúc ta nên báo cho vương tượng biết chăng?”

“Phải, đã đến lúc rồi.” Hoàng hậu trả lời.

Bà nhanh chóng thay y phục cho hoàng nhi, quấn cậu bé sơ sanh trong khăn gấm, và cùng toàn thể triều đình đi đến chuồng của voi. Nơi đây, hoàng hậu đặt hoàng nhi dưới chân voi, nói rằng: “Chủ tướng! Chiến hữu của ngài, đức vua, đã qua đời, song chúng tôi sợ trái tim ngài sẽ tan nát vì đau đớn nên không dám báo hung tin. Đây là đứa con trai mới chào đời của đức vua. Hiện nay vua xứ Kosala đang vây hãm kinh thành của chúng ta và gây chiến. Quân ta phải rút lui. Hoặc tự thân giết chết con trai của ngài đi, hoặc giành chiếm lại vương quốc cho con ngài!”

Voi vuốt ve cậu bé với chiếc vòi của mình và nhẹ nhàng nâng cậu lên, đặt trên đầu mình. Rồi trong nỗi đau đớn tiếc thương cố chủ, voi ôm lấy cậu và đặt cậu vào tay người mẹ.

Voi nói với quan quân khoác chiến bào cho mình và chuẩn bị tiến quân. Họ mở cửa thành, hộ tống voi lâm trận. Bạch Tượng oai nghi hào hùng rống tiếng. Khí thế lẫm liệt dũng mãnh của voi làm quân xâm lăng kinh ngạc, sợ hãi và tháo chạy.

Trong lúc bại quân tán loạn rút lui, vương tượng túm được búi tóc của vua xứ Kosala, bắt giữ ông. Voi mang người tù nhân này đến bỏ bên chân vị thái tử trẻ. Quân lính đổ xô lại định giết ông, nhưng voi ngăn cản họ.

“Hãy cẩn thận trong tương lai,” con voi cao quý khuyên răn vị vua đang bị cầm tù. “Đừng bao giờ mạo muội cho là có thể giành được lợi thế vì thái tử của chúng tôi còn thơ trẻ.”

Rồi voi phóng thích ông.

Alīnacitta đăng quang năm lên bảy tuổi. Cũng như cha mình, ngài trị vì trọn bờ cõi Ấn Độ và không còn một kẻ thù địch nào dám nổi dậy quấy nhiễu nữa. Triều đại của ngài công minh và nhân ái. Khi từ giã kiếp sống, ngài tái sanh lên cõi trời và rạng danh nơi ấy.

Để kết thúc bài pháp, Đức Thế Tôn dạy rằng, bất cứ một vị tỳ khưu nào chí nguyện dũng mãnh và nương tâm kiên định nơi Tam Bảo cũng sẽ chiến thắng, như con voi kiên quyết ngày xưa ấy. Sau khi Ngài khẳng định Chân Lý này, vị tỳ khưu yếu đuối – với căn cơ nay đã chín muồi – giác ngộ và đắc quả ala-hán.

Giải thích các tiền thân, Đức Phật cho biết “hoàng hậu Mahā Māyā thuở ấy là người mẹ. Vị tỳ khưu này đây chính là voi con, đã chiến thắng và giành lại được vương quốc cho cậu bé. Sāriputta là voi cha với hạnh tri ân. Còn vị thái tử trẻ là tiền thân của Như Lai ngày nay vậy.”

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. NẺO ĐƯỜNG RIÊNG – CÂU CHUYỆN VỀ NGƯỜI THỊ GIẢ TRUNG THÀNH CỦA ĐỨC PHẬT
  2. BÁO ÂN MẸ – MÓN NỢ CUỐI ĐÃ TRẢ
  3. PHẤN ĐẤU ĐỂ THÂN CHỨNG GIÁO PHÁP

Bài viết mới

  1. XÂY DỰNG LÒNG TIN QUA TÍNH CHÍNH TRỰC VÀ SỰ GƯƠNG MẪU
  2. SỨC MẠNH CỦA LÒNG TỪ
  3. NHỮNG KỸ NĂNG DỄ DÀNG