PATRICK KING
Trích: Tâm Lý Học Ứng Dụng; Minh Trang dịch; NXB. Lao Động; Cty TNHH Văn Hóa và Truyền Thông 1980 Books
Các lý thuyết chúng ta vừa thảo luận có chung một động lực cơ bản. “Có qua có lại” – cho đi và nhận lại – là động lực thúc đẩy mối quan hệ giữa các cá nhân. Điều này có ảnh hưởng rất lớn trong các mối quan hệ, nhưng đồng thời, cũng có thể phổ biến tới mức ta không để ý khi nó xuất hiện.
Một trong những khuynh hướng hành vi rất “người” là hiện tượng “có qua có lại” khi nói đến cảm tình – một hiện tượng mà khi việc bạn thích ai đó trước có thể làm tăng đáng kể khả năng họ cũng thích ngược lại bạn. Có thể ứng dụng ngay điều này một cách đơn giản: Khi bạn gặp một người mới quen, hãy để họ biết rằng bạn thích họ và điều đó sẽ gia tăng khả năng bạn xây dựng được giao hảo tích cực với họ.
Hãy tưởng tượng trong giây lát rằng, bạn vừa gặp một người hoàn toàn xa lạ, trò chuyện đôi câu với họ rồi tạm biệt. Lúc này, có vẻ cả hai bạn đều không có bất kỳ cảm xúc hay ấn tượng mạnh mẽ nào về đối phương. Giờ, giả sử rằng hôm sau, bạn trò chuyện với một người bạn cũng quen người lạ kia, và anh/ chị ta nói: “Ồ, người mà cậu gặp hôm qua thực sự có ấn tượng tốt với cậu đấy”. Chỉ một chút thông tin vậy thôi có thể làm bạn thay đổi hoàn toàn nhận thức về người đó. Thậm chí bạn có thể sẵn sàng coi họ là bạn.
Nhưng nếu mọi việc dễ dàng như vậy, sao mọi người không thể hiện rõ luôn là họ thích đối tượng mà họ muốn tạo dựng quan hệ? Trước khi trả lời câu hỏi đó, ta hãy cùng đi sâu vào một vài nghiên cứu về chủ đề này, để hiểu rõ hơn về thời điểm thích hợp sử dụng quy luật “có đi có lại”.
Hết nghiên cứu này tới nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng, cảm tình từ cả hai phía là một công cụ xã hội mạnh mẽ. Vào những năm 1960, Elliot Aronson và Phillip Worchel đã tiến hành một nghiên cứu tại Đại học Texas, sử dụng “nội gián” để kiểm tra một cách tinh tế quy luật “có đi có lại” này. Các tình nguyện viên được chia thành từng cặp và chi đơn giản là trao đổi, nói chuyện với nhau. Sau đó, từng người họ viết riêng một đoạn ngắn gọn về suy nghĩ của họ đối với thí nghiệm, cũng như đánh giá mức độ cảm tình của họ với người bắt cặp.
Tuy nhiên, các tình nguyện viên không hề hay có “nội gián” tham gia bắt cặp và trò chuyện với họ, đây là những diễn viên có đào tạo thực sự và chuyên làm việc cho các nhà nghiên cứu. Đối với một nửa các cuộc hội thoại (ngẫu nhiên), “nội gián” sẽ viết một tuyên bố rằng, “Tôi rất thích làm việc với [đối tác của tôi], [anh ấy/ cô ấy] có vẻ là một người rất sâu sắc và thú vị”.
Trong một nửa số cuộc hội thoại còn lại, họ sẽ viết, “Tôi không thích làm việc với [đối tác của tôi] trong thử nghiệm này, [anh ấy/ cô ấy] có vẻ là một người nông cạn và tẻ nhạt”. Sau khi các “nội gián” viết nhận xét, các nhà nghiên cứu để những người tham gia đọc xem đối tác đã viết về họ ra sao.
Không có gì phải nghi ngờ, kết quả vô cùng rõ rằng và liên tục lặp lại trong các nghiên cứu sau này. Nếu đọc được rằng đối tác thích mình, những người tham gia cũng cho biết họ rất thích đối tác của mình; trong khi nếu biết đối tác không thích họ, số tình nguyện viên có cảm tình với đối tác sẽ ít hơn hẳn.
Điều này có ý nghĩa ra sao với chúng ta? Hãy quay lại câu hỏi trước đó – nếu hiện tượng này có thể dễ dàng quan sát được, tại sao mọi người không sử dụng nó triệt để. Nếu mang thắc mắc này đi hỏi mọi người, ta có thể nhận được nhiều câu trả lời khác nhau. Tuy nhiên, về cơ bản, mọi thứ chỉ tóm gọn ở một số yếu tố, đó là bạn sẽ nhận được gì khi cố gắng bày tỏ cảm tình.
Kết luận lớn nhất rút ra được là, khi thừa nhận trước rằng bạn thích ai đó, bạn sẽ tạo ra một động lực để củng cố mối quan hệ, khiến mọi người đánh giá cao hơn về bạn hoặc đáp lại thiện chí của bạn nhiều hơn. Tuy nhiên, thừa nhận trước cũng có thể khiến ta dễ tổn thương nếu không được đáp lại, đó là lý do chính tại sao nguyên tắc “có đi có lại” không được sử dụng rộng rãi như ta nghĩ. Có thể điều này khá vô lý, nhưng mọi người không thích bị người khác khước từ cảm xúc trong phần lớn hoàn cảnh, cho dù tỷ lệ thành công cao hơn tỷ lệ thất bại. Ngay cả khi bạn nói rằng bạn thích ai đó, họ vẫn có thể không đáp lại bạn. Khá là kinh ngạc khi nghĩ đến con đường dài đằng đẵng và nhiều gian khổ mà một người phải trải qua, đơn giản chỉ để tránh nguy cơ bị từ chối trong bất kỳ khía cạnh nào đó của cuộc sống – và nguyên tắc “có đi có lại” cũng không thể giúp ta phá lệ.
Một khả năng nữa lý giải cho việc mọi người không tận dụng nguyên tắc cảm tình “qua lại” là hành động như thế có nguy cơ bị coi là giả dối, chỉ nhằm tâng bốc nịnh bợ, và bởi vậy, hiển nhiên nó chỉ là một chiến thuật để che giấu cho một mục đích sâu xa nào đó. Trong ví dụ trước của tôi, nếu tương tác của bạn không chỉ ngắn gọn mà còn vụng về, nhàm chán hoặc dễ đi vào quên lãng, thì khi bạn nghe được rằng ai đó có ấn tượng tốt với bạn, khả năng lớn là bạn sẽ băn khoăn tự hỏi tại sao họ lại nói vậy. Bạn thậm chí có thể nghĩ người kia thật kỳ quặc hoặc chỉ tỏ vẻ tử tế, cả hai trường hợp này đều không thể dẫn tới cảm tình từ cả hai phía.
Nếu lời khen của bạn bằng cách nào đó không “khớp” với cảm nhận của đối phương về cuộc hội thoại, thì việc bày tỏ cảm tình sẽ ít có khả năng tạo ra ảnh hưởng như bạn mong đợi. Do đó, tinh tế và chân thành vẫn là hướng hiệu quả nhất để áp dụng nguyên tắc cảm tình “có qua có lại”. Đừng khen hoặc bày tỏ tình cảm với người khác chỉ nhằm mục đích khiến họ thích bạn. Hãy tìm ra điểm gì đó mà bạn thực sự đánh giá cao ở họ và tập trung nói về nó. Chìa khóa ở đây là chân thành.
Nếu bạn thấy bị làm phiền, khó chịu, hay chán ngán bởi người khác thì việc cố tỏ ra là bạn thích họ trở nên rất khó khăn. Đối với nhiều người, để có thể trở nên dễ mến trong mắt người khác, bản thân họ cũng phải có cái nhìn tích cực về đối phương trước đã.
Sẽ có rủi ro tiềm ẩn nếu bạn chỉ đơn thuần là tiếp cận và nói với người khác rằng bạn thích họ. Nếu bạn vừa chân thành, vừa không sợ bị đối phương từ chối, bạn có thể thấy nguyên tắc cảm tình “có qua có lại” là một giải pháp khả thi giúp bạn đạt được những đỉnh cao mới trong thành công về mặt xã hội.