CƠ THỂ CƠ HỌC LƯỢNG TỬ CỦA CON NGƯỜI

DEEPAK CHOPRA

Trích: Chữa Lành Lượng Tử; Việt dịch: Lê Hà Lộc – Nguyễn Tăng Phú; NXB. Thế giới; Công ty XB Thiện Tri Thức, 2022

Vẻ đẹp của một bức tranh đơn giản như vậy nằm ở ý tưởng cho rằng trí thông minh là đơn giản; sự phức tạp nảy sinh khi một người cố gắng theo dõi bộ máy vô cùng phức tạp của hệ thống tâm-thể. Các mẫu sóng não của một người tâm thần và một nhà thơ trông giống nhau trên một cuộn giấy điện não đồ khi nó được in ra từ máy điện não, bất luận có phân tích tinh tế đến đâu. Khi nghĩ về hàng ngàn giờ cần có để mô tả một cách khoa học các hệ quả hóa học trong cuộc sống hằng ngày của một tế bào, một người bạn của tôi là nhà khoa học thần kinh nhận xét “Bạn phải kết luận rằng tự nhiên thật thông minh vì nó quá phức tạp để có thể nhận xét khác đi.”

Anh ấy hoàn toàn có thể nói “quá đơn giản”. Xét cho cùng, một bộ não con người, thứ thay đổi suy nghĩ của mình thành hàng nghìn chất hóa học mỗi giây, không quá phức tạp đến mức khó tưởng tượng. Ở Ấn Độ cổ đại, người ta cho rằng trí thông minh tồn tại ở khắp mọi nơi; nó được gọi là Brahman, từ tiếng Phạn có nghĩa là “đại ngã”, và rất giống một trường vô hình. Một câu nói từ hàng ngàn năm trước cho rằng một người chưa tìm thấy Brahman giống như một con cá khát chưa tìm thấy nước.

Toàn bộ sinh lý của chúng ta có thể được biến đổi nhanh chóng như một neuropeptit, đó là một phần không thể thiếu của cơ thể cơ lượng tử. Bởi vì chúng ta có thể thay đổi giống như thủy ngân lỏng, tính chất trôi chảy của cuộc sống là điều tự nhiên đối với chúng ta. Cơ thể vật chất là dòng sông nguyên tử, tâm trí là dòng sông tư tưởng, và thứ gắn kết chúng lại với nhau là dòng sông trí tuệ.

Có vẻ như cơ thể cơ lượng tử chỉ tham gia vào các tình huống sinh tử, nhưng không phải vậy. Chúng ta sống trong đó, một cách ngẫu nhiên và không suy nghĩ, cũng giống như chúng ta sống trong cơ thể nói chung. Một bệnh nhân của tôi đã thoáng thấy sự thật này khi đang ngồi trên bãi cỏ ăn bánh mì Pháp và nghe nhạc Mozart. Cô ấy là một ca bệnh rất mệt mỏi trong hơn hai năm qua. Cô ấy đã phải chịu đựng một số triệu chứng khó chịu, bao gồm ruột kích thích, đau đầu, mệt mỏi, mất ngủ và trầm cảm, mọi nỗ lực chữa trị đều phải chịu thua. Không có vấn đề nào trong số này gây ra tử vong nhưng dù sao thì chúng cũng khiến cuộc sống của cô trở nên khốn khổ. Điều trị thông thường bằng thuốc chống trầm cảm và thuốc an thần đã chẳng giúp cô khá lên được chút nào; và mọi nỗ lực sử dụng Ayurveda của tôi cũng vậy.

Rồi một ngày cô đến Tanglewood, nhà nghỉ hè của Dàn nhạc giao hưởng Boston, một nơi bình dị để tổ chức một buổi dã ngoại. Cô trải một tấm vải ca rô, nằm phơi nắng nghe nhạc và bình yên ăn trưa. Những điều này khiến cô rất hạnh phúc, và đêm đó cô đã ngủ ngon lần đầu tiên sau nhiều năm. Tuy nhiên, cô đã quá quen với việc bị ốm nên sự kiện mới này đã không ghi dấu ấn cho cô. Một năm đau khổ nữa trôi qua, cho đến khi cô phải đến Tanglewood một lần nữa, và điều tương tự đã xảy ra – tất cả các triệu chứng của cô biến mất trong ngày, và cô ngủ rất ngon vào đêm hôm đó.

Lần này việc ấy đã ghi dấu ấn. Cô ấy đến gặp tôi với tâm trạng hân hoan, tay vẫy một tập báo in lại từ các tạp chí y khoa về hội chứng SAD. Đây là từ viết tắt cho “Hội chứng rối loạn theo mùa, đề cập đến tình trạng bệnh nhân trở nên trầm cảm nghiêm trọng vào mùa đông mà không rõ nguyên nhân. Bây giờ chúng ta biết rằng nguyên nhân của tình trạng này liên quan đến cơ quan tuyến tùng, sâu bên trong hộp sọ; tuyến nội tiết nhỏ, phẳng, hình bầu dục này, mặc dù được bao bọc bởi vật chất não, phản ứng với những thay đổi của ánh sáng mặt trời, là nguồn gốc của “con mắt thứ ba” mà ai cũng muốn được khai mở trong phong trào New Age (một số động vật bậc thấp như chim ưng biển thực sự có con mắt thứ ba). Ở một số người, việc tiếp xúc không đủ với ánh sáng mặt trời vào mùa đông sẽ làm tăng chất được tiết ra từ tuyến tùng của họ; tuyến bắt đầu sản xuất quá nhiều hormone gọi là melatonin, dẫn đến trầm cảm.

“Thấy chưa”, cô ấy nói, “Tôi đã bị SAD suốt, và bằng cách ngồi dưới ánh nắng mặt trời, tôi lại có được một tuyến tùng bình thường”.

“Tôi xin lỗi”, tôi nói, “nhưng chứng rối loạn đó xảy ra vào mùa đông”. Mặt cô ấy bắt đầu sa sầm, và tôi nhanh chóng nói thêm, “Tuy nhiên, dầu sao cô cũng đã chạm được vào một thứ quan trọng. Bây giờ chúng ta biết đây là chứng thiếu hụt gì và chúng ta có thể điều trị”.

“Cái gì vậy?”, cô ấy hỏi.

“Chứng thiếu dã ngoại”, Tôi nói. Lần đầu tiên kể từ khi tôi biết cô, cô nở một nụ cười chân thành với tôi.

Việc tự điều trị của cô ấy tiếp tục có hiệu quả. Cô thường xuyên thoát khỏi sự tù túng của tòa nhà văn phòng để ngồi dưới ánh nắng mặt trời vào bữa trưa, nói chuyện với bạn bè và nghe rất nhiều nhạc Mozart. Điều này nghe có vẻ không giống y học tiên tiến, và theo một nghĩa nào đó thì đúng là không, nhưng lý do nó có hiệu quả là chúng ta cần Thiên nhiên để giải phóng bản chất của chúng ta. Chúng ta được bao quanh bởi những gì tốt nhất của tất cả các tác dụng chữa bệnh – không khí trong lành, ánh nắng và vẻ đẹp. Ở Ấn Độ, một thầy thuốc và nhà hiền triết vĩ đại tên là Charaka, người được mệnh danh là Hippocrates của Ayurveda, đã kê đơn ánh nắng cho tất cả các bệnh, cùng với việc đi bộ vào buổi sáng sớm, và lời khuyên của ông sẽ không bao giờ lỗi thời.

Nếu tôi tìm thấy một đồng cỏ xanh ngát với những bông cúc và ngồi xuống bên một con suối trong vắt, tôi đã tìm thấy thuốc. Nó xoa dịu nỗi đau của tôi như khi tôi ngồi trong lòng mẹ hồi còn thơ ấu, bởi vì Trái Đất thực sự là mẹ tôi, và đồng cỏ xanh là lòng mẹ. Bạn và tôi là những người xa lạ, nhưng nhịp điệu bên trong cơ thể chúng ta lắng nghe cùng các cơn triều đại dương đã nâng niu chúng ta trong một khoảng thời gian vượt ngoài ký ức.

Thiên nhiên là thầy chữa lành cho con người, bởi vì Thiên nhiên là con người. Khi Ayurveda nói rằng mặt trời là mắt phải của chúng ta và mặt trăng là mắt trái của chúng ta, đừng cười nhạo. Bằng cách tắm chúng ta trong mặt trăng, mặt trời và biển cả, Thiên nhiên đã tạo hình nên những cơ thể mà chúng ta cư ngụ. Đây là những thành phần đã cung cấp cho mỗi chúng ta một phần của Thiên nhiên – một nơi trú ẩn, hệ thống hỗ trợ sự sống, người bạn đồng hành thân thiết và ngôi nhà trong suốt bảy thập kỷ hoặc hơn.

Việc khám phá ra lĩnh vực lượng tử đã mở ra một con đường, nương theo những tác động của mặt trời, mặt trăng và biển nằm sâu hơn trong chính chúng ta. Tôi đưa bạn đến đó chỉ với hy vọng rằng có nhiều sự chữa lành hơn sẽ được tìm thấy ở đó. Chúng ta đã biết rằng bào thai người phát triển bằng cách ghi nhớ và bắt chước hình dạng của cá, động vật lưỡng cư và động vật có vú thời kỳ đầu. Những khám phá về lượng tử cho phép chúng ta đi vào nguyên tử của chính chúng ta và ghi nhớ chính vũ trụ sơ khai. Hàng thiên niên kỷ trước, ánh sáng và nhiệt ra đời trong vũ trụ, tồn tại trong 20 tỷ năm; tuy nhiên, chỉ có con người mới tạo ra tia lửa, thắp sáng ngọn lửa, nhen lên sự sống. Trong kinh Vệ đà của Ấn Độ, ngọn lửa thiêng trong lò sưởi có chung tên Agni với ngọn lửa tiêu hóa trong bụng và ngọn lửa mặt trời trong không trung.

Ngài Arthur Eddington đã từng khẳng định rằng có hai thực tại phải được biết đến theo cách riêng của chúng, một thực tại ít quan trọng, thực tại còn lại tuyệt đối quan trọng. Cái ít quan trọng là thực tại cơ học được khoa học nghiên cứu; cái quan trọng nhất là thực tại của con người về trải nghiệm thông thường. Trong thực tại khoa học, Eddington nói, Trái Đất là một hạt vật chất quay xung quanh một ngôi sao tầm thường, cả hai chúng đều trôi dạt giữa hàng tỷ vật thể sao quan trọng hơn. Nhưng trong thực tại của con người, Trái Đất vẫn là trung tâm của vũ trụ, bởi vì sự sống mà nó chứa đựng là thứ quan trọng duy nhất tồn tại, ít nhất là đối với chúng ta.

Biểu hiện sâu sắc nhất của ý tưởng này đến với tôi từ một bệnh nhân gặp nhiều vấn đề về sức khỏe, trong đó có cả ung thư. Để lấy lại tỉnh táo, cô đã viết ra một số trải nghiệm quan trọng từ quá khứ của mình. Một trong số đó xảy ra hồi cô 16 tuổi; cô đặt tựa cho nó là “Làm thế nào tôi có thể là mặt trăng? – tuổi 16”:

Nằm một mình trên đồng cỏ, tối đen ngoại trừ trăng tròn quyến rũ. Có một cảm giác yên tĩnh bao trùm. Bản thể của tôi cùng lúc là một phần của trái đất và là một phần của ánh sáng mặt trăng trắng tinh khôi. Không có gì khác quan trọng cả. Trong một giây tôi tự hỏi, “Mình đã chết sao?” Điều đó không quan trọng – tôi đang dành một giờ trong vòng tay Chúa, và nó sẽ trở thành một phần của tôi.

Số người từng có những trải nghiệm như vậy nhiều đến đáng ngạc nhiên, Eddington gọi trải nghiệm đó là “sự tiếp xúc thần bí với trái đất”. Bệnh nhân của tôi sau đó dần chuội khỏi trải nghiệm của cô ấy, dần quen với guồng quay của công việc và những lo lắng gia đình khiến tất cả chúng ta đã mất kết nối với Thiên nhiên; trong trường hợp của cô, căng thẳng tích tụ dẫn đến bệnh tật thường xuyên. (Cô ấy dí đỏm nói về cuộc sống sau này của mình, “Đi ngược lại với Tự nhiên – Đây gọi là trưởng thành sao?”)

Điều bất thường là khi cô ấy ngừng đi ngược lại với Tự nhiên, cảm giác tiếp xúc cũ đã trở lại với sự tươi mới chưa từ có. Vào những năm gần 30 tuổi, cô đến thăm bờ biển Thái Bình Dương và viết như sau:

Trong khoảng hai giờ trên bãi biển một mình, tôi lại ở với Chúa. Tôi là cơn sóng, là âm thanh và sức mạnh của nó. Tôi là cát, ấm áp, rung động, sống động. Tôi là cơn gió nhẹ, mềm mại và tự do. Tôi là bầu trời, vô tận và trong sáng… Tôi chỉ cảm thấy tình yêu tuyệt vời. Tôi không chỉ là cơ thể của mình và tôi biết điều đó. Khoảnh khắc này hoàn toàn thanh tao và đẹp đẽ.

Với tư cách là một bác sĩ, tôi cũng tin những gì cô ấy thể hiện. Cơ chế chữa bệnh bên trong chúng ta hoàn toàn khớp với cơ chế bên ngoài. Cơ thể con người trông không giống như đồng cỏ xanh, nhưng những làn gió của nó, dòng nước, ánh sáng mặt trời và mặt đất đang tươi cười kia chỉ đơn thuần biến đổi thành chúng ta, không bị lãng quên. (Có lý do chính đáng để tất cả các nền y học cổ đại nói rằng con người được tạo ra từ đất, không khí, lửa và nước.) Bởi vì cơ thể thông minh, nó biết sự thật này, và khi trở về nhà với Thiên nhiên, nó cảm thấy tự do. Với niềm vui tràn trề, nó biết mẹ mình. Cảm giác tự do và vui vẻ đó là điều quan trọng – nó cho phép bản chất bên trong và Thiên nhiên bên ngoài hòa quyện. Điều này cũng đúng với cơ thể lượng tử; nó chỉ là một cánh cửa trở lại Thiên nhiên. Người ta thậm chí không cần phải giải thích nó, ngoại trừ một thực tế đáng buồn là trí năng khi đi ngược lại với Tự nhiên đã thực hiện công việc chặn cửa tốt đến như thế. Còn rất nhiều điều để nói về cơ thể lượng tử. Tôi không thể nghĩ ra điều gì chúng ta cần biết thêm. Ngày nay, y học muốn tạo ra bước nhảy vọt vượt qua tình thế lưỡng nan hiện tại, nhưng mong muốn đã biến thành chờ đợi. Một sinh viên cùng trường y của tôi ở New Delhi đã thăng tiến vượt bậc với tư cách là một bác sĩ nghiên cứu ở Hoa Kỳ, trở thành giáo sư tại Trường Y Harvard trước khi bước sang tuổi 45. Gần đây chúng tôi ngồi ăn tối trong một nhà hàng ở Boston và anh ấy dự đoán tương lai. Anh nói: “Tất cả các nhà nghiên cứu hàng đầu đều lặng lẽ gặp nhau ở Washington, và chúng tôi nhất trí rằng đến năm 2010, sẽ không có căn bệnh ung thư lớn nào được chữa khỏi, và sẽ không có đột phá nào trong hiểu biết về AIDS. Tiên lượng u ám này phải được tránh bằng mọi giá. Nó có thể là khoa học hoàn hảo, nhưng không có ý nghĩa gì nếu nhìn từ quan điểm lượng tử. Tất cả chúng ta đều là những nhà thám hiểm sành sỏi trong lãnh địa vùng (?), nơi mà khoa học dò dẫm chỉ với một tia sáng nhỏ. Điều này không gợi ra một giải pháp sao? Những thất bại bí ẩn của trí thông minh của cơ thể đã xảy ra trong bệnh ung thư và AIDS đều có thể được xác định bởi một sự biến dạng duy nhất – một đường vòng sai lạc vào vùng ẩn của trí thông minh của ADN. Để xem vấn đề tâm-thể có thể được giải quyết như thế nào, chúng ta cần xem xét kỹ hơn những đường vòng này và nguồn gốc vô hình của chúng.

Bài viết này đã đóng bình luận.


Bài viết liên quan

  1. NĂNG LỰC CHỮA LÀNH ĐẾN TỪ GIẢ ĐỊNH
  2. THIỀN – NĂNG LỰC CHỮA LÀNH CỦA TÂM

Bài viết khác của tác giả

  1. CHẾT CÓ Ý THỨC
  2. NHỮNG NGUYÊN TẮC MẠNH MẼ GIÚP BẠN ĐẠT TỚI SỰ LÀM CHỦ CÁI TÔI
  3. NHỮNG GÌ BẠN NHÌN THẤY, BẠN TRỞ THÀNH NHƯ VẬY

Bài viết mới

  1. KIÊN TRÌ ĐẾN LÚC THÀNH CÔNG
  2. BẢN TÁNH TỐI HẬU CỦA TÂM
  3. BA CON ĐƯỜNG