CƠ THỂ PHI TUỔI TÁC, TÂM TRÍ PHI THỜI GIAN

DEEPAK CHOPRA

Trích: Cơ Thể Phi Tuổi Tác, Tâm Trí Phi Thời Gian; Người dịch: Kiều Anh Tú; NXB. Thế giới; Công ty sách Thái Hà, 2023

Có một điều thú vị về lão hóa, đó là chưa ai từng chứng minh nó là cần thiết. Khoảng 20 năm trước, khi cuốn sách này lần đầu xuất hiện, thực tế đáng kinh ngạc này đã đúng, và ngày nay, thậm chí nó còn đúng hơn. Ai cũng già đi. Tôi biết điều đó. Nhưng tôi đã được truyền cảm hứng từ một câu nói của triết gia Ấn Độ cổ đại Adi Shankara. Ông tuyên bố rằng “mọi người già đi và chết vì họ thấy người khác già đi và chết”.

Cả một cuốn sách đã ra đời chỉ do tôi tự hỏi rằng liệu điều này có khi nào lại đúng không.

Y học hiện đại đã cung cấp cho tôi một vài manh mối. Đầu tiên, “tân lão hóa” đã xuất hiện. Các bác sĩ bắt đầu nhìn thấy những bệnh nhân dù đã cao tuổi nhưng cơ thể và tâm trí còn rất trẻ. Rõ ràng sự lão hóa không có khuôn mẫu cố định và chắc chắn không phải lúc nào cũng là 70 tuổi như Kinh Thánh đã nói. (Trong một cuộc thăm dò ý kiến gần đây về thời điểm bắt đầu tuổi già thì mọi người trả lời rằng, trung bình, nó bắt đầu năm 85 tuổi. Một con số đáng kinh ngạc nếu bạn để tâm suy nghĩ). Thứ hai, bộ não đã được tái định hình. Khi tôi học trường Y, và cả lâu sau đó, mọi người đều cho rằng bộ não bị mất nơ-ron khi con người già đi; nó không có khả năng tự hồi phục sau sang chấn; nó không có khả năng phát triển tế bào não mới. Giờ chúng ta biết rằng cả ba giả định trên đều sai. Bộ não có thể làm mới và tự chữa lành, nó có thể phát triển những kết nối mới trong suốt cuộc đời một con người.

Một ví dụ kịch tính của điều này là nhiều người già ngày nay đang chơi một loạt những trò chơi được thiết kế với mục đích giúp não bộ luôn trẻ trung và dẻo dai. Những “phòng tập dành cho não bộ” này hoạt động trên nguyên tắc là bộ não phát triển những đường dẫn mới bất cứ khi nào nó gặp phải những nhiệm vụ mới. Khẩu hiệu “Không dùng thì mất” đã xuất hiện khi cuốn sách này được viết ra, nhưng nó còn quá thiếu sót. Nhờ một lĩnh vực mới có tên là khả biến thần kinh – lĩnh vực nghiên cứu khả năng thay đổi của bộ não – các nhà nghiên cứu đã đạt được niềm tin là bộ não có độ dẻo dai vô hạn.

Phát hiện lớn nhất trong suốt 20 năm qua là gen. Phần lớn mọi người đều đã đọc những dòng tít lớn về việc vẽ bản đồ gen người. Đó là một thành tựu vĩ đại và cuối cùng, toàn bộ ba tỉ mảnh ADN người đã được giải mã. Điều phần lớn mọi người không biết là thay vì khiến ADN trở nên dễ hiểu hơn, tấm bản đồ mới lại càng khiến mọi thứ thêm bí ẩn. Hóa ra chúng ta có ít gen hơn đáng ra phải có khá nhiều, khoảng 20.000 đến 30.000 gen. Một số động vật cấp thấp còn có nhiều gen hơn. Các quy trình sống cơ bản của chúng ta ở cấp độ gen giống với những thứ mà không hề giống chúng ta, ví dụ như chuối hay khỉ đột. Làm thế nào những quy trình cơ bản này tiến hóa thành một tạo vật tối cao như bộ não người vẫn hoàn toàn là một bí ẩn. Thậm chí còn bí ẩn hơn khi để tạo nên một đặc điểm nhất định thì cần sự kết hợp lỏng của nhiều gen khác nhau. Đây là một bước lùi đau đớn cho bất kỳ ai muốn tìm ra một gen duy nhất nào đó chịu trách nhiệm cho ung thư, béo phì, v.v.. Mặc dù đúng là có một gen duy nhất chịu trách nhiệm cho việc bạn mắt xanh hay tóc vàng, nhưng một việc đơn giản như bạn cao bao nhiêu lại phụ thuộc vào tận 20 gen. Và ngay cả khi có thể phân tích toàn bộ 20 gen đó, bạn cũng không thể nói với một người mẹ rằng đứa con mới sinh của cô sau này sẽ cao bao nhiêu; cùng lắm thi bạn cũng chỉ biết được 2/3 câu chuyện mà thôi.

Nếu bạn ghép những phát hiện mới này lại với nhau, một bức tranh đáng kinh ngạc sẽ hiện ra. Nếu bộ não và ADN không cố định thì chứng tỏ phải có khả năng thay đổi chúng, và nếu có thể thay đổi thì cái gì khiến chúng thay đổi? Bộ não không thể tự thay đổi mình. ADN không quyết định những trải nghiệm mà bạn muốn có hay xảy đến với bạn theo cách nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn. Trẻ em Nhật Bản ngày nay có cùng bộ gen với ông cha mình nhưng thay vì là một chủng tộc thấp bé, giờ đây người Nhật là dân tộc cao thứ tư trên thế giới. Cuộc tranh luận cổ xưa giữa nuôi dưỡng và tự nhiên đã bị quét sạch. Tự nhiên thiết lập nên nền tảng bằng cách cho bạn một cơ thể nhưng tâm trí chịu trách nhiệm nuôi dưỡng, và tâm trí muốn làm gì thì tự nhiên sẽ tuân theo. Ví dụ, những phát hiện gần đây trong việc phòng ngừa bệnh tim mạch đã chỉ ra rằng nếu bạn thực hiện những thay đổi tích cực trong lối sống – chế độ ăn lành mạnh hơn, rèn luyện cơ thể nhiều hơn, quản lý căng thẳng một cách tích cực, và thiền – thì có đến 500 gen sẽ thay đổi biểu biện của chúng. Tức là, bạn sẽ “bật” những gen tốt và “tắt” những gen xấu. Những thay đổi trong lối sống không đến từ bộ não, chúng đến từ ý định, quyết tâm, sự phán xét, và thấu hiểu – tất cả những đặc điểm của tâm trí.

Khi nhìn lại, tôi rất vui và mãn nguyện khi Cơ thể phi tuổi tác, tâm trí phi thời gian đã báo trước những sự phát triển này, Nhưng tôi chẳng có công lao gì trong việc đó. Adi Shankara đã nói trước với tôi điều tôi cần biết: Chúng ta già đi và chết đi vì chúng ta thấy người khác già đi và chết. Ý tưởng này giản đơn một cách phi thường mà cũng táo bạo một cách phi thường. Làm thế nào một người, dù thông thái đến mấy, có thể thấy được một tri kiến như vậy? Đó là bởi tại Ấn Độ thời cổ đại, giáo lý cơ bản nhất là ý thức có trước. Từ ý thức tuyệt đối hay bản thể thuần khiết, toàn bộ sự sáng tạo mới nảy sinh. Có ba cấp độ sáng tạo: thế giới của các vật thể hữu hình, thế giới của các vật thể vi tế và thế giới của các vật thể vô hình. Các vật thể hữu hình thì dễ: những hòn đá, cây cối, đám mây, ngôi sao. Năm giác quan của chúng ta được thiết lập để định hình thế giới đầu tiên này. Các vật thể vi tế cũng không khó, đó là: cảm xúc, suy nghĩ, mong muốn, ước mơ và nỗi sợ. Tâm trí chúng ta được thiết lập để định hình thế giới thứ hai này. Nhưng chuyên môn thực sự của những nhà tiên tri Vệ Đà cổ đại là thế giới vô hình, nơi mà chỉ ý thức tồn tại và chỉ ý thức mới có thể biết chính mình.

Trong thế giới này, các hạt giống của sự sáng tạo được gieo. Tình yêu, sự thật, vẻ đẹp, trí tuệ và hòa bình, những điều truyền đi sự thấu hiểu, cư ngụ ở đây. Ngay cả khi vô hình, thế giới thứ ba vẫn có sức mạnh vô hạn. Nếu có thể dừng bị sao nhãng bởi năm giác quan và hướng sự chú ý vào bên trong mỗi chúng ta sẽ tìm được bản thể đích thực của mình trong địa hạt vô hình. Tại đó, chúng ta cũng sẽ khám phá ra sức mạnh có thể tạo nên bất cứ thứ gì. Cơ thể phi tuổi tác không phải là điều bất khả thi; tất cả những gì bạn cần làm chỉ là xác định tâm trí phi thời gian của mình. Uy tín của tôi nằm ở lời hứa này và đến nay nó vẫn còn nguyên vẹn. Dù cho gần đây khoa học đã có những bước tiến lớn nhưng chúng ta vẫn sống trong một xã hội coi trọng vật chất, nơi người ta tin vào những thứ hữu hình và hoài nghi những thứ vô hình. Tôi từng hy vọng rằng cuốn sách này sẽ là một tia sáng hy vọng, dẫn đường cho bất cứ ai đã thức tỉnh và thoát khỏi vũng lầy vật chất. Hôm nay, gần 20 năm sau, ý định của tôi vẫn như vậy, khác biệt duy nhất là hy vọng đã rực rỡ hơn nhiều.

Deepak Chopra

Tháng Mười hai, năm 2009

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. ÁP DỤNG QUY LUẬT NỖ LỰC TỐI THIỂU
  2. CHẾT CÓ Ý THỨC
  3. NHỮNG NGUYÊN TẮC MẠNH MẼ GIÚP BẠN ĐẠT TỚI SỰ LÀM CHỦ CÁI TÔI

Bài viết mới

  1. SỬ DỤNG HIỆU QUẢ SIÊU NĂNG LỰC QUYỀN LỰC & TÁC ĐỘNG
  2. CÂU TRẢ LỜI ĐÃ CÓ SẮN TRONG CÂU HỎI – PHẬT GIÁO TRONG THẾ GIỚI TÂN TIẾN NGÀY NAY
  3. THẦY VÀ ĐỆ TỬ