CÔNG HẠNH

HE. GARCHEN RINPOCHE VIII

Trích: Ngọn Đèn Trí Tuệ Tỏa Khắp; Trần Thị Lan Anh dịch – Hiệu đính: Ban dịch thuật Thiện Tri Thức; NXB Thiện Tri Thức.

Câu hỏi: Xin Ngài ban hướng dẫn về việc thực hiện các hoạt động thế gian trong trạng thái chú tâm thiền định? Dường như khi con ở trong thiền định thì thời gian trôi qua chậm, mọi cử động cũng chậm hơn và con có ít niệm tưởng hơn. Tuy nhiên trong thực tế thì lại cần hành động nhanh và suy nghĩ nhiều.

Rinpoche: Trong tất cả các hoạt động hàng ngày và các công việc thế gian, con vẫn cần duy trì chánh niệm – cần nhận ra sự sinh khởi của mọi niệm tưởng. Tất nhiên cùng lúc đó con vẫn phải làm những việc cần làm, nhưng con cần kiểm soát các niệm tưởng tiêu cực như sân giận, bám luyến, đố kỵ, kiêu mạn v.v. Rõ ràng là con cần phải nghĩ về các việc quan trọng để thực hiện các mục đích. Bên cạnh đó, một số người thực ra lại trở nên lười biếng hơn khi họ tu tập thiền định, bởi vì những người này chỉ muốn ngồi yên lặng và thiền, họ không muốn làm việc hoặc làm bất cứ thứ gì khác bởi vì họ bám chấp vào thiền định. Khi điều này xảy ra, con cần trưởng dưỡng phương diện sáng tỏ của tâm. Con hãy đứng dậy, làm việc gì cần làm, và hãy cần mẫn trong những công việc ấy. Sự sáng tỏ của tâm là thiết yếu. Bất cứ khi làm việc gì, con cần hoàn toàn tỉnh giác về mọi công đoạn con đang làm. Hãy biết rõ về việc mình đang làm trong mọi khoảnh khắc. Đức Phật đã dạy rằng khi con đi hãy biết là con đang đi, khi con ngồi hãy biết là con đang ngồi, khi con ăn hãy biết là con đang ăn – hãy nhận biết mọi việc con làm.”.

Nếu con chánh niệm, con sẽ vượt qua được mọi niệm tưởng tiêu cực. Niệm tưởng vẫn có thể sinh khởi nhưng thông qua chánh niệm, con sẽ nhận ra chúng và khi đó chúng sẽ lại biến mất đi. Tất nhiên con cứ làm các việc cần phải làm, nhưng con không nên phản ứng lại với trạng thái tâm tiêu cực. Ví dụ khi có ai đó xúc phạm con, thì thường con sẽ có xu hướng tức giận lại với người kia, nhưng nếu giữ được chánh niệm thì con có thể chỉ cần chờ đến khi cơn giận lắng xuống. Khi con ở trong trạng thái tốt và với tâm sáng tỏ, con có thể nói chuyện với người ấy để làm rõ quan điểm của mình, và có thể nói rằng “Điều bạn nói thực ra không đúng. Mình không làm cái việc mà bạn đã buộc tội cho mình.” Nếu người kia thật sự sai, con có thể giải thích để người ấy biết sự thực. Nhưng con không nên nói chuyện với người khác trong trạng thái cảm xúc tiêu cực. Nếu con giữ được tỉnh thức, con sẽ kiểm soát được hành động của mình. Điều này giống như đang thiền định.

Với chánh niệm, chúng ta có thể loại trừ được những lỗi lầm trong tâm. Ví dụ, con nên nhìn vào các phẩm tính của bạn mình và không nên nhìn vào lỗi lầm của họ.

Ngài Patrul Rinpoche đã dạy rằng “Đừng nhìn vào lỗi lầm của người khác, hãy nhìn vào lỗi lầm của chính mình.” Bạn của con có cả những lỗi lầm và những phẩm tính, nhưng nếu con chỉ chú trọng vào những lỗi lầm của bạn thì cuối cùng con sẽ tức giận với người bạn và rồi cả hai sẽ chia tay nhau. Nếu con nhìn thấy những lỗi lầm ở người khác thì khi ấy con nên nhìn lại bản thân và nghĩ rằng “Mình có lỗi lầm đó hay không?” Con sẽ thấy rằng mình cũng có lỗi lầm bởi vì lỗi lầm là cảm xúc tiêu cực. Vì thế đó không thực sự là lỗi lầm của người bạn, người bạn của con có Phật tánh. Lỗi lầm là cảm xúc tiêu cực của chính con. Lỗi lầm của người bạn thực ra là rất nhỏ khi so với những phẩm tính lớn lao của người ấy, ví dụ như người ấy yêu thương con, làm việc vất vả, tốt bụng. Vì thế con cần nghĩ về những phẩm tính của bạn, và do vậy, tình yêu thương của con với người bạn sẽ tăng trưởng.

Và chúng ta cũng được dạy rằng “đừng nhìn vào những phẩm tính của chính mình”. Ví dụ, con nghĩ rằng “giữa mình và người bạn đời thì mình là người làm mọi việc. Mình làm mọi thứ và mình kiếm tiền.” Nếu suy nghĩ theo cách này, con sẽ khởi lòng kiêu mạn, và sự kiêu mạn này sẽ chuyển thành sân giận. Và rồi kết cục là con sẽ chia tay người bạn đời. Nếu con là người làm việc thì hãy nghĩ rằng mình đang thực hành hạnh bố thí. Người bạn đời là sự trợ duyên cho việc thực hành kham nhẫn và trì giới. Mình cần phải trưởng dưỡng Bồ Đề Tâm – điều này là quan trọng nhất.”

Từ hôm nay cho đến khi đạt được giác ngộ, con cần trưỡng dưỡng tình yêu thương cho tha nhân và cho tất cả mọi hữu tình – bạn đời, bạn bè, thậm chí là kẻ thù, động vật, hay tất cả các chúng sinh khác. Cho dù con có tất cả tiền bạc và của cải trên thế gian này thì điều này cũng không có thực chất. Trong khi nếu con chỉ có tình yêu thương thì thông qua tất cả các đời vị lai, con sẽ được tái sinh ở trong các cõi cao và rốt ráo con sẽ đạt được giác ngộ. Vì thế con đừng bao giờ nhìn vào lỗi lầm của người khác mà chỉ nhìn vào phẩm tính của họ. Con đừng nhìn vào các phẩm tính của mình mà hãy nhìn vào các lỗi lầm của mình. Trách nhiệm của con là phải tịnh hóa tâm mình. Vì thế khi còn nhìn thấy lỗi lầm ở người khác thì hãy nhìn lại vào bản thân mình và thấy rằng con cũng có lỗi lầm này. Ngài Sakya Pandita đã nói rằng chim công là loài tốt nhất trong các loài chim bởi vì nó luôn nhìn lại mình, nó luôn cố gắng để làm sạch bản thân. Loài chim tệ nhất là con cú bởi vì chẳng ai thích nghe tiếng cú. Ai cũng bực mình khi nghe tiếng kêu của loài cú – như thế là ai đó đang đi nói về lỗi lầm của người khác. Vì thế bất cứ khi nào con thấy lỗi lầm của người khác thì hãy nhìn lại bản thân và cố gắng tịnh hóa lỗi lầm của chính mình. Nếu con chỉ đi chỉ trích người khác thì con chỉ là một người thường phàm. Đây là điểm quan trọng.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. THIỀN TRONG CÔNG VIỆC
  2. HẠNH CỦA ĐẤT

Bài viết khác của tác giả

  1. KHAI THỊ SỐ 13: CHUẨN BỊ CHO CÁI CHẾT
  2. SÂN GIẬN
  3. NHỮNG HÌNH THỨC BIỂU HIỆN CỦA TÌNH YÊU

Bài viết mới

  1. THỰC HÀNH BỒ ĐỀ TÂM
  2. LÒNG TỰ TRỌNG
  3. LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÁT KHỞI LÒNG SÙNG MỘ