JIDDU KRISHNAMURTI
Bao lâu dạy học chỉ là một nghề, phương tiện sinh nhai, chứ không phải là một sự cống hiến, thì buộc phải có một khoảng cách rộng lớn giữa thế giới và chúng ta; cuộc sống gia đình và công việc của ta luôn luôn tách rời và khác biệt. Bao lâu giáo dục chỉ là một công việc giống như bất cứ công việc nào khác, thì sự xung đột và thù hằn giữa những cá nhân và những giai cấp khác nhau của xã hội là không thể tránh; sẽ còn gia tăng mãi những cuộc tranh giành, săn đuổi tàn bạo của tham vọng bản thân và sẽ còn mãi việc dựng lên những sự chia rẽ về quốc gia và chủng tộc tạo ra tình trạng đối đầu và chiến tranh triền miên.
Nhưng nếu ta tự nguyện thành tâm dâng hiến đời mình để làm những nhà giáo dục chân chính, ta không còn tạo ra những rào cản giữa cuộc sống gia đình và cuộc sống ở trường học, bởi vì khắp nơi chúng ta quan tâm đến sự tự do và trí tuệ hay trí thông minh. Ta coi trọng ngang nhau trẻ con giàu và nghèo, nhìn từng đứa bé như một cá nhân với tính khí đặc biệt, sự di truyền, những tham vọng riêng tư của cá nhân đó, và v.v… Ta quan tâm, không phải một lớp học, không phải đứa mạnh hay đứa yếu, mà là quan tâm đến sự tự do và hợp nhất của mỗi cá nhân.
Cống hiến đời mình cho công cuộc giáo dục chân chính phải hoàn toàn tự nguyện. Đó không phải là kết quả của bất kỳ niềm tin hay hy vọng thắng lợi nào của bản thân; và phải thoát ly những sợ hãi dấy khởi từ khát vọng thành công và thành đạt. Tự đồng nhất vào sự thành công hay thất bại của nhà trường vẫn còn nằm trong phạm vi động cơ riêng tư của bản thân. Nếu dạy học là một thiên hướng, nếu ta xem giáo dục chân chính như một nhu cầu sinh tử đối với cá nhân, bấy giờ ta sẽ không để mình bị cản trở hay không để bị đánh lạc hướng bởi chính tham vọng của mình hay của người khác; ta sẽ tìm thấy thời gian và cơ hội cho công cuộc giáo dục chân chính này, và ta sẽ dấn thân vào đó mà không tìm bất kỳ sự ban thưởng, danh vọng hay tiếng tăm nào cả. Bấy giờ, mọi thứ khác – gia đình, sự an toàn bản thân, tiện nghi vật chất – trở thành thứ yếu.
Nếu ta thực tâm, tha thiết muốn làm nhà giáo chân chính, ta phải bất mãn một cách triệt để, không phải với một hệ thống giáo dục đặc biệt nào mà với mọi hệ thống, bởi vì ta thấy rằng không phương pháp giáo dục nào có thể giải phóng cá nhân. Phương pháp hay hệ thống có thể qui định cá nhân bằng hàng loạt những giá trị khác biệt, nhưng nó không thể làm cho cá nhân tự do.
Ta cũng phải hết sức cảnh giác để không rơi vào chính hệ thống của ta mà trí não luôn luôn dựng lên. Có một mô hình đạo đức, hành động tạo một cảm giác thuận lợi, an toàn, thế nên trí não ẩn núp bên trong chính những động thái tạo thành công thức của nó. Kiên trì cảnh giác gây khó chịu và phiền nhiễu, nhưng phát huy và rập theo một phương pháp không đòi hỏi phải suy nghĩ chi cả.
Sự lặp đi lặp lại và thói quen khuyến khích trí não lười biếng; một va chạm cần thiết để đánh thức trí não và ta gọi va chạm đó là vấn đề. Ta cố gắng giải quyết vấn đề này rập theo những giải thích, biện minh và lên án cũ mèm, tất cả mọi việc làm đó ru trí não ngủ lại. Trí não cứ mãi bị vướng mắc trong hình thái lười biếng này và nhờ giáo dục chân chính không chỉ chấm dứt sự lười biếng đó ngay trong chính mình mà còn giúp học trò mình tri giác điều đó.
Một số người có thể hỏi, “Làm cách nào ta trở thành nhà giáo dục chân chính được?” Đúng vậy, hỏi “cách nào cho thấy đó không phải là một trí não tự do mà là một trí não nhút nhát, sợ sệt đang mong cầu lợi lạc, kết quả. Hy vọng và nỗ lực để trở thành cái gì đó chỉ khiến trí não tuân thủ một mục đích mong muốn, trong khi đó, một trí não tự do thì kiên trì quan sát, học hỏi, và do đó, phá vỡ những trở ngại do cái tôi phóng hiện.
Tự do diễn ra ở ngay lúc đầu tiên, tự do không phải là vật đạt được lúc cuối cùng. Khi ta hỏi “cách nào”, ta đang đối mặt với những khó khăn không thể vượt qua, và nhà giáo khao khát cống hiến đời mình cho giáo dục sẽ không bao giờ đặt câu hỏi này, bởi vì ông ta biết không có phương pháp nào nhờ đó ta trở thành nhà giáo dục chân chính được. Nếu ta quan tâm quyết liệt bằng tất cả sức sống của mình, ta không đòi hỏi một phương pháp để đảm bảo kết quả mà ta mong muốn.
Liệu có bất kỳ hệ thống tư tưởng nào làm cho ta thông minh được không? Ta có thể gian khổ trải qua việc học hỏi nhồi nhét rập theo một hệ thống giáo dục, đạt được những học vị, và v.v..; bấy giờ ta có thành là nhà giáo dục không, hay chỉ là hiện thân của một hệ thống giáo dục. Còn tìm kiếm sự ban thưởng, còn mong muốn được người đời gọi là nhà giáo ưu tú là còn khao khát được người đời nhìn nhận và ca ngợi; tuy cảm thấy dễ chịu, phấn khởi khi được đánh giá cao và khuyến khích, nhưng nếu ta tùy thuộc vào đó để duy trì sự quan tâm của mình đối với giáo dục, thì sự tùy thuộc đó trở thành một thứ thuốc gây nghiện và ta sớm cảm thấy tẻ nhạt, kiệt sức đi. Mong cầu người đời đánh giá cao và khuyến khích, động viên là thái độ sống hoàn toàn ấu trĩ.
Nếu có bất kỳ cái mới nào được tạo thành thì tất phải có sự cảnh giác và năng lượng, chứ không phải những cãi cọ và gấu ó. Nếu ta cảm thấy thất vọng trong công việc của mình, bấy giờ nỗi buồn chán và mệt mỏi thường theo sau. Nếu ta không quan tâm, rõ ràng ta không nên tiếp tục dạy học.
Nhưng tại sao thường có sự thiếu quan tâm sinh tử đó trong hàng ngũ giáo viên? Điều gì khiến ta cảm thấy thất vọng? Thất vọng không phải là kết quả bị hoàn cảnh ép buộc làm điều này điều nọ mà nó nổi lên khi ta không biết ta thực sự muốn làm gì. Vì tâm trạng hỗn loạn, ta bị quay cuồng và cuối cùng rơi vào một công việc không có gì hấp dẫn ta cả.
Nếu dạy học là thiên hướng đích thực của ta, ta có thể cảm nhận một cách tạm thời thất vọng, bởi vì ta đã không tìm thấy lối ra cho tình trạng hỗn loạn trong giáo dục hiện nay; nhưng khi ta thấy và hiểu ý nghĩa hàm súc trong giáo dục chân chính, ta sẽ có lại động lực và sự hăng hái cần thiết. Đây không phải là vấn đề ý chí và quyết tâm mà là tri giác và trí tuệ.
Nếu dạy học là một thiên hướng, và nếu ta tri giác tầm quan trọng cực kỳ của giáo dục chân chính, ta không thể giúp được gì ngoại trừ là một nhà giáo chân chính. Không cần phải tuân theo bất kỳ phương pháp – giáo dục nào cả. Chính động thái thấu hiểu rằng giáo dục chân chính là tối cần thiết, là không thể thiếu nếu ta muốn thực hiện sự tự do và tinh thần hợp nhất của cá nhân, chính động thái thấu hiểu đó tạo ra một cuộc thay đổi triệt để tận nền tảng ngay trong chính ta. Nếu ta trở nên tri giác rằng chỉ có thể có hòa bình và hạnh phúc cho con người bằng giáo dục chân chính, lúc đó, ta sẽ tự nhiên dâng hiến trọn đời mình và hết mực quan tâm.
Ta dạy bởi vì ta muốn nội tâm của trẻ giàu có, nhờ kết quả đó trẻ sẽ gắn giá trị đúng thực cho của cải tài sản. Không có sự giàu có nội tâm, của cải vật chất thế tục này trở nên quan trọng một cách điên khùng dẫn đến những hình thức tàn phá và đau khổ khác biệt. Ta dạy để khuyến khích người học sinh sinh viên tìm thấy khuynh hướng đúng thực của mình và tránh những công việc nuôi dưỡng sự đối địch giữa người và người. Ta dạy để giúp người trẻ tuổi đi đến tự tri tự giác mà không có hành động đó không thể có hòa bình, hạnh phúc bền vững được. Việc dạy học của ta không phải là làm lớn mạnh cái tôi mà làm cho cái ‘tôi’ biến mất.
Không dạy đúng, ảo tưởng thay chỗ cho thực tại, và lúc đó, cá nhân triền miên xung đột với chính mình và do đó, xung đột trong quan hệ với những người khác, tức xã hội. Ta dạy bởi vì ta thấy rằng chỉ duy có tự tri, tự giác – chứ không phải những giáo điều và nghi thức thờ phượng cúng bái của tôn giáo có tổ chức – mới có thể tạo ra một trí não tịch lặng; và sự sáng tạo, chân lý, Thượng Đế, chỉ xuất hiện khi ta vượt lên trên cái ‘tôi và cái “của tôi”.