CỐT LÕI CỦA BẢN NGÃ

ECKHART TOLLE

Trích: "Thức tỉnh mục đích sống"

Nguyên tác: A New Earth: Awakening to Your Life’s Purpose

Tác giả: Eckhart Tolle

Việt dịch: Đỗ Tâm Tuy - Diện Mục Nguyễn Văn Hạnh

NXB: Tổng hợp TP.HCM, 2006

Eckhart Tolle (sinh năm 1948 ở Đức), nổi tiếng nhất với vai trò tác giả của hai tác phẩm Sức mạnh của hiện tiền phi thời gian (nguyên tác tiếng Anh The Power of Now) và Thức tỉnh mục đích sống (nguyên tác tiếng Anh A New Earth: Awakening to Your Life’s Purpose). Năm 2008, tờ New York Times đã gọi Tolle là “tác giả về tâm linh nổi tiếng nhất nước Mỹ”. Năm 2011, ông được nhà xuất bản Watkins Books (Luân Đôn, Anh) đưa vào đầu danh sách 100 nhân vật hiện còn sống và có ảnh hưởng nhất thế giới về tâm linh.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Luân Đôn, ông trở thành một nhà nghiên cứu tại Đại học Cambridge. Năm hai mươi chín tuổi, một sự chuyển hóa tâm linh sâu sắc đã làm thay đổi hoàn toàn những gì ông từng nghĩ về chính mình và hướng đi của đời ông. Từ đó ông đã dành hết tâm sức để tìm hiểu, vận dụng và đào sâu thêm vào sự chuyển hóa này, đánh dấu một bước khởi đầu cho hành trình kiên trì đi vào nội tâm.

Điều đặc biệt là Eckhart Tolle đã không nhấn mạnh đến một truyền thống hay tôn giáo nào. Trong những bài thuyết giảng trên khắp thế giới, ông chỉ muốn truyền đạt một thông điệp rất giản dị, nhưng sâu sắc, và bất tử của các bậc giác ngộ từ xa xưa rằng: Có một con đường thoát khổ và một phương pháp thực tập để tìm lại được niềm an lạc có sẵn trong mỗi người.

Ông cư ngụ tại Vancouver, Canada từ năm 1996 đến nay. Độc giả quan tâm có thể tìm hiểu thêm về Eckhart Tolle qua website: www.eckharttolle.com

Bài viết dưới đây cùng với bài viết “Vượt lên bản ngã: Bản thể đích thực của bạn” được trích từ tác phẩm Thức tỉnh mục đích sống (nguyên tác tiếng Anh A New Earth: Awakening to Your Life’s Purpose). Bằng kinh nghiệm thực chứng của mình, với giọng văn và ví dụ rất sống động, dễ hiểu và phù hợp với đời sống hiện đại ngày nay, ông đã phân tích rất tỉ mỉ và thấu đáo các khía cạnh cốt lõi của bản ngã và cách bản ngã điều khiển mọi diễn biến trong tâm thức mỗi con người nói riêng và tập thể nói chung.

☀️☀️☀️

Hầu hết mọi người thường sai lầm khi tự đồng nhất họ một cách hoàn toàn với cái tiếng nói vang vang ở trong  đầu họ(1) – đó là dòng suy nghĩ, không thể cưỡng lại được ở trong họ, tạo nên những cảm xúc đi kèm. Ta có thể nói rằng những người đó đã bị khống chế bởi dòng suy-nghĩ-miên-man, không-có-chủ-đích ở trong họ. Chừng nào mà bạn hoàn toàn chưa nhận thức được điều này, thì bạn còn sai lầm khi cho rằng mình chính là thói quen suy tư đó. Đây là thói quen suy nghĩ đầy tính chấp ngã ở trong chúng ta. Sở dĩ ta gọi đó là thói quen suy tư mang tính chấp ngã vì tất cả mọi suy nghĩ, ký ức, lập luận, ý kiến, quan điểm, xúc cảm hay phản ứng – xảy ra ở trong đầu ta – đều cho ta một cảm giác về chính mình, về một cái “Tôi” tách biệt với mọi người, với đời sống. Đây là trạng thái vô minh hay mê mờ căn bản của bạn. Vì tất cả những gì trong đầu bạn: ý nghĩ, cảm xúc, cách bạn cư xử, tư duy,… đều bị quy định và ảnh hưởng bởi quá khứ: Điều kiện nuôi nấng, văn hóa, hoàn cảnh gia đình,… mà bạn đã lớn lên. Căn cứ của mọi hoạt động trí năng là những ý nghĩ, cảm xúc hay cách bạn phản ứng,… trong giao tiếp với người khác; chúng có tính liên tục, lặp đi lặp lại, và bạn thường tự đồng nhất chính mình rất mạnh với những thứ đó. Đó chính là bản ngã của bạn.

Như ta đã biết, trong hầu hết trường hợp, khi bạn nói “Tôi” thì đó là tiếng nói của bản ngã bạn, chứ không phải là bạn đang nói. Đó là những ý niệm và xúc cảm, là một mớ các ký ức mà bạn tự đồng nhất mình. “Tôi và những sự cố đã xảy đến với tôi” là những vai diễn theo thói quen mà bạn không nhận biết, là những thói quen tự đồng nhất có tính tập thể ở trong bạn như: quốc tịch, tôn giáo, dân tộc, giai cấp, xu hướng chính trị. Nó cũng bao gồm cả sự tự đồng nhất của cá nhân, không những với tài sản, mà còn với những định kiến, ngoại hình, cảm xúc (như lòng oán hận), hoặc với những khái niệm rằng mình giỏi hơn hoặc không bằng người khác, mình là một người thành công hay chỉ là một kẻ thất bại.

Ở mỗi người, những vật sở hữu của bản ngã(2) có khác nhau, nhưng cấu trúc của nó thì y như nhau. Nói một cách khác, bản ngã chỉ khác nhau ở bề ngoài. Còn bên trong, tất cả bản ngã đều y hệt nhau. Chúng y hệt nhau ở điểm nào? Đó là bản ngã chỉ có thể sống bằng thói quen tự đồng hóa với những gì xảy ra ở trong bạn và cảm giác cách biệt với đời sống. Khi bạn sống trong một nhân cách do suy tư và cảm xúc của bản ngã tạo ra thì những gì bạn nghĩ “Ồ, tôi là cái này” sẽ rất bấp bênh vì bản chất của mỗi suy nghĩ, cũng như mỗi cảm xúc ở trong bạn là một cái gì rất mong manh, chóng tàn. Cho nên mỗi bản ngã đều phải liên tục đấu tranh để sinh tồn, đều cố gắng để tự bảo vệ và bành trướng. Để củng cố cho lối suy nghĩ luôn-có-một-cái-gì-dính-đến-Tôi, nó cần lối suy nghĩ đối nghịch lại, tức là khái niệm: “những kẻ khác”. Khái niệm “Tôi” không thể tồn tại được nếu không có khái niệm “những người khác”. Và “những người khác” ở đây hầu hết đều là những kẻ mà bạn xem như là kẻ thù. Ở đầu bên này của cán cân là những mô thức mê mờ của bản ngã – là những thói quen thích bới lông tìm vết, trách cứ, chê bai người khác không thể cưỡng lại được của bản ngã. Chúa Jesus đã đề cập đến điều này khi Ngài nói: “Tại sao các anh em chỉ toàn thấy những lỗi lầm, dù nhỏ nhặt, trong những người anh, người chị của mình, trong khi các anh em không muốn thấy những lỗi lầm to như núi trong chính các anh em?”. Còn ở đầu bên kia của cán cân là khuynh hướng bạo động giữa người với người hay chiến tranh giữa nước này với nước kia. Trong Thánh kinh, câu hỏi ấy của Chúa Jesus vẫn chưa được trả lời, nhưng câu trả lời hiển nhiên là: Khi ta chỉ trích hay phê phán người khác(3), thì điều này sẽ làm cho cái “Tôi” nhỏ bé, bản ngã của bạn bỗng cảm thấy to lớn, vượt trội hơn người khác.

Tác giả Eckhart Tolle và Đức Dalai Lama

TÍNH THAN PHIỀN VÀ SỰ GHÉT BỎ

Than phiền là một trong những phương cách mà bản ngã thích dùng để tự củng cố chính mình. Mỗi lời than phiền là một câu chuyện nhỏ mà trí óc bạn thêu dệt nên và bạn hoàn toàn cả tin vào sự bịa đặt này. Than phiền dù được nói ra hay không thì vẫn là sự than phiền. Với những người không có nhiều thứ để tự đồng nhất mình thì chỉ cần có tật hay than phiền thôi cũng là đủ để cho bản ngã của họ sống sót. Khi bạn nằm dưới sự khống chế của thứ bản ngã như thế thì tính ưa than phiền, đặc biệt là than phiền về người khác, đã trở thành một thói quen vô thức ở trong bạn, vì thực ra bạn không biết mình đang làm như thế. Gán cho người khác một nhãn hiệu nào đó có tính tiêu cực, dù là bạn nói thẳng ra điều này hay bạn chỉ kín đáo chê bai họ với những người khác, hay thậm chí bạn không hề nói ra mà chỉ nghĩ xấu về họ thôi, như thế cũng đã là một phần của thói quen này. Nguyền rủa là hình thức thô thiển nhất của thói quen chê bai người khác. Đó là nhu yếu của bản ngã muốn cho rằng mình  đúng, rằng mình hay hơn người khác; những câu lăng mạ như: “Đồ khốn kiếp”, “Đồ mất dạy”…; và cả những tuyên bố có tính dứt khoát đến độ, dù có muốn phân trần, ta cũng không thể tranh biện gì được. Ở mức độ thấp hơn của sự mê mờ là quát tháo, gào thét; và mức độ kế tiếp là khuynh hướng bạo hành, sử dụng vũ lực đối với người khác.

Ghét bỏ là cảm xúc đi kèm với tính hay than phiền, thói quen thích dán nhãn hiệu, chê bai người khác; đó là một thái độ chỉ làm cho bản ngã ở trong bạn mạnh thêm. Ghét bỏ tức là bạn cảm thấy cay đắng, phẫn nộ, hay bị xúc phạm bởi một người nào đó. Bạn thường ghét bỏ tính tham lam của người khác, bạn ghét cái tính thiếu thật thà, thiếu liêm chính của họ; bạn ghét những gì họ đã làm trong quá khứ, những điều họ nói, những gì họ đã thất hứa, những gì lẽ ra họ nên làm hay không nên làm… vì bản ngã ở trong bạn rất thích nhìn thấy những khiếm khuyết này. Thay vì bỏ qua những mê mờ của người khác, bạn lại muốn xem đó là bản chất của họ. Vậy thì cái gì ở trong bạn đã gây ra chuyện này? Đó chính là sự mê mờ ở trong bạn, là bản ngã của bạn. Thỉnh thoảng cái “sai” mà bạn nhìn thấy ở người khác thậm chí là điều không hề có thật. Vì đó chỉ là một suy diễn sai lầm, một sự phóng chiếu của thứ lý trí quen nhìn thấy người khác là kẻ thù của mình,  chứng tỏ rằng bạn đúng hay vượt trội hơn người khác. Cũng có lúc, người khác có thể có sai lầm, nhưng khi bạn quá chú trọng vào những sai lầm đó đến độ bạn không còn nhìn thấy những khía cạnh tích cực khác của họ, lúc đó bạn thường có khuynh hướng phóng đại những lầm lỡ đó một cách không cần thiết. Và khi bạn phản ứng mạnh với những gì tiêu cực mà bạn nhìn thấy ở người khác(4) tức là vô tình, bạn làm cho những khiếm khuyết ấy ở trong bạn trở nên mạnh hơn.

Thực tập để không phản ứng với những cư xử khiếm khuyết, đượm nhiều tính chấp ngã ở người khác(5), là một trong những phương cách có hiệu quả nhất mà bạn có thể làm. Làm như thế, không những bạn sẽ vượt lên được tính chấp ngã ở trong mình, mà bạn còn giúp hóa giải tính chấp ngã tập thể(6) của những người chung quanh. Bạn chỉ có thể ở trong trạng thái bất phản kháng khi nào bạn nhận thức rằng một hành vi vô thức của người khác là một hành vi đã phát xuất từ bản ngã của họ; và đó chỉ là biểu hiện của sự tha hóa tập thể của con người. Khi thấy rằng những hành động đó không phải là một vấn đề đối với riêng cá nhân bạn thì bạn sẽ không có nhu cầu phải phản ứng lại như trước nữa. Nhờ thái  độ bất phản kháng đối với những biểu hiện của bản ngã ở người khác, bạn tạo điều kiện cho sự minh mẫn, sáng suốt ở trong người khác được thể hiện ra. Ở đây, tâm thức sáng suốt chính là phần nhận thức chưa bị điều kiện hóa, đối nghịch với phần nhận thức đã bị tha hóa. Tất nhiên có lúc bạn phải có những hành động thực tiễn để tự bảo vệ mình khỏi những người quá mê mờ. Điều này bạn có thể thực hiện được mà không cần phải biến họ thành kẻ thù của bạn. Hãy biết rằng sự bảo vệ tích cực nhất cho bạn chính là sự tỉnh thức, tức là trạng thái nhận thức sáng suốt ở trong bạn. Khi nào bạn còn cho rằng sự thiếu nhận thức hoặc bản ngã của người khác là một vấn đề cá nhân đối với bạn thì vô tình bạn sẽ biến họ thành kẻ thù của bạn. Bất phản kháng là sự biểu lộ của sức mạnh, chứ không phải sự yếu đuối. Bất phản kháng tương tự như lòng bao dung. Vì lòng bao dung là bỏ qua, là cách nhìn xuyên suốt, vượt lên trên những gì đã xảy ra. Khi bạn có lòng bao dung là bạn biết nhìn xuyên suốt qua bản ngã của người khác để tiếp xúc với sự sáng suốt vốn là bản chất ở trong mỗi con người.

Bản ngã thích than phiền và bất mãn, không những đối với người khác mà còn với cả những hoàn cảnh trong đời sống. Những gì bạn đối xử với một con người, bạn cũng có thể đối xử với một hoàn cảnh nào đó: biến người đó hay hoàn cảnh đó trở thành kẻ thù của bạn. Bản ngã luôn luôn muốn ám chỉ rằng: Lẽ ra chuyện này không nên xảy ra, rằng bạn không hề muốn có mặt ở nơi này(7), rằng bạn không muốn làm những gì bạn cần phải làm, rằng bạn đang bị đối xử quá bất công… Và đối với bản ngã thì kẻ thù lớn nhất của nó chính là phút giây hiện tại, tức cũng chính là đời sống(8).

Đừng nhầm lẫn thái  độ than vãn của bạn với việc cho người khác biết là họ đã thiếu sót cốt chỉ để giúp họ sửa sai, và thái  độ không than vãn không nhất thiết có nghĩa là bạn phải nhận chịu một thái độ khiếm nhã hay một việc tệ hại mà người khác mang đến cho bạn. Nếu bạn bảo người hầu bàn rằng bát canh mà người đó vừa mang ra cho bạn đã quá nguội lạnh, bạn nhờ họ hâm nóng lại một chút cho bạn thì đây không phải là thái độ của bản ngã vì bạn chỉ nói lên một sự thật khách quan – bát canh đã nguội lạnh; và khi bạn chỉ đưa ra sự kiện một cách khách quan thì điều đó luôn luôn có tính trung hòa, nghĩa là không nhắm vào chuyện ai đúng, ai sai. Ngược lại, nếu bạn bảo: “Tại sao anh dám mang cho tôi một bát canh nguội ngắt như thế này!” thì đó chính là một thái độ than vãn. Vì ở đây có một cái “Tôi” đang cảm thấy rằng nó bị xúc phạm vì tô canh nguội và cái “Tôi” ấy sẽ không dễ dàng bỏ qua chuyện này. Một cái “Tôi” rất thích chỉ ra rằng người khác đã làm một điều gì sai. Thái độ than phiền mà chúng ta đang nói ở đây chỉ nhằm phục vụ cho bản ngã chứ không phải để mang lại một sự thay đổi tích cực. Nhiều lúc, rõ ràng bản ngã của bạn thực sự không muốn có một sự thay đổi nào cả, để nhờ đó mà nó có dịp tiếp tục than vãn(9).

Hãy để ý xem bạn có thể nắm bắt, tức là nhận ra tiếng nói luôn vang vang ở trong đầu bạn, ngay phút giây tiếng nói ồn ào ấy đang than phiền về một chuyện nào đó? Bạn hãy nhận thức rằng đó chính là tiếng nói của bản ngã ở trong bạn, đó là một khuôn mẫu bó buộc(10) của thói quen suy tư không thể cưỡng lại ở trong bạn; rằng đó chỉ là một ý nghĩ đang xảy ra ở trong bạn, thế thôi. Bất cứ lúc nào mà bạn nghe tiếng nói vang vang đó ở trong đầu, bạn sẽ nhận thức rằng bạn không phải là tiếng nói đó vì bạn chính là cái phần nhận ra tiếng nói đó(11). Thực vậy, bạn chính là ý thức, cái đang nhận ra tiếng nói của bản ngã ở trong bạn. Vì ở đằng sau hậu trường của tâm thức bạn có một sự nhận biết(12). Còn ở đằng trước là tiếng nói ồn ào của bản ngã, là cái phần hay suy tư, lo lắng ở trong bạn. Thực tập được như thế, bạn sẽ thoát ra khỏi sự khống chế của bản ngã(13), thoát ra khỏi phần suy tư chưa  được nhận biết ở trong bạn. Phút giây mà bạn nhận ra được bộ mặt thật của bản ngã ở trong bạn thì lúc đó bản ngã của bạn sẽ không còn là bản ngã nữa, mà chỉ còn là một thói quen, một mô thức cũ kỹ, bị trói buộc của thói quen suy tư ở trong bạn. Nói đến bản ngã tức là ta đang nói đến sự vô minh, mê lầm và thiếu nhận thức ở trong bạn. Vì nhận thức sáng suốt và bản ngã là hai thứ không thể cùng tồn tại với nhau trong cùng một khoảnh khắc, một không gian. Tuy nhiên, những lối hành xử cũ hay những thói quen suy tư ở trong bạn vẫn có thể còn tồn tại và sẽ tái diễn trong một thời gian nữa(14) vì đằng sau nó có quán tính rất mạnh của những thói quen vô thức lâu đời trong tập thể của con người suốt hàng ngàn năm qua. May thay, mỗi khi những thói quen cũ này bị nhận diện(15), thì nó sẽ càng ngày càng yếu đi.

THÁI ĐỘ PHẢN ĐỐI VÀ LÒNG OÁN GHÉT

Lòng oán ghét là cảm xúc luôn đi kèm với tính hay than vãn, nó còn có thể được bổ sung bởi một thứ cảm xúc mạnh mẽ hơn như sự tức giận hay một dạng bất bình nào đó. Khi đó, lòng oán ghét có thêm nhiều năng lượng, và thói quen than vãn sẽ trở thành thái độ phản đối, là một cách khác để bản ngã của bạn tự củng cố chính nó. Nhiều người luôn trông đợi có chuyện gì xảy ra để họ có cớ phản đối, để họ cảm thấy mình bị xúc phạm hay bực mình; và như thế họ sẽ nhanh chóng tìm ra những chuyện ấy thôi. Lúc ấy họ sẽ nói những câu: “Hãy nhìn xem, đây quả là một sự sỉ nhục”, “Sao ông dám…”, “Tôi thù ghét cái này”,… Và họ trở nên ghiền những cảm xúc bực tức và giận dữ như người ta nghiện ma túy. Qua thái độ phản đối điều này hay điều nọ, họ củng cố và khẳng định một cách sai lầm thêm cảm nhận về sự có mặt của bản ngã ở trong họ.

Nỗi bất mãn lâu ngày có thể trở thành một sự oán hận. Người luôn mang trong lòng nỗi oán hận với ai đó là một người thường xuyên ở trong trạng thái “chống đối một điều gì”(16) và đây là một phần cấu trúc đáng kể của bản ngã ở trong nhiều người. Lòng oán hận về một chuyện đã qua của một tập thể có thể tồn tại qua nhiều thế kỷ(17) trong tâm thức cộng đồng của một quốc gia hay một dân tộc và tạo nên một vòng luẩn quẩn không lối thoát của bạo lực.

Nỗi oán hận là một cảm xúc tiêu cực mạnh mẽ có liên hệ đến một sự kiện nào đó đã thuộc về quá khứ; nhưng lòng oán hận này được làm sống lại qua lối suy nghĩ đầy tính ám ảnh như thể chuyện ấy là một điều gì vẫn đang còn xảy ra(18); hay qua lối ôn lại những câu chuyện kiểu: “Ông có biết bọn chúng đã đày ải chúng tôi như thế nào không?”. Vấn đề là khi bạn vẫn còn mang nặng nỗi oán hận này, chúng sẽ làm ô nhiễm những lĩnh vực khác trong đời sống của bạn. Ví dụ, khi bạn nghĩ về một điều bất hạnh nào đó đã xảy ra trong quá khứ và nỗi oán hờn bỗng trỗi dậy ở trong lòng bạn thì năng lượng tiêu cực của nó sẽ bóp méo những cảm nhận của bạn về những gì đang xảy ra, hay ảnh hưởng đến cách bạn nói năng và cư xử đối với người khác trong phút giây này. Chỉ cần một nỗi oán hận lớn và chưa dứt bỏ được cũng đủ làm ô nhiễm cuộc đời bạn và đặt bạn vào trong chiếc gọng kềm của bản ngã.

Phải trung thực để xem trong đời bạn, bạn có đang nuôi dưỡng lòng oán hận một ai đó mà bạn chưa hoàn toàn tha thứ – một “kẻ thù” nào đó hay không. Nếu có, bạn hãy nhận diện cho rõ lòng thù ghét đó cả trên bình diện tư tưởng lẫn cảm xúc, tức là nhận ra những ý nghĩ nào thường lặp đi lặp lại ở trong đầu bạn khiến cho những cảm xúc đó được tiếp diễn, và bạn cảm nhận phản ứng của cơ thể mình đối với những ý tưởng tiêu cực đó. Nhưng cũng đừng cố gắng bỏ qua những cảm giác oán hờn này. Vì tha thứ theo kiểu “cố gắng bỏ qua” sẽ không có tác dụng. Sự tha thứ chỉ đến một cách tự nhiên khi bạn nhận thức rằng nỗi hờn oán xưa cũ đó không có mục đích nào khác hơn là làm cho bạn tiếp tục bị khốn đốn trong phút giây hiện tại chỉ vì một điều đã xảy ra trong quá khứ, và chỉ để củng cố cảm nhận sai lầm về sự có mặt của một con người, một tư cách nạn nhân nào đó với mục đích là giúp cho bản ngã ở trong bạn tiếp tục được tồn tại. Thấy được như vậy tức là được giải thoát; như Chúa Jesus đã từng dạy: “Hãy tha thứ cho kẻ thù của anh em(19) căn bản là nói về sự tháo gỡ, buông bỏ một trong những cơ cấu chính của bản ngã trong cách suy tư của con người(20).

Quá khứ sẽ không có năng lực để lôi kéo bạn ra khỏi phút giây này. Chỉ có nỗi oán giận về những gì đã xảy ra trong quá khứ mới có thể lôi kéo bạn được. Vậy thì bản chất của lòng oán hận đó là gì? Đó chỉ là tàn dư của những suy nghĩ và cảm xúc cũ kỹ, đã lỗi thời.

CĂN BỆNH LUÔN CHO RẰNG: “MÌNH ĐÚNG, KẺ KHÁC SAI”

Than phiền, phản ứng hay moi móc những khuyết điểm của người khác có khuynh hướng củng cố thêm cảm nhận của bản ngã về ranh giới và sự cách biệt, những thứ mà bản ngã cần dựa vào để tồn tại. Nhưng than phiền, phản ứng hay moi móc những khuyết điểm của người khác cũng làm cho bản ngã mạnh thêm bằng cách cho nó cảm nhận rằng nó siêu việt, nổi bật hơn người khác. Chúng ta chưa thấy rõ ngay được chuyện than phiền về một tình trạng kẹt xe, về một chính khách, về những kẻ giàu sụ “mà vẫn còn đầy lòng tham”, hay những kẻ lười biếng, ăn không ngồi rồi, hay về những người đồng sự, người tình cũ, người hôn phối của bạn, hoặc ông này, bà kia,… có thể cho chúng ta cảm giác rằng mình cao vượt hơn những kẻ ấy. Nhưng rõ ràng là khi bạn than phiền về họ, bạn kín đáo hàm ý là bạn  đúng, còn người khác là sai.

Chẳng có gì củng cố cho bản ngã của bạn hơn việc cho rằng bạn luôn luôn  đúng. Cho rằng mình luôn luôn đúng là tự đồng nhất mình với một quan điểm, một cách suy tư ở  trong bạn: có thể đó là một quan điểm, một ý kiến, một câu chuyện hay một phán xét nào đó. Để thấy rằng mình đúng thì người khác chắc chắn là phải sai, vì bản ngã bạn thích biến cái gì đó thành sai để nó được  đúng. Nói cách khác: Bạn cần người khác hoặc một tình huống nào đó sai, để bạn có cảm nhận mạnh hơn về một con người, một tư cách nào đó ở trong mình. Khi bạn tỏ ra than phiền và phản ứng về một tình huống “sai trái” nào đó nghĩa là bạn ngụ ý rằng: “Lẽ ra chuyện này không nên xảy ra”. Khi bạn tự cho rằng mình đúng thì bạn tự đặt mình vào một vị thế giả tưởng, rằng bạn có đạo đức hơn người khác. Chính cái cảm giác vượt trội đó là thứ mà bản ngã bạn khát khao vì nhờ đó mà bản ngã bạn tự củng cố chính nó.

BẢO VỆ CHO MỘT ẢO TƯỞNG

Các dữ kiện khoa học dĩ nhiên là những điều có thật. Nên khi bạn nói: “Ánh sáng đi nhanh hơn âm thanh” thì dĩ nhiên là bạn đúng còn người khác là sai. Điều này dễ dàng được khẳng định khi ta quan sát một cơn giông: ánh chớp có thể nhìn thấy được trước khi ta nghe có tiếng sấm. Không những bạn đúng mà còn biết rằng mình đúng. Vậy thì có bản ngã tham dự vào chuyện này không? Có thể chứ, nhưng không nhất thiết. Vì nếu bạn chỉ đơn thuần nói lên những gì bạn biết là sự thật thì sẽ không có sự tham dự của bản ngã, vì không có sự chấp trước, hay tự đồng hóa mình. Vậy tự đồng hóa mình là tự đồng hóa mình với cái gì? Với một cách tư duy ở trong mình. Tuy nhiên, khuynh hướng tự đồng hóa như thế rất dễ xâm nhập vào bạn. Thế nên khi nào bạn nghe chính mình vừa nói “Hãy tin tớ đi, tớ biết rõ điều này lắm mà!” hoặc “Tại sao các cậu lại không tin tớ?” thì lúc đó bản ngã của bạn đã xâm nhập vào những điều bạn nói rồi. Bản ngã của bạn nấp đằng sau chữ “Tớ”. Một câu nói đơn giản “ánh sáng đi nhanh hơn âm thanh” dẫu rằng đúng thì giờ đây đã phục vụ cho một ảo tưởng, cho bản ngã. Câu nói ấy đã bị ô nhiễm bởi một cảm nhận sai lầm về một cái “Tôi”. Vì câu nói ấy đã bị cá thể hóa và trở thành một vị thế, một quan điểm trong cách bạn suy tư. Cái “Tôi” này cảm thấy giá trị của nó bị giảm sút hay xúc phạm vì người khác không tin theo những gì cái “Tôi” ấy nói ra.

Bản ngã của bạn xem xét mọi thứ chỉ theo quan điểm của riêng nó. Đi kèm với thái độ chủ quan trong suy nghĩ của bản ngã là sự bức xúc trong tình cảm, khuynh hướng bảo vệ ý kiến của mình và thậm chí là tranh cãi khi người khác tỏ ra bất đồng với bạn. Bạn có đang cố gắng để bảo vệ Sự Thật? Không, bất luận trường hợp nào thì Sự Thật không cần bạn hay bất kỳ ai bảo vệ cho nó. Ánh sáng hay âm thanh không quan tâm đến những gì bạn hay người khác nghĩ. Bạn chỉ đang bảo vệ cho chính mình, đúng hơn là bảo vệ cái ảo tưởng về mình(21), một thứ ảo tưởng do suy tư ở trong bạn tạo ra. Nói đúng hơn là ảo tưởng của bạn đang bảo vệ cho chính nó. Nếu dữ liệu khoa học đơn giản và hiển nhiên này, tức chuyện “ánh sáng đi nhanh hơn âm thanh”, mà đã dễ bị bóp méo, biến thái bởi cái hiểu sai lầm của bản ngã thì những chuyện khác ít hiển nhiên, ít rõ ràng hơn như một quan điểm, một ý kiến, một phán đoán,… lại càng dễ bị biến thái và bóp méo bởi bản ngã hơn gấp bội. Vì tất cả tựu trung đều là những hình thức khác nhau của suy tư, nên chúng càng rất dễ bị tiêm nhiễm bởi cái “Tôi” sai lầm ấy.

Bản ngã nào cũng đều lẫn lộn giữa một biến cố với quan điểm, hay ý kiến của bạn về biến cố đó. Ngoài ra, bản ngã của bạn cũng không thể phân biệt được sự khác biệt giữa một sự kiện với phản ứng của bạn đối với sự kiện đó. Bản ngã nào cũng đều suy diễn, bóp méo sự việc và chỉ muốn chọn lọc ra những gì nó muốn nhìn nhận. Chỉ qua nhận thức – không phải qua suy nghĩ – bạn mới phân biệt được sự khác biệt giữa một sự việc và ý kiến của bạn về sự việc đó. Chỉ qua nhận thức, mà không phải là qua suy tư, bạn mới có thể nhận thức được sự khác biệt giữa một dữ kiện và ý kiến của bạn về dữ kiện đó. Cũng chỉ qua nhận thức bạn mới có thể nhận ra: Ồ đây là tình huống và đây là những cảm xúc giận dữ của tôi về tình huống đó, rồi bạn nhận ra những phương cách khác nhau mà bạn có thể ứng xử trong tình huống đó. Chỉ qua nhận thức, bạn mới biết được bức tranh toàn thể của một vấn đề, hay một người nào đó, thay vì chỉ nhìn từ một góc độ rất hạn hẹp của vấn đề.

CHÂN LÝ: TƯƠNG ĐỐI HAY TUYỆT ĐỐI?

Ngoại trừ những dữ kiện đơn giản và có thể dễ dàng được xác minh, thì thái độ quá chắc chắn rằng “Tôi đúng, anh sai” là một điều rất nguy hại trong quan hệ cá nhân, cũng như trong quan hệ giữa các nước, các dân tộc, các tôn giáo,…

Thái độ “Tôi đúng, anh sai” chỉ là một trong những phương cách mà bản ngã thường dùng để tự củng cố, xác minh chính nó. Cho rằng mình đúng, biến người khác thành sai là một sự tha hóa về mặt tinh thần, luôn luôn gây ra sự phân cách và mâu thuẫn giữa con người với con người. Nhưng như thế thì không có chuyện gì hoàn toàn đúng – hay sai – hay sao?

Lịch sử chiến tranh về tôn giáo là một ví dụ tiêu biểu về sự nguy hại của thái độ cho rằng chỉ có tôn giáo của mình là sở hữu chân lý, là đúng đắn,… vì thái độ này sẽ làm cho hành vi và cách suy nghĩ của chúng ta trở nên băng hoại. Trong nhiều thế kỷ qua, những chuyện như thiêu sống người khác, hoặc tra tấn nếu họ biểu lộ thái độ không đồng ý với giáo lý hay những suy diễn mà một giáo phái cho là Chân lý vẫn diễn ra, vì những tín đồ của giáo phái ấy luôn tự cho là mình đúng và người khác là “Sai”. Sai đến độ họ phải bị hành hình. Chân lý được coi như quan trọng hơn sinh mạng của một con người. Vậy cái được cho là Chân lý đó thực ra là cái gì? Đó chỉ là một câu chuyện chúng ta tự thêu dệt nên và tin vào, đó chỉ là một mớ của những suy tư ở trong đầu chúng ta.

Một số giáo phái rất đúng khi cho rằng không một tôn giáo nào có thể sở hữu Chân lý một cách tuyệt đối. Và Chân lý tuyệt đối cũng không thể được tìm ra ở nơi mà chân lý không thể được tìm ra: tức là ở trong các giáo điều, các học thuyết, hệ tư tưởng hay ở các hệ thống luật lệ nào đó. Vì những thứ này có một đặc điểm giống nhau là chúng hoàn toàn do suy nghĩ mà ra. Giỏi lắm thì suy tư có thể chỉ cho chúng ta nhìn về hướng của chân lý, nhưng tự thân chúng không bao giờ có thể là chân lý cả, như Đức Phật đã nói: “Ngón tay của ta chỉ về phía mặt trăng, chứ ngón tay ta không phải là mặt trăng”. Tôn giáo nào cũng có mặt tốt và mặt xấu, tùy theo cách tiếp xử của chúng
ta. Bạn có thể dùng tôn giáo để phục vụ cho bản ngã của riêng mình, hay dùng tôn giáo để phục vụ cho Chân lý. Nếu bạn cho rằng chỉ có tôn giáo của bạn mới là chân lý duy nhất, thì lúc đó bạn đang dùng tôn giáo để phục vụ cho bản ngã của bạn. Như thế, tôn giáo sẽ trở thành những giáo điều chết cứng và bạn sẽ có ảo giác rằng tôn giáo của mình cao siêu hơn những tôn giáo khác, và bạn sẽ tạo thêm sự phân ly và mâu thuẫn.  Để phục vụ cho Chân lý, tôn giáo phải là những tấm bảng chỉ đường hoặc những chiếc bản đồ mà các bậc đã khai sáng để lại giúp cho bạn có sự thức tỉnh về tâm linh, thoát ra khỏi sự đồng nhất một cách vô thức với hình tướng.

Chỉ có một Chân lý Tuyệt đối, còn những chân lý khác đều từ đó mà ra. Khi bạn tìm ra  đuợc Chân lý Tuyệt đối đó thì những gì bạn làm sẽ phù hợp với chân lý đó. Hành vi của con người là sự phản ảnh của Chân lý hay chỉ là phản ảnh của sự mê lầm. Vậy Chân lý có thể được diễn tả bằng lời không? Có thể, nhưng ngôn từ không phải là Chân lý. Ngôn từ chỉ có thể giúp chúng ta hướng về Chân lý như ngón tay chỉ trăng.

Nhưng Chân lý Tuyệt đối không tách rời với bản chất chân thật của bạn. Đúng vậy, bạn chính là Chân ý. Nên khi bạn phóng tâm đi tìm Chân lý ở đâu khác bên ngoài bạn, thì bạn sẽ đi vào sự lầm lạc. Hiện Hữu thâm sâu nhất của bạn chính là Chân lý. Chúa Jesus muốn nói lên điều quan trọng này khi ngài nói “Ta là con đường, là chân lý và là sự sống”. Những lời Chúa Jesus đã thốt lên là một trong những tấm bảng chỉ đường mạnh mẽ và trực tiếp nhất hướng về Chân lý. Nếu bạn hiểu sai thì chúng lại là những trở ngại lớn nhất. Chúa Jesus muốn nói về Hiện Hữu thâm sâu nhất của bạn, là bản tánh căn bản của mỗi người, mỗi thể sống. Ngài nói bạn chính là Sự Sống đang diễn ra khắp mọi nơi trong vũ trụ. Người Cơ đốc gọi đây là bản thể của Chúa, còn đạo Phật gọi đó là Phật tánh. Đạo Hindu gọi là Atman, là Thượng Đế vĩnh hằng. Khi bạn có thể tiếp xúc với chiều không gian này ở trong mình – như là một việc bình thường, mà không phải là một thành tựu có tính chất kỳ diệu nào – thì tất cả những quan hệ hay hành vi của bạn đều phản ảnh tính Nhất Thể với  đời sống(22) mà bạn cảm nhận rất sâu sắc ở trong mình. Đây chính là tình yêu chân chính. Luật pháp, mệnh lệnh, nguyên tắc,… chỉ cần thiết khi con người đã bị tách biệt với bản chất chân thật của họ, tức là tách biệt với Chân lý ở trong họ. Những luật lệ mà chúng ta đề ra với mục đích ngăn ngừa sự tha hóa của bản ngã, nhưng thực ra thì luật lệ thường cũng không làm được như điều mà chúng ta mong muốn. “Hãy để cho lòng yêu thương mọi người được dâng trào một cách tự nhiên ở trong con và làm những gì con cần làm”, Thánh Augustine đã từng nói như vậy và không còn ngôn từ nào có thể nói hay hơn câu nói này.

BẢN NGÃ KHÔNG PHẢI LÀ VẤN ĐỀ CÁ NHÂN CỦA BẠN

Trên bình diện tập thể, lối suy nghĩ “Chúng tôi đúng, những người kia sai” được xác lập  một cách kiên cố ở nhiều nơi trên thế giới, nơi các cuộc xung đột khốc liệt và dai dẳng giữa các nước, các chủng tộc, tôn giáo, hay ý thức hệ ngày một tràn lan. Cả hai bên đều cố chấp vào những quan điểm, cách hiểu vấn đề của riêng mình; nói một cách khác, họ tự đồng hóa họ một cách vô thức với những suy tư của họ. Cả hai đều bất lực như nhau, không thể thấy được là có một cách nhìn khác, một câu chuyện khác cũng có giá trị như thế. Y. Halevi, một văn hào người Do Thái, đã nói đến khả năng để chúng ta có được sự dung hòa cho những cái nhìn rất khác biệt nhau; nhưng ở nhiều nơi trên thế giới, chúng ta chưa thể hay chưa muốn làm như vậy. Cả hai phía đều tin là chỉ có mình sở hữu Chân Lý. Cả hai đều xem mình là nạn nhân, còn “những người kia” là những kẻ xấu xa. Họ đã khái niệm hóa và hạ thấp nhân phẩm của “những người kia” thành kẻ thù nên họ có thể giết hại hay gieo rắc mọi hình thức bạo lực lên những người ấy, thậm chí là lên cả trẻ con mà không hề thấy được nhân phẩm và nỗi thống khổ của phía bên kia. Họ bị mắc kẹt vào một cơn lốc điên cuồng của tội ác, oán thù, bạo động và phản ứng.

Rõ ràng ở đây bản ngã tập thể của con người, dưới cách nhìn “chúng ta” đối nghịch với chúng nó” càng trở nên điên rồ hơn so với biểu hiện của bản ngã của cá nhân “Tôi”, dù cơ chế của cả hai đều giống nhau. Đại đa số bạo lực mà con người gây ra cho nhau không phải là do các tội phạm hay những kẻ loạn thần kinh mà là do những con người rất bình thường, những công dân bình thường, khả kính gây ra để phục vụ cho bản ngã của tập thể. Nên chúng ta có thể cường điệu hơn một chút khi nói rằng sự “bình thường” trên thế gian cũng có nghĩa là  điên rồ. Như vậy gốc rễ của sự điên rồ này là gì? Đó chính là bản ngã, là sự hoàn toàn đồng nhất chính mình với những suy-nghĩ-không-có-chủ-đích và những cảm xúc miên man ở trong mình.

262-Cốt lõi của bản ngã

Khi bạn phản ứng quá đáng đối với những cách cư xử khiếm khuyết đầy tính bản ngã ở một người nào, thì đó là một dấu hiệu cho thấy bạn không biết rằng bạn cũng có những lối hành xử khiếm khuyết, đầy tính bản ngã như thế ở trong mình.

Dù thế giới này vẫn còn đầy rẫy những ích kỷ, tham lam, bóc lột và bạo tàn,… nhưng khi bạn chưa nhận thức được rằng đây chỉ là những biểu hiện của sự tha hóa tâm linh của cá nhân hay của tập thể, chúng ta sẽ sai lầm khi cá thể hóa những biểu hiện tha hóa đó. Bạn sẽ dựng nên khái niệm không có thực về một cá nhân hay một nhóm người nào đó ở trong đầu bạn và mạnh dạn tuyên bố “Đây là bản chất của kẻ này. Đây là bản chất của chúng nó”. Khi bạn nhầm bản chất chân thực của một người với những biểu hiện sai trái của bản ngã của người đó, thì đó là lúc bản ngã ở trong bạn đang dùng sự suy diễn sai lạc này để củng cố cho chính nó qua việc cho rằng bạn đúng và vì thế bạn cảm thấy ưu việt hơn người khác, và qua thái độ chỉ trích, phẫn nộ, giận dữ đối với những người mà bạn cho là kẻ thù. Tất cả những tấn bi kịch này làm cho bản ngã ở trong bạn cảm thấy rất thỏa mãn. Thái độ này tạo nên sự cách biệt giữa bạn với những người chung quanh, những người mà bạn coi là “kẻ thù” vì sự khác biệt của họ, khi sự khác biệt này được bản ngã của bạn khuếch đại đến mức bạn không còn cảm nhận được rằng họ cũng là một con người như bạn, họ cũng là một phần rất căn bản của đời sống như bạn, cùng có tính chất cao thượng và thánh thiện như bạn.

Khi bạn phản ứng quá đáng đối với những cách cư xử khiếm khuyết đầy tính bản ngã ở một người nào, thì đó là một dấu hiệu cho thấy bạn không biết rằng bạn cũng có những lối hành xử khiếm khuyết, đầy tính bản ngã như thế ở trong mình. Cho nên, ta luôn có cơ hội học thêm nhiều điều hay từ những người mà ta cho là kẻ thù. Bạn thường cảm thấy bực tức, cay cú nhất đối với những gì bạn nhìn thấy ở họ? Tính tham lam, ích kỷ của họ? Sự đam mê quyền lực, thích đàn áp của họ? Tính thiếu thành thật, xu hướng bạo lực hay một điểm nào đó? Bạn cảm thấy chán ghét và có phản ứng dữ dội về những gì bạn nhìn thấy ở người khác chỉ là một phản ứng vô thức của bạn về những khiếm khuyết tương tự mà bạn chưa nhận ra ở trong mình. Nhưng chẳng qua  những thứ ấy chỉ là biểu hiện của bản ngã nói chung và hoàn toàn không phải là vấn đề riêng của bạn. Nó chẳng liên quan gì đến bản chất chân thực của người đó, hay của bạn. Chỉ khi nào bạn nhầm lẫn những biểu hiện của bản ngã của con người nói chung với bản chất chân thực của họ thì điều này mới có thể ảnh hưởng đến cách bạn cảm nhận về nhân cách của chính bạn.

GÂY CHIẾN LÀ MỘT THÓI QUEN TRONG CÁCH TƯ DUY

Trong một số trường hợp, bạn cần phải bảo vệ mình hay người khác khỏi bị hãm hại nhưng bạn hãy coi chừng, vì không khéo bạn sẽ tự phong cho mình sứ mạng “trừ gian diệt bạo” và như thế bạn có thể trở thành chính những thứ mà bạn đang cố đấu tranh để loại trừ. Đấu tranh với sự mê mờ có thể làm cho bạn trở nên mê mờ. Vô thức hay những hành vi tha hóa của bản ngã là thứ ta không bao giờ có thể đánh bại được bằng cách trấn áp hay loại trừ. Dù bạn có khuất phục được đối thủ của mình thì sự thiếu nhận thức của kẻ ấy sẽ đi vào trong con người của bạn, vì kẻ địch mà bạn muốn tiêu diệt sẽ tạm rút lui và sẽ tìm cách để biểu hiện ra trong nay mai dưới một hình thức khác. Chống lại một cái gì đó tức là bạn vô tình làm cho cái đó trở nên mạnh thêm, khi kình chống một cái gì là bạn vô tình giúp cho cái đó được tiếp tục tồn tại.

Thỉnh thoảng ta nghe “cuộc chiến chống lại” cái này hay phong trào đấu tranh chống lại cái kia ở các nước phương Tây và mỗi khi như thế thì chúng ta biết rằng thất bại là điều tất yếu sẽ xảy ra cho những cuộc chiến như thế. Nào là cuộc chiến chống ma túy, chống tội phạm, chống khủng bố, chống ung thư, chống đói nghèo,… Thế nhưng, cho dù có cuộc chiến chống ma túy và tội ác thì trong 25 năm qua thống kê cho thấy các vụ tội phạm và những trường hợp liên quan đến ma túy ngày càng gia tăng mạnh mẽ. Năm 1980 số tù nhân ở Mỹ chưa đến 300 ngàn thì năm 2004 đã tăng lên đến con số 2,1 triệu. Cuộc chiến chống bệnh tật đã tạo ra nhiều vấn đề trong đó có việc lạm dụng thuốc kháng sinh. Thoạt đầu thì việc sử dụng kháng sinh dường như có vẻ cấp thời giúp chúng ta thắng được các bệnh truyền nhiễm. Nhưng giờ đây, các chuyên gia y tế đã nhất trí rằng việc dùng kháng sinh tràn lan và thiếu thận trọng trong thời gian qua đã tạo nên một quả bom hẹn giờ và rằng các loài vi khuẩn mới có khả năng kháng thuốc mạnh hơn trước, hoặc các loài siêu vi khuẩn có nguy cơ dẫn đến sự tái xuất hiện của bệnh tật và có thể gây nên những trận dịch toàn cầu. Theo tờ Journal of the American Medical Association, tử vong do chữa trị bằng thuốc Tây là nguyên nhân tử vong ứng vào hàng thứ 3 ở Mỹ, tức là chỉ sau bệnh tim và bệnh ung thư. Các phép chữa vi lượng  đồng căn (homeopathy) và thuốc Bắc cổ truyền của phương Đông là hai ví dụ khả dĩ có thể thay thế cho cách trị bệnh bằng kháng sinh của phương Tây vì hai phương pháp này không trị bệnh như kiểu thuốc Tây, tức là không đối xử với căn bệnh như một kẻ thù, nên chúng không tạo ra những tật bệnh mới.

Gây chiến là một thói quen của cách bạn suy tư, và mọi hành động xuất phát từ đó hoặc  sẽ làm cho kẻ thù – tức là cái bạn cho là xấu – trở nên mạnh hơn, hoặc là tạo ra một kẻ thù mới nếu bạn thắng, hoặc ta sẽ tạo ra một điều xấu khác tương tự hay còn tệ hại hơn cái vừa mới bị đánh bại. Có một sự tương quan sâu sắc giữa trạng thái nhận thức bên trong của bạn và sự biểu hiện ra thế giới bên ngoài của bạn. Khi bạn đang ở trong vòng kiềm tỏa của phần tâm thức cộng đồng gọi là “gây chiến” thì cách suy luận của bạn sẽ có tính chọn lọc và thường bị méo mó. Nói một cách khác, bạn chỉ thấy những gì bạn muốn thấy, và diễn dịch sai lầm những điều bạn nhìn thấy. Hãy thử hình dung xem có những hành vi tốt ẹp nào lại có thể phát sinh từ một cách nhìn sai lạc như thế.

Hãy nhận diện rõ bộ mặt thật của bản ngã ở trong bạn: Đó chỉ là sự tha hóa có tính chất tập thể, là sự điên cuồng của trí năng ở trong con người nói chung. Khi bạn nhận ra mặt mũi chân thực của bản ngã là gì, bạn sẽ không còn nhận lầm nó với bản chất chân thực của một người. Khi đã nhận ra mặt mũi chân thực của bản ngã thì chuyện giữ cho mình không phản kháng với bản ngã trong người khác cũng dễ dàng hơn. Bạn không còn xem nó là một vấn đề của riêng bạn nữa. Bạn sẽ không còn than vãn, chê trách, hay cáo buộc ai. Không có đúng sai gì ở đây cả, mà chỉ là biểu hiện của bản ngã ở trong con người đó, thế thôi. Lòng xót thương phát sinh khi bạn nhận ra tất cả những khổ đau của con người đều gây nên bởi sự bệnh hoạn của thói quen suy nghĩ miên man ở trong con người, có người thì bệnh nhẹ, có kẻ thì bệnh rất nặng. Ta không còn tiếp tay để gây thêm những bi kịch với những kiểu quan hệ có tính bản ngã như thế. Tiếp tay ở đây nghĩa là gì? Là thái độ phản ứng của bạn đối với một vấn đề. Vì phản ứng là thứ nhiên liệu mà bản ngã của bạn rất ưa thích.

BẠN MUỐN ĐƯỢC YÊN HAY MUỐN CÓ NHỮNG BI KỊCH?

Không ai mà lại không muốn có sự bình yên. Ấy vậy mà trong ta có một cái gì đó luôn muốn có những bi kịch, luôn muốn có sự xung đột. Bây giờ có thể bạn chưa nhận ra đâu. Nhưng rồi bạn sẽ nhận ra khi có một tình huống hay thậm chí là một ý nghĩ phát sinh và mong muốn đó sẽ trỗi dậy, châm ngòi cho phản ứng ở trong bạn. Khi bị người nào đó tố cáo bạn, không thừa nhận bạn, chất vấn cách hành xử của bạn hay tranh cãi với bạn về tiền bạc, v.v… lúc đó bạn có thấy trong mình có một nguồn lực đang dâng trào không? Năng lực đó là nỗi sợ hãi được che đậy dưới cảm xúc giận dữ và thù nghịch. Bạn có nhận ra giọng nói của mình đang đanh lại, lớn tiếng hay gằn giọng không? Bạn có ý thức rằng lý trí của bạn đang gấp rút bảo vệ cho quan điểm của nó, đang biện minh, đả kích hay quở trách người khác? Nói cách khác, bạn có tỉnh táo vào giây phút bạn vừa đánh mất nhận thức ở trong bạn không? Bạn có cảm nhận được trong mình có một cái gì đó đang cảm thấy nó bị lâm nguy; nó đang có biến động, và nó muốn sống còn với bất kỳ giá nào; rằng nó cần có những bi kịch để khẳng định tư cách của mình là người chiến thắng trong màn kịch đó không? Bạn có cảm nhận rằng ở trong mình có một cái gì đó thà thấy mình đúng hơn là muốn được yên?

☀️☀️☀️

Chú thích

(1) Cái tiếng nói vang vang ở trong  đầu bạn: Tiếng nói ồn ào, ở trong đầu bạn, luôn chê bai người này, phán xét người kia,… là tiếng nói của bản ngã ở trong bạn. Bạn chỉ cần nhận ra “Ồ, đó chỉ là tiếng nói của bản ngã” và không cần phải làm theo những gì tiếng nói ấy muốn bạn làm.

(2) Những vật sở hữu của bản ngã: Những thứ như tài sản, đất đai, danh tiếng, địa vị xã hội, sắc đẹp, ý nghĩ, cảm xúc… là những thứ tự thân chúng không thể làm cho bạn khổ. Bạn chỉ khổ khi mà khái niệm sở hữu phát sinh ở trong đầu và bạn cả tin vào khái niệm này thì tài sản bây giờ trở thành là tài sản “của Tôi”, đất đai trở thành là đất đai “của Tôi”, địa vị xã hội, sắc đẹp, ý nghĩ, cảm xúc… sẽ trở thành địa vị xã hội, sắc đẹp, ý nghĩ và cảm xúc… “của Tôi”. Và từ đó, lo sợ sẽ phát sinh vì những vật ấy có thể mất mát hoặc hư hao.

(3) Khi ta chỉ trích hay phê phán người khác: Tức là ta đang phê phán chính mình.  Giả sử nếu người khác phê phán rằng: “Bạn chỉ là một kẻ ích kỷ!”, thì nguyên bản đầy đủ của ý nghĩ ấy của họ là: “Nếu tôi mà là bạn và tôi hành động như bạn thì tôi quả là một kẻ ích kỷ”. Nhưng toàn bộ câu nói này đã được rút ngắn lại, chỉ còn lại phần cuối: “Tôi quả là một kẻ ích kỷ”, nhưng chữ “Tôi” để nói về chính họ, đã được người đó phóng chiếu ra bên ngoài và trở thành một điều gì nói về một người khác, nói về “Bạn”, do đó câu nói của họ trở thành: “Bạn chỉ là một kẻ ích kỷ!”.

(4) Khi bạn phản ứng mạnh với những gì tiêu cực mà bạn nhìn thấy ở người khác: Thì đây là một dấu hiệu rất tốt để bạn nhìn lại xem, bạn có đang phản ứng một cách vô thức với những gì tiêu cực tương tự mà bạn đang có ở trong bạn, nhưng bạn chưa ý thức được?

(5) Không phản ứng với những cư xử khiếm khuyết, đượm nhiều tính chấp ngã ở người khác: Tiếp xúc với một người mà bạn đã từng có quan hệ trong quá khứ có thể tạo nên những phản ứng thù nghịch, hay tiêu cực ở người đó qua thái độ hoặc lời nói khiếm nhã đối với bạn. Điều duy nhất mà bạn có thể làm là không phản ứng với họ qua ý nghĩ, lời nói hay hành động của bạn. Ngay cả khi bạn không trao đổi hay nói năng qua lại gì với người đó, sự im lặng ấy của bạn cũng nằm trong thái  độ không phản ứng từ phía bạn vì bạn hiểu rằng đó không phải là bản chất chân thật của họ. Người đó đang phản ứng, cư xử với bạn từ một chỗ thiếu sáng suốt, vì họ vẫn còn đang cảm thấy bị tổn thương và ám ảnh bởi những gì đã xảy ra trong quá khứ. Cho nên bạn sẽ thấy rằng phản ứng lại với người đó là một điều không cần thiết. Ngạn ngữ phương Tây có câu “Một cuộc khiêu vũ luôn cần phải có sự tham dự của hai phía”. Nếu người đó muốn tạo thêm xung đột và bi kịch trong phút giây này, nhưng bạn thì sáng suốt và không còn muốn tham dự vào những bi kịch này thì chỉ cần một bên: bạn không tham dự thì cũng đủ để làm cho mọi xung đột chấm dứt. Một, hai, hay ba lần tiếp xúc với nhau mà bạn luôn chọn để không phản ứng thì bạn sẽ thấy mọi chuyện tự nhiên êm lắng lại. Bạn đang cải thiện quan hệ với người đó mà không cần phải hành động gì cả.

(6) Tính chấp ngã tập thể: Tính chấp ngã của tập thể có thể d9ược biểu hiện qua niềm tự hào của một quốc gia, chủng tộc, tôn giáo,… để lôi kéo những người có nhu yếu đi tìm một tư cách, bản ngã của mình qua thói quen tự đồng hóa họ với một  oàn thể chống lại một oàn thể khác. Những người phát-xít Đức trong Thế chiến thứ hai là một ví dụ điển hình về tính chấp ngã của tập thể, họ cho rằng chủng tộc của mình – người Đức – là một chủng tộc siêu đẳng, đưa đến nhu yếu muốn tiêu diệt những chủng tộc mà họ cho là thấp kém hơn.

(7) Lẽ ra chuyện này không nên xảy ra, rằng bạn không hề muốn có
mặt ở nơi này:
Đây là một thái độ chống đối với những gì đang xảy ra trong phút giây hiện tại. Hãy tưởng tượng rằng vì một lý do nào đó, bạn đang bị nhà chức trách tạm thời giam giữ. Thay vì chấp nhận rằng “Ồ, mình đang bị bắt giam” và tìm một chỗ ở trong phòng giam để nghỉ ngơi,… như những người khác ở trong phòng giam đang làm, thì trái lại, bạn căng thẳng, đi đi lại lại trong phòng giam. Vì bạn đang có thái độ chống đối, rằng chuyện này không nên xảy ra, rằng bạn không hề muốn có mặt ở nơi đây. Thực ra, nên hay không nên thì bạn vẫn đang bị bắt giữ, bạn không thể tranh cãi gì được về hiện thực này và có muốn ở  đây hay không, bạn cũng phải ở đây, ở trong phòng giam đêm nay. Chống đối những gì đang có mặt là thái độ làm cho bạn đớn đau, khổ sở. Khi đã chấp nhận tình trạng, bạn có sự sáng suốt và không gian để làm những gì bạn cần làm (gọi cho người thân, viết đơn kháng cáo,…) để giúp mình thoát ra khỏi tình trạng.

(8) Đối với bản ngã thì kẻ thù lớn nhất của nó chính là phút giây hiện tại, tức cũng chính là đời sống: Đời sống của bạn luôn luôn xảy ra trong giây phút này, và giây phút này là thứ duy nhất mà bạn sở hữu, và làm những gì bạn cần làm. Bạn đang ở sở làm? Có những công việc đang cần bạn làm nhưng bạn không cảm thấy hứng thú gì trong công việc mình đang làm? Nhưng công việc này có phải đang giúp bạn nuôi sống bản thân và gia đình bạn? Chỉ cần bạn tôn trọng và chú tâm đến mỗi công việc thì bạn sẽ cảm thấy rất dễ chịu và thú vị khi làm những công việc này. Do đó, chống lại phút giây hiện tại, tức là chống lại chính đời sống.

(9) Nhiều lúc, rõ ràng bản ngã của bạn thực không muốn có một sự thay đổi gì cả, nhờ thế nó còn tiếp tục có dịp  để than vãn: Giả dụ bạn có một cô bạn đang có vấn đề với chuyện thiếu tự tin, làm điều gì cũng luôn chạy đến hỏi bạn. Còn bạn thì lại vừa  thích làm cố vấn cho cô ấy, đồng thời lại thích than vãn với người khác rằng: “Cô ấy thực không có một chút tự tin nào cho chính mình, một chuyện cỏn con gì cũng không biết giải quyết, phải luôn chạy đến hỏi Tôi!”. Một hôm, cô bạn ấy khoe với bạn rằng cô ta bây giờ đang thực tập Thiền vì muốn vượt qua được vấn đề thiếu tự tin của cô. Bạn nghe tin vui nhưng trong lòng lại không cảm thấy mừng rỡ như lẽ ra phải có, rằng: “bạn mình đang làm một điều hay, có thể giúp ích cho cô ấy”. Vì biết đâu, nếu cô bạn thực sự thay đổi thì bạn sẽ không còn được cô ấy tìm đến để tham vấn nữa và quan trọng hơn là bạn không còn cớ để than phiền về vấn đề thiếu tự tin của cô ta.

(10) Một khuôn mẫu bó buộc: Ví dụ, bạn là một người khá thành đạt, quen quyết định mọi việc từ trước đến giờ. Khi bước vào một quan hệ luyến ái thì bạn vẫn theo thói quen cư xử đó và cho rằng lối cư xử ấy không có gì sai trái, vì nó đã từng giúp bạn thành công trước đây. Nhưng để có sự hòa điệu trong quan hệ luyến ái, bạn cần nhận ra và thực tập làm khác đi thói quen này.

(11) Bạn chính là cái phần nhận ra tiếng nói đó: Nhận thức này giúp bạn biết mình không phải là tiếng nói ồn ào, luôn vang vọng  đó, nên bạn không để tâm hoặc làm theo những lời xúi giục, phê phán, chê bai của bản ngã.

(12) Có một sự nhận biết: Đây cũng là bản chất chân thật, vô hình tướng của bạn.

(13) Thực tập được như thế, bạn sẽ thoát ra khỏi sự khống chế của bản ngã: Bản ngã của bạn như một gã nịnh thần mà bạn thường thấy trong những vở tuồng xưa. Nếu bạn là một vị hoàng đế thiếu sáng suốt, không biết những gì đang xảy ra ở trong tâm mình thì bản ngã của bạn sẽ dụ hoặc, và tâng bốc bạn,… và xúi giục bạn làm theo những điều xằng bậy mà gã nịnh thần ấy rủ rỉ vào tai bạn suốt ngày đêm. Khi thì bản ngã lại giả vờ nó là bạn, nó lấn lướt và la mắng bạn như một kẻ quyền thần đang thao túng, lộng quyền.

(14) Những lối hành xử cũ hay những thói quen suy tư ở trong bạn vẫn có thể còn tồn tại và sẽ tái diễn trong một thời gian nữa: Khi bạn nhận ra “Ồ, mình thường rơi vào thói quen rượu chè say sưa khi trong lòng có điều gì khổ tâm”, biết rằng đây là cách bạn tránh né những nỗi khổ ở trong mình, tuy nhiên, thói quen uống rượu sẽ còn tiếp diễn trong một thời gian nữa vì quán tính. Điều bạn cần làm là giữ cho ý thức mình được sáng tỏ rằng: “Tôi là một người có vấn đề nghiện ngập với rượu bia”, có ý chí muốn thực tập để vượt thoát khỏi thói quen này và không để mình rơi vào thái độ buông xuôi, không làm gì cả với những thói quen tiêu cực ở trong mình.

(15) Mỗi khi những thói quen cũ này bị nhận diện: Tức là khi thói quen ấy vừa phát sinh, bạn ý thức rằng “Ồ, thói quen cũ của mình đang phát sinh đây” và không tự đồng hóa, cho rằng thói quen đó chính là mình tức là bạn vừa nhận diện được một thói quen cũ. Điều này sẽ làm cho thói quen ấy suy yếu dần. Bạn có thể dùng phương pháp này để vượt qua những thói quen mà bạn nhận ra ở trong mình và muốn vượt qua.

(16) Một người thường xuyên ở trong trạng thái “chống  đối một điều gì”:
Đây là nhu yếu sống còn của bản ngã. Chống đối là nhiên liệu giúp cho bản ngã tiếp tục sống còn. Ví dụ, tuy chúng ta đã bước sang thế kỷ thứ 21, nhưng một người Do Thái đã từng sống trong những trại tập trung của phát xít Đức trong Thế chiến thứ hai vẫn tiếp tục nghe người bạn cùng trại giam với mình thời ấy than phiền về sự tàn ác của những người lính Đức thời đó, như thể điều đó vẫn còn đang xảy ra trong lúc này. Cho nên có lần ông đã thắng thắn nói với bạn mình: “Ồ, 60 năm đã trôi qua, thế mà tụi lính Đức vẫn còn giam cầm được anh!”. Ý muốn nói là người bạn ấy bây giờ đã không còn bị giam cầm nữa, nhưng ông ta vẫn còn bị ám ảnh bởi quá khứ, như thể ông ta vẫn còn đang ở tù.

(17) Lòng oán hận về một chuyện đã qua của một tập thể có thể tồn tại qua nhiều thế kỷ: Trong lịch sử của một dân tộc, ta không thể tránh được sự đổi thay của những thể chế lúc này hay lúc khác, làm sao để ta ý thức rằng: “Ồ, tôi đang mang lòng oán hận một điều gì xưa cũ đã xảy ra 100 năm, hoặc 200 năm về trước!”. Quả thực, quá khứ là một điều đã xảy ra và chúng ta không thể xoay ngược bánh xe thời gian để thay đổi được quá khứ. Nhận thức đó giúp bạn buông bỏ lòng oán hận, trở về để sống với phút giây
hiện tại
, với những điều kiện hạnh phúc mà bạn vẫn còn đang có. Lòng oán hận của bạn đối với người khác không thể làm tổn thương được họ – những người mà bạn nghĩ là đã làm cho bạn điêu đứng, khổ sở. Trái lại, lòng oán hận sẽ làm tổn thương chính bạn, là chất cường toan thiêu đốt bạn, những người thân của bạn và môi trường chung quanh bạn trong phút giây này.

(18) Lối suy nghĩ đầy tính ám ảnh như thể chuyện ấy là một điều gì vẫn đang còn xảy ra: Đây là hội chứng về tâm lý, một căn bệnh về tâm thần mà phương Tây gọi là Post Traumatic Stress Disorder, viết tắt là PTSD, tức là sự Căng Thẳng và Ám Ảnh Tâm Lý của một người sau khi đã đi qua một kinh nghiệm kinh hoàng, trong đó có sự chấn thương trong cơ thể hoặc tinh thần. Một người bị tai nạn xe hơi, bị giam cầm, hãm hiếp, hoặc bị người khác hành hung, hiếp đáp, la mắng, nói nặng lời,… đều có thể gây ra hội chứng PTSD. Điều cần làm ở đây là xác nhận rằng người ấy có triệu chứng PTSD, có sự Căng Thẳng và Ám Ảnh Tâm Lý của một người đã trải qua một biến cố tâm lý. Điều cần làm là giúp cho người đó nhận thức rằng ở trong họ có những cảm giác sợ hãi, giận dữ, u sầu,… qua biến cố đó, rằng chuyện ấy là một biến cố có thể xảy ra cho bất kỳ ai chứ không phải riêng một cá nhân nào. Điều quan trọng là không quy lỗi cho ai trong biến cố này. Người ấy cần thổ lộ những gì đang ám ảnh họ, tiếp xúc và hóa giải những cảm xúc ấy, và hóa giải những suy luận, diễn dịch không xác thực về biến cố ấy,… giúp cho họ nhận thức rằng đó chỉ là những ám ảnh tâm lý đã thuộc về quá khứ vì trong giây phút này, không có chuyện gì đáng sợ đang xảy ra cho họ hoặc cho người thân của họ cả. Hiểu, chấp nhận và tha thứ cho những gì đã xảy ra là cách duy nhất để họ hóa giải vết thương của quá khứ.

(19) “Hãy tha thứ cho kẻ thù của anh em”: Trong lịch sử, ta biết Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn (1231-1300) là một danh tướng đời nhà Trần. Ông sinh ở làng Kiếp Bạc, xã Hưng Đạo, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương, tuy mang mối thù lớn của cha mình, Trần Liễu, khi cha ông trối trăng: “Con phải vì cha mà lấy được thiên hạ, nếu không thì dưới suối vàng, cha chết cũng không nhắm mắt” nhưng ông đã gạt thù riêng trong gia tộc để một lòng lo phò vua, giúp nước. Ba lần giặc Nguyên Mông kéo đến xâm lấn nước ta, ông 3 lần đều đánh bại chúng. Về sau khi triều chính đã suy vi, Hưng Đạo Đại Vương có thừa tài ba, mưu chước và binh lực để trả thù cho cha, soán đoạt ngôi vua, nhưng ông vẫn một lòng yêu nước, thương dân. Ông đã từng đem lời cha ông trăng trối để dò ý Yết Kiêu và Dã Tượng, thì hai cận thần thân tín trong gia đình của ông đã thưa rằng: “Làm kế ấy tuy được phú quý một thời nhưng để lại tiếng xấu ngàn năm. Nay Đại Vương há chẳng đủ phú quý hay sao? Chúng tôi thề xin chết già làm gia nô, chứ không muốn làm quan lớn mà không có lòng trung hiếu”. Hưng Đạo Đại Vương quả là một con người không bị ràng buộc bởi bản ngã, bởi quá khứ, bởi những oán thù của gia đình.

(20) Cơ cấu chính của bản ngã trong cách suy tư của con người: Là cách nhìn sai lầm và phân biệt rằng có “Tôi” và có “những cái không dính gì đến Tôi”; trong đó những người khác và mọi thứ đều xoay quanh “Tôi”. Đây là một cách nhìn sai lầm từ gốc rễ vì ý niệm về “Tôi” chỉ là một ý niệm sai lầm, không hề có căn cứ trong thực tại; “Tôi” chỉ là một ấn tượng không xác thực về một con người không có thật ở trong bạn. Cách nhìn này gây nên tất cả những thống khổ ở trong bạn. Muốn vượt qua cơ cấu này, bạn có thể thực tập để buông bỏ tất cả những ý nghĩ dính đến một cái “Tôi”, hoặc “của Tôi” khi chúng phát sinh ở trong tâm thức bạn. Hãy đập vỡ cơ cấu sai lầm này khi trong bạn có sự căng thẳng vì một ý nghĩ vừa chớm lên ở trong đầu bạn rằng: “Chết, Tôi sẽ trễ tàu”, hoặc “Tôi sẽ không có một chỗ ngồi tốt”, hoặc “Tôi phải bước lên chuyến tàu này tối nay”,… khi bạn đang đứng xếp hàng đợi lên tàu để đi xa. Ý nghĩ này không phải là vấn đề, chúng chỉ trở thành là vấn đề khi bạn cả tin vào ý nghĩ ấy, đến độ bạn tin rằng có một con người tách biệt với đời sống và với mọi thứ chung quanh; con người ấy đang tìm mọi cách để bước lên tàu, con người ấy có thể dẫm lên những người chung quanh vì, trong phút giây khẩn cấp ấy, con người xa lạ ấy ở trong bạn không thể liên hệ được với đời sống và những người chung quanh.

(21) Bảo vệ cái ảo tưởng về mình: Bản ngã là một điều gì không có thực, không bao giờ hiện hữu. Cho nên ta chỉ đang bảo vệ cho một ảo tưởng về mình. Thực ra, bạn không phải là người đang đứng ra để bảo vệ, mà đó chính là bản ngã ở trong bạn, nó là cái đang đứng ra để cố bảo vệ cho ảo tưởng về sự xác thực của chính nó. Khi không còn bản ngã ở trong bạn thì làm việc, lái xe, nghỉ ngơi, ăn, ngủ, làm tình,… và những hoạt động khác trong đời sống của bạn vẫn xảy ra, mà có khi còn trôi chảy hơn trước nữa vì giờ đây không có một cái Tôi tách biệt, không còn cái bản ngã nặng nề, đầy khổ đau luôn muốn tranh giành công lao trong những hoạt động đó qua ý nghĩ như: “Hãy nhìn xem, chính Tôi làm những việc ấy ấy nhé!”; hoặc thái độ xác định quyền sở hữu về những thứ như xe cộ, nhà cửa, tài sản, đất đai, ngay cả vợ chồng, con cái… kiểu như: “Những thứ đó là của Tôi hết thảy!”.

(22) Tính Nhất Thể với đời sống: Tính nhất thể hay nhất như là tính chất như nhau, bất nhị, không khác biệt giữa bạn với toàn thể, với tổng thể của đời sống. Trong một cơ thể, tay chân, và tất cả các bộ phận trong cơ thể của bạn có tính nhất thể, là một với bạn, và cũng chính là bạn. Nhìn rộng hơn trong đời sống, những người khác, muôn thú, đất đá, cỏ cây cũng có tính nhất thể với bạn.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. THỨC TỈNH MỤC ĐÍCH SỐNG
  2. BA THUỘC TÍNH CỦA HÀNH ĐỘNG KHI ĐÃ TỈNH THỨC
  3. TỈNH THỨC MANG LẠI LỢI ÍCH GÌ?

Bài viết khác của tác giả

  1. NIỀM VUI TỰ TẠI
  2. QUÁ KHỨ KHÔNG THỂ “SỐNG DẬY” KHI BẠN THỰC SỰ CẢM NHẬN ĐƯỢC HIỆN TẠI
  3. ĐÁNH MẤT CÁI BÂY GIỜ

Bài viết mới

  1. ĐI QUA ĐỪNG CÓ ĐỐT CẦU, ĐỂ NGÀY CẦN ĐẾN CÓ CẦU MÀ ĐI
  2. BỔN PHẬN
  3. ĐỔ LỖI CHO AI ?