KOITSU YOKOYAMA
Trích: Một Cuộc Sống Trí Tuệ; Người dịch: Thiện Quang; NXB Hồng Đức.
Cuộc sống này là gì? Bạn có thể sẽ định nghĩa cuộc sống này như là sự hiện hữu, qua đó cái tôi và những điều khác đều bị chia rẽ và đối lập.
Vật vô tri không có nhận thức, nhưng chúng ta, những con người, lại có nhận thức về sự đối lập giữa cái tôi và những thứ khác. Các loài động vật dường như có một ý thức nào đó về sự đối lập giữa cái tôi và những thứ khác: ví dụ như, một con chim chiến đấu để xua đuổi kẻ xâm nhập vào lãnh thổ của chúng. Trong chuỗi tiến hoá, chúng ta nhận thấy con người có sự trải nghiệm ở một mức độ cao hơn về sự đối lập giữa cái tôi và những thứ khác.
Nhận thức về sự đối lập đã được định hình trong cuộc sống của mỗi cá nhân chúng ta ở dạng yêu thương và căm ghét. Sự đối lập còn có dạng ghen tị và cạnh tranh. Trong một quy mô rộng lớn hơn, sự đối lập sẽ kích động những cuộc xung đột về lợi ích và ý thức hệ. Điều lớn nhất trong các sản phẩm đối lập, chính là chiến tranh – đây là hành động điên rồ nhất con người có thể phạm phải.
Tôi đã từng viếng thăm Vạn lý Trường thành ở Trung Quốc. Hầu hết các du khách đã đến đây đều cảm thấy thật phấn khích khi ngắm kiến trúc hùng vĩ này, nhưng tôi đã quyết định không đến đây thêm một lần nào nữa. Vạn lý Trường thành đã khiến tôi suy nghĩ rất nhiều về những hành động điên rồ mà loài người đã phạm phải trong lịch sử. Vạn lý Trường thành trải dài hàng ngàn cây số, và là một sản phẩm của lịch sử. Tuy nhiên, chế độ phong kiến xưa kia đã phải tàn bạo đến thế nào để tạo dựng nên nó? Số lượng người lao động khi bắt đầu xây dựng công trình này lên đến một phần ba dân số vào thời Tân Thuỷ Hoàng. Số người đã chết do lao động nặng nhọc được ước tính hàng trăm ngàn người. Điều đó thật là khủng khiếp!
Vạn Lý Trường Thành được xây dựng nhằm ngăn chặn những kẻ xâm lược, cũng khiến cho tôi suy nghĩ về lịch sử của loài người. Chiến tranh không chỉ là một chuyện gì đó đã xảy ra trong quá khứ. Ngay cả ngày nay, hầu như không có một nơi nào trên thế giới mà không bị chiến tranh chạm đến. Có lẽ hành vi xấu xa này sẽ còn tồn tại khi nào loài người còn tồn tại. Tuy nhiên, chúng ta có nên cam chịu điều đó như là định mệnh? Không có cách nào khác để kiểm soát điều đó? Ở khoảnh khắc mà ta bắt đầu suy nghĩ về “cái tôi” và “của tôi”, chúng ta cho rằng “cái tôi” và “của tôi” thật sự hiện hữu. Trong thực tế, việc sử dụng từ ngữ và các khái niệm về “cái tôi” và “của tôi” đã tạo ra nhận thức sai lầm không phải vấn đề duy nhất. Bên trong nhận thức sai lầm này, chúng ta đã gắn bó với cái tôi như với một bóng ma.
Điều đó chẳng những dẫn đến đau khổ và lo lắng, mà do lo lắng và đau khổ, do sự phân biệt giữa cái tôi và những người khác, chúng ta như là một con thuyền mang số phận sẽ bị đắm chìm. Chúng ta đã có phương tiện gì để giải cứu xã hội và nhân loại đang bị mất phương hướng, bên dưới gánh nặng của đau khổ hay không? Không có cách nào khác ngoài sự thay đổi cơ bản cách thức chúng ta nhận biết thế giới. Chúng ta phải giải phóng chính mình ra khỏi lối sống dựa trên sự ích kỷ, sự đối kháng giữa cái tôi với những thứ khác. Không có cách nào hơn là vượt lên ý nghĩa của việc làm người, trong khi chúng ta vẫn giữ được nhân tính.
Việc chuyển hoá bản thân, chính là niềm mong muốn của tất cả mọi người. Vậy chúng ta cần phải thực hiện điều này như thế nào? Theo quan điểm Duy thức, việc chuyển hoá bản thân sẽ được hoàn thiện bằng cách lắng nghe những lời giảng dạy minh triết và trau dồi trí huệ phi khái niệm (nirvikalpa-jnana).
Chúng ta hãy bắt đầu bằng cách lắng nghe những lời giảng dạy minh triết. Con người bối rối bởi lời nói; việc hiểu lầm lời nói chính là những gì chúng ta đang biểu hiện, và vì vậy sẽ gánh lấy đau khổ. Do bị dẫn dắt chệch hướng bởi lời nói, trước tiên chúng ta cần phải giải thoát chính mình khỏi những ảo ảnh mà việc sử dụng lời nói lầm lạc đã đem lại.
Một khi lắng nghe những lời giảng dạy minh triết của Đức Phật, chúng ta hãy bắt đầu suy ngẫm về những lời nói, và hãy kiểm tra tính xác thực của chúng. Khi suy ngẫm, chúng ta sẽ bắt đầu nuôi dưỡng những hạt giống thuần khiết tiềm tàng sâu thẳm bên trong tạng thức. Khi những hạt giống này bắt đầu nẩy mầm và đâm chồi, quan điểm của chúng ta về thế giới cũng sẽ thay đổi. Vì vậy, chúng ta cần phải tìm kiếm càng nhiều những lời giảng dạy minh triết từ những người thầy đích thực càng tốt, và lắng nghe một cách thường xuyên hơn.
Vậy chúng ta phải bắt đầu từ đâu? Những lời giảng dạy cơ bản mà ta cần lắng nghe, tin tưởng và xem như là kim chỉ nam cho cuộc sống của ta là gì? Tôi nhận thấy ý tưởng “Bồ tát hạnh” đã tạo cảm hứng và động cơ thật sự sâu sắc ngay từ khởi đầu. Vị Bồ tát chính là người có lòng nhân từ vĩ đại và sống với lời nguyện của mình sẽ ở lại trên thế gian này, và gánh chịu luân hồi vì lợi ích của những người khác. Một khi thâm nhập vào được ý tưởng này, lòng can đảm của chúng ta sẽ dâng trào từ bên trong, và nỗi lo sợ cái chết dường như sẽ tan biến. Điều đó sẽ diễn ra do mong muốn vị tha, đã làm nẩy mầm những hạt giống thuần khiết trong tạng thức. Ví dụ đơn giản này có thể không đáp ứng một cách trọn vẹn các mục tiêu trong việc lắng nghe những lời giảng dạy minh triết, tuy nhiên chắc chắn đây là một bước đi đúng hướng. Chúng ta cũng nhận thức rằng, còn có những ý tưởng đôi khi chỉ nghe một lần cũng đủ để duy trì bên trong tâm trí ta một niềm tin sâu sắc, và có ảnh hưởng đến toàn bộ dòng chảy cuộc sống.
Còn có một cách khác để vận dụng nguyên lý này. Đó chính là việc tạo thói quen thật sự thú vị khi một điều kỳ diệu diễn ra. Chúng ta hãy học cách thể hiện niềm vui. Khi ăn một món ngon, ta hãy nói: “Thật tuyệt!” Khi nhìn một bông hoa đẹp, ta hãy trầm trồ: “Ôi thật đẹp!” Khi gặp chuyện vui, ta hãy bày tỏ niềm hạnh phúc. Một khi bạn học được cách công nhận và thể hiện những điều tích cực trong cuộc sống, tâm trí bạn cũng sẽ trở nên tích cực hơn. Chúng ta sẽ trở nên hạnh phúc và hân hoan hơn. Tất cả những suy nghĩ trong tâm trí và những từ ngữ mà ta nói, sẽ trở thành điều kiện làm nẩy mầm những hạt giống tích cực trong tạng thức. Việc học hỏi để đánh giá đúng cái đẹp trong sự tốt lành có thể biến đổi tâm trí ta trở nên tốt đẹp hơn nhiều.
Tương tự, nếu như cứ mãi suy ngẫm về quá khứ, và tự hỏi “Vì sao điều này lại diễn ra như vậy?”, sau cùng chúng ta sẽ cảm thấy đau buồn, lo lắng về tất cả mọi điều, đổ lỗi cho người khác và giận dữ. Suy nghĩ càng tiêu cực, chúng ta sẽ càng làm ô nhiễm tâm trí mình. Trên thực tế, quá khứ đã đến và đi, dẫu có cằn nhằn bao nhiêu cũng không thay đổi được quá khứ. Điều tốt nhất là hãy tự buộc mình bước ra khỏi những kiểu suy nghĩ tiêu cực, hãy ghi nhớ bất cứ điều gì vui vẻ và tuyệt vời được trải nghiệm. Thay cho những suy nghĩ tiêu cực, chúng ta hãy nghĩ “Thật vui! Thật tuyệt làm sau!” Một, khi thực hiện được như vậy, chúng ta sẽ có thể khiến cho quá khứ gây ra phấn chấn trong hiện tại, thay vì để cho quá khứ làm trì trệ hiện tại. Tất cả những suy nghĩ tích cực sẽ chăm sóc các hạt giống thuần khiết sâu thẳm bên trong tạng thức và sẽ khiến cho tâm trí có được sự thanh thản và niềm hạnh phúc.
Bây giờ chúng ta hãy chuyển sang phương tiện thứ hai, về sự chuyển hoá bản thân: trí huệ phi khái niệm. Một khi ban tặng ai điều gì, ta sẽ thấy mình phục vụ như một người ban tặng, trong khi người kia trở thành người nhận, giữa hai người là vật được ban tặng. Ba phạm trù này chính là cấu trúc trải nghiệm cơ bản trong hành động. Điều đó có thể đã diễn ra, nhưng chúng ta không nhận thức được nhiều về nó, không một chút tự hào từ việc cho đi. Nếu như chúng ta không cảm thấy tự hào về điều đó thì đây chính là một tình huống gây thất vọng. Bằng việc ban tặng – một hành động được thiết kế nhằm làm lợi cho những người khác – ý thức bản ngã có thể sẽ lớn mạnh hơn. Chúng ta đừng nên ban tặng theo cách ấy. Điều quan trọng, đừng để cho sự phân biệt bằng khái niệm giữa người cho, người nhận và vật ban tặng làm vấy bẩn hành động ban tặng. Thực hiện hành động mà không bám víu vào các khái niệm mang tính phân biệt giữa người cho, người nhận và vật ban tặng chính là hành động với trí huệ phi khái niệm.
Trí huệ phi khái niệm sẽ hoạt động theo hai cách: một mặt, nó sẽ tạo ra một hành động chân thực và thuần khiết vì người khác, mặt khác, giống như ngọn lửa đang hướng vào chính người đó nhằm đốt cháy những hạt giống đã bị nhiễm bẩn trong tạng thức. Cũng như một ngọn nến đang cháy, nó sẽ phát ra ánh sáng và nhiệt độ, và cũng làm cạn kiệt nhiên liệu của nó. Tương tự, trí huệ phi khái niệm sẽ tạo ra các hành động trắc ẩn khi ban tặng, trong khi việc tiêu thụ nhiên liệu chính là niềm đam mê.
Bước vào tuổi đôi mươi, tôi đã kỳ vọng một cuộc sống kỳ diệu trong sự thanh thản bằng cách theo đuổi “con đường thiền định”. Vào những ngày đó, sau khi rời khỏi trường đại học, tôi về nhà và đi ngay vào phòng, đốt một nén nhang trầm và ngồi thiền. Mỗi khi mẹ và em tôi xem tivi, tôi sẽ thuyết giảng về những điều tồi tệ khi con người làm lãng phí thời gian, vì chúng ta cần phải làm việc siêng năng hơn cho đến lúc chết. Tôi đã thật sự cháy bỏng với động cơ cứu giúp mọi người, thậm chí tôi nghĩ mình sẽ thực hiện bằng cách lên một thiền viện trên núi và sẽ nỗ lực đạt được sự giác ngộ ở đó. Tôi không nói suy nghĩ của mình vào lúc ấy là hoàn toàn sai lầm, tuy nhiên ngày nay, khi nhìn lại tình huống tôi cảm thấy mình đã không thể cứu giúp được bất cứ người nào. Nếu như thể hành động bằng trí huệ phi khái niệm, cho dù tôi là một tu sĩ hay là một người bình thường, việc tu hành Phật pháp của tôi sẽ không được xác thực. Triết học Duy thức đặc biệt nhấn mạnh điểm này.
Chúng ta đã tự mình rũ bỏ ý thức bản ngã như thế nào? Việc chỉ đơn thuần đọc sách và lắng nghe lời giảng dạy từ những người khác sẽ không loại bỏ được ý thức bản ngã. Sự tự chuyển biến một cách sâu sắc chỉ trở nên khả dĩ, một khi ta dấn thân vào hành động để có được sức mạnh để làm tan chảy bản ngã. Để có được thực hành đích thực, chúng ta không chỉ tìm ra những hành động như việc ban tặng dựa vào trí huệ phi khái niệm, mà còn phải có khả năng thực hiện bất cứ hành động nào khác trong đời sống hàng ngày – bằng trí huệ phi khái niệm. Thông qua việc trau dồi một cách liên tục trí huệ phi khái niệm, chúng ta mới đạt được khả năng đốt cháy những hạt giống tiêu cực trong tạng thức, và khiến cho các phẩm chất tích cực được đơm hoa kết trái.
Chúng ta phải làm việc cùng với những người khác mà không có sự phân biệt đối xử. Theo cách này, tất cả những hạt giống hư hỏng mà bản ngã đã gieo trông trong tạng thức sẽ bị tàn lụi. Và kết quả là bản ngã của ta sẽ tan biến, từng chút một, khỏi những suy nghĩ và hành động. Đây chính là một thực hành thật sự kỳ diệu.