LAMA SURYA DAS
Trích: Đi Tìm Lời Giải Cho Những Câu Hỏi Lớn Của Cuộc Đời; Nguyên tác: The Big Questions, How to Find Your Own Answers to Life's Essential Mysteries; Việt dịch: Huỳnh Văn Thanh; NXB. Hồng Đức
Surya đã dành hơn bốn mươi năm nghiên cứu thiền tông, yoga và Phật giáo Tây Tạng cùng với các bậc chân sư của châu Á, trong đó có cả các vị thầy của chính Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, và đã hai lần hoàn thành kỳ ẩn cư ba năm để thiền định theo nghi cách truyền thống tại thiền viện Tây Tạng của thầy mình.
Ông là một vị lạt ma đã thụ phong và được phép chấp trì công việc hoằng pháp trong tông phái Nyingma của Phật giáo Tây Tạng. Ông là người sáng lập trung tâm Dzogchen tại Cambridge, Massachusetts, cũng như các chi nhánh của trung tâm này trên khắp nước Mỹ. Những năm gần đây, lạt ma Surya đã hướng các nỗ lực và sự chú ý của mình sang các sáng kiến giáo dục liên quan đến thiền định và giới trẻ, điều mà ông gọi là “trí huệ chân chính dành cho việc rèn luyện trong cuộc sống”.
Vào tháng Chín năm 2006, nhân dịp Đức Đạt Lai Lạt Ma đến tham quan đại học Buffalo, New York trong một buổi họp mặt với toàn thể giảng viên các Khoa, một phần trong chuyến viếng thăm ba ngày ấy, một giáo sư đã đứng lên và hỏi, “Tại sao chúng ta được sinh ra trên trái đất này? Tại sao chúng ta lại có mặt ở đây?” Đức Đạt Lai Lạt Ma đã trả lời bằng tiếng Anh cùng với một nụ cười: “Trong hệ thống hữu thần thì Thượng đế biết điều đó. Xin hãy hỏi ông ấy!”
Tôi tin rằng người ta không thể nào trả lời cho câu hỏi “Cuộc đời có ý nghĩa gì?” một cách dứt khoát và rõ rệt. Nó cũng không làm tê liệt chúng ta bằng những nghi ngờ và lưỡng lự. Tôi thấy tốt nhất là hãy giữ cho sự tra vấn ấy luôn sống động bằng cách đặt lại câu hỏi đó theo nhiều cách khác nhau, hết khoảnh khắc này đến khoảnh khắc khác, để giúp tâm trí chúng ta luôn cởi mở đón nhận sự bí ẩn và tươi mới của đời sống. Tôi thường tự hỏi “Cái này là cái gì? Điều gì đang xảy ra, ở ngay đây, ngay bây giờ?” và cố gắng để thấy, cảm và trải nghiệm các sự việc một cách khách quan, bình thản và rõ ràng – đúng như chúng đang là, vượt lên trên mọi lý giải. Sau nhiều năm vật lộn với những vấn đề này, tôi đã đi đến kết luận rằng chúng ta chỉ thật sự khám phá được ý nghĩa của cuộc đời thông qua việc sống trong cuộc đời và không đi theo bất kỳ công thức giản lược hay kế hoạch chủ đạo nào. Ý nghĩa của cuộc đời chính là những gì chúng ta đang hiểu về nó và những gì chúng ta làm được từ nó; nói một cách khác, chúng ta đang đầu tư cho nó.
Tôi còn nhớ một cuộc đối thoại giữa thiền sư Suzuki, người sáng lập trung tâm Thiền San Francisco, và một môn đệ. Người học trò ấy nói, “Con không biết cái gì là nguyên lý thứ nhất”, Suzuki trả lời, “Tôi không biết chính là nguyên lý thứ nhất”. Nhiều khi câu trả lời lại nằm ngay trong chính câu hỏi, và không ở đâu rõ bằng trong chuyện này. Rút ra bài học từ thiền sư Suzuki, chúng ta có thể làm tốt việc đặt lại câu hỏi “Cái gì là ý nghĩa của cuộc đời?” để có được câu trả lời, “Cái gì? (chính) là ý nghĩa của cuộc đời”.
Tôi tin rằng thắc mắc là một phần quan trọng của bí ẩn cuộc đời. Sự thắc mắc giúp chúng ta tránh khỏi bị trở nên chán chường hay khô cạn tri thức và vẫn thật sự sinh động. Một vị thầy Thiền tông có nói rằng cùng đích và mục tiêu của cuộc đời ông là sống mọi ngày và mọi khoảnh khắc bằng niềm hoan hỷ, đơn giản là biết thưởng thức những điều phi thường của cái bình thường.
Khi phỏng vấn Đức Đạt Lai Lạt Ma, Victor Chan có viết, “Ngài đã là một tu sĩ Phật giáo trong toàn bộ cuộc đời mình. Chưa kể đến những điều khó khăn như Niết bàn hay Giác ngộ, ngài đang muốn đạt được những gì?” Đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời:
Sống hạnh phúc. Việc tu hành giúp tôi sống đời hữu ích. Nếu có thể trao cho người khác một khoảnh khắc hạnh phúc ngắn ngủi nào đó, tôi cảm thấy mình đã đạt được mục đích. Điều này mang đến cho tôi sự hài lòng sâu sắc trong tâm hồn – cảm giác này luôn luôn đến nếu bạn phục vụ người khác. Do đó, khi tôi giúp đỡ người khác, tôi cảm thấy hạnh phúc. Đối với tôi, điều quan trọng nhất là lòng bi mẫn đối với con người, biết quan tâm chăm sóc người khác.
Sau đây là những câu hỏi then chốt cần hỏi khi suy nghĩ về mục đích của bạn trong cuộc đời này:
- Những gì tôi trân quý nhất trong đời? Những khoảnh khắc và hình ảnh đặc biệt nào trong cuộc đời khiến tôi liên tưởng đến những gì mình trân quý nhất?
- Những suy nghĩ, lời nói, hành động nào mang tôi đến gần hơn những gì mình đang trân quý nhất? Làm cách nào tôi có thể làm tăng khả năng xảy ra hay tác động của những suy nghĩ, lời nói và hành động đó?
- Những suy nghĩ, lời nói và hành động nào làm tôi xa cách với những gì mình trân quý nhất? Làm cách nào tôi có thể giảm bớt khả năng xảy ra hay tác động của những suy nghĩ, lời nói và hành vi như vậy?
- Ai là những anh hùng của tôi; những người dường như đã có một mục đích trong đời thực sự vững vàng, đáng ngưỡng mộ? Những anh hùng này hoặc cuộc sống của họ có liên quan ra sao đến những khía cạnh tích cực trong nhân cách và cuộc sống của tôi?
- Tôi đang hướng về đâu trong lúc này và tôi đang quan tâm điều đó đến mức nào?
- Làm cách nào tôi có thể thay đổi dòng đời của mình để có thể hết lòng nhiều hơn với những điều liên quan có ý nghĩa nhất với tôi trong khung cảnh ngắn hạn lẫn dài hạn?
Ngay bây giờ hoặc sẽ chẳng bao giờ, luôn luôn là vậy. Hãy hỏi một câu hỏi thiết thực, theo đuổi một dòng tra vấn chân chính, và khám phá một thế giới mới.
Khổng Tử từng nói, “Nếu một người không chịu nói với mình ‘Làm gì? Làm gì’ quả thật tôi không biết phải làm gì với người đó!” Thông qua sự tự vấn thường xuyên, chúng ta có thể nhìn thấy rõ ràng và thấu suốt hơn ý nghĩa cuộc đời, cũng như mục đích của chúng ta trong đó, trong mỗi khoảnh khắc diệu kỳ, và trong từng ngày từng tháng.