ĐẠI SƯ TEITARO SUZUKI NÓI VỀ TỊNH ĐỘ A DI ĐÀ

TEITARO SUZUKI

Trích: Cốt tủy của Đạo Phật; Nguyên tác: The Essence Of Buddhism; Việt dịch: Trúc Thiên; NXB. An Tiêm; 1968

Có nhiều người hỏi: “Nếu như lời Phật A Di Đà dạy, ta đã thành Phật từ vô lượng kiếp nào, thì nay ta cần chí tâm cầu nguyện A Di Đà làm gì vậy?” Với những người ấy, ta có thể trả lời rằng nếu thật sự họ hoàn toàn ý thức sự thành đạo của họ cùng một lúc với A Di Đà thì hiển nhiên họ đã thành Phật hẳn đi rồi. Nói một cách khác, họ thành Phật và A Di Đà thành Phật là hai hiện tượng “tương tức tương nhập”, nghĩa là khi họ thành tức A Di Đà thành, và khi A Di Đà thành tức họ thành. Vậy khi họ tin quyết rằng họ thành Phật từ vô lượng kiếp với A Di Đà, ấy tức là họ thành rồi, ngay tại đây và ngay bây giờ đây. Họ không cần chạy theo sau A Di Đà. Họ đã đạt được điều sở nguyện. Nhưng cốt yếu là phải có một tin tưởng cả quyết như vậy. một đại tín tâm, bằng không thì một bóng ngờ thoáng qua đủ sa đọa.

Dầu vậy, bốn mươi tám lời nguyện của A Di Đà và sự kiên trì nhất tâm niệm Phật và sám hối của chúng sanh vẫn là phần cốt yếu của cuộc sống đạo nhằm thể hiện “Tâm Đại Bi”. Là chúng sanh, chúng ta luôn luôn cảm thấy từ thâm tâm một niềm lo âu, khao khát đến một cái gì vượt ngoài ta. Ta không chú ý nhiều đến việc làm hoặc lời hứa của A Di Đà bằng chính bản thân ta. Niềm riêng tư ích kỉ ấy chỉ chấm dứt khi A Di Đà thật sự “đi vào” trong người ta; và lúc ấy tất cả đều là A Di Đà, chớ không còn là tôi nữa.

Theo Hoa Nghiêm, đó là lúc A Di Đà chiếu hiện tròn đầy, uy đức bủa khắp, viên thông muôn vật, chuyển hóa quan niệm tiêu cực sự sự vô ngại của không gian vào dòng hiện sanh tích cực của thời gian thành một đại cơ đại dụng. Cơ và dụng ấy, thuật ngữ Phật giáo gọi là “nhất thiết đồng thời chứng ngộ”, nghĩa là sự thành đạo cùng một lúc, và chung cho tất cả.

Bên cạnh A Di Đà, người Phật giáo Á Đông còn thờ Quan Âm, là hiện thân của Tâm Đại Bi. Quan Âm không có lời nguyện như bốn mươi tám lời nguyện của đức A Di Đà, nhưng Ngài tùy duyên hiện ra ba mươi ba thân tướng khác nhau nhằm đáp ứng những sở cầu của hàng thiện tín. Vì sự sở cầu thì vô lượng vô biên nên Ngài cũng có vô lượng vô biên phương tiện tiếp thông. Điều quan hệ là Ngài sẳn sàng đáp ứng lại, bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu khi cần đến, nghĩa là khi hàng thiện tín chí tâm kêu gọi Ngài cứu độ thì họ thấy Ngài hiện ngay trước mắt. “Cứ cầu đi rồi sẽ thấy ứng”, đó là câu nói về Quan Âm, nhưng cũng khiến ta liên tưởng đến lời Christ dạy “Cứ gõ đi, rồi cửa sẽ mở ra cho ngươi”.

Niệm thần lực của Quan Âm tức niệm Tâm Đại Bi, không phải chỉ nhớ tưởng suông mà được, mà phải tìm Ngài ngay trong chính ta, phải nhìn suốt qua bên kia, phải húc đầu vào những giới hạn hiện sanh, phải nhảy vọt qua hố thẵm mở trước mắt. Phải vậy mới hiện thực tinh thần vô úy. Có thế cánh cửa tưởng như bất khả xâm phạm mới mở toang dưới cái ấn tay nhẹ; mọi giới hạn cá nhân vượt qua hết, đặt con người trước cái bao la khó nói. Tất cả những gì là tủn mủn của cuộc sống vây chặc ta khắp nơi rơi đổ tan tành.

Tình thương của Ngài Quan Âm hoặc của Đức A Di Đà đối với tất cả chúng sanh hữu tình và vô tình, là nhằm ban bố cho tất cả tinh thần không sợ ấy. Chính sự sợ gây trở ngại cho tâm từ bi truyền lan người này qua người khác. Sự sợ dựng lên đủ thứ chướng ngại giữa hai tâm hồn không dung thông nhau được để kiến tạo thế giới Hoa Nghiêm sự sự vô ngại. Thật vậy, cái tôi ngại gặp phải cái chẳng phải tôi. Cái sợ lại đèo theo đủ thứ nghi ngờ, tị hiềm, ganh ghét, khiến cái tôi càng cứng rắn thêm thái độ chống đối đối với xung quanh. Thái độ tự cứng rắn ấy làm tiêu tan hết tác động của Tâm Từ Bi vốn là nguồn động lực của pháp giới Hoa Nghiêm sự sự vô ngại. Tinh thần vô úy đạp nhào tất cả hàng rào ngăn cách ấy giữa cái tôi và cái chẳng phải tôi, hoặc nói đúng hơn, chính sự đạp nhào tất cả hàng rào ấy tức là vô úy.

Vô úy không nhằm cứu cánh nào hết. Nếu còn nhắm vào một cứu cánh nào ắt vì cứu cánh ấy mà bị hạn chế, và nhân đó chỉ còn là việc tính toán rụt rè thôi. Đại bi không còn là đại nữa, trệ vào thường tục, giữa những giới hạn của cái tôi; vì ở đây “đại” có nghĩa là vô cùng vô biên, không đo lường được, mà không đo lường được tất phải phi cứu cánh – không phải thứ phi cứu cánh của những tâm hồn buông lung hoặc những bánh xe trong guồng máy, mà nên hiểu theo nghĩa dung thông giữa cứu cánh và không cứu cánh, giữa sai biệt và không sai biệt.

Sau đây là một bài thơ Trung Hoa tả giấc ngủ trưa hè:
Đánh một giấc ngủ say
Ngoài trời mưa không hay
Khi trở mình thức dậy
Hơi lạnh thấm phòng tây

Bài thơ này biểu hiện tinh thần vô úy và phi cứu cánh của đời sống đạo hứng khởi bởi Tâm Đại Bi không bờ bến của đạo Phật.

Với cái nhìn ấy vào vũ trụ, thử hỏi có thể nào nói rằng phát nguyện, niệm Phật, sám hối đều hoàn toàn không nhắm vào đâu hết sao? Câu trả lời là: “phải” và “chẳng phải”. Thật vậy, câu hỏi như trên không thể nào giải quyết được trên bình diện tri thức hết khuôn vào hình thức nhị nguyên này đến hình thức khác; mà khi tinh thần nhị nguyên lấn thế thì luôn luôn phải đáp “phải” hoặc “chẳng phải”, không thể nói “phải” và “chẳng phải”, vì đây thuộc phạm vi của cái này hoặc cái kia, chớ không phải cái này và cái kia. Nếu nói rằng không đâu có cứu cánh cả thì thử hỏi ta sống để làm gì? Thà tự tử quách đi có hơn không? Tự chấm dứt đi cuộc sống vô dụng và vô chủ đích? Thật ra, cái khổ của con người chúng ta là sống, ta luôn luôn bị tri thức và những thói thường áp chế. Ta không thể sống không có câu hỏi. Ta không thể để yên cho chim sẻ bay trên trời, cho hoa huệ nở ngoài đồng, mà thấy cần phải khảo sát chúng để coi chúng tăng thêm hoặc giảm bớt Vinh Quang của Chúa. Kể như ta rụt rè bước vào thế giới Hoa Nghiêm sự sự vô ngại. Tất cả những xét đoán thường tục, thiển cận, cũng như những luận cứ tri thức càng làm ta nhận lầm con đường của Phật đối với chúng ta.

Tuy nhiên, như chúng tôi đã nhắc nhở nhiều lần, “bỏ cái nầy hoặc cái kia” đổi lấy “cái nầy và cái kia” không hề nghịch với thực tại của những khốn khổ, đau thương và ưu phiền của kiếp sống vây bọc khắp chúng ta; nói khác hơn những khổ não ấy vẫn thật như thường, mà hễ thật thì lời nguyện cầu vẫn dâng lên như thường, và Tâm Đại Bi của A Di Đà và Quan Âm vẫn mở rộng như thường cho tất cả. Đó là đại bí mật của cuộc sống, và tri thức không thể làm gì hơn là thấy sao nhận vậy, nhu thuận chờ tâm hiển lộ cơ huyền. Đó là cảnh giới khép kín trước khoa học, trước tinh thần duy nhiên và thuần lí – cảnh giới có thể nói là siêu nhiên ở đây không có nghĩa là gạt bỏ những đòi hỏi của tri thức.

Trong kinh Pháp Hoa, Thích Ca Như Lai dạy rằng Ngài thành Phật từ vô lượng kiếp trước, rằng ba cõi (dục giới, sắc giới và vô sắc giới) là nhà Như Lai, rằng tất cả chúng sanh vô giác và hữu tình đều là con Ngài.

Trong Kinh Lăng Già, ta thấy có chỗ nói Prajna – tức Huệ – đi liền với Karuna – tức Bi – mặc dầu Prajna vốn siêu việt cả hai thái cực có và không. Prajna không lúc nào xa lìa Karuna – Tâm Đại Bi cho những khổ não của loài người.

Trong Kinh Duy Ma, Bồ tát Duy Ma tuyên bố: “Vì tất cả chúng sanh bịnh nên tôi bịnh”.

Trí và Bi là hai ý niệm nghịch nhau, nghĩa là trí thuộc thế giới không phân biệt, còn Bi thuộc thế giới có phân biệt. Tuy nhiên, do sự dung thông của hai thế giới ấy nẩy sanh vô số phương tiện để hóa độ. Phương tiện – Upaya – có nghĩa là cách thức, biện pháp, phương kế, mưu tính v.v…

Nói tóm lại, phương tiện ứng vào thế giới của những cái riêng rẽ nhìn ở góc thành và bại của loài người chúng ta.

Trong đạo Phật Nhật bổn, Thiền Tông biểu dương con đường Trí của hệ thống Đại Thừa, còn Tịnh Độ Tông hướng về Bi. Thiền hơi nghiêng hơn về lí tưởng La Hán, còn Tịnh đi theo con đường Bồ Tát.
Có người coi Thiền như một thứ tôn giáo thần bí của thiên nhiên; một thứ “tình thương tri thức của Chúa” hoặc “một trầm tư thuần mĩ về Thiên Nhiên”, nhưng Thiền thực chất không phải vậy.

Có người coi Tịnh như dành riêng cho đại chúng. Tịnh đề cao sự vô học và mộc mạc. Thật ra tôn giáo nào cũng thường đối lập với kiến thức; nhiều kiến thức quá chỉ tổ gây chướng ngại cho sự phát triển cuộc sống đạo, nên tự nhiên Tịnh Độ tán dương sự vô học, gác ra ngoài mọi kiến thức sách vở và cầu kì.

Tịnh Độ phát triển ở Nhật do công khai sáng của hai ngài Pháp Nhiên (1133-1212) và Thân Loan (1172-1262). Tịnh Độ vốn là một tôn giáo đặt nặng lòng tin, Tịnh không dính dấp gì đến chính trị, nhưng vẫn có cái gì thực và mạnh xúc động thẳng vào trái tim người. Trong tinh thần ấy, Tịnh có tánh cách xã hội và nhân bản vậy.

Để thấy rõ Tịnh khác Thiền thế nào, xin đưa ra một ít mẫu chuyện đạo về chàng Shômatsu tục gọi là Shôma (1799-1871). Shôma là một tín đồ thuần thành của Tịnh Độ Chân Tông thời cận đại. Anh ngụ ở Sanuki, nghèo, đi làm công cho người khác. Đời anh được chép lại trong một tập kí sự nhỏ, nhan đề “Sự thật về Shôma”, và những câu chuyện này được trích ra từ đó.

Có lần Shôma viếng một ngôi chùa quê. Vừa vào chánh điện anh chỏng cẳng nằm dài trước tượng A Di Đà. Một người bạn trách anh thất kính với A Di Đà, anh trả lời:

“Tôi vô đây là trở về nhà cha mẹ tôi,
“còn anh bắt bẻ tôi như vậy chẳng qua anh
“chỉ là con rể trong nhà.

Quả đó là tâm trạng của đứa con ngủ trong lòng mẹ, đứa trẻ sung sướng được bồng bế trong vòng tay Đức Từ Tôn để đỗi vô tâm quên hết mọi nghi lễ vật chất và xã hội.

Lại trên đường từ Kyôtô qua Shikoku, vẫn anh Shôma mộ đạo ấy phải qua một eo biển. Anh cùng các bạn quá giang trên một chiếc thuyền buồm, bỗng đâu giống gió nổi lên, biển cuồn cuộn sóng như sắp nhận chìm thuyền. Mọi người đều quên hết phép chí tâm niệm Phật mà chỉ còn biết van vái thần biển, thần song. Trong khi ấy, Shôma nằm ngủ khò cho đến lúc người ta đập anh dậy, người ta hỏi anh làm sao ngủ ngon trước một tai họa như vậy. Anh ta dụi mắt hỏi bâng quơ:

“Ta còn trong thế giới Ta Bà nầy không?”

Lại có lần Shôma làm việc ngoài đồng mệt, bỏ về nhà nghỉ. Một luồng gió mát thoáng qua khiến anh nhớ đến hình ảnh A Di Đà trên bàn thờ nhà anh. Anh ta bèn mang tượng ra đặt bên cạnh, nói: “Ông hóng mát chơi vậy nhé!”.

Quả là một hành vi quái dị! Tuy nhiên, ta biết rằng trong thế giới linh cảm thuần túy, ta nâng niu cái gì là cái ấy sống lên, cũng như em bé làm sống con búp bê. Cũng vậy, truyện cổ Trung Hoa kể rằng xưa có một người con, một đêm mưa to gió lớn, nằm ôm nấm mồ cha cầu che mưa. Đó là thế giới thuần cảm không có gì là nhân cách hóa cả. Ấy chỉ vì tri thức nên ta phân biệt có cái sống và cái không sống, cái cảm giác và cái không cảm giác. Dưới ánh sáng tâm linh, tất cả đều sống và đều được triều mến như nhau. Đó vẫn không phải là tượng trưng hóa, mà chính là sự việc thế nào thì nhận y như thế ấy – sự việc của pháp giới sự sự vô ngại và của tu chứng Phật giáo.

Trường hợp của Shôma ngủ mê trên chiếc thuyền sắp đắm tương tợ phần nào với nhiều trường hợp truyền tụng của những người thành tâm mộ đạo như bà Guyon, hoặc Bạch Ẩn (1685-1768), một cao tăng của đạo Thiền Nhật Bổn. Điều đập mạnh vào ta nhất trong trường hợp Shôma là câu anh ta hỏi: “Ta còn trong thế giới Ta Bà này không?”. Thật quá rõ ràng anh ta không còn biết mình đang sống trong thế giới đầy kham khổ nầy hay thế giới đầy an vui tuyệt đỉnh – Cõi Tịnh Độ Tây Phương. Chắc hẳn là anh đang sống trong thế giới ý niệm riêng tư của anh, không phải ý niệm của tri thức, mà của tâm linh. Nên đối với anh, sống và chết thoạt qua như mây nổi trên trời, tuyệt nhiên không can hệ gì đến anh cả.

Ngày kia Shôma đi đường mắc bệnh, bạn bè mướn người võng anh về nhà và dặn anh: Nay anh đã về quê rồi, hãy nghỉ yên đi và tạ ơn A Di Đà Phật”. Shôma đáp: “Cảm ơn, nhưng tôi bịnh ở đâu thì ở đó là Tịnh Độ, sát ngay phòng tôi”.

Một ông khách đến thăm thấy anh bịnh quá, bảo nhỏ: “Nếu anh có mệnh hệ nào, chúng tôi sẽ lo liệu cho anh có một tấm bia cho đẹp mã đẹp mồ”. Shôma nói lại tức thì: “Tôi không đời nào ở dưới tấm bia đâu”.

Theo đó thế giới của Shôma không hẳn mỗi mỗi đều ăn khớp với thế giới của ta. Anh ta không nhìn quanh mình bằng một nhãn quang như ta. Mắt anh gắn vào một thế giới vượt ngoài thế giới của chúng ta, nhưng vẫn không tách rời khỏi thế giới của chúng ta.

Tư thái ấy của Shôma có thể giải thích bằng câu nói Thiền: “Bình thường tâm thị Đạo”. Nghĩa là những tâm niệm hàng ngày của ta tức là Đạo. “Niệm hàng ngày” là cảnh giới tuyệt đối của tâm, tuyệt đối mà vẫn không tách rời ngoài cảnh giới của tri giác hoặc cảm nghĩ tương đối.

Với sự Tâm chứng của Shôma, Tịnh Độ không phải ở đâu đâu ngoài thế giới nầy, mà chính là ngay tại đây vậy. Anh ta sống trong thế giới này tức sống ở Tịnh Độ, tại đó tự đời thuở nào biển không hề động, thuyền không hề chao. Giữa cơn biến động anh không có gì phải sợ, cứ tự nhiên muốn ngủ thì ngủ, muốn ngồi thì ngồi. Thuyền trồi lên hụp xuống theo đợt sóng, thì anh cũng hụp xuống trồi lên theo đợt sóng. Anh đồng hóa với cơn biến động này vậy, nên chấp nhận bất cứ việc gì đến anh. Cả đến giữa cuộn sóng nhồi, anh vẫn cảm thấy bàn tay thương mến của Đức Từ Tôn; anh ngủ trên thuyền buồm vẫn như anh thả hồn lâng lâng trước hình tượng A Di Đà. Anh cảm bàn tay lân mẫn của A Di Đà tức cảm với thế giới viên dung vô ngại của Hoa Nghiêm, trong ấy cái “Tâm bình thường” chưa hề chao động bởi ngoại cảnh.

Sau đây là hai câu nói khác nhằm phác họa thế giới của Shôma. Nghe người ta phàn nàn về hoạt động truyền giáo của phái đoàn Thiên Chúa, Shôma nói: “Không gì tốt hơn là phàm phu trở thành Phật”. Khi có người hỏi, làm sao giữ tròn được cuộc sống sau khi chết. Shôma đáp: “Để A Di Đà lo liệu, đó không phải là phần việc của ta”.

Tôi xin phép có vài lời bàn về sự áp dụng thực tiễn tư tưởng Hoa Nghiêm sự sự vô ngại trong công cuộc xây dựng xã hội của chúng ta. Xã hội là một tổ chức trong ấy các thành phần hoặc đơn vị, tức là sự, đều liên quan mật thiết với nhau chằn chịt bằng đủ chiều hướng. Nếu một phần nào hỏng thì chắc chắn sớm muộn gì các phần khác cũng phải chia sớt theo, bằng cách nầy hoặc cách khác. Cũng như ở cơ thể ta, một chút sướt trầy trên da cũng có thể gây chết ngay do nhiễm độc. Cho nên mỗi phần tử cần được bảo vệ tươm tất đối với tất cả cơ hội gây hại, mà đồng thời bằng mọi cách, sự phát triển chung cũng cần được khích lệ một cách lành mạnh. Sự phát triển và sự lành mạnh của toàn thể tùy thuộc vào từng đơn vị một: toàn thể và đơn vị đều quan hệ như nhau. Cũng vậy, tư bản và lao động đều cần như nhau cho kĩ nghệ, nên vô sản không thể đối lập với tư sản, mà tư sản cũng không thể đối lập với vô sản. Đoàn kết là điều thiết yếu nhất cho sự yên vui cộng đồng, nhưng sự đoàn kết ấy chỉ có kết quả mỹ mãn khi được xây dựng trên căn bản của tự do và bình đẳng; và bình đẳng và tự do, ta nên nhớ, chỉ có thể có được khi chúng bắt rễ từ miếng đất phì nhiêu của Tâm Đại Bi.

Lí tưởng hòa bình thế giới chỉ thực hiện được khi ta nhận chân được tất cả giá trị của tinh thần khoan dung và thông cảm. Một khi chánh tình quốc tế còn căn cứ vào uy quyền thì luôn luôn còn sợ sệt, nghi kị, còn những mật kết giữa các quốc gia, và chắc chắn sẽ gây thêm những xung đột đẩm máu khác trên toàn thể mặt đất nầy.

Cũng vậy, trong tôn giáo tinh thần khoan dung cần đặc biệt nêu cao. Đạo Phật và Đạo Chúa là hai tôn giáo lớn trong thế giới. Hai đạo khác nhau ở nhiều điểm, chẳng hạn: đạo Chúa nêu cao Thánh Thể siêu việt, còn đạo Phật đưa ra Pháp giới Hoa Nghiêm sự sự vô ngại nhằm biện minh lí “tương tức tương nhập”. Đạo Chúa nhấn mạnh nhiều hơn đến khía cạnh nhị nguyên của cuộc sống, còn đạo Phật dạy lí luận đồng nhất, nhất như; đạo Chúa hướng nhiều hơn đến công bằng xã hội, tự do cá nhân, an vui cộng đồng và trách nhiệm đạo đức, còn đạo Phật, thuận theo lịch sử, có khuynh hướng ẩn dật, đứng dang xa, sống trầm mặc, lạnh nhạt với chánh trị.

Nói chung, Chúa của Công giáo, nếu không hoàn toàn siêu việt như nhiều người chủ trương, thì cũng tự tại mà siêu việt, còn Chúa của Phật giáo thì siêu việt mà tự tại. Để xây dựng cuộc sống an vui chung cho tâm hồn, người đạo Phật và người đạo Chúa cần thấm nhuần tinh thần hỗ tương khoan dung và thông cảm.

Thiền sư Triều Châu, (728-897), một cao tăng đời nhà Đường, có một đệ tử làm quan đại phu tại triều.

Ngày kia, người đệ tử hỏi: “Có thể nào một thánh tăng như sư phụ sa vào địa ngục không?”

Sư đáp: Thầy sẽ là người đầu tiên đi vào đó. Một người phước huệ trang nghiêm như vậy sao vào địa ngục được?

Và đây là lời đáp của Triều Châu: “Nếu chẳng vậy thì làm sao gặp con ở đây?”

Lần khác cũng chính Triều Châu tiếp một bà lão.

Bà hỏi: “Đàn bà chúng tôi bị năm dây trói buộc, làm sao siêu thoát được?”

Sư đáp: Bà hãy nguyện như vầy: Nguyện cho tất cả siêu sanh lên thiên đường, còn già nầy xin đời đời kiếp kiếp chìm trôi trong biển khổ.

Khi mỗi đơn vị tạo thành vũ trụ nầy đều thấm nhuần Tâm Đại Bi và Đại Xả thì đạo không cần cũng chứng. Đó là lúc người Công giáo nói: “Bản án ở dưới thế và vinh quang ở trên trời”

Và đó chính là trang nghiêm đất Phật trong sạch – Tịnh Độ Di Đà.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. BỒ TÁT SANH VỀ TỊNH ĐỘ
  2. TÁNH VÀ TƯỚNG CHẲNG RIÊNG

Bài viết mới

  1. THỰC HÀNH BỒ ĐỀ TÂM
  2. LÒNG TỰ TRỌNG
  3. LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÁT KHỞI LÒNG SÙNG MỘ