ĐẶT CÁI CHẾT VÀO BÊN TRONG SỰ SỐNG

TAKASHI SAITO

Trích: Sống một cuộc đời không hối hận, Mia Nguyễn dịch, NXB. Văn học, Mintbooks, 2018.

 

???

Chết không phải là sự kết thúc hoàn toàn, thể xác dù biến mất thì linh hồn vẫn sẽ có hành trình của riêng nó. Trong hình dung về quan niệm sinh tử của người Nhật từ xưa tới nay thì “Chết”= “Hành trình”.

Chết không phải là sự kết thúc hoàn toàn, thể xác dù biến mất thì linh hồn vẫn sẽ có hành trình của riêng nó.

Trong tang lễ cử hành theo nghi thức của Phật giáo, ta phải chuẩn bị hành trang để linh hồn vượt qua dòng sông Sanzu (Tâm Đồ Xuyên). Khi cha mất, tôi nhớ mình đã đặt vào quan tài khá nhiều món đồ như dép cỏ, gậy đi đường và sáu đồng xu để trả phí qua sông.

Vượt con sông Sanzu ngăn cách hai thế giới sẽ sang đến bờ bên kia. Tất cả không kết thúc, đó là hành trình đến một nơi nào đó không thuộc về thế giới này. Đó là cách suy nghĩ giúp nỗi đau của người ở lại dịu đi và lắng xuống.

Ngày xưa, những chuyến đi luôn gắn liền với hiểm nguy đe dọa đến tính mạng. Chúng ta thường nói “Đời người là cuộc hành trình”, nhưng thuở con người chỉ có thể di chuyển bằng cách đi bộ thì ý thức về chuyện sinh tử thật sự rất rõ ràng.

Saigyo, thi sĩ sống cuối thời Heian, bên cạnh việc học đạo Phật và ngâm vịnh waka, ông còn đi khắp các nước. Đối với Saigyo, mỗi chuyến đi là một lần ông nhìn sâu vào cuộc đời mình.

Trong Shinkokinshu (Tân cổ kim tập) có một câu thơ Saigyo ngâm vịnh khi leo lên đèo Sayo no Nakayama, nơi ông từng đến lúc còn trẻ. Ông hỏi và tự trả lời thật cảm khái: “Có từng nghĩ mình sẽ vượt qua núi này khi đã già không? – Không, giờ leo được lên núi mới biết là ta còn sống”. Sayo no Nakayama là con đèo nằm ở Sayoshika, Kakegawa-shi thuộc tỉnh Shizuoka ngày nay, từ xưa đã nổi tiếng là địa danh hiểm trở thuộc vùng Tokaido.

Matsuo Basho cũng là nhân vật hay sáng tác trên những cuộc hành trình. Basho cũng lần theo dấu chân cua Saigyo với Oku no hosomichi (Đường mòn miền Bắc)*. Phải chăng khi bước trên con đường mà Saigyo từng đi và nhớ về cuộc đời ông, Basho lại ngẫm tới sinh – tử của chính mình?

Đặt cái chết vào bên trong sự sống để sống và cảm nhận sâu sắc thế giới này … Học từ dấu tích của tiền nhân cách để sống thật sâu. Đọc những gì họ để lại chắc chắn sẽ làm cho hành trình của cuộc đời chúng ta trở nên giàu có.

???

(*): một tác phẩm kinh điển trong văn học Nhật bản, thể hiện chiều sâu văn hóa có lịch sử gần hai nghìn năm của dân tộc Nhật bản.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. ĐỌC SÁCH: SỐNG MỘT CUỘC ĐỜI KHÔNG HỐI HẬN
  2. HÃY TRÂN TRỌNG TỪNG KHOẢNH KHẮC

Bài viết mới

  1. MƯU MÔ CỦA CÁI THIỆN
  2. XÂY DỰNG LÒNG TIN QUA TÍNH CHÍNH TRỰC VÀ SỰ GƯƠNG MẪU
  3. SỨC MẠNH CỦA LÒNG TỪ