ĐỌC SÁCH: SỐNG MỘT CUỘC ĐỜI KHÔNG HỐI HẬN

TAKASHI SAITO

Bài Đọc Sách: SỐNG MỘT CUỘC ĐỜI KHÔNG HỐI HẬN; Người Đọc Sách: Viên Từ

PHẢI CHĂNG ĐÂY LÀ THỜI ĐẠI MÀ CHÚNG TA DẦN KHÔNG CÒN BIẾT “CÁCH CHẾT” NỮA

Takashi Saito sinh năm 1960 một Tiến sĩ phân môn nghiên cứu Giáo dục học và hiện đang dạy tại phân viện cao học của Đại học Tokyo. Ông là tác giả nhiều tác phẩm ăn khách ở Nhật, có cuốn bán đến 2,6 triệu bản. Lúc ông “ở độ tuổi 40, khi đã ở bên kia con dốc cuộc đời và sức khỏe trở nên suy yếu” (trang 12). Tác giả đã cho ra đời quyển sách Sống Một Cuộc Đời Không Hối Hận để cảnh tỉnh chính mình về cái chết, và “để bản thân được đuổi theo những suy nghĩ về cái chết” (trang 12). Thông qua quyển sách tác giả Takashi Saito sẽ cho chúng ta hiểu thêm hơn những quan niệm của con người từ ngàn xưa đến nay nói chung và người Nhật nói riêng về “cái chết” như thế nào với “những cuốn sách văn học và điển tích Đông Tây kim cổ” (trang 12) để ứng dụng vào thời hiện đại.

Đồng thời thông điệp mà quyển sách mang đến cũng thức tỉnh những ai đang sống hãy suy ngẫm về cuộc đời của mỗi người vì “ không ai trong chúng ta – những người đang sống – từng có trải nghiệm về cái chết, cũng chẳng biết được sau khi chết mình sẽ ra sao. Vậy mỗi giây trôi qua, ta phải sống làm sao cho trọn vẹn?”. (trang bìa)

“Thực ra, sự sống luôn chứa đựng cái chết bên trong nó. Con người luôn hướng về cái chết kể từ lúc chào đời… Nhưng để có thể sống và chấp nhận sự tồn tại của câu hỏi lớn nhất đời người ấy, con người đã sáng tạo rất nhiều quan điểm về sự sinh tử” (trang 12). “Trong quá trình đọc lại rất nhiều cuốn sách, tôi xác nhận thêm được một điều: suy nghĩ về ‘cái chết’ cũng chính là suy nghĩ về ‘sự sống’ (trang 14).

Khi sống “trong một xã hội siêu già,” Takashi Saito đã cho chúng ta thấy “nỗi trăn trở về cái chết” của ông. Nhưng cũng từ nỗi trăn trở đó đã đưa ông “đến với sự thay đổi bản thân lớn nhất đời mình…khi bị đẩy tới rất nhiều lựa chọn…chọn cho mình cách sống, và tương tự, đã có thể lựa chọn cách để chết…Và vì có sự kết thúc mang tên ‘cái chết’ mà ‘sự sống’ mới có thể tỏa ra ánh sáng lấp lánh của nó… Do ý thức được sự hữu hạn của đời người mà ta sẽ nảy sinh mong muốn nỗ lực để sống tốt hơn trước… thiết tha tự hỏi mình cần làm gì trước khi nhắm mắt xuôi tay và thực hiện chúng” (trang 11 -15).

Mở đầu chương một, tác giả một lần nữa nhắc chúng ta về cái chết nhưng bên cạnh đó ông cũng trích ra những “cách để đối mặt với cái chết” (trang 21) qua tác phẩm Lưu Hồn Lục (Ruykonroku) của Yoshida Shoin (1830 – 1859). “Con người phải đón cái chết một mình…dù là người có danh tiếng hay giàu sang đến mấy, ai cũng phải rời khỏi thế giới này một cách đơn độc…Đối với con người, cái chết là vận mệnh khó lòng chống cự và không thể đoán trước. Trong tác phẩm Tồn Tại Và Thời Gian, triết học gia người Đức – Heidegger cho rằng chúng ta bị vận mệnh bất ngờ tác động, hay nói cách khác là cái chết sẽ tấn công chúng ta một cách đột ngột… Heidegger lý luận tiếp, nếu tồn tại hữu hạn về thời gian thì hiển nhiên cách sống phù hợp với con người là vừa sống vừa ý thức về cái chết trong thời gian (sống) có hạn. Ngược lại, nếu tự lừa dối bản thân và sống với thái độ xem nhẹ, quên đi như thể cái chết không tồn tại thì ông coi đó là cách sống không thực tế” (trang 21-28).

Còn trong Lưu Hồn Lục “ Yoshida Shoin được biết đến với tư cách là người đứng đầu trường Shoka Sonjuku, đào tạo nhiều nhân vật xuất chúng… Và ở chương tám của Lưu Hồn Lục có một câu nổi tiếng: ‘Đời người có xuân, hạ, thu, đông’. Ta nay đã ba mươi, bốn mùa đã tới thăm ba mươi lần, hoa và quả ta cũng đã gieo hạt. Nhưng chính ta cũng không biết hạt đó rồi sẽ ra vỏ trấu hay kê vàng. ..Tuy phải đón cái chết ở tuổi 30 nhưng ‘dẫu ngắn nhưng cũng đã đủ bốn mùa xuân hạ thu đông’…chưa biết kết quả sẽ thành vỏ trấu hay kê vàng nhưng nếu có người tiếp nhận hạt giống của ta, tức là tiếp nối ý chí của ta thì dứt khoát ‘không có gì hối tiếc’…Nếu biết mình để lại được một hạt giống, cũng có nghĩa là ta đã kết thúc vụ gặt mùa thu. Và như vậy, phải chăng ta có thể yên tâm đón chờ cái chết – mùa đông của cuộc đời? Chúng ta thường nghĩ rằng cái chết luôn đến mà không báo trước. Nhưng Shoin đã dạy cho ta hiểu: Nếu tự nhận thức được các mùa xuân, hạ, thu, đông của đời mình thì sẽ có cách sống để chuẩn bị đối diện với cái chết. Điều ta cảm nhận được từ cách sống, cách chết của Shoin chính là sức mạnh to lớn của tâm lý. Ông mạnh mẽ cho ta biết: …Thái độ sống nên có là cố gắng để lại DNA của tinh thần nào đó trong khi ta còn làm việc… cách sống để ta không trở thành hư vô sau cái chết…Ta không nhất định phải lưu danh với tư cách ‘Cá nhân’. Nếu thấy rằng hành vi, hành động của mình sẽ góp phần sinh ra thời đại mới thì chắc chắn ta có thể tin cuộc đời mình ‘Đã không lãng phí!’ (trang 21- 51).

Nếu ở Chương một Takashi Saito đã nhắc chúng ta về ‘cái chết’ và ‘cách để đối mặt với cái chết’ thì ở Chương hai ông sẽ cho chúng ta thấy cách “giã từ cuộc đời mà không hối tiếc” như thế nào qua tác phẩm Diệp Ẩn (Hagakure) của Yamamoto Jocho (1659 – 1719) & Tashio Uramoto (1678 – 1748) với “Quan niệm sinh tử trong Thiền …Quả thực, không gì bằng việc sống hết mình từng khoảnh khắc ở hiện tại. Từng khoảnh khắc, từng khoảnh khắc chồng lên nhau, tích lại sẽ thành một đời. Nếu có thể nghĩ như vậy thì ta không cần hoang mang, cũng không phải loay hoay tìm kiếm những điều khác nữa. Hãy sống trân trọng từng khoảnh khắc trôi qua. Người ta thường nhầm lẫn, cho rằng có một cuộc đời khác và loay hoay tìm kiếm, không ai trong họ nhận ra điều này. Để có thể luôn luôn trân trọng từng giây và không sao nhãng, cần tích lũy rất nhiều năm rèn luyện. Tuy nhiên, chỉ cần một lần chạm tới cảnh giới đó thì không cần nhắc nhở chính mình quá nhiều, ta sẽ không rời khỏi cảnh giới đó nữa. Nếu hiểu rằng khoảnh khắc này chứa đựng tất cả, mọi chuyện đều trở nên đơn giản. Khoảnh khắc này, ta có một trái tim nguyên vẹn. (Diệp ẩn – Tàng thư về cách sống trí tuệ, Naramoto Tatsuya). ‘Nhất niệm’ có nghĩa là ‘một khoảnh khắc’…Nền tảng của Thiền có quan niệm sinh tử là ‘sống trọn từng khoảnh khắc’. Không chịu ràng buộc bởi quá khứ, cũng chẳng phiền muộn bởi tương lai, chỉ sống trọn vẹn cho từng khoảnh khắc hiện tại…Nếu có được sự giác ngộ ấy, những hoang mang đau khổ của đời người cũng sẽ tiêu tan – Lời dạy của Jocho thật vô cùng thuyết phục.” (trang 53 – 74).

Không chỉ có trong Diệp Ẩn mới có “lời khuyên ‘hãy trân trọng khoảnh khắc hiện tại’ … ta có thể kể rất nhiều câu tương tự từ cổ kim Đông Tây. Đặc biệt, trong tác phẩm Zarathustra Đã Nói Như Thế, Triết gia Nietzsche có viết một câu thể hiện rất rõ tư duy ‘sống cho từng khoảnh khắc’ vẫn được công chúng nhắc tới. ‘Hãy nhìn vào khoảnh khắc này!’ – Ta không ngừng nói – ‘Từ cánh cửa mang tên khoảnh – khắc – này, có một con đường dài vĩnh cửu chạy vòng ra phía sau. Hay có thể nói, sau lưng chúng ta là sự vĩnh hằng (Zarathustra Đã Nói Như Thế, Tezuka Tomio dịch, Chuo Bunko)… Khoảnh khắc ở hiện tại chính là cái ‘tất nhiên’, kết nối tất cả quá khứ và tương lai…nếu có thể khẳng định được khoảnh khắc hiện tại, cũng có nghĩa là ta hoàn toàn khẳng định được về cuộc đời…Ta cảm nhận niềm hạnh phúc vì khoảnh khắc hiện tại đủ đầy và có những khoảng thời gian mừng vui như ở lễ hội. Bằng việc giữ lấy cảm giác phát hiện sự vĩnh viễn của khoảnh khắc đó, con người sẽ dứt khoát rời xa những hối hận về quá khứ cũng như nỗi bất an về tương lai. Cũng có nghĩa là ta có thể sống cuộc đời không bị xâm thực bởi tương lai hay quá khứ.” (trang 75 – 76).

Qua quan điểm “hãy sống cho từng khoảnh khắc” thì trong chương này tác giả cũng nêu lên “Tại sao con người lại sợ hãi cái chết? Bởi vì, chúng ta ghi nhớ nỗi sợ đối với việc bản thân mất đi ý thức…thả rơi bãn ngã…Người xưa tiếp thu Thiền bằng cảm nhận trên chính cơ thể: ngồi thiền, để tâm lắng xuống và tìm lại chính mình…việc đánh mất cảm nhận trên cơ thể mà người xưa vun trồng chính là một trong những nguyên nhân của tâm lý bất an ở người hiện đại… Thiền sư Đạo Nguyên (Dogen), người sáng lập Tào Động Tông, gọi trạng thái vô ngã là ‘thân tâm thoát lạc’ – ‘buông bỏ cả thân thể và tâm’…Tất nhiên, đạt tới cảnh giới vô ngã là điều không hề đơn giản. Nhưng nếu ta có thể ngồi xuống điều chỉnh hơi thở và bình thản tập trung vào chính mình, tôi tin ta sẽ trấn áp được phần nào nỗi sợ hãi vô lý đối với cái chết…và để không hoảng hốt và ân hận trước khoảnh khắc cuối đời, phải trân trọng từng ngày và sống hết mình.” (trang 81 – 83).

Trong Chương ba tiếp theo Takashi Saito sẽ “ mở cuốn Dưỡng sinh huấn của Kaibara Ekiken (1630 – 1714) – kim chỉ nam ‘dưỡng sinh’ để dạy ta cách sống trọn vẹn đời mình…dưỡng sinh là hàng ngày biết để tâm phòng tránh bệnh tật, nỗ lực để sống khỏe mạnh. Tuy nhiên, từ này có thể viết thành ‘Nuôi – dưỡng – sinh – mệnh…không coi đời người là hai phần đối lập mang tên ‘sống’ và ‘chết’, không làm điều quá sức, giữ mọi sự ở mức vừa phải và nuôi dưỡng sinh mệnh, sau đó kết thúc một cách êm ái. Đó chính là sắc thái ẩn trong từ ‘dưỡng sinh’…Thuật dưỡng sinh trước tiên phải nuôi dưỡng tâm khí. An tâm, hạn chế tức giận và buồn bã, giảm ưu tư, không làm khổ tâm, không gây tổn khí. Đó là điều cốt yếu để dưỡng tâm khí (Dưỡng Sinh Huấn, quyển 1 câu 9)… Người xưa xem ‘Khí’ như một dạng năng lượng tồn tại trên trời, dưới đất, vận động bên trong vạn vật…‘Khí’ được xem là thứ nối kết tâm hồn và thể xác… Khí phải được chạy khắp nơi trong cơ thể. Không được tụ một điểm ở vùng ngực. Nếu tức giận, đau khổ, buồn bã, ưu tư, đều gây tụ khí ở một điểm trong ngực (Dưỡng Sinh Huấn, quyển 1 câu 39) …Sự tụ khí sẽ trở thành nguyên nhân của tật bệnh. Vì vây, để khí lưu thông tốt, cần cố gắng không lưu giữ trong lòng sự tức giận hay nỗi buồn phiền…bằng cách nói ra phần nào những suy nghĩ của mình sẽ giúp bạn phòng tránh căng thẳng. Khi có sự lo lắng, ta luôn nhẹ nhõm hơn sau khi tâm sự với ai đó. Bởi vì, việc thể hiện những cảm xúc mơ hồ trong lòng thành lời nói và chia sẻ với người khác cũng rất dễ chịu. Ngược lại, cứ dồn nén những tâm sự đó thì sự căng thẳng sẽ tích tụ và làm bạn mệt mỏi…Đồng thời ‘Vừa đủ’ là một từ khóa trong Dưỡng Sinh Huấn . Có một câu giải thích rất rõ ràng về điểm này: Đạo của dưỡng sinh là giữ chừng mực. Giữ chừng mực là không thừa chẳng thiếu (Dưỡng Sinh Huấn, quyển 2 câu 42)…Giữ chừng mực nghĩa là vừa đủ, không thừa không thiếu. ‘Chừng mực’ là không quá nhiều và cũng không quá ít, là trạng thái cân bằng, hợp lý…Hãy biết cảm giác ‘vừa đủ’ của bạn và giữ mình. Đó là bí quyết sống lâu của Ekiken… Nhưng ẩn sâu trong đó là thông điệp mạnh mẽ của Ekiken: Hãy sống thật lâu và tận hưởng cuộc sống!…Trong đời người có ba điều đáng vui mừng. Thứ nhất là sống tốt, làm điều thiện, không làm điều ác. Thứ hai là nhẹ nhõm thoải mái vì cơ thể không mang bệnh. Thứ ba chính là việc sống lâu. (Dưỡng Sinh Huấn, quyển 1 câu 22)… ‘Nếu không có ba điều này thì tài sản nhiều đến đâu cũng thành vô nghĩa’. Sống khỏe mạnh, thoải mái, tận hưởng cuộc đời dài lâu và không làm điều xấu…chính vì sống lâu mà ta hiểu và học được nhiều điều. Đó chính là những giá trị mà tiền bạc khó có thể thay thế”. (trang 86 -116).

Đã là con người thì ai cũng phải trải qua sinh, lão, bệnh, tử và trong Chương bốn tiếp theo tác giả cho chúng ta thấy cách mà người bệnh “sống chung với bệnh tật” và “hiểu được những giá trị của sinh mệnh nhờ việc bị bệnh” là như thế nào với tác phẩm “Sáu Thước Giường Bệnh của Masaoka Shiki được viết khi ông sống trong cơn bạo bệnh (bị lao cột sống do biến chứng lao phổi)…Đánh mất sức khỏe không có nghĩa là mất tất cả mọi thứ…So với việc luôn khỏe mạnh thì mắc bệnh làm cảm giác về sự sống bùng lên và ta sẽ biết coi trọng sinh mệnh của mình…những người bệnh nặng đến thập tử nhất sinh có thể sẽ thay đổi nhân sinh quan… Có người nhân lúc ốm đau để nhìn lại cuộc đời và hối hận vì ‘Mình chỉ biết sống vội vàng gấp gáp’…Có thể hiểu sâu sắc hơn bản chất của sự sống từ những hơi thở khó nhọc vì đau đớn. ‘Sáu Thước Giường Bệnh’ là cuốn sách dạy cho chúng ta điều đó… Xin bắt đầu trước hết từ cảm giác của một bệnh nhân nằm liệt giường, cả năm nay, hơn thế, đã là năm thứ sáu chẳng biết chút gì về thế giới…dẫu vô cùng đau đớn, có lúc ngất đi và gào khóc thì tôi vẫn muốn bày tỏ những điều mình muốn nói…Cho đến bây giờ, tôi đã hiểu sai cái gọi là giác ngộ của Thiền. Tôi từng cho rằng giác ngộ là trong mọi tình huống đều có thể thanh thản chết. Nhưng tôi đã nhầm. ‘Giác ngộ’ là trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng sống thật thanh thản (Sáu Thước Giường Bệnh, ngày mùng 2, tháng 6)…Chuyện sinh tử quả là vấn đề lớn, nhưng cũng vô cùng đơn giản. Chỉ cần buông tay là được giải thoát…nhưng ‘sống thế nào’ mới là việc khó… (trang 114 – 125)

Trong tác phẩm của mình Shiki cũng “viết về một vấn đề quan trọng hơn cả chuyện sinh tử đối với người bệnh và giúp những người chăm bệnh hiểu ra điểm quan trọng trong điều trị ‘liên quan trực tiếp đến sự sướng khổ của một bệnh nhân là gia đình và sự chăm sóc’…Vậy với Shiki thì như thế nào là khéo chăm sóc. Chăm sóc bệnh có hai kiểu là chăm sóc về tinh thần và chăm về hình thức (cho uống thuốc, thay băng, xoa lưng, nấu những món thật ngon người bệnh muốn ăn…). Chăm sóc về mặt tinh thần nghĩa là người hộ lý chăm sóc người bệnh với sự đồng cảm (gần gũi với bệnh nhân, làm dịu đi những cơn đau…có thể trò chuyện để người bệnh vơi bớt chán nản). Nếu chọn một trong hai việc đó thì tôi thà được chăm nom về tinh thần (Sáu Thước Giường Bệnh , ngày 20 tháng7)… Trong quỹ thời gian ngắn ngủi còn lại, mối quan hệ thắm thiết với người chăm sóc được xây dựng và mỗi khoảnh khắc đều lấp lánh ánh sáng…Chính vì thời gian quý giá có hạn nên ta có thể thấy rõ hơn cảm giác như chạm được tay vào sự sống…và ở đó có thứ niềm vui mà ta có thể gọi là ‘niềm hạnh phúc của cuộc sống mang vị của cái chết’…Giả sử người kia có mất đi thì khoảnh thời gian sâu sắc này vẫn tiếp tục sống mãi trong trái tim của người ở lại như một ký ức quan trọng…Ốm đau là một phần của đời người. Bệnh tật hoàn toàn có khả năng làm cuộc sống của bạn phong phú hơn. Xin bạn đừng bao giờ quên điều đó” (trang 127-145).

“Giữ vững tinh thần cho đến khoảnh khắc ấy” là điều mà Takashi Saito sẽ truyền đạt tới chúng ta ở Chương năm với tác phẩm Đi tìm lẽ sống của V. E. Frankl. Ai đến với cuộc đời này đều có một sứ mệnh và “Con người sẽ thay đổi khi tìm ra sứ mệnh đời mình… Điều cần làm ở đây là thay đổi quan điểm đối với những câu hỏi về chuyện sinh mệnh…thay vì hỏi về ý nghĩa của đời người thì chúng ta phải trải nghiệm cuộc sống từ vị trí tiếp nhận các câu hỏi. Cuộc sống đặt ra các câu hỏi từng ngày, từng giờ, chúng ta không trả lời chúng bằng lời nói hay đào sâu nghiên cứu mà phải đưa ra đáp án bằng hành vi của mình. Rốt cuộc thì cuộc đời của con người chính là trả lời đúng câu hỏi về ý nghĩa của đời người, hoàn tất sứ mệnh mà cuộc đời trao cho từng người, và gánh vác trách nhiệm đối với những nhiệm vụ mà ta thực hiện mỗi ngày (Đi tìm lẽ sống, Viktor. E. Frankl). Sức mạnh của niềm tin rằng tương lai nằm ở chính mình…và sự quan trọng của niềm tin được thể hiện khá rõ qua tác phẩm Mái ngói Tenpyo của Inoue Yasushi kể về chuyện Gyogo một nhà sư thời Tenpyo vượt biển sang nhà Đường để học Phật giáo..Gyogo ở nhà Đường 30 năm, không gặp ai, chỉ tập trung hết sức vào việc sao chép kinh Phật…coi đó là sứ mệnh của mình khi sống ở Đường quốc… Gyogo tin rằng, tuy những điều mình là có thể rất bình thường nhưng chúng sẽ gieo hạt mầm để Phật giáo phát triển trên đất Nhật ‘Kinh điển mà tôi chép sẽ tự mình đi tiếp sau khi về đất Nhật, chúng sẽ bỏ lại tôi và đến với rất nhiều người. Nhiều nhà sư sẽ đọc, họ sẽ chép lại và học chúng. Tâm của đức Phật, lời dạy của đức Phật sẽ được phổ biến một cách chính xác. Điện thờ Phật sẽ được xây dựng, các nghi lễ sẽ phát triển rực rỡ. Vật trang trí của các ngôi chùa sẽ thay đổi hình dạng và từng cách sắp xếp đồ vật cũng sẽ khác trước (Mái ngói Tenpyo, Inoue Yasushi)…Niềm hy vọng rằng mỗi bước chúng ta đi sẽ để lại điều gì đó cho hậu thế. Và sức mạnh của niềm hy vọng đã bồi đắp nên nền văn hóa phong phú của chúng ta ngày nay vì…văn hóa không phải là làm ra một cái mới, mà là trao cái gì đó cho người khác. (trang 146 -177)

Một khi biến cố xảy đến với chúng ta, cách mà chúng ta tiếp nhận và đối mặt với nó ra sao để “mỗi giây trôi qua, ta sống làm sao cho trọn vẹn” (trang bìa) không chỉ cho chính chúng ta mà còn “vì những người ở lại” là những gì mà chúng ta sẽ được thấy trong Chương sáu. “Mỗi sinh mệnh là một cá thể tồn tại đơn lẻ và sẽ tiêu tan khi cái chết đến tìm…nhưng những lời dạy của tổ tiên để lại cho con cháu, được gọi là ‘gia huấn’ – là DNA tinh thần…không chỉ kết nối huyết mạch mà còn kế thừa trong toàn thể cộng đồng mà ta gọi là ‘gia đình’…Trong đó gia huấn của những thương gia dạy cho ta hiểu biết về cuộc sống từ góc nhìn khác… Từ gia huấn ‘Tam phương hưởng lợi’ là ‘người bán được lợi, người mua được lợi, thế gian được lợi’ của những thương nhân Omi từ thời Kamakura (1827 – 1877), đến gia huấn của Shibusawa Eiichi một nhà kinh doanh tiêu biểu …được coi là nhân vật xây dựng nền chủ nghĩa tư bản của Nhật đưa ra… ‘Nghiệp về cơ bản là chọn chính đạo để đi theo, tất cả những việc đầu cơ hay bị xem thường về mặt đạo đức là điều không nên theo (Cốt Lõi Của Tu Thân Tề Gia, điều 4, Shibusawa Eiichi)…hay gia huấn của gia đình Mogi, nhà sáng lập Kikoman, cũng viết: ‘Đạo đức mà một con người phải tuân thủ là nguyên, tài sản là mạt’. Câu này có nghĩa là: đạo đức là quan trọng nhất, theo đuổi lợi ích là ưu tiên sau cùng…Tài sản là thứ mà người đời tưởng là quan trọng nhất, thực ra hoàn toàn không cần thiết. Điều cần có hơn thế là gieo trồng cái tâm hướng thượng…đây là một loại tài sản thừa kế về mặt tinh thần mà chúng ta có thể để lại… và DNA của tinh thần…tùy thuộc vào thứ muốn gửi gắm mà ta có thể chọn phương tiện chuyển giao là ngôn ngữ, thói quen cơ thể…không nhất thiết phải trao lại mọi thứ ngay lúc nhắm mắt. Hãy làm điều đó mỗi ngày, qua câu cửa miệng ta thường nói…Diễn đạt thật ngắn gọn những điều muốn nói là cơ hội cân nhắc xem điều gì thực sự quan trọng đối với chính mình…nghĩ về những lời bạn sẽ để lại cho đời sau (trang 178 – 213).

Trong cuộc sống “Tính trước việc tương lai, lên kế hoạch cho cuộc đời về cơ bản là tốt…nhưng điều mà ta không thể dự đoán chính là thời điểm và cách thức ta giã biệt cuộc đời…Thoáng một cái là có thể dễ dàng đi từ thế giới này sang thế giới bên kia – Có thể nói đây là cảm giác không còn rõ ràng trong chúng ta thời này…” (trang 215 -223) vì thế trong Chương bảy, chương cuối cùng của quyển sách tác giả sẽ dẫn chúng ta vào một hành trình – Hành trình tâm linh giải mã từ các tác phẩm văn học…Đêm trên chuyến tàu ngân hà của Miyazawa Kenji là một ý niệm mới về cái chết…khi tiếp nối của tư duy truyền thống về sự gần gũi giữa ‘sinh’ và ‘tử’, sau đó gắn ‘tử’ vào ‘con tàu’ là một sáng tạo vô cùng độc đáo…Hình ảnh bước lên con tàu đi đến dải Ngân hà đã bổ sung thêm một hình ảnh ước lệ cho quan điểm sinh tử của người Nhật…Với bức tranh tráng lệ mang tên Chuyến tàu Ngân hà, Kenji đã mở rộng không gian của chuyến đi an ủi linh hồn về cõi vĩnh hằng…Chết không phải là sự kết thúc hoàn toàn, thể xác dù biến mất thì linh hồn vẫn sẽ có hành trình của riêng nó. Trong hình dung về quan niệm sinh tử của người Nhật từ xưa tới nay thì ‘Chết’ = ‘Hành trình’…Chúng ta thường nói ‘Đời người là cuộc hành trình’…đặt cái chết vào bên trong sự sống để sống và cảm nhận sâu sắc thế giới này…Học từ dấu tích của tiền nhân cách sống thật sâu. Đọc những gì họ để lại chắc chắn sẽ làm cho hành trình của cuộc đời chúng ta trở nên giàu có (trang 214 – 236).

Sống Một Cuộc Đời Không Hối Hận với những triết lý và quan niệm về “sự sống” và “cái chết”, tác giả Takashi Saito đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh chính bản thân mình. Đồng thời đó cũng là hồi chuông cảnh tỉnh mỗi người trong chúng ta vì “không ai trong chúng ta – những người đang sống – từng có trải nghiệm về cái chết, cũng chẳng biết được sau khi chết mình sẽ ra sao. Vậy mỗi giây trôi qua, ta phải sống làm sao cho trọn vẹn?”. (trang bìa) và “Để không hoảng hốt và ân hận trước khoảnh khắc cuối đời, phải trân trọng từng ngày và sống hết mình… Hãy sống trân trọng từng khoảnh khắc trôi qua… Nếu hiểu rằng khoảnh khắc này chứa đựng tất cả, mọi chuyện đều trở nên đơn giản. Khoảnh khắc này, ta có một trái tim nguyên vẹn. (Diệp ẩn – Tàng thư về cách sống trí tuệ, Naramoto Tatsuya) (trang 73 – 83).

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. XÁC ĐỊNH MỤC ĐÍCH CỦA ĐỜI MÌNH – TUỔI 30 HOÀI BÃO
  2. CÁCH ĐỐI DIỆN CÁI CHẾT CỦA DOROTHY

Bài viết khác của tác giả

  1. ĐẶT CÁI CHẾT VÀO BÊN TRONG SỰ SỐNG
  2. HÃY TRÂN TRỌNG TỪNG KHOẢNH KHẮC

Bài viết mới

  1. SỬ DỤNG HIỆU QUẢ SIÊU NĂNG LỰC QUYỀN LỰC & TÁC ĐỘNG
  2. CÂU TRẢ LỜI ĐÃ CÓ SẮN TRONG CÂU HỎI – PHẬT GIÁO TRONG THẾ GIỚI TÂN TIẾN NGÀY NAY
  3. THẦY VÀ ĐỆ TỬ