HT. TỊNH KHÔNG
Trích: Pháp Ngữ Của Hòa Thượng Tịnh Không; Dịch Anh ngữ: Silent Voices; Dịch Việt ngữ: Tỳ kheo Thích Nguyên Tạng; NXB. Phương Đông
Một hành giả thực sự sẽ giữ cho mình không tham, sân, si, và kiêu ngạo đối với người khác cũng như đối với môi trường sống. Nếu còn có một phiền não nào nói trên thì hành giả không phải là người thành thực và chân chính. Thành thực và có ý kiến chân chính là hai điều căn bản của việc luyện tâm. Người nào có thân thể và tâm trí trong sạch thì sẽ không bị bệnh tật, vì vậy khi chúng ta đau ốm thì đó là do tâm trí có đầy vọng niệm và phiền não phát xuất từ tham, sân, si, và kiêu ngạo.
Như đã nói ở trên, thành thực và chân chính là nền móng của việc thanh lọc tâm trí. Tâm thanh tịnh sẽ đưa tới thân trong sạch, và do đó, người ta sẽ tự nhiên miễn nhiễm đối với bệnh tật. Như vậy, một hành giả thành tựu sẽ không bao giờ bị bệnh nặng. Thêm nữa, khi đã quyết tâm đi theo con đường của Đức Phật thì người ta sẽ không phải chết một cách thông thường. Chết thông thường có nghĩa là người ta không biết mình sẽ lìa đời lúc nào, và sẽ đi đâu sau đó. Ngược lại, những hành giả chân chính, tin tưởng vào bản thân và vào Phật A Di Đà, tu tập theo lời dạy của Đức Phật, thì sẽ có khả năng quyết định lúc nào mình từ giã thế gian và lúc nào mình tái sinh vào Tịnh độ Tây phương. Đây không phải là truyện kỳ dị hay truyện thần tiên mà là một sự thật đơn giản, có thể đạt được bằng cách tu tâm luyện tính và phát nguyện vãng sinh Tịnh độ Tây Phương. Vì vậy, cần phải biết rằng việc giải trừ phiền não và ái dục là rất quan trọng. Mỗi Phật tử nên giữ cho tâm trí và thân thể luôn luôn trong sạch, đối xử với mọi người và mọi vật một cách bình đẳng và bình tĩnh. Chỉ có như vậy thì gia đình mới hòa hợp, xã hội mới đoàn kết, và thế giới mới hòa bình. Chúng ta sẽ không còn bất hòa tranh chấp, và chiến tranh. Hòa bình và hạnh phúc mà tất cả chúng ta đều mong muốn ngày nay sẽ không còn là một giấc mộng mà sẽ trở thành sự thật nếu chúng ta biết phối hợp Khổng giáo và pháp giới vào hệ thống giáo dục của mình.
Tám đức tánh căn bản của Khổng giáo
Trung thành, hiếu để, từ bi, bác ái, đáng tin cậy, có trách nhiệm, hòa hợp và bình đẳng là tám nguyên tắc đạo đức căn bản của Khổng giáo, và được tượng trưng bằng bốn vị Bồ Tát trong Phật giáo. Bồ Tát Địa Tạng Vương tượng trưng hiếu để, và vì vậy mà Kinh Địa Tạng còn được gọi là Hiếu Kinh. Cuốn kinh này dạy lòng hiếu kính đối với cha mẹ cũng như thầy dạy học của mình. Các vị này đều được kính trọng ngang nhau trong Phật giáo và Khổng giáo. Có hiếu với cha mẹ và tôn kính các vị thầy là đức tính tự nhiên của con người. Mục đích của Phật giáo là dạy người ta nhận biết tính chất thật của tâm trí bằng cách khám phá những đức tính của nó, nếu không như vậy thì người ta sẽ không thể giác ngộ.
Bồ Tát Quan Âm tượng trưng bi tâm và từ ái. Bồ Tát Văn Thù tượng trưng trí huệ, tín tâm và lòng trung thành. Bồ Tát Phổ Hiền tượng trưng đại nguyện thực hành giáo lý của Đức Phật bao gồm hiếu để, từ bi và trí huệ. Ngài cũng tượng trưng sự hòa hợp và bình đẳng. Có từ bi và trí huệ thì có thể tạo công đức. Hạnh phúc lớn nhất của con người là hưởng công đức xây dựng trên nền móng thanh tịnh và bình đẳng với mọi người. Người Trung Hoa nói tới ba điều chân, thiện, và mỹ. Ba điều này có nghĩa là trưởng dưỡng công đức trong tuổi ấu thơ, tạo công đức tuổi trung niên, và hưởng công đức trong tuổi già. Người nào hưởng công đức trong tuổi già thì được gọi là người hoàn toàn, giống như một vị Phật vậy. Chúng ta cần phải hiểu rằng chư Phật, Bồ Tát không phải là những vị thần, mà là những người hoàn hảo nhất và phúc lạc nhất để chúng ta noi gương.
Các bậc tiên hiền của Trung Hoa ngày xưa đã nói tới những nguyên tắc đạo đức này trước khi Phật giáo du nhập Trung Quốc. Phật Thích Ca, Khổng Tử, và Mạnh Tử không bao giờ gặp nhau, nhưng các vị đều có giáo lý và phương pháp giống nhau, và đây là một sự tình cờ, như người Trung Hoa nói “Anh hùng tương ngộ” và người Tây phương nói “Chí lớn gặp nhau”.