ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA 14
“Kim chỉ nam của cuộc sống, giúp bạn tìm được niềm vui, sự bình yên và hạnh phúc.”
Bây giờ chúng ta hãy quan sát những cảm xúc tình cảm tiêu cực chẳng hạn như thói dâm ô, lòng căm thù và tính ganh tị. Tất cả chúng đều phụ thuộc vào một niềm tin sai lạc cơ bản luôn khẳng định về sự tồn tại độc lập giữa mọi đối tượng, trong khi đó thì chúng thực sự luôn phụ thuộc hỗ tương với nhau. Qua sức mạnh của sự ngu muội đó, tất cả những cảm xúc tình cảm tiêu cực này phát sinh. Nhưng như chúng ta đã thấy, khi chúng ta phân tích xem liệu sự ngu muội này cùng với tất cả những biến tấu của nó có phải là bản chất cơ bản của tâm hồn hay không, chúng ta nhận thấy rằng, như vị học giả trứ danh của Ấn Độ, Dharmakirti nói, “Bản chất của tâm hồn chỉ mang tính hời hợt nhất thời”. Bản chất tận cùng của hữu thức là thanh khiết. Sự tức giận, lòng lưu luyến và vân vân luôn nằm bên ngoài phạm vi của tâm hồn và không hề đóng vai trò là các đặc tính cơ bản của tâm hồn. Chúng ta gọi đây là sự thanh khiết cơ bản của tâm hồn. Bởi vì sự thanh khiết cơ bản bẩm sinh này có thể giúp chúng ta được giác ngộ, nên nó cũng được gọi là bản chất Phật. Đồng thời, trong tất cả mọi người chúng ta đều có một mức độ nào đó của lòng từ bi dù rằng nó được chúng ta thể hiện theo nhiều cách khác nhau và tất cả mọi người chúng ta đềy có được khả năng hiểu biết nhất định giúpchúng ta có thể phân biệt được đâu là điều tốt và đâu là điều xấu. Đây là tất cả những điều kiện cơ bản cấu thành sự giác ngộ.
Một khi chúng ta đã biết được rằng những ô uế vẩn đục không hề thuộc bản chất cơ bản của tâm hồn, chúng ta có thể tháo gỡ chúng ra khỏi tâm hồn qua việc phát huy những cảm xúc tình cảm đối kháng với chúng, những thái độ tích cực, giống như một liều thuốc, có thể kháng cự và làm mất tác dụng của chúng. Trong khi đó, nếu các cảm xúc tình cảm tiêu cực có hại không được đẩy lùi khỏi tâm hồn, thì mỗi khi tâm hồn hoạt động, những suy nghĩ tiêu cực – tức giận và vân vân – sẽ lập tức xuất hiện và liên tục tồn tại.
Đôi khi trong đời sống chúng ta, tâm hồn chúng ta liên tục bị chi phối bởi cảm xúc tức giận và lòng lưu luyến, cũng có những lúc, cảm xúc thỏa nguyện, lòng yêu thương và lòng từ bi lại tràn ngập trong tâm hồn chúng ta. Chúng ta không thể cùng một lúc vừa cảm thấy yêu thương vừa cảm thấy căm thù đối với cùng một đối tượng. Rõ ràng là chúng ta chỉ có thể có những cảm xúc tình cảm này ở những tình cảm này ở những thời điểm khác nhau, điều này cho thấy rằng những cảm xúc tình cảm này luôn vận hành đối mặt nhau, mâu thuẫn nhau, triệt tiêu nhau. Khi một bên phát triển mạnh thì bên kia sẽ suy yếu.
Sự hiểu biết hợp lý đúng đắn sẽ hỗ trợ và đẩy mạnh lòng yêu thương và lòng từ bi. Lòng yêu thương và lòng từ bi không cần sự trợ giúp của sự ngu muội, sự ngu muội luôn khiến chúng ta hiểu sai lạc và khăng khăng về sự tồn tại độc lập cố hữu của mọi đối tượng. Những thái độ phi đạo đức chẳng hạn như lòng căm thù và tính kiêu căng tự phụ – bất luận chúng mạnh hay yếu – đều xuất nguồn từ sự trợ giúp củng cố của sự ngu muội. Thế nên, nếu không có quan niệm sai lạc như thế này về bản chất của con người và sự vật, thì tất cả những thái độ phi đạo đức chẳng hạn như thói tham lam và lòng căm thù sẽ không bao giờ xuất hiện và vận hành được.
Sự ngu dốt và sự sáng suốt, cả hai đều xuất hiện và vận hành trong suốt quá trình chúng ta quan sát một sự vật hiện tượng nào đó, nhưng hình thức quan sát lĩnh hội của chúng ta rõ ràng là đối lập lẫn nhau. Sự sáng suốt có một nền tảng vững chắc, trong khi đó thì sự ngu dốt lại không có được một nền tảng vững chắc và thế nên nó hiểu sai lạc về những gì nó đang quan sát. Sự phát triển lớn mạnh của sự sáng suốt sẽ làm suy yếu dần sự ngu dốt. Sự sáng suốt làm giảm thiểu những quan niệm sai lạc của chúng ta về bản chất của mọi đối tượng cho đến khi sự ngu dốt hoàn toàn biến mất.