GIÁ TRỊ CỦA NHỮNG HOÀN CẢNH KHÓ KHĂN

HH. DALAI LAMA XIV

Trích: Để Sống Đời Sống Có Ý Nghĩa; Nguyên tác: How To Practice The Way To A Meaningful Life; Việt dịch: Nguyên Hảo; NXB. Về Nguồn

Làm thế nào bạn có thể trau dồi thái độ quan tâm đến người khác? Việc chính yếu để làm cho mình hướng đến việc quan tâm đối với người khác là để ý đến sự quan trọng của mình đối với họ. Một phương pháp thực hành được đưa từ Ấn Độ vào Tây Tạng, trong đó đầu tiên là nhìn thấy nền tảng chung giữa mình và người khác (bình đẳng), và từ đó thay thế tâm quy ngã bằng tâm hướng về người khác. Hành giả học giả Ấn Độ Shantideva giải thích trọn vẹn pháp môn tu tập này trong luận Một hướng dẫn về đời sống Bồ Tát Hạnh, và nhiều người Tây Tạng đã viết chú giải về bản văn này.

Lòng từ bi thật sự tỏa rộng đến nỗi mỗi chúng ta, không chỉ cho bạn bè hoặc gia đình hoặc những người gặp hoàn cảnh khốn cùng. Để phát triển sự tu tập về lòng từ bi đến chỗ trọn vẹn, cần phải có hạnh nhẫn nhục. Shantideva nói với chúng ta rằng nếu việc thực hành hạnh nhẫn nhục thật sự làm lay chuyển tâm thức và đem đến một sự thay đổi, bạn sẽ coi tất cả những người thù nghịch như những người bạn thân nhất, ngay cả còn coi họ như những người hướng đạo thật sự.

Những người thù nghịch cung cấp cho chúng ta những cơ hội tốt nhất để thực hành hạnh nhẫn nhục, bao dung và từ bi. Shantideva cho chúng ta nhiều ví dụ tuyệt vời về vấn đề này trong hình thức những mẫu đối thoại giữa hai tình trạng tích cực và tiêu cực của cùng một tâm thức. Những nhận xét của ngài về từ bi và nhẫn nhục rất hữu ích trong việc tu tập của chính bản thân tôi. Đọc chúng, tâm hồn bạn sẽ được chuyển hóa. Sau đây là một ví dụ:

Đối với một hành giả trên con đường tình thương và từ bi, một kẻ thù nghịch là một trong những người thầy quan trọng nhất. Không có người thù nghịch, bạn không thể thực hành lòng bao dung, và không có lòng bao dung, bạn không thể thiết lập một nền tảng vững chãi cho lòng từ bi. Như vậy, để thực hành từ bi, bạn cần phải có người thù nghịch.

Khi bạn đối diện với người thù nghịch sắp làm tổn thương bạn, đó chính là lúc để bạn thực sự thực hành lòng bao dung. Vì vậy, một người thù nghịch là nguyên nhân cho việc thực hành lòng bao dung; lòng bao dung là kết quả của một người thù nghịch. Do đó, chúng là nhân và quả của nhau. Khi một sự việc có mối tương quan với một sự việc khác vì khởi lên từ đó, người ta không thể cho rằng sự việc mà từ đó nó khởi lên là một tác nhân gây tổn hại; ngược lại, nó giúp sản sinh ra kết quả.

Tư duy về loại lý luận này có thể giúp phát triển lòng nhẫn nhục lớn, và lòng nhẫn nhục lớn này sẽ làm phát triển lòng từ bi mạnh mẽ. Lòng từ bi thật sự được đặt nền tảng trên lý lẽ. Lòng thương yêu bình thường giới hạn trong sự ham muốn hay chiếm giữ.

Nếu cuộc sống của bạn dễ dãi và mọi sự đều suôn sẻ, bạn có thể sẽ giữ mãi những tham vọng. Tuy nhiên, khi đối diện với những hoàn cảnh thật sự vô vọng, bạn sẽ không còn thì giờ cho tham vọng, bạn phải đương đầu với thực tại. Những thời gian khó khăn tạo ra sự quyết định và sức mạnh nội tâm. Từ đó, có thể đưa chúng ta đến chỗ biết đánh giá sự vô ích của lòng tức giận. Thay vì tức giận, hãy nuôi dưỡng lòng quan tâm và kính trọng sâu xa đối với những người tạo ra sự bất ổn, bởi vì khi tạo ra những hoàn cảnh khó khăn đó, họ ban cho chúng ta những cơ hội vô giá để thực hành lòng khoan dung và nhẫn nhục.

Cuộc đời của tôi đã không có thời gian hạnh phúc; tôi đã phải trải qua nhiều kinh nghiệm khó khăn, trong đó có việc phải bị mất nước vì sự xâm lăng của Trung Cộng và phải xây dựng lại văn hóc của chúng tôi trên đất nước láng giềng. Tôi coi những giai đoạn khó khăn này là những thời điểm quan trọng nhất trong đời tôi. Từ chúng, tôi đã có được nhiều kinh nghiệm mới và học được nhiều tư tưởng mới – chúng làm cho tôi thực tiễn hơn. Khi tôi còn trẻ và sống ở trên cao bên trên thành phố Lasha trong điện Potala, tôi thường nhìn đời sống của thành phố qua một ống nhòm. Tôi cũng học được nhiều từ những chuyện tầm phào của những người phục vụ trong điện. Họ giống như tờ báo tin tức của tôi, liên quan đến việc ngài Nhiếp Chính đang làm, và những sự đồi bại và những sự việc xúc phạm công chúng nào đang xảy ra. Tôi luôn luôn vui vẻ lắng nghe, và họ hãnh diện được nói chuyện với Dalai Lama về những chuyện xảy ra ngoài phố. Những biến cố ác nghiệt xảy ra sau cuộc xâm lăng 1950 buộc tôi phải trực tiếp nhúng tay vào những công việc mà nếu không có biến cố đó tôi đã không bao giờ đụng đến. Kết quả đưa tôi vào đời sống hoạt động xã hội trong thế giới đau khổ này.

Thời gian khó khăn nhất cho tôi là sau khi Trung Cộng xâm lăng. Tôi đã cố gắng làm thỏa mãn những người xâm lăng để cho tinh thế không bị tồi tệ thêm. Khi một phái đoàn đại biểu nhỏ của Tây Tạng ký thỏa ước mười bảy điểm với người Trung Hoa không có sự đồng ý của tôi hay chính phủ, chúng tôi bị đặt vào tình trạng không đường lựa chọn mà chỉ cố gắng để thi hành thỏa ước. Nhiều người Tây Tạng không bằng lòng với sự việc đó, nhưng khi họ bày tỏ sự phản đối, người Trung Hoa phản ứng khắt khe hơn. Tôi bị đặt vào giữa, cố gắng làm dịu tình thế. Hai vị thủ tướng phàn nàn về những điều kiện với chính phủ Trung Cộng, họ yêu cầu tôi loại trừ những người này. Loại rắc rối như vậy tôi phải đối diện khi còn ở Tây Tạng. Chúng tôi không thể tập trung để cải thiện tình trạng của chúng tôi, nhưng tôi đã sắp xếp một hội đồng cải cách để làm nhẹ bớt những gánh nặng chồng chất về tiền lời trên nợ và những thứ khác.

Ngược lại với mong muốn của người Trung Hoa, lần đầu tiên tôi viếng Ấn Độ vào năm 1956 để dự lễ Phật Đản 2500. Trong thời gian ở Ấn Độ, tôi đã phải làm một quyết định khó khăn là có nên trở về Tây Tạng hay không. Tôi có nhớ những tin tức về những cuộc nổi dậy ở miền Đông Tây Tạng, và nhiều viên chức ở Tây tạng khuyên tôi không nên trở về. Từ kinh nghiệm quá khứ tôi biết rằng khi Trung Hoa khai triển thêm về sức mạnh quân sự, thái độ của họ trở nên thô bạo. Chúng tôi thấy được rằng không có gì nhiều hy vọng, nhưng trong thời gian đó, không có gì rõ ràng để bảo đảm rằng chúng tôi được sự giúp đỡ có hiệu quả từ chính phủ Ấn Độ hoặc từ chính phủ nào khác.

Cuối cùng, chúng tôi chọn giải pháp trở về Tây Tạng. Nhưng đến năm 1959 khi hàng loạt người vượt thoát sang Ấn Độ, tình thế dễ dàng hơn vì đã đến điểm chung cực. Chúng tôi đã có thể dồn mọi năng lực và thời gian vào việc xây dựng một cộng đồng lành mạnh với nền giáo dục hiện đại cho lớp trẻ và cùng lúc cố gắng duy trì truyền thống nghiên cứu và hành trì Phât Pháp. Ngày nay, chúng tôi đang làm việc trong một bầu không khí tự do không lo sợ.

Sự tu tập của tôi được thụ hưởng lợi ích từ một đời sống có nhiều bất ổn và rắc rối lớn. Bạn cũng có thể lấy sự khó khăn mà mình phải gánh chịu để đào sâu sự tu tập của bản thân.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. TÌNH YÊU THƯƠNG GIỐNG NHƯ MỘT VIÊN NGỌC QUÝ
  2. MỘT ĐẦU ÓC UYỂN CHUYỂN
  3. KHÁM PHÁ NHỮNG GÓC NHÌN MỚI

Bài viết mới

  1. NGUỒN GỐC CỦA MA TRẬN THẦN THÁNH
  2. TRUNG ĐẠO
  3. SỬ DỤNG HIỆU QUẢ SIÊU NĂNG LỰC QUYỀN LỰC & TÁC ĐỘNG