ĐIỂM THIẾT YẾU CỦA CÁI THẤY HIỂU

GARAB DORJE

PATRUL RINPOCHE

Trích: Những Chữ Vàng – Thiền Tối Thượng Thừa Của Phật Giáo Tây Tạng; Tác giả: Garab Dorje với bình giảng của Dza Patrul Rinpoche; Ban dịch thuật Thiện Tri Thức; NXB. Thiện Tri Thức; 2002

Ảnh Ngài Garab Dorje

?
GARAB DORJE (Chưa biết năm sinh – Tịch năm thứ 55 Trước CN) là một Đạo sư nhân loại đầu tiên của Đại Toàn Thiện (Ati Yoga) hay (Dzogchen) theo  cách gọi của Phật giáo Tây Tạng. Truyền thống này chính là Dòng truyền thừa Nyingma, một trong bốn truyền thống chính được biết cho đến ngày nay.

——————–■■——————–

I_ Đưa Vào Trực Tiếp

Phần một xem xét điểm thiết yếu thứ nhất, cái thấy hiểu được tượng trưng bằng đạo sư Longchenpa, tương ứng với tuyên bố thứ nhất của Garab Dorje: “sự đưa vào trực tiếp”. Giáo huấn trong Dzogchen thường bắt đầu với một sự đưa vào, một giới thiệu trực tiếp như vậy.

Sự đi vào hệ thống Kinh, con đường của từ bỏ, được đánh dấu bằng việc thọ những lời nguyện ngăn cấm cách cư xử tiêu cực, đặc biệt là những hành động làm hại và tổn thương với những người khác. Sự đi vào hệ thống Tantra, con đường của chuyển hóa, được đánh dấu bằng việc nhận quán đảnh. Tuy nhiên, sự đi vào Dzogchen là bằng cách đưa vào trực tiếp. Nhờ đưa vào trực tiếp người ta có thể hiểu được thật nghĩa của quán đảnh nhập môn, nó không chỉ là một loại lễ nghi. Thật ra quán đảnh nhập môn là một trao truyền. Trong hệ thống Tantra, quán đảnh bắt đầu ở cấp độ Kriya Tantra và dần dần trở nên tỉ mỉ hơn về mặt lễ nghi với những Tantra Cao Hơn. Trong những Tantra Anuttara, chúng ta tìm thấy phương pháp bốn quán đảnh. Do nhận quán đảnh cái bình, chúng ta được quyền thực hành sự quán tưởng bổn tôn; do nhận quán đảnh bí mật, chúng ta được quyền thực hành yoga về kinh mạch và những khí năng lực; và do nhận quán đảnh trí huệ, chúng ta được quyền thực hành tiến trình hoàn thiện. Trong quán đảnh thứ tư, sẽ không có lễ nghi nào, mà chỉ có một ít giải thích bằng lời; và vì lí do này nó được biết là quán đảnh lời nói. Trong hệ thống Nyingma, quán đảnh thứ tư này được thực hiện bởi đạo sư quán đảnh hay Vajracharya. Vị này tự đưa mình vào trạng thái tham thiền (trao truyền trực tiếp), sử dụng một số vật tương trưng (trao truyền tượng trưng), và rồi ban cho một giải thích trong vài lời (trao truyền bằng lời). Như thế, ba loại trao truyền này xảy ra đồng thời. Theo Anuttara Tantra, quán đảnh lời nói này cho chúng ta quyền thực hành Đại Ấn; nhưng như đã chỉ ra ở trên, trạng thái tối hậu vượt khỏi sự chuyển hóa trong Mahayoga Tantra và Anuyoga Tantra đại diện cho hệ thống Tantra, con đường của chuyển hóa. Trong tự thân Dzogchen không có quán đảnh nghi lễ chính thức nào được đòi hỏi để đi vào thực hành. Nhưng cái tiên quyết tuyệt đối cho sự thực hành Dzogchen là sự đưa vào trực tiếp Trạng Thái Bổn Nguyên.

Tác giả tiếp tục giải thích rộng phương pháp thực hành cái thấy hiểu. Chúng ta đã được trực tiếp đưa vào trạng thái tham thiền và rồi, qua thực hành thường xuyên, chúng ta sẽ đi vào một kinh nghiệm trực tiếp về trạng thái đó. Nhờ thế chúng ta sẽ tiếp tục khai triển một thấu hiểu đích thực về Rigpa, tánh Giác nội tại tức thời, nó là trí huệ tìm thấy trong trạng thái tham thiền.

II_Đi vào Kinh, Tantra và Dzogchen

Nói chung, trong hệ thống Kinh, cũng được biết là Tướng thừa (Lakshanayana), thừa của những đặc trưng nhất định, cái thấy hiểu được thiết lập do những trích dẫn từ thẩm quyền kinh điển và do phân tích luận lý (Skt. vicara), tức là qua lý tính và suy luận. Ở đây tác giả dùng từ ngữ lung-rig để chỉ điều này, khi lung nghĩa là “kinh điển” và rig (hay rig-pa) nghĩa là “lý tính”. Trong hệ thống Kinh, thông thường rig-pa chỉ có nghĩa là “thông minh”, những từ ngữ đó có một cách dùng rất đặc biệt trong Dzogchen. Thế nên, hai cách dùng trong Kinh và trong Dzogchen không nên lẫn lộn. Trong hệ thống Kinh, chúng ta nói đến ba nguồn hiểu biết vững chắc (Skt. pramana):

1. Hiểu biết vững chắc từ tri giác trực tiếp (Skt. pratyaksa – pramana),

2. Hiểu biết vững chắc từ lý tính hay suy luận (Skt. anumana – pramana),

3. Hiểu biết vững chắc từ kinh điển hay thẩm quyền đáng tin cậy (Skt. agama – pramana).

Ví dụ, chúng ta được đưa vào cái thấy hiểu khi đạo sư nói, “Mọi sự là Không (sunyata)”, đó là cái thấy hiểu của trường phái Trung Đạo Madhyamika, hay “Mọi sự là tâm thức, là cái thấy hiểu của trường phái Duy Tâm Thức. Ngài cũng có thể trình bày nhiều chứng cứ luận lý ủng hộ cho những luận điểm này. Nếu người ta nghe những phát biểu như thế, học chúng trong lớp hay học chúng trong sách, chắc chắn người ta được đưa vào bản tánh của thực tại ở một mức độ nào đó, nhưng nó chỉ ở trên bình diện trí thức và hoàn toàn không phải là kinh nghiệm trực tiếp. Tuy nhiên, có những phương pháp khác để giới thiệu vào bản tánh của tâm thức một cách trực tiếp hơn.

Kế đó, trong hệ thống Tantra của Kim Cương thừa Mật Chú, chúng ta thấy bốn quán đảnh (đã nói ở trên). Trong quán đảnh trí huệ, chúng ta được đưa vào một trí huệ thí dụ, hay một trí huệ bằng cách thí dụ, trong hình thức một người nữ gọi là Yogini hay Dakini. Một cách tượng trưng, sự hiện diện của ngài là hình ảnh một người đàn bà trần truồng nhảy múa với một khăn choàng màu lục phủ trên vai. Bấy giờ, dựa trên kinh nghiệm thí dụ này, trong quán đảnh thứ tư chúng ta nhận từ đạo sư một giải thích ngắn về bản tánh của tâm thức. Theo cách này, chúng ta được đưa vào một hiểu biết thực sự, nó là thật nghĩa.

Như thế, là những hành giả chúng ta dấn thân vào hệ thống Sutra bằng phân tích lý tính và bằng thẩm quyền kinh điển, và chúng ta đi vào hệ thống Tantra qua quán đảnh. Nhưng những việc ấy biểu thị những phương pháp của Kinh và Tantra mà không phải của Dzogchen. Theo hệ thống của những hành giả cấp cao, Dòng những Thành Tựu giả, và ở đây nghĩa là những cá nhân thực hành Dzogchen, cách thức thích đáng là đưa trực tiếp hành giả vào trạng thái tham thiền bằng cách trước hết làm tan biến những hoạt động tâm thức của người ta. Nếu người ta quan sát tâm thức và tìm kiếm một tư tưởng khởi lên ở đâu, dừng lại ở đâu và rồi đi đâu, dù người ta có tìm kiếm và truy nguyên đến đâu, người ta cũng không tìm thấy gì cả. Chính sự “không thể tìm thấy” sự khởi sanh, dừng trụ và tan biến của những tư tưởng là sự vĩ đại nhất của mọi tìm kiếm. Những tư tưởng không khởi sanh ở đâu, không dừng trụ ở đâu, và không đi đâu. Chúng không khởi sanh từ trong thân, cũng không phải khởi sanh ngoài thân. Chúng thực sự không có gốc rễ hay nguồn gốc nào. Như những đám mây trong bầu trời, chúng chỉ khởi sanh để lại tan biến. Những tư tưởng khởi sanh từ trạng thái tánh Không và trở lại trong trạng thái tánh Không này. Tánh Không ấy biểu thị cái tiềm năng thanh tịnh. Chúng ta chỉ cần quán sát tâm thức chúng ta để khám phá cái ấy cho chúng ta. Và tánh Không này, trạng thái tánh Không này, thật ra là cái tinh túy nhất của tâm thức.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. NHẬN BIẾT BẢN TÁNH CỦA NHỮNG TƯ TƯỞNG VÀ KINH NGHIỆM
  2. CÁCH THỨC ĐÚNG ĐẮN ĐỂ LẮNG NGHE GIÁO PHÁP
  3. TƯ TƯỞNG GIÁC NGỘ

Bài viết mới

  1. THEO BẠN ĐAM MÊ LÀ GÌ?
  2. KHÔNG LÀM HẠI
  3. HÒA HỢP TỪ NHỮNG ĐỐI KHÁNG