LOTHAR SEIWERT
WERNER TIKI KÜSTENMACHER
Bí Quyết Đơn Giản Hóa Cuộc Sống – How To Simplify Your Life; Biên dịch: Thanh Thảo - An Bình; Nhà Xuất Bản Trẻ
Giấc mơ đơn giản hóa của bạn
Hiện tại, bạn đã bỏ lại sau lưng những tấm gương, chấn song và ống dẫn ở tầng dưới của kim tự tháp cuộc đời mình. Lần đầu tiên, bạn tỉnh táo nhìn xuống chân của kim tự tháp. Bạn cảm nhận được một niềm tự hào nhất định khi nhìn thấy kích cỡ của tòa dinh thự đại diện cho cuộc đời mình. Đồng thời, bạn cũng hết sức ngạc nhiên khi nhìn thấy những tầng phía dưới bỗng trống rỗng hoàn toàn. Bạn bỗng thấy mình thật cô độc ở bốn tầng đầu tiên.
Nhưng khi nhìn lại xung quanh, bạn phải bật cười khi sau lưng bạn và bên cạnh bạn chật ních người. Mọi người nói to với bạn “Xin chào!” và bạn bè vỗ vai bạn thân tình. Đây là một cuộc gặp mặt vui vẻ ngẫu nhiên với những người mà có thể đã lâu bạn không còn liên lạc. Khi họ ôm siết và hỏi han về cuộc sống của bạn, bạn nhận thấy có nhiều người quen thân thiết thật sự đang lặng yên đợi bạn phía sau?
Cuộc sống của bạn không chỉ bao gồm bản thân bạn mà thôi. Thực tế, có hàng ngàn những cuộc sống khác đang được kết nối với cuộc sống của bạn. Có thể bạn đoán rằng tầng này của kim tự tháp sẽ nhỏ hơn. Nhưng đến đây, bạn không còn chắc chắn liệu tòa kim tự tháp này thật sự là một kim tự tháp bình thường hay không, bởi càng leo lên cao, thỉnh thoảng kích cỡ của nó lại như càng phình to ra.
Bạn nhìn thấy cha mẹ, ông bà của mình và trong khoảng không hư ảo, thậm chí bạn đã thoáng thấy cả những thế hệ trước nữa. Rất nhiều người có liên quan đến cuộc sống của bạn đã qua đời, nhưng ở tầng khổng lồ này, dường như ranh giới giữa sự sống và cái chết cũng như sự khác biệt về giai tầng không còn nữa. Bạn thấy người quản lý cũ, các giáo viên ngày trước, cũng như những người từng phụ thuộc vào mình. Bạn thấy những người đã chịu ơn bạn và những người mà bạn vẫn còn mang nợ. Bạn nhìn thấy con cái mình và ngay cả những đứa con mà đáng ra bạn đã có.
Bạn nhìn thấy những người mà bạn yêu thương, dù mối quan hệ với họ đã không còn. Bạn cảm nhận được rằng theo một cách đặc biệt nào đấy, bạn vẫn được kết nối với họ. Người duy nhất mà bạn không nhìn thấy được chính là người bạn đời hiện tại của bạn. Nhưng rồi bạn nhìn lên là trông thấy người bạn đời của mình đang kiên nhẫn chờ mình ở tầng trên. Bạn bắt đầu lao vào đám đông nhộn nhịp ở tầng thứ năm của kim tự tháp đời mình.
Mục tiêu đơn giản hóa
Học cách duy trì, làm sâu sắc thêm và tận hưởng mối quan hệ với những người xung quanh bằng nguyên lý cho và nhận.
Bạn đã từng biết đến cảm giác tuyệt vời khi các vấn đề khó khăn tan biến sau khi bạn tâm sự chúng với người khác? Khi bạn nhận được sự giúp đỡ bất ngờ? Hoặc khi bạn làm được điều tốt cho người khác? Nếu thiếu vắng những điều như thế, cuộc sống của chúng ta sẽ rất nghèo nàn và phức tạp. Trái lại, cuộc sống của ta sẽ trở nên giàu có và đơn giản khi ta có bên mình nhiều bạn bè thân quen. Rất nhiều phương pháp đơn giản hóa mà chúng ta đã bàn đến sẽ trở nên hiệu quả hơn khi ta thực hành chúng với những người khác.
Và chương này sẽ giúp bạn cách để tìm ra những người như thế.
THÂM NHẬP ĐỜI SỐNG XÃ HỘI ĐỂ KẾT THÚC SỰ CÔ ĐỘC
Nếu bạn từng đọc những bài phỏng vấn trên các tạp chí, bạn sẽ nhận thấy những người nổi bật thường gặp được những người nổi bật khác. Đó là bí quyết để tạo dựng một mạng lưới các mối quan hệ: thông qua những cuộc gặp gỡ để trở nên nổi bật! Bạn có thể viết một cuốn sách bán chạy, xuất hiện trên truyền hình, chủ trì các buổi hội thảo tuyệt vời hoặc có những thành công đáng nể trong kinh doanh…, nhưng nếu cuộc sống của bạn cô độc thì mọi thành công ấy sẽ chỉ bừng sáng trong giây lát rồi tắt ngấm.
Chẳng ai có thể tiến xa trong sự nghiệp mà không có một đời sống xã hội tốt. Nhưng ban đầu, nó lại thường bị coi nhẹ và gọi là “những sự kết nối”. Trải qua năm tháng, nó dần được công nhận vì đã giúp mọi người được quan tâm hơn. Tuy nhiên, chúng ta không nên xem đời sống xã hội là công cụ tìm kiếm khách hàng hay người bảo trợ, mà nó chính là một mối quan hệ mà tất cả các bên tham gia đều có lợi.
Khi tham gia vào mạng lưới các mối quan hệ, bạn không được xem đây là một cuộc truy tìm đầy tính toán: “Liệu người này có ích lợi gì cho tôi không?”. Nếu bạn thích một ai đó, hãy đầu tư thời gian vào mối quan hệ với họ, bất luận đó là đồng nghiệp hay chỉ là một người mới quen. Hãy tận hưởng mối quan hệ với các khách hàng và những đồng nghiệp mà bạn trân trọng. Đồng thời, hãy suy nghĩ theo cả hai hướng, không chỉ “Liệu người này có thể giúp ích gì cho tôi?”, mà còn “Liệu tôi có thể giúp được gì cho người này?”.
Quy tắc cơ bản 1: Hãy bám sát mối quan hệ ngay từ đầu. Nếu bạn không bắt chuyện với một đồng nghiệp mới trong vòng ba tháng thì việc trở thành bạn thân của anh ta trong tháng thứ tư sẽ rất khó khăn.
Quy tắc cơ bản 2: Đừng quá hấp tấp. Hãy để cho người kia có cơ hội tiếp cận bạn. Hãy tiến đến gần hơn, từng bước, từng bước một.
Quy tắc cơ bản 3: Đừng phó mặc cho số phận. Dù các mối quan hệ thân thiết được xem như một món quà, thì việc lên kế hoạch cho các mối giao tế xã hội cũng là điều rất đáng làm. Và đây là một số bí quyết có thể giúp ích cho bạn.
Hãy dành ra “thời gian viếng thăm”
Hãy đơn giản hóa việc sắp xếp với người thân, bạn bè, đồng nghiệp để viếng thăm lẫn nhau. Hãy chọn một ngày cụ thể trong tháng mà bạn sẽ mở rộng cửa để đón khách (có lẽ là buổi tối thứ sáu tuần đầu tiên của mỗi tháng). Đơn giản hóa tất cả, cũng đừng đưa ra tiêu chuẩn quá cao về thức ăn đãi khách. Vì bạn không thể biết chắc được có bao nhiêu khách sẽ đến, nên bạn cần phải biết cách ứng biến để giúp cho cuộc gặp mặt được vui vẻ và thân tình hơn.
Một ngày dành cho gia đình lớn
Bạn cũng có thể đề nghị với bố mẹ, ông bà, cha mẹ chồng/vợ, anh chị em, cô chú về một cuộc sum họp gia đình mỗi năm một lần. Bằng cách đó, mọi người có thể gặp gỡ nhau và làm mới mối quan hệ, ngay cả với những người bà con ở xa. Bên cạnh đó nó cũng sẽ giảm thiểu số lượng các chuyến viếng thăm cá nhân giữa những người bà con với nhau và việc này sẽ dễ dàng hơn đối với những người gặp khó khăn trong quan hệ xã giao.
Hãy làm cho việc tạo lập các mối quan hệ mới dễ dàng hơn
Khi bạn tổ chức một buổi tiệc, một buổi hội thảo, một buổi gặp mặt gia đình… hãy đảm bảo rằng bạn không chỉ mời những người đã quen biết nhau mà còn có thể tạo lập thêm nhiều mối quan hệ mới cho các vị khách của mình.
Nếu bạn mời mọi người đến dùng cơm, bạn có thể sắp xếp vị trí chỗ ngồi để tạo ra sự nối kết giữa mọi người với nhau. Hãy tổ chức các trò chơi sao cho mọi người ở tất cả các bàn có thể cùng tham gia.
Khi bạn tuyên bố: “Bữa tiệc bắt đầu”, hãy gợi ý một cách cởi mở với mọi người: “Hãy tận dụng cơ hội để kết giao thêm nhiều bạn mới”. Nhiều người cho rằng đây là cách làm nóng không khí rất hiệu quả giúp cho mọi người có thể dễ dàng bắt chuyện với nhau.
Đừng e ngại việc ghi bảng tên cho khách ở những buổi họp mặt lớn nếu như khách mời không biết nhau. Hãy để mỗi người viết một điều gì đấy đặc trưng nhưng cũng bí ẩn lên bảng tên của mình. Đó thật sự là một cách hay để giúp họ bắt chuyện tự nhiên hơn với những người chưa quen biết.
Hãy kết hợp việc nấu nướng với xã giao
Hãy nghĩ xem bạn có thể cùng nấu nướng với những ai trong số bạn bè mình? Bạn có thể sắp xếp chương trình bữa tiệc bao gồm cả giai đoạn nấu nướng cùng nhau để bạn không phải căng thẳng một mình trong bếp. Khi đó, với cùng một thời gian, bạn có thể hoàn thành khối lượng công việc gấp đôi trong khi lại học hỏi thêm được một vài mẹo bếp núc mới.
Lòng tốt dây chuyền
Oprah Winfrey, nữ hoàng của các chương trình đối thoại trên truyền hình nổi tiếng ở Mỹ, đã tạo ra một luồng ảnh hưởng có tác động lớn đến xã hội Mỹ suốt những năm gần đây. Nó được gọi là “lòng tốt dây chuyền”. Mỗi người xem sẽ làm một việc tốt cho người khác, đặc biệt là cho những người không hề trông đợi điều đó: hãy tặng một thứ gì đấy (hoa, sách, đĩa CD, hay bất kỳ một món đồ nào khác), thăm viếng, đi chợ giùm, mời người đó đến ăn tối hay bất kỳ một việc làm tốt nào khác. Hãy làm những việc trong khả năng của mình. Với một điều kiện: người nhận không được phép đền đáp lại bạn mà phải làm một việc tốt nào đấy cho người khác. Và mọi việc cứ tiếp tục theo một dây chuyền như thế. Việc này sẽ mang đến nhiều điều tuyệt vời: người trồng hoa sẽ có những khách hàng hoàn toàn mới, những người hàng xóm thù địch đột nhiên trở thành bạn bè tốt của nhau… Điều lý tưởng của ý tưởng này là nó có thể thực hiện được ở bất cứ đất nước nào. Vậy thì ngay bây giờ, bạn cũng có thể bắt đầu tự thực hiện nó.
Làm thế nào để được mời đến các sự kiện thú vị
Người phụ trách danh sách khách mời cho các lễ kỷ niệm hoặc tiệc tùng của những công ty lớn thường là thư ký giám đốc hoặc bộ phận PR. Hãy tìm hiểu xem ai phụ trách công việc đó và hãy thẳng thắn với họ: “Tôi thật sự rất muốn đến dự lễ kỷ niệm trong hội chợ lần này”. Chắc chắn là những người tổ chức sẽ rất vui lòng khi thấy bạn thể hiện sự quan tâm đối với sự kiện của họ, vì thường thì có rất nhiều người không muốn đến hoặc phải miễn cưỡng có mặt ở đó.
Trong buổi lễ, hãy thể hiện lòng biết ơn đến người đã gửi thư mời cho bạn. Nếu người ấy có thiện cảm với bạn, bạn sẽ sớm có tên trong danh sách khách mời của những sự kiện tiếp theo.
Cách cư xử trong bữa tiệc
Đừng quá thụ động trong mọi việc; hãy đặt ra mục tiêu cụ thể: “Tôi muốn nói chuyện với giáo sư Bighead ít nhất là trong năm phút và rồi ông ta sẽ nhớ tên tôi”. Hoặc “Tôi muốn bắt chuyện với Rita để chúng tôi có thể hiểu nhau hơn”.
Tuy nhiên, đừng để các mục tiêu này ngăn cản bạn có những cuộc diện kiến bất ngờ. Mỗi khi bạn gặp một ai đó, về cơ bản, hãy thoải mái xem đó là một trò chơi và thư giãn, chứ đừng căng thẳng xem nó là một biến thể của công việc.
Hãy đảm bảo rằng bạn giữ được cân bằng giữa “cho” và “nhận”. Hãy lắng nghe và đóng góp vào cuộc trò chuyện. Hãy thể hiện sự quan tâm đối với đối phương mà không chất vấn họ. Hãy giới thiệu bản thân về những điều mà bạn cũng muốn biết từ đối phương. Sẽ rất thuận lợi nếu bạn có một thứ gì đấy đóng vai trò làm “chủ đề của cuộc đàm thoại” để duy trì cuộc nói chuyện: một chiếc cà- vạt đặc biệt, một chiếc kẹp độc đáo, hay một đôi giày mới thật phong cách cũng có thể đảm nhiệm được vai trò đó.
Đừng lo lắng khi bắt đầu câu chuyện với những điều sáo rỗng: hãy khen bữa tiệc hoặc nói về thời tiết. Điều chính yếu là bạn phải biết chuyển cuộc trò chuyện theo hướng bạn muốn.
Trở thành một vị khách được chào đón
Bạn tìm được những mối quan hệ quan trọng trong cuộc sống riêng tư và công việc khi nhận được những lời mời từ người khác. Nó có thể mang đến những tình bạn thân thiết, nhưng đồng thời cũng có thể dẫn đến những mối oán thù dai dẳng chỉ vì một chút bất cẩn thôi. Hãy đặt mình vào vị trí chủ nhà và tự hỏi bản thân xem ở vị trí ấy thì bạn sẽ kỳ vọng những gì từ các vị khách của mình.
Hãy trả lời rằng bạn đã nhận được lời mời
Nếu bạn nhận được thư hoặc thiệp mời, hãy xác nhận lại việc bạn có đến hay không, ngay cả khi người mời không yêu cầu điều đó.
Hãy mang đến một ít hoa
Một bó hoa được cắt tỉa gọn gàng (chứ không phải là một chậu kiểng) là món quà nhỏ tiện dụng. Tuy nhiên, nó cũng có khả năng tạo ra sự căng thẳng cho chủ nhà với các công đoạn: tháo bỏ lớp giấy gói, tìm một cái bình, cắt bớt các nhánh và cắm hoa. Đó là lý do tại sao những giỏ hoa được cắm sẵn và giữ tươi bằng một miếng bọt biển chuyên dùng trở nên phổ biến. Bên cạnh đó, hãy tránh tặng những loại hoa hàm chứa một ý nghĩa không hay nào đó.
Bạn cũng có thể tặng hoa khi chủ nhà là nam giới. Nếu chủ nhà bảo: “Bạn không cần phải làm thế đâu!” thì hãy xem đó là một câu khách khí và bạn vẫn có thể tiếp tục tặng hoa cho họ vào lần sau.
Hãy đến đúng giờ
Ý nghĩa của chữ “đúng giờ” biến đổi tùy vào hoàn cảnh. Đối với một bữa tiệc tại nhà riêng, tốt nhất là bạn nên có mặt sau giờ được mời khoảng tám phút. Tuy nhiên, nếu đó chỉ là lời mời đến dùng bữa thì bạn nên đến thật đúng giờ. Nếu đó là một tiệc cocktail thì nhìn chung việc đến trễ một tí không vấn đề gì, với điều kiện không được trễ quá ba mươi phút. Nếu như đó là lời mời đến dự một buổi tiệc tự do có ấn định thời gian thì tốt nhất là không nên đi trễ quá một tiếng trước khi buổi tiệc kết thúc. Cuối cùng, đừng đến quá sớm để không quấy rầy công đoạn chuẩn bị của gia chủ.
Hãy hoạt bát
Sẽ là một khó khăn cho chủ nhà khi phải tiếp đón những vị khách quá khách khí và luôn chờ đợi sự chủ động từ phía gia chủ. Nếu bạn không quen biết ai tại bữa tiệc, hãy nói chuyện với người bên cạnh bạn. Cách đơn giản nhất để bắt chuyện là hỏi:
“Bạn quen biết thế nào với chủ nhà?”. Câu hỏi này sẽ nhanh chóng dẫn đến các chủ đề khác. Tuy nhiên, bạn cũng đừng dành cả buổi tối chỉ để nói chuyện với một người.
Khi chủ nhà tuyên bố đã đến lúc dùng bữa, đừng ngại ngần về việc làm người đầu tiên ngồi vào bàn. Hãy giúp đỡ gia chủ, hãy tiếp cận những vị khách có vẻ e dè và giúp họ hòa nhập một cách tự nhiên hơn vào cuộc vui chung.
Đừng giữ chặt lấy gia chủ
Bạn hoàn toàn có thể tán gẫu với gia chủ, nhưng đừng giữ rịt lấy họ cho riêng mình. Hãy đảm bảo rằng tất cả các vị khách đều nhận được sự quan tâm của gia chủ một cách đồng đều. Trong các buổi tiệc lớn thì gia chủ khó lòng mà tiếp cận với tất cả các vị khách, vậy bạn nên chủ động trong việc này.
Hãy tiếp cận người khác với một mục tiêu cụ thể. Hãy sử dụng các cuộc gặp gỡ cho mục đích mở rộng mối quan hệ xã hội của mình. Nếu bạn muốn gặp một vị khách nào đấy, hãy nhờ gia chủ giới thiệu bạn với người ấy. Gia chủ sẽ rất vui lòng làm việc này vì họ mong muốn các vị khách thật sự thân thiện với nhau.
Hãy quan sát những điều cấm kỵ
Ở đâu cũng luôn có những chủ đề mà bạn cần tránh để không xúc phạm đến khách khứa hoặc chủ nhà. Đừng tỏ bất cứ thái độ chê bai nào đối với thức ăn mà bạn được mời dùng (“Bộ anh không biết là thịt lợn rất có hại cho sức khỏe hay sao?”), cũng đừng bao giờ gièm pha những vị khách khác. Những bài thuyết giảng đạo đức của người ăn
kiêng bên cạnh một bữa buffet có món bò nướng sẽ rất bất lịch sự, cho dù nguyên tắc đó có sức thuyết phục đến đâu chăng nữa. Đừng nói về chính trị, tôn giáo, tiền bạc hay bệnh tật một cách thiếu tế nhị. Ngoài ra, đừng bao giờ giở giọng dạy dỗ con cái của người khác.
Hãy nói những điều tốt đẹp về các món ăn
Hãy nói chuyện một cách chân thành. Nếu bạn thấy những món đặc sản thật khó ăn thì hãy nói tốt về rượu vang. Trong các bữa tiệc, hãy bắt đầu bằng cách lấy mỗi món chỉ một ít thôi để xem bạn thực sự thích món nào. Hãy kiểm soát tốt bản thân mình. Đừng uống quá nhiều để rồi khiến chủ nhà phải bối rối. Hãy thỏa thuận trước với người đi cùng bạn đến dự tiệc rằng cả hai người sẽ cùng yên lặng ra về nếu một trong hai người đã uống quá chén. “Yên lặng” ở đây tức là không để đám đông bàn tán về bạn bằng những lời như: “Anh ta uống quá chén rồi làm nhặng xị cả lên”.
Hãy ra về đúng lúc
Việc biến mất quá sớm cũng bất lịch sự như việc cứ lê la mãi không chịu về khi tiệc đã tàn từ lâu vậy. Cách đơn giản nhất là hãy làm theo đa số. Bất luận bạn làm gì, đừng ra về mà không nói lời tạm biệt và chân thành cảm ơn chủ nhà. Ở một số nơi, các vị khách sẽ gọi điện cho chủ nhà vào ngày hôm sau để cảm ơn. Đó là một cơ hội tốt để lần theo các mối quan hệ (“Cái anh chàng chơi piano điên cuồng ấy là ai thế?”) để những cuộc gặp gỡ trong bữa tiệc có thể phát triển thành các mối quan hệ bạn bè.
GỠ RỐI CÁC MỐI QUAN HỆ TRONG GIA ĐÌNH
Quan hệ gia đình là loại quan hệ khó khăn nhất, phức tạp nhất và cũng quan trọng nhất đối với cuộc sống của mỗi chúng ta. Tội lỗi, yêu thương, nóng giận, tình bạn, tình yêu, sự lệ thuộc – là những điều mà chúng ta thường đề cập khi nói đến mối quan hệ của họ với cha mẹ. Sẽ có nhiều cảm xúc mâu thuẫn nhau, nhưng điều đó ràng buộc bạn với những người đã sinh thành ra bạn, đặc biệt là người mẹ. Một số người trưởng thành có tính cách khá mạnh mẽ ngoài xã hội nhưng bỗng trở nên yếu đuối khi gặp mẹ.
Hãy nhận thức rõ độ tuổi của cha mẹ bạn. Khi còn nhỏ, bạn thấy cha mẹ mình thật hiện đại. Nhưng khi đã trưởng thành, hãy ghi nhớ rằng cha mẹ bạn thuộc thế hệ trước. Trong hầu hết các trường hợp, họ sẽ không thể trò chuyện một cách cởi mở về tất cả mọi đề tài như bạn được. Họ có thể sống với một nhịp độ khác bạn. Những khác biệt này ngày gia tăng khi tuổi thọ con người càng cao. Hãy biết chấp nhận điều này.
Hãy lắng nghe bố mẹ bạn. Bạn không nhất thiết phải hoàn toàn nghe lời cha mẹ như khi còn nhỏ nữa. Nhưng việc lắng nghe họ và giữ cho đầu óc mình luôn rộng mở là điều rất tốt. Hãy để cha mẹ bạn biết rằng bạn thấu hiểu quan điểm của họ, mặc dù có thể bạn không có cùng quan điểm đó. Ngày nay, nhiều người trưởng thành có khuynh hướng chỉ trích và hay ngắt lời cha mẹ họ: “Vâng, mẹ đã nói điều này cả ngàn lần rồi”. Điều này sẽ khiến cha mẹ bạn tổn thương rất nhiều.
Cha mẹ bạn có nhiều kinh nghiệm hơn bạn. Điều này nghe có vẻ cũ rích nhưng người ta vẫn thường bỏ qua nó. Hãy nghe cha mẹ bạn kể về những trải nghiệm của họ. Hãy hỏi họ: “Mối tình đầu của bố mẹ như thế nào? Ngày xưa ông bà đối xử với bố mẹ ra sao? Hồi đó bố mẹ thường làm gì những khi rảnh rỗi?”. Người mẹ thường biết, ghi nhớ và rất thích kể về những chuyện xưa cũ. Hãy hỏi cặn kẽ về những câu chuyện có thật về cuộc đời bà. Hãy tập hợp chúng lại; thoạt đầu có vẻ mất công nhưng nó chính là một trong những di sản giá trị nhất mà bạn có thể truyền lại cho con cái mình. Việc này nằm trong khả năng của bạn, ngay cả khi mối quan hệ giữa bạn và bố mẹ căng thẳng đến đâu chăng nữa.
Hãy làm cho cuộc sống của cha mẹ bạn trở nên dễ dàng hơn. Nhiều người trưởng thành vẫn dựa vào sự thấu hiểu thầm lặng tự nhiên mà họ có với cha mẹ của mình ngày còn bé. Kết quả là về sau, họ tự tin rằng mình biết được mọi nhu cầu của cha mẹ chỉ thông qua ánh mắt. Họ không nhận ra rằng không phải lúc nào điều đó cũng đúng, trong khi các bậc cha mẹ thường không phản đối gì.
Chẳng hạn, cậu con trai mời mẹ đi nghe nhạc opera vào ngày sinh nhật của bà vì đó là điều mà bà từng mơ ước trước kia. Tuy nhiên sau đó, anh ta vô cùng ngạc nhiên khi thấy bà không vui. Thực tế, bà chỉ giả vờ quan tâm đến nó vì chồng bà thích. Trong mọi trường hợp, một câu hỏi đơn giản, cởi mở có thể sẽ giải quyết vấn đề tốt hơn rất nhiều.
Hãy tìm hiểu về những người bà con của cha mẹ bạn. Nếu bạn chưa làm việc đó thì hãy liên lạc với những người anh em, bà con, bạn bè của cha mẹ bạn. Hãy tổ chức những buổi họp mặt gia đình nếu trước nay chưa từng có. Nếu có sự thù địch giữa các thành viên trong gia đình, hãy cố gắng mang đến sự hòa giải với tư cách là người đại diện cho thế hệ trẻ của gia đình, chứ đừng đóng vai trò là người lập lại hòa bình. Hãy linh hoạt trong tình hình ấy và đảm bảo rằng những người có liên quan sẽ có cơ hội để chuyện trò với nhau, sau đó để họ tự giải quyết vấn đề ấy. Chấm dứt những mâu thuẫn cũ chính là sự đầu tư cho tương lai của chính bản thân bạn và con cái bạn.
Hãy nhận biết rõ những nét tính cách nào của bạn giống với bố mẹ. Những nét tính cách này bao gồm cả tính tốt và tính xấu, do đó hãy nhìn vào cả hai mặt, bởi vì bạn được kết nối với bố mẹ mình qua cả hai nét tính cách ấy. Mơ ước “Tôi chẳng bao giờ muốn giống bố tôi!” rất hiếm khi trở thành sự thật bởi vì những liên kết trong gen di truyền rất mạnh mẽ. Và sự thật là những gì ta càng cố đẩy đi xa thì chúng lại càng đeo bám lấy ta. Tất cả những gì mà bạn có thể làm là nỗ lực nhiều hơn cha mẹ bạn để cải thiện nó. Để làm được việc đó, bạn cần phải nhìn thẳng vào những mặt tiêu cực của gia đình và nói: “Tôi là một phần trong đó”.
Học cách giải quyết những mâu thuẫn trong mối quan hệ của bạn. Nếu sợi dây liên kết giữa bạn và bố mẹ bạn bị gián đoạn hoặc đã hoàn toàn kết thúc thì hẳn nó phải xuất phát từ một nguyên nhân nào đó. Có thể vấn đề chỉ là mẹ bạn muốn đi nghỉ mát với bạn nhưng bạn đã không đi cùng bà.
Hãy nghĩ về điều này: bạn và mẹ vẫn có rất nhiều điểm tương đồng, hai người chỉ có một điểm nào đó không giống nhau mà thôi. Hãy tập trung sự chú ý của mình vào điểm đó. Đừng cố gắng giải quyết nó qua điện thoại; một trong hai bên luôn có thể kết thúc cuộc trao đổi bằng cách gác máy. Hãy giải quyết nó bằng một lá thư và sau đấy là một cuộc viếng thăm.
Trong trường hợp tệ hại nhất, bạn nên thỏa thuận với mẹ về việc tạm thời tránh mặt nhau. Những câu nói đại loại như: “Con sẽ tạm thời không liên lạc với mẹ trong một năm” sẽ mở ra nhiều cơ hội hơn là một cuộc cãi vã và bạn bảo với mẹ rằng: “Con sẽ không bao giờ gặp mẹ nữa!”. Những người nói ra câu nói đó sẽ cảm thấy tội lỗi mãi mãi và cảm thấy bị câu nói ấy trói buộc. Thời gian không chữa lành tất cả các vết thương nhưng trong mâu thuẫn giữa con người với nhau, có một loại “quy chế về các giới hạn” mà bạn nên tuân thủ.
CHUẨN BỊ CHO TANG LỄ CỦA BẠN
Bí quyết đơn giản hóa này nghe có vẻ rùng rợn. Tuy nhiên, có một khả năng rất cao là bạn sẽ không còn tỉnh táo như bạn mong muốn vào giai đoạn cuối đời. Đó là lý do tại sao việc suy tính về giai đoạn cuối đời ngay từ bây giờ là điều hoàn toàn hợp lý.
Hãy chuẩn bị tang lễ của mình
Khi bạn chết, những người thân thuộc của bạn sẽ phải đảm đương rất nhiều việc, trong khi tinh thần họ đang không được bình tĩnh. Giá cả của một chiếc quan tài đơn giản và một chiếc quan tài sang trọng có sự chênh lệch khổng lồ; với các chi phí khác trong lễ tang cũng thế. Bạn có thể giúp đỡ gia đình mình rất nhiều bằng cách viết ra một vài điều bạn mong muốn. Chẳng hạn, bạn có thể viết: “Tôi ước mình có thể được chôn cất gần phần mộ của bố mẹ tôi trong nghĩa trang bằng một chiếc quan tài thật đơn giản. Sẽ rất tốt nếu mọi người có thể hát cho tôi bài thánh ca tôi yêu thích nhất. Làm ơn mời tất cả bạn bè tôi sau buổi tang lễ để đến quán rượu mà uống mừng cho tôi. Mọi người biết đấy, bữa ăn yêu thích nhất của tôi là món bò bít tết và khoai tây chiên, cùng một cốc bia. Thay vì tặng hoa, xin các bạn bè hãy quyên góp cho quỹ XYZ. Hãy khóc thương cho tôi, nhưng đừng tuyệt vọng. Tôi rời bỏ cõi đời này và biết rằng mình đã có một cuộc sống hạnh phúc, viên mãn”.
Hãy đảm bảo rằng bạn có thể chết với lòng tự trọng
Các vị bác sĩ chăm sóc bạn vào phút cuối đời cũng ở vị trí như những người bà con của bạn: Nếu bạn không thể diễn đạt mong muốn của mình, họ sẽ làm tất cả những gì có thể để kéo dài cuộc sống của bạn, thậm chí dù tình huống đã trở nên vô vọng. Đây là lúc bạn có thể đưa cho họ một văn bản đã được chuẩn bị sẵn.
Văn bản này chính là những “lời hướng dẫn đưa ra trước”. Đây là một thuật ngữ chung để chỉ hai loại văn bản pháp lý: di chúc sống và giấy ủy quyền y khoa.
Trong tờ di chúc sống, bạn ghi ra nguyện vọng của bạn về phương pháp chữa trị mà bạn muốn nhận được khi đã gần kề với cái chết và không thể giao tiếp được. Mục đích của một di chúc sống, cũng có thể được gọi là “hướng dẫn y khoa”, “bản hướng dẫn cho các y sĩ” hoặc “bản hướng dẫn về việc chăm sóc sức khỏe”, nhằm giúp các thành viên trong gia đình bạn và các bác sĩ quyết định phương pháp điều trị y tế nào mà họ có thể dùng để kéo dài cuộc sống cho bạn.
Trong giấy ủy quyền y tế, bạn chỉ định một người nào đó sẽ ra quyết định về việc chăm sóc sức khỏe cho bạn khi bạn không thể làm được việc đó. Văn bản này còn có thể được gọi là “giấy ủy quyền chăm sóc sức khỏe” hoặc “giấy chỉ định người đại diện chăm sóc sức khỏe”.
Hãy sắp xếp của cải vật chất
“Hãy lập một bản di chúc” là lời khuyên chúng tôi tìm thấy trong hầu hết các cuốn sách. Tuy nhiên, một tờ di chúc chỉ có tác dụng đơn giản hóa nếu bạn thảo luận nó với tất cả những ai có liên quan. Nếu không, bạn có thể gây ra nhiều rắc rối hơn những gì bạn tưởng.
Trong bất cứ trường hợp nào, giải pháp đơn giản nhất vẫn là hãy cho đi của cải của bạn ngay bây giờ. Nếu bạn muốn giao lại những thứ có giá trị hoặc những món quà lưu niệm cho bạn bè và thân quyến thì tại sao cứ phải làm việc đó sau khi bạn đã chết? Hãy cho đi các thứ khi bạn vẫn còn sống. Bằng cách ấy, mọi người có thể cảm ơn bạn và người nhận sẽ nhận được thứ có giá trị hơn là một hiện vật – đó là kỷ niệm cá nhân.
Hãy để lại những điều bạn biết về gia đình
Trong tương lai, việc có được thông tin về các bậc tổ tiên càng trở nên quan trọng về mặt tâm lý. Đó là lý do bạn cần phải viết lại những gì bạn biết về ông bà và những người họ hàng khác. Về sau, con cháu bạn sẽ rất biết ơn bạn về điều đó, dù có thể ngay lập tức, chúng chưa biết trân trọng giá trị của những điều mà bạn truyền lại cho chúng.
LÀM SUY YẾU LÒNG ĐỐ KỴ
Cuộc sống sẽ trở nên khó khăn một cách không cần thiết khi bạn cứ liên tục so đo cuộc sống của mình với người khác. Bản chất của sự so sánh không xấu nếu nó không khiến bạn cảm thấy tự ti khi mình thua kém người khác.
Tiền bạc, ngoại hình, tài năng hoặc tiếng tăm đều có thể dẫn đến sự đố kỵ. Ngay cả khi mọi người đều sở hữu một khối lượng tài sản ngang nhau thì lòng đố kỵ vẫn tiếp tục tồn tại. Vấn đề này rất nhạy cảm nhưng lại gây không ít khó khăn cho cả người đố kỵ lẫn người bị đố kỵ.
Tuy nhiên, bạn có thể cải thiện được nó. Thực ra, lòng đố kỵ có thể trở thành một nguồn động lực trong cuộc sống của bạn. Hãy nhìn vào các chiến lược đơn giản hóa dưới đây để đối phó với lòng đố kỵ, cả trong chính bản thân bạn lẫn ở những người khác.
Các chiến lược để đối phó với lòng đố kỵ của chính bạn
Hãy nhìn vào sự cân bằng thật sự giữa ánh sáng và bóng tối. Người ta không bao giờ ghen tị với những điều tồi tệ; họ chỉ ghen tị với những điều tốt đẹp mà người khác có. Bạn cần biết rằng không phải ai cũng toàn gặp những điều tốt đẹp và mọi điều tốt đẹp trong cuộc sống đều có cái giá của nó. Trong khi ấy, người có lòng đố kỵ muốn có được chúng mà không phải trả bất kỳ cái giá nào. Một nghệ sĩ violon bậc thầy trả giá cho tài năng và tiếng tăm của ông bằng vô số những giờ khổ luyện hay một thời thơ ấu túng quẫn. Liệu bạn có ghen tị với những điều đó hay không? Một người có quyền lực và sức ảnh hưởng cũng có nhiều kẻ thù nguy hiểm; người ấy cần có vệ sĩ và các hệ thống bảo vệ. Liệu bạn có muốn những điều đó không?
Hãy sử dụng phương pháp Esau-Jacob. Lòng đố kỵ khiến ta không muốn dành cho người khác sự công nhận mà họ xứng đáng. Nếu bạn đối xử với mọi người bằng một thái độ thiện chí, bạn sẽ khiến họ hài lòng. Hãy áp dụng phương pháp chống lại lòng đố kỵ bằng cách tự nhủ với bản thân: “Tôi không ghen tị với những gì họ có!”. Hãy lặp đi lặp lại câu nói này trong đầu cho đến khi nội tâm của bạn hoàn toàn đồng ý với nó.
Câu nói của Esau trong Kinh Cựu Ước cũng có thể giúp ích cho bạn trong việc đối phó với lòng đố kỵ: “Ta đã có đủ, hỡi người anh em. Hãy giữ lấy những gì anh có cho bản thân mình” (Esau đã nói điều này với anh trai của mình là Jacob, người đã từng lừa gạt Esau).
Hãy phát huy món quà của Goethe. Johann Wolfgang von Goethe đã chỉ ra rằng tình yêu là điều duy nhất hữu ích khi ta đương đầu với những người giỏi giang. Bạn có thể dùng sự thấu suốt này để làm giảm lòng đố kỵ của mình. Hãy dành cho người khác những lời khen tặng chân thành: đối với ngoại hình, phong thái, văn hóa, phong cách của họ. Hãy chuyển lòng đố kỵ thành lời tán dương và sự công nhận (dù ở một khía cạnh nào đó, nó chính là bản chất thật sự của lòng đố kỵ, nhưng ở dạng bị bóp méo). Lòng đố kỵ của bạn có thể biến thành một phẩm chất cá nhân dùng để đánh giá cao những điều đặc biệt, tốt đẹp ở người khác. Hãy tạo nên món quà cá nhân của chính mình theo cách này. Mọi người sẽ rất trân quý và tôn trọng bạn vì thái độ đó.
Hãy sử dụng nguyên tắc của sự hợp tác. Cảm giác đố kỵ thường hủy hoại mối quan hệ của bạn khi bạn suy nghĩ tiêu cực về đối phương và ít nói chuyện với người đó hơn. Hãy nói chuyện với người mà bạn ghen tị và chân thành hỏi họ: “Đó là những gì tôi rất thích ở bạn. Làm sao mà bạn có thể đạt được điều đó nhỉ? Bạn đã xoay xở như thế nào?”. Thậm chí, sẽ tốt hơn nếu bạn làm việc cùng với người mà bạn ghen tỵ nhất. Nếu người đó thật sự giỏi thì bạn sẽ được lợi khi làm việc chung với họ. Hãy học hỏi từ họ và hãy sử dụng lòng đố kỵ của bạn như một động lực để thành công.
Hãy chọn phương pháp sáng tạo. Lòng đố kỵ là dấu hiệu cho thấy bạn đã không thể hiện được tiềm năng sáng tạo của mình. Hãy sử dụng trí tưởng tượng của mình và cho phép nguồn sáng tạo của mình có cơ hội được tỏa sáng. Hãy cố gắng làm một việc gì đấy thật sáng tạo: sáng tác nhạc, làm đồ thủ công, vẽ, khiêu vũ và viết lách. Bạn càng nhận thấy rõ và phát triển tài năng của mình bao nhiêu thì lý do để bạn cảm thấy ghen tỵ với người khác sẽ giảm đi bấy nhiêu. Cảm giác thỏa mãn mà bạn có được sau khi trải qua những công việc sáng tạo sẽ nhanh chóng ăn mòn lòng ghen tỵ.
Hãy tiến hành một kế hoạch đem lại sự thỏa mãn cho bản thân. Lòng đố kỵ nảy sinh khi nhu cầu của bạn không được đáp ứng. Hãy phát triển khả năng sẵn lòng xem mỗi khoảnh khắc trong đời đều là sự viên mãn: mọi thứ bạn cần đều đã có sẵn – cả ở dạng hữu hình lẫn tiềm tàng. Ở đâu có sự thỏa mãn thì lòng đố kỵ và sự phiền muộn đều không có cơ hội xuất hiện.
Hãy đơn giản hóa. Càng đơn giản hóa cuộc sống của mình, bạn càng ít cảm thấy ghen tỵ. Nếu bạn từ bỏ bộ sưu tập tách cà phê của mình thì bạn sẽ không ghen tỵ với những người khác về bộ sưu tập ấn tượng của họ. Sự mộc mạc, đơn giản chính là câu trả lời lành mạnh cho cuộc tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống của những người hay ghen tỵ.
Các chiến lược để đối phó với lòng đố kỵ của người khác
Hãy thể hiện sự hãnh diện lành mạnh. Đừng để người khác lấy đi cảm giác dễ chịu mà bạn có về những phẩm chất tốt đẹp, thành công hoặc các trải nghiệm tích cực khác của bạn. Hãy tự hào về bản thân và công khai thể hiện niềm tự hào ấy khi bạn ở một mình. Đừng phô trương và đừng khơi gợi lòng đố kỵ ở người khác một cách không cần thiết.
Hãy thể hiện sự tự tin thân thiện. Khi bạn đối mặt với lòng đố kỵ được ngụy trang bằng những lời tán dương, bạn nên tiếp tục giữ vững lòng tự tin của mình. Đừng xem thường bản thân hoặc xem thường người khác bằng cách nói những câu đại loại như: “Ồ, ai cũng làm được điều đó mà”. Hãy ủng hộ những phẩm chất tốt đẹp và những thành tựu của mình: “Vâng, đó là một quá trình lao động cần cù và giờ tôi đang tận hưởng thành quả của nó” hoặc “Không phải ai cũng có được nhiều may mắn như tôi. Nhiều khi tôi cũng gặp khó khăn và vì thế mà giờ đây tôi cảm thấy rất vui”.
Đừng để người khác hạ thấp bạn. Nếu có ai đó ghen tỵ và sử dụng chiêu thức cũ rích: “Ồ, cái đó chả là gì cả” thì bạn nên vạch ra ranh giới rõ ràng. Chẳng hạn, bạn kể về kế hoạch đi nghỉ mát của mình và người ghen tỵ bĩu môi về sự lựa chọn của bạn: “Ôi, nhưng ở đó đông nghẹt khách. Hãi lắm! Ở… tốt hơn nhiều”. Hãy đáp lời rằng: “Đây là chuyến nghỉ mát của tôi và tôi quyết định dựa trên tiêu chuẩn của chính mình, cũng giống như anh vậy, đúng không?”.
Tạo sự thông suốt bằng những mục tiêu rõ ràng. Nếu một kẻ ghen tỵ thực sự muốn gây tổn hại cho bạn (quấy rối, nói xấu bạn với cấp trên, bày mưu chống lại bạn…), hãy yêu cầu người đó giải thích bằng thái độ bình tĩnh. Đừng để lòng đố kỵ của người đó trở thành chủ đề của cuộc thảo luận (Người đó sẽ luôn phủ nhận việc ấy cho mà xem). Hãy tìm một giải pháp đơn giản, thiết thực để giải quyết vấn đề. Hãy nói thẳng với người đó là cách cư xử của họ đã làm tổn thương bạn: “Nếu là anh thì anh có thấy đau lòng không?”.
Hãy khen tặng một cách chân thành. Hãy giúp đỡ người khác vượt qua lòng đố kỵ của họ bằng cách tặng họ những lời khen chân thành mà họ thật sự thấu hiểu. Nhưng đừng cường điệu hóa, nếu không thì họ sẽ chẳng tin đâu.
BỎ QUA CƠN NÓNG GIẬN
Một trong những nguyên nhân ngăn cản sự hình thành các mối quan hệ giữa con người với nhau chính là sự phán xét (nhất là mong muốn thay đổi người khác). Không phải ai cũng mắc thói tật này, nhưng nhiều người có thiên hướng hay chỉ trích người khác. Để sống hạnh phúc hơn, đơn giản hơn và thư thái hơn, bạn nên loại bỏ mọi phán xét và định kiến của mình.
Hãy giải phóng bản thân khỏi nhu cầu giải quyết vấn đề của người khác
Cuộc sống có thể được chia làm ba lĩnh vực:
- Chính bản thân cuộc sống, đặt trong điều kiện nó bị chi phối bởi các quy luật tự nhiên. Mặt trời mọc vào buổi sáng, thời tiết luôn thay đổi hay sự thật là ta sẽ chết vào một ngày nào đó là những điều hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn.
- Cuộc sống của những người khác.
- Cuộc sống của chính bạn.
Thông điệp đơn giản hóa: Hãy chỉ cho phép bản thân mình bận tâm đến lĩnh vực thứ ba. Việc liên tục tìm kiếm giải pháp cho những vấn đề của người khác có thể là một gánh nặng khủng khiếp. Nó chỉ làm cho bạn nặng óc và mệt mỏi mà thôi. Nhà tâm lý học Jack Dawson đã chỉ ra rằng chẳng có gì đơn giản hóa cuộc sống nhiều bằng việc giới hạn bản thân ở những vấn đề mà bạn có thể thay đổi.
Những lời phán xét về người khác sẽ khiến bạn ngã bệnh
Như một quy luật, những lời phán xét thường gây ra cảm giác khó chịu và căng thẳng. Và sự căng thẳng này chính là do những ý nghĩ của bạn mang đến! Bạn phải trả một cái giá khá đắt cho chúng bởi chúng có thể cô lập bạn.
Khi có những ý nghĩ phê phán người khác, bạn đã làm hỏng khả năng hòa nhập của mình. Thậm chí ý nghĩ vô hại như: “Anh ta mặc cái quần xấu tệ!” cũng có thể mang theo một cơn lũ phán xét khác: “Anh ta không chăm sóc bản thân mình. Khiếu thẩm mỹ của anh ta thật tệ. Anh ta đang dần tụt dốc. Mình nên tránh xa những người như thế”. Dawson cũng khám phá ra rằng những người có niềm tin tiêu cực thường không có khả năng lắng nghe so với những người có tầm nhìn lạc quan.
Đề cập đến điều này, nhiều người sẽ phản đối và nói rằng: “Nhưng người ta cần có các giá trị và tiêu chuẩn”. Đừng thoái chí – chúng ta có thể cư xử đúng mực mà không cần những lời phán xét đó.
Khi tiến hành nghiên cứu, nhà tâm lý học Jon Kabat- Zinn đã phát hiện ra rằng những người không có tính phán xét thường đưa ra các nhận định rõ ràng hơn so với những người hay phán xét. Vì sống dựa trên những nguyên tắc đạo đức đơn giản nên những người không phán xét hoạt động hiệu quả hơn và hạnh phúc hơn.
Cách để bạn dọn sạch tâm trí mình
Mỗi người đều có những khả năng tự nhiên đáng kinh ngạc để sống một cuộc đời thư thái và hạnh phúc. Những khả năng ấy chỉ bị chôn giấu dưới ngọn núi của những niềm tin và giáo điều. Đây là hai phương pháp đơn giản hóa giúp bạn bộc lộ những khía cạnh tích cực tự nhiên trong tính cách của mình.
Phương pháp 1: Hãy rèn luyện bản thân bằng những thử thách lành mạnh. Khi một chuỗi những lời phán xét xuất hiện trong đầu bạn (“Chồng tôi nên ở nhà nhiều hơn. Anh ấy cứ bỏ mặc tôi một mình. Anh ấy chẳng yêu tôi gì cả”), hãy thử thách chuỗi phán xét này. Liệu quan điểm đó có thật sự là khả năng duy nhất? Liệu người khác có cho như thế không? Hãy tỉnh táo thay đổi quan điểm của mình (“Anh ấy đang làm việc kiệt sức vì gia đình này. Anh ấy muốn mang lại điều tốt đẹp nhất cho gia đình. Anh ấy đã phải gác những nhu cầu của chính mình sang một bên”).
Phương pháp thử thách này cực kỳ hiệu quả bởi nó vượt ra khỏi chuỗi phán xét kéo dài vô tận. Bạn không cần phải che giấu đi những lỗi lầm của đối phương; mà chỉ cần cố gắng nhìn nhận mọi thứ thật rõ ràng.
Phương pháp 2: Hãy liên hệ lời phán xét với chính bản thân mình. Hãy sử dụng từ “Tôi” để thay thế cho tên của đối phương trong những câu phán xét của bạn. Hãy xem liệu nó có thể hiện một điều gì đấy thuộc về trách nhiệm của bạn không: “Tôi bỏ anh ấy một mình. Tôi không yêu anh ấy. Tôi cũng chỉ giống như tất cả những người khác”. Liệu đó có phải là nguyên nhận khiến anh ấy thường xuyên vắng mặt không?
Bài tập đơn giản cho bạn thấy được mục đích thật sự của sức mạnh phán xét: bạn có thể đánh giá chính mình và trưởng thành lên. Những lời phán xét sẽ trở thành thuốc độc nếu nó được dùng để chống lại người khác. Nhưng đối với chính bạn, nó lại là liều thuốc chữa bệnh. Nhà văn Anaïs Nin đã diễn đạt nó như sau: “Chúng ta không thấy mọi việc như bản chất của nó. Chúng ta nhìn nhận mọi thứ theo bản chất của ta”.
Hãy chấp nhận thực tế…
Hãy tiếp tục với ví dụ của chúng ta. Người bạn đời của bạn thường xuyên đi vắng. Đó là thực tế. Hãy phát biểu lại về thực tế ấy dưới dạng một lời phán xét khác: “Anh ấy đi cũng phải thôi. Điều đó tốt cho anh ấy”. Thoạt đầu, điều này nghe có vẻ kỳ quặc. Tuy nhiên, trong trạng thái bình tĩnh này, lần đầu tiên bạn có thể yêu cầu người bạn đời dành nhiều thời gian hơn cho mình mà không gây áp lực, không trách móc và không kèm theo những thông điệp ngầm. Giờ thì bạn có thể để cho anh ấy toàn quyền quyết định. Đó là một lĩnh vực của cuộc sống và bạn giao phó nó cho anh ấy. Nhờ vậy, bạn có thể thiết lập lại trật tự trong cách suy nghĩ và các mối quan hệ của mình.
… để mọi việc có thể thay đổi
Nhà tâm lý học Byron Katie, người phát triển những phương pháp này, đã chỉ ra rằng khi người bạn đời tìm ra một cách mới để nhìn nhận mọi việc, thì sự căng thẳng trong mối quan hệ của họ sẽ biến mất. Trong ví dụ của chúng ta, điều này có nghĩa là nếu một người bạn đời không chỉ trích nữa thì người kia cũng sẽ từ bỏ sự đấu tranh trong vô thức nhằm chống lại những lời trách móc và anh ta sẽ muốn về nhà sớm hơn.
Tất cả những điều này cũng có thể được áp dụng khi nuôi dạy trẻ con. Các bậc phụ huynh và thầy cô giáo thường áp đặt và chỉ trích chính những điểm yếu của con trẻ. Lời khuyên của Katie là chúng ta hãy nghĩ về tuổi thơ của mình và tự vấn xem liệu có điều gì đã thay đổi nhờ vào những lời phán xét của người khác hay không (“Con nên chăm chỉ hơn”). Có lẽ là không. Đứa trẻ hiếm khi chịu ảnh hưởng bởi những người phán xét mà chỉ chịu ảnh hưởng bởi những người biết lắng nghe và tin tưởng nó. Hãy trở thành một người như thế.
Việc này đòi hỏi lòng kiên nhẫn và chắc chắn có lúc bạn sẽ gặp thất bại. Nhưng hãy bắt tay vào thực hiện nó, dù thoạt đầu nó có vẻ như khó khăn. Bạn càng đi lên các tầng cao hơn trong kim tự tháp của mình thì công việc đơn giản hóa càng mang lại cho bạn nhiều phần thưởng!