GIA ĐẠO TRONG THỜI HỘI NHẬP

GIẢN TƯ TRUNG

Trích: Đúng Việc; Nxb Tổng Hợp TP.HCM, 2022

Một người chủ một doanh nghiệp lớn mà tôi biết đặt ra một quy định như sau cho gia đình mình: Hàng tuần, cho dù có bận rộn đến mấy đi nữa, cả gia đình phải ăn với nhau ít nhất là một bữa cơm chung. Và hàng chục năm qua, gia đình anh hiếm khi phá vỡ quy định này. Dù bận rộn đến mấy, cứ hàng tuần, vợ chồng con cái dâu rể nhà anh (trong đó có không ít người thành đạt ngoài xã hội) lại sum vầy đông đủ để ăn cơm cùng nhau (trừ trường hợp có ai đó phải vắng mặt vì lý do đi công tác xa) và trong khoảng thời gian đoàn viên đó hầu như không ai đụng tới điện thoại hay máy tính. Anh nói, trong thời đại bận rộn ngày nay, bữa cơm gia đình vừa là “diễn đàn đối thoại” giữa các thế hệ, lại vừa là một “trường học đặc biệt” cho những đứa trẻ. Chỉ là một mâm cơm nhỏ nhưng lại có tác dụng rất lớn trong việc xóa nhòa khoảng cách giữa cha mẹ con cái.

Ai cũng muốn có những bữa ăn ngon, nhưng thế nào là bữa ngon? Có thể hình dung một bữa ăn ngon (nhất là bữa ăn sum họp gia đình) gồm năm yếu tố sau: yếu tố đầu tiên, tất nhiên đồ ăn phải ngon; yếu tố thứ hai là món ăn phải được trình bày đẹp, vì người ta không chỉ ăn bằng miệng mà còn “ăn” bằng mắt nữa; yếu tố thứ ba là khung cảnh của bữa ăn (đây cũng là lý do mà trong những gia đình văn minh, dù nhà có nhỏ hẹp mấy đi nữa thì nơi đẹp nhất và thoáng nhất thường chính là bàn ăn ở gian bếp); yếu tố thứ tư là những người cùng ăn (ăn cái gì là quan trọng, nhưng ăn với ai đó cũng quan trọng không kém); và yếu tố cuối cùng là câu chuyện của bữa ăn. Đó cũng chính là lý do vì sao mà mâm cơm đầm ấm đã trở thành nơi khởi nguồn cho việc hình thành gia đạo và cũng là trường học vĩ đại bậc nhất của mỗi người, nhất là thuở đầu đời.

Tất nhiên, “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, không ai giống ai, không nhà nào giống nhà nào, và không phải cứ đối thoại là sẽ xóa nhòa được khoảng cách thế hệ. Khi ấy, việc xây dựng gia đạo như một “người thầy lớn” giúp dạy con nên người là việc mà các ông bố bà mẹ hoàn toàn có thể chủ động được.

Gia đạo, đó là “con đường” của một gia đình. Con đường ấy có thể được thừa hưởng từ các thế hệ trước, hay do chính thế hệ của mình ý thức tạo dựng nên. Còn “gia pháp”, “gia phong”, trong mường tượng của nhiều người cũng tựa như một cây roi bên cạnh bàn thờ tổ tiên, không dùng để đánh mắng con cái bao giờ nhưng lúc nào cũng có tác dụng nhắc nhở, răn đe, hướng dẫn con cháu trở về con đường đúng đắn. Nghe những điều này có vẻ hơi hoài cổ. Nhưng càng hiện đại thì càng cần phải sàng lọc và gìn giữ những nếp nhà, tuy xưa cũ nhưng vẫn còn nguyên giá trị. Từ nếp nhà này cộng với những giá trị phổ quát từ thế giới tiến bộ thì mới có thể hình thành một “gia đạo hội nhập” cho con cháu thời nay.

Gia đạo là những thứ mà một gia đình hay đại gia đình đã dày công tạo dựng và lưu truyền qua nhiều thế hệ để hình thành nên bản chất và đặc trưng của chính gia đình ấy, là người thầy có ảnh hưởng thầm lặng nhưng vô cùng lớn tới con cháu. Gia đạo là việc nghệ sĩ Thành Lộc lớn lên và làm nghệ thuật với lời cha dặn: “Nghệ sĩ chân chính thì không hơn thua nhau nơi cánh gà”. Gia đạo cũng là việc có những bạn thủ khoa chia sẻ: “Em được may mắn sinh ra trong một gia đình hiếu học”. Hay có lúc gia đạo chỉ đơn giản là việc một cô nhân viên nổi trội và được yêu mến trong tổ chức vì luôn tâm niệm lời mẹ dạy: “Ở nhà với mẹ thì sao cũng được, nhưng ra đường thì phải luôn nhớ: Ăn thì nhường mà làm thì giành”.

Nhưng không phải gia đạo nào cũng tốt, như các cụ ngày xưa đã nói, có hai loại gia đạo phổ biến nhất mà các bậc cha mẹ có thể tự chọn lựa nhằm để lại cho con cháu đời sau, đó là: (1) “Cha mẹ hiền thì để đức cho con”; hoặc (2) “Đời cha ăn mặn thì đời con khát nước”. Và để gia đình mình có gia đạo nào thì đây phải là sự lựa chọn cả đời, chứ không phải chỉ là lựa chọn vào cuối đời.

Gia đạo, một cách văn vẻ hơn, là văn hóa gia đình, là những giá trị làm nên một gia đình, là những thứ mà vì nó và để bảo vệ nó, các thành viên trong gia đình sẵn lòng hy sinh mọi thứ khác. Gia đạo sẽ làm một gia đình được kính trọng hoặc bị coi khinh. Đó cũng là thứ làm cho những đứa con sinh ra, lớn lên và cảm thấy tự hào về gia đình mình. Đó không phải là bố làm lớn, mẹ nhiều tiền hay gia thế lẫy lừng, nhà to, xe xịn, mà là những kỷ cương cần thiết, những giá trị vô hình đủ đẹp để mọi thành viên trong gia đình theo đuổi và làm gương cho con cháu. Gia đạo vừa là “chân ga” vừa là “chân thắng” của gia đình, giúp đứa con có động lực để vượt qua khó khăn để đi đến điều mình muốn, nhưng cũng biết dừng lại đúng lúc trước những cám dỗ.

Lớn lên trong một gia đạo như thế, khó ai có thể phản bội niềm tin, giá trị, truyền thống của gia đình mình, ngay cả khi bối cảnh xã hội xung quanh đầy rẫy những điều ngược lại.

Đó chính là câu chuyện của một huấn luyện viên bóng đá nổi tiếng tại Rwanda tên là Stone. Khi đang trên đỉnh cao sự nghiệp bóng đá của mình, Stone bị một cầu thủ khác cố tình chơi xấu, và hệ quả là ông vĩnh viễn không còn có thể chơi bóng được nữa. Trong tình huống đó, điều Stone hoàn toàn có thể làm là trả thù lại người chơi xấu ông, vì trả thù là điều được khuyến khích trong văn hóa Rwanda, một người đàn ông bị chơi xấu mà không trả thù thậm chí còn bị xem là hèn nhát. Nhưng Stone đã chọn cách tha thứ. Rồi ông chọn cách trở thành một huấn luyện viên bóng đá, dạy bóng đá cho những trẻ em đường phố của Rwanda, giúp chúng từ những đứa trẻ lang thang ngỗ ngược thành những cầu thủ thành công dạy chúng thành những con người tử tế. Ông nói rằng, động lực lớn nhất giúp ông đi ngược lại cái “lẽ thông thường” của xã hội Rwanda chính là những lời mẹ ông vẫn luôn căn dặn từ tấm bé: “Con ạ, hãy biết yêu thương và tha thứ!”.

Stone được ngưỡng mộ như một biểu tượng của tình yêu thương và lòng tha thứ ở Rwanda, nhưng có lẽ chính người mẹ của ông với gia đạo tuyệt vời của bà mới là người còn đáng ngưỡng mộ hơn!

Không phải ai cũng may mắn được sinh ra trong một gia đình với gia đạo tốt đẹp như Stone. Nhưng ngay cả trong hoàn cảnh đó, chúng ta vẫn có thể thay đổi bản thân mình và thay đổi gia đình mình thông qua việc tái xác lập một gia đạo mới, bắt đầu từ việc xây dựng những “nếp nhà” nho nhỏ. Cách cha mẹ đối xử với ông bà cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến cách con cái đối xử với cha mẹ. Hình ảnh cha mẹ thành kính khi thắp một nén nhang trước bàn thờ tổ tiên sẽ đi vào tiềm thức, tâm thức và ký ức của đứa con về cội nguồn và sự biết ơn để rồi mai này, đến lượt con cũng sẽ biết trân trọng nếp nhà như cha mẹ.

Để rồi nếp nhà ấy sẽ trở thành gia đạo, và gia đạo ấy sẽ quyết định số phận tương lai của gia đình và cả các thế hệ con cháu mai sau.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. NHÂN TÍNH, QUỐC TÍNH VÀ CÁ TÍNH
  2. TA LÀ SẢN PHẨM CỦA CHÍNH MÌNH
  3. THAY ĐỔI BẮT ĐẦU TỪ CHÍNH BẢN THÂN MÌNH

Bài viết mới

  1. BẠN THÔNG MINH HƠN BẠN TƯỞNG
  2. NHỮNG YẾU TỐ LÀM NÊN SỰ CƯỜNG THỊNH CỦA ĐỜI TRẦN
  3. HƯƠNG GIỚI HẠNH