GIÁ TRỊ THỰC SỰ CỦA ĐỜI NGƯỜI

HH. DALAI LAMA XIV

HOWARD C. CUTLER

Trích: Sống Hạnh Phúc, Cẩm Nang Cho Cuộc sống; Nguyên tác: The Art of Happiness; Việt dịch: Nguyễn Trung Kỳ; NXB. Lao động; Công ty VH&TT Nhã Nam, 2010

Tiếp tục cuộc thảo luận với tôi về lòng thương xót trong lần đối thoại tiếp theo, tôi bắt đầu: “Cho đến giờ, chúng ta đang nói chuyện về tầm quan trọng của lòng thương xót, về niềm tin của ngài cho rằng tình cảm của con người, sự nồng hậu, tình bạn và những cái khác là những điều kiện tuyệt đối cần thiết cho hạnh phúc. Nhưng tôi chỉ thắc mắc là, giả sử, một thương gia giàu có đến gặp ngài mà nói: “Thưa ngài, ngài nói rằng sự nồng hậu và lòng trắc ẩn là tối quan trọng để người ta được hạnh phúc. Nhưng tự bản tính, tôi không phải là người nồng hậu và trắc ẩn cho lắm. Nói thật là tôi thực sự không cảm thấy rõ mình có lòng thương xót hay vị tha. Tôi có xu hướng thiên về lý trí, thực tế, có lẽ là một người trí thức, và tôi không cảm thấy những thứ tình cảm ấy. Nhưng tôi vẫn cảm thấy đời tôi tốt đẹp, tôi hạnh phúc với đời sống của mình. Tôi có một công việc rất thành công, tôi có bạn bè, và tôi chu cấp cho vợ con mình đầy đủ, tôi có mối quan hệ rất tốt đẹp với họ. Tôi không cảm thấy thiếu thốn điều gì cả. Phát triển lòng thương xót, vị tha, nồng hậu… tất cả nghe thì rất hay, nhưng với tôi, đó là nhằm mục đích gì? Có chăng chỉ nghe hơi ướt át quá…”

“Trước hết,” Đạt Lai Lạt Ma trả lời, “nếu có người nói thế, tôi sẽ vẫn nghi ngờ liệu người ấy trong sâu thẳm có thực sự hạnh phúc không. Tôi tin chắc rằng lòng thương xót đem lại cơ sở cho sự sống còn của con người, là giá trị đích thực của đời sống, không có nó thì vẫn còn một thiếu sót căn bản. Sự nhạy cảm với những cảm xúc của người khác là một yếu tố làm nên tình yêu và lòng thương xót, nếu không có nó thì tôi nghĩ khả năng cảm thông với vợ mình của người đó chẳng hạn, hẳn sẽ có điều không ổn. Nếu người kia thực sự có thái độ thờ ơ với những đau khổ và cảm xúc của người khác, thì cho dù anh ta là tỷ phú, có học thức, không gặp khó khăn gì với gia đình và con cái, có cả đống bạn bè, những người giàu có khác, những chính trị gia, cả nguyên thủ quốc gia đi nữa, thì tôi nghĩ mặc dù có tất cả những thứ đó, tác động của những điều tích cực ấy vẫn chỉ ở bên ngoài mà thôi.

“Nhưng nếu anh ta tiếp tục cho rằng anh ta không cảm thấy lòng thương xót, anh ta không cảm thấy thiếu thốn gì… thì quả là hơi khó giúp anh ta hiểu được tầm quan trọng của lòng thương xót…”

Đạt Lai Lạt Ma ngừng lại một chút để suy tư. Những lần ngất quãng của ngài xảy ra trong suốt cuộc trò chuyện dường như không tạo ra một sự im lặng khó chịu. Dúng hơn, chúng giống như một lực trọng trường, thu thập một trọng lượng và ý nghĩa lớn hơn cho những lời của ngài khi cuộc trò chuyện tiếp tục.

Cuối cùng, ngài nói tiếp: “Tuy nhiên, dù là thế đi nữa, vẫn còn vài điều tôi có thể chỉ ra được. Trước hết, tôi có thể giả thiết rằng anh ta suy nghiệm về kinh nghiệm của chính mình. Anh ta có thể thấy rằng nếu có ai đó đối xử với anh ta với lòng thương xót và tình cảm, điều ấy sẽ làm anh ta thấy hạnh phúc. Thế nên, kinh nghiệm ấy có thể giúp anh ta nhận thức rằng người khác cũng cảm thấy thích thú khi họ được người khác tỏ ra nồng hậu và thương xót. Vì thế, việc nhìn nhận điều này có thể làm anh ta tôn trọng hơn sự nhạy cảm của người khác và khiến anh ta sẵn sàng tỏ lòng trắc ẩn, nồng hậu hơn đối với họ. Đồng thời, anh ta sẽ khám phá ra rằng càng bày tỏ sự nồng hậu với người khác, anh ta càng nhận được sự nồng hậu nhiều hơn. Tôi không cho rằng phải mất nhiều thời gian anh ta mới nhận ra điều ấy. Và kết quả là, điều này sẽ trở thành nền tảng của sự tin tưởng và tình bạn giữa mọi người.

“Rồi, giả sử người đó có được tất cả những tiện nghi vật chất kia, thành công trong đời, có nhiều bạn hữu, bảo đảm về tài chính, và vân vân. Tôi nghĩ thậm chí có khả năng là gia đình và con cái anh ta có thể sống hòa thuận với anh ta và cảm nghiệm một thứ hài lòng nào đó vì người ấy thành công và họ có nhiều tiền, có một đời sống thoải mái. Tôi cho là ta có thể hiểu được rằng đến một điểm nào đó, cho dù không cảm thấy sự nông ấm và tình cảm của con người, anh ta không thể cảm nghiệm được mình thiếu thốn một điều gì. Nhưng nếu anh ta cảm thấy mọi thứ đều tốt đẹp, rằng không có một nhu cầu thực sự nào về việc phát triển lòng thương xót, tôi vẫn cho rằng quan điểm này là do sự ngu dốt và thiển cận. Ngay cả nếu như những người khác có vẻ như rất tâm đầu ý hợp với anh, nhưng trên thực tế thì phần lớn các mối quan hệ hoặc giao tiếp của người khác với anh ta đều dựa trên cảm nhận của họ về anh như một người thành đạt, giàu có. Họ có thể chịu ảnh hưởng bởi sự giàu có Và quyền lực của anh ta, và quan hệ với những thứ đó thay vì với chính con người anh ta. Như thế, theo một nghĩa nào đó, mặc dù họ không nhận được sự nồng hậu và tình cảm con người từ phía anh ta, họ có thể vẫn hài lòng, vì họ không chờ đợi gì hơn nữa. Nhưng nếu chẳng may anh ta thất cơ lỡ vận thì cơ sở của mối quan hệ sẽ bị yếu đi. Khi ấy anh ta có thể bắt đầu nhìn thấy tác động của việc không có tình cảm con người, và lập tức bắt đầu đau khổ.

“Tuy nhiên, nếu người ta có lòng thương xót, thì lẽ tự nhiên đó là một điều họ có thể cậy dựa vào, ngay cả khi gặp khó khăn về kinh tế, tiền tài họ sa sút, họ vẫn có gì đó để chia sẻ với đồng loại. Các nền kinh tế trên thế giới luôn quá mong manh, và chúng ta chịu quá nhiều tổn thất trong đời sống, nhưng thái độ đầy thương xót là một điều mà chúng ta luôn có thể mang theo cùng với mình.”

Một người phục vụ khoác áo nâu sồng bước vào phòng lặng lẽ châm trà, trong khi Đạt Lai Lạt Ma tiếp tục: “Dĩ nhiên, khi cố gắng giải thích cho người nào đó về tầm quan trọng của lòng thương xót, trong một số trường hợp, có thể anh sẽ gặp phải những người rất cứng cỏi, cá nhân và ích kỷ, những người chỉ quan tâm đến lợi ích của bản thân họ mà thôi. Và thậm chí rất có thể là có những người không có được khả năng thông cảm ngay cả với những người họ yêu mến hoặc những người có thể rất gần gũi với họ. Nhưng ngay cả với những người như thế, vẫn có thể trình bày cho họ tầm quan trọng của lòng trắc ẩn và yêu thương, dựa trên nền tảng rằng đó là cách tốt nhất để làm tròn sự tự quan tâm đến mình của họ. Họ muốn có sức khỏe tốt, sống trường thọ, có tâm an lạc, hạnh phúc và niềm vui. Và nếu đó là những gì họ mơ ước, thì tôi nghe nói có cả bằng chứng khoa học rằng những điều đó có thể được tăng cường bằng những cảm xúc yêu thương và trắc ẩn… Nhưng anh là bác sĩ, nhà tâm thần học, có lẽ anh biết rõ hơn tôi về những tuyên bố khoa học ấy chứ?”

“Vâng,” tôi đồng ý. “Tôi nghĩ rằng có bằng chứng khoa học ủng hộ các tuyên bố về những lợi ích thể lý và lợi ích tình cảm của những tâm thái biết thương xót.”

“Thế thì tôi cho rằng việc giáo dục về những sự kiện và nghiên cứu khoa học ấy chắc chắn có thể khuyến khích một số người chăm lo vun tưới hơn một tâm hồn biết xót thương…,” Đạt Lai Lạt Ma bình luận. “Nhưng tôi nghĩ rằng ngoài những nghiên cứu khoa học ấy ra, còn có những lập luận khác mà người ta có thể hiểu và thừa nhận từ kinh nghiệm thực tế hằng ngày của chính họ. Chẳng hạn, anh có thể chỉ ra rằng việc thiếu lòng thương xót đưa đến một sự tàn nhẫn nhất định. Có nhiều thí dụ cho thấy rằng ở một mức độ sâu xa nào đó, những người tàn nhẫn thường phải chịu một sự bất hạnh và bất mãn nào đó. Những người như thế bị một thứ cảm giác day dứt vì bất an và sợ hãi. Ngay cả khi họ đang ngủ, tôi nghĩ rằng cảm giác sợ hãi này vẫn tồn tại… Tất cả điều này có lẽ rất khó hiểu đối với một số người, nhưng một điều ta có thể biết chắc là những người ấy thiếu điều gì đó mà anh có thể tìm thấy ở một người có lòng thương xót – một cảm giác tự do, buông thả, vì thế khi ngủ anh có thể thư giãn và thả lỏng. Người tàn nhẫn không bao giờ có được kinh nghiệm ấy. Một điều gì đó luôn kềm kẹp họ, bám lấy họ, và họ không thể cảm nghiệm được cảm giác buông thả, cảm giác tự do kia.“

Ngài dừng lại một thoáng, lơ đãng gãi đầu, rồi tiếp tục: “Mặc dù tôi chỉ đang lý luận, tôi cũng đoán rằng nếu anh hỏi một số người tàn nhẫn ấy: “Khi nào anh cảm thấy hạnh phúc hơn? Thuở thiếu thời, khi anh được cha mẹ chăm sóc và gần gũi hơn với gia đình, hay lúc này, hay bây giờ khi anh có nhiều quyền lực, ảnh hưởng và địa vị hơn?“ Tôi nghĩ họ sẽ nói rằng tuổi trẻ của họ thú vị hơn. Tôi nghĩ rằng ngay cả Stalin khi còn bé cũng được mẹ mình thương yêu.” “Dù sao đi nữa, tôi biết rằng rất khó mà hiểu được những người như Stalin, và tại sao họ làm những việc như vậy. Nhưng một trong những điểm chúng ta đang nói đến là ngay cả trường hợp cực đoan những người như thế cũng có thể hoài niệm về một vài khía cạnh thú vị của tuổi thơ, chẳng hạn như tình yêu họ từng nhận được từ mẹ. Nhưng thế còn nhiều người không có tuổi thơ êm đẹp hay không được cha mẹ yêu thương thì sao? Những người bị lạm dụng…? Chúng ta đang thảo luận về chủ đề lòng thương xót. Để người ta phát triển khả năng thương xót, ngài có nghĩ rằng họ cần thiết phải được nuôi dưỡng bởi những bậc cha mẹ hay người nuôi nấng biết tỏ ra nồng hậu và yêu thương họ không?”

“Có, tôi nghĩ điều đó là quan trọng.” Ngài dừng lại, lần chuỗi hạt một cách máy móc và nhuần nhuyễn giữa các ngón tay trong khi suy tư. “Có một số người ngay từ đầu đã gặp nhiều đau khổ và thiếu thốn tình cảm của người khác – đến độ sau này trong cuộc sống, hầu như họ không có tình cảm con người, không có khả năng trắc ẩn và yêu thương, những con người chai sạn và tàn độc…”. Đạt Lai Lạt Ma lại ngừng lời, và ngừng một lúc khá lâu dường như để cân nhắc kỹ lưỡng câu hỏi. Khi ngài cúi người trên tách trà, ngay cả đường nét bờ vai ngài cũng cho thấy ngài đang chìm sâu trong suy nghĩ. Tuy nhiên, ngài không tỏ ra dấu hiệu muốn tiếp tục ngay câu chuyện, và chúng tôi uống trà trong thinh lặng. Cuối cùng, ngài chùn vai, như thể thừa nhận rằng không có giải pháp nào cả.

“Vậy ngài có nghĩ rằng các kỹ thuật để tăng cường sự thông cảm và phát triển lòng thương xót sẽ không có ích cho những người có bối cảnh khó khăn như thế?”

“Luôn luôn có những mức độ ích lợi khác nhau người ta có thể nhận được từ việc thực hành các phương pháp và kỹ thuật khác nhau, tùy thuộc vào hoàn cảnh đặc thù của từng người.”, ngài giải thích, “Cũng có thể là trong một số trường hợp, các kỹ thuật ấy không có hiệu quả gì…”

Cố gắng làm sáng tỏ, tôi ngắt lời: “Và các kỹ thuật riêng để tăng cường lòng thương xót mà ngài đang nói đến là…?”

“Chỉ là những gì chúng ta đang nói. Trước hết, qua việc học hỏi, thấu hiểu giá trị của lòng thương xót. Điều này cho anh một cảm giác xác tín và cương nghị. Tiếp đó, sử dụng các phương pháp để tăng cường sự thông cảm, như sử dụng trí tưởng tượng, óc sáng tạo của anh, để mường tượng chính mình trong tình huống của người khác. Và cuối tuần này, trong những buổi diễn thuyết, chúng ta sẽ bàn về một số bài tập và cách thực hành mà anh có thể làm được, như Tong-Len, dùng để tăng cường lòng thương xót. Nhưng tôi thiết nghĩ, điều quan trọng là nhớ rằng những kỹ thuật ấy, như thực hành Tong-Len, được triển khai để giúp đỡ càng nhiều người càng tốt, ít nhất là một phần nào đó của nhân loại. Nhưng đừng bao giờ mong đợi rằng những kỹ thuật ấy có thể giúp hết 100% nhân loại.

“Nhưng điểm chính thực sự… nếu chúng ta đang nói về những phương pháp khác nhau để gia tăng lòng thương xót – điều quan trọng là người ta phải nỗ lực thực sự để phát triển khả năng thương xót của họ. Họ có thể thực sự chăm lo vun trồng lòng thương xót đến mức nào tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố, ai mà nói trước được? Nhưng nếu họ cố gắng hết mình để tỏ ra tử tế hơn, để vun trồng lòng thương xót và làm thế giới này trở nên tốt hơn, thì đến lúc nào đó họ có thể nói: ‘Ít ra thì tôi đã làm hết sức mình!'”

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. TÌNH YÊU THƯƠNG GIỐNG NHƯ MỘT VIÊN NGỌC QUÝ
  2. MỘT ĐẦU ÓC UYỂN CHUYỂN
  3. KHÁM PHÁ NHỮNG GÓC NHÌN MỚI

Bài viết mới

  1. NGUỒN GỐC CỦA MA TRẬN THẦN THÁNH
  2. TRUNG ĐẠO
  3. SỬ DỤNG HIỆU QUẢ SIÊU NĂNG LỰC QUYỀN LỰC & TÁC ĐỘNG