GIÁO DỤC BẰNG TÌNH YÊU THƯƠNG

NGUYỄN CÔNG THÁI

Trích: Hành Trình Trở Thành Người Giáo Viên Hạnh Phúc - Thịnh Vượng - Bình An; NXB Dân Trí.

KHỞI NGUỒN CỦA TRIẾT LÝ GIÁO DỤC XUYÊN QUA TIM

Cuộc sống đầy ắp vẻ đẹp. Hãy để ý nhé, này con ong lang thang, này đứa trẻ nhỏ, và này những khuôn mặt mỉm cười. Hãy ngửi mùi mưa và cảm nhận làn gió. Hãy sống cho hết tiềm năng, và đấu tranh cho những ước mơ của bạn”. (Ashley Smith)

Tôi muốn mượn câu nói nổi tiếng của Ashley Smith mà tôi luôn tâm đắc để mở đầu cho Chương 2 của cuốn sách này. Chúng ta ai cũng có quyền mơ và sống với niềm mơ ước của mình, cho dù là hão huyền, to lớn hay thầm kín đi chăng nữa. Nhờ vào những giấc mơ, đã có vô số người thực sự “đấu tranh cho ước mơ” và “sống cho hết tiềm năng của họ”, để chạm tay vào đầy ắp những “vẻ đẹp của cuộc đời”. Những thành tựu vượt bậc của trí tuệ nhân loại mà ngày nay chúng ta được biết, được thấy, được cảm nhận, được sử dụng, đều xuất phát từ những giấc mơ và sự theo đuổi đến cùng những giấc mơ đó.

Nhưng, vẫn có vô số người, không dám ước mơ, không dám khai phá tiềm năng của mình, không dám bước ra khỏi “vùng an toàn” để trải nghiệm và tiến bộ. Họ luôn sống với sự tự ti, những nỗi sợ và sự trì hoãn bao bọc, lâu dần, thời gian đã khiến họ giết chết ước mơ, tiềm năng và vẻ đẹp mà tạo hóa ban tặng cho cuộc đời mỗi người. Họ là hiện thân của tầng lớp luôn lựa chọn mình bị “bỏ lại phía sau” và “sống mà như tồn tại”.

Tôi thật may mắn vì trên đường đời của mình, tôi đã lựa chọn “mơ và theo đuổi giấc mơ”. Thật vậy! Để có được ngày hôm nay, trong tôi đã ấp ủ những giấc mơ từ thuở ấu thơ, ngày đêm nỗ lực không ngừng để hiện thực hóa giấc mơ ấy. Tôi nhận ra rằng: “Hạnh phúc đơn giản chỉ là phụng sự người khác”. Cuộc đời tôi trở nên ý nghĩa hơn khi bản thân mình được sống và thực hiện đúng sứ mệnh đó. Mỗi sớm mai thức dậy, tôi đều tự nhắc nhở chính mình bằng những câu hỏi: “Tôi là ai”? “Tôi có thể đem lại điều gì cho cộng đồng”?

Nhìn các em miệt mài bên những bài tập, mệt mỏi xen lẫn cả những lo lắng cho từng bài thi… lòng tôi đau đớn, không chỉ xót thương cho các em mà còn xót thương cho những tài năng mà các em chưa được khai phá đằng sau những điểm số vô nghĩa kia. Trong khi đó, chính trường “Đại học cuộc đời” thì các em lại không có thời gian để học, kiến thức vô cùng thiếu thốn nhưng lại không ai đứng ra giáo dục hoặc “luyện” cho các em. Liệu các em có đang thực sự hạnh phúc với việc học thi, việc ôn thi? Liệu các đồng nghiệp của tôi – những người cũng có cùng hoàn cảnh như tôi – có thực sự hạnh phúc với việc dạy học và luyện thi đại học? Liệu khi tốt nghiệp một chuyên ngành nào đó rồi, các em có đủ kỹ năng và kiến thức để sống cuộc đời mà các em mong muốn từ những kiến thức ngày hôm nay chúng tôi dạy hay không? Hay nó chỉ là những thứ “qua môn là hết”, “ra trường là chết” ? Cánh cửa đại học có phải là nơi mà các em vào vì đam mê, vì sở thích, hay là một đích đến mà xã hội áp đặt cho các em là “phải vào được” để thỏa mãn tư duy số đông về “trình độ học vấn?”

Đó cũng chính là những trăn trở khiến nhiều đêm tôi trằn trọc, thao thức chỉ để đau đáu với câu hỏi: “Giáo dục là gì? Cốt lõi giá trị của giáo dục là gì”? Từ những trăn trở đó, trong tôi đã nuôi dưỡng một ước mơ mới, phù hợp với nhận thức của tôi hiện tại ở thời điểm đó. Tôi mơ ước rằng: “Một ngày nào đó, mỗi học sinh Việt Nam sẽ được học tập trong môi trường thấm đẫm tình yêu thương, vui vẻ, bình an và hạnh phúc. Để trẻ em được phát triển đúng sở thích và đam mê của mình.”

Bạn biết không? Tôi như trở thành một con người mới và mang một sứ mệnh mới khi nuôi dưỡng một ước mơ mới của chính mình. Đó có lẽ là sức mạnh của khát khao khai phá những điều chưa đạt được hay cũng chính là sức mạnh của sự tưởng tượng, có thể giúp ta nhìn thấy một bức tranh ở tương lai để có thể phóng những nét vẽ đầu tiên ở thì hiện tại. Để thực hiện hóa ước mơ đó, tôi đã tìm hiểu, học hỏi và nghiên cứu rất nhiều từ nhiều người thầy quốc tế, những cuốn sách tinh hoa và cả sự quan sát thực tiễn. Và tôi đã tìm thấy triết lý giáo dục hoàn toàn mới: “Triết lý giáo dục xuyên qua tim, hay cũng chính là triết lý giáo dục bằng tình yêu thương”. Tôi sẽ chia sẻ ngay sau đây với bạn về triết lý này, bạn hãy cùng tôi cảm nhận và suy ngẫm nhé!

NỘI DUNG CỦA TRIẾT LÝ GIÁO DỤC XUYÊN QUA TIM

Việc học và giáo dục bao đời nay của chúng ta vẫn chỉ chú trọng vào một chỗ, đó chính là “cái đầu”. Chúng ta học để tăng những nếp nhăn trên não và học để cốt sao càng nhiều kiến thức thì càng tốt. Sự chú trọng vào “lượng kiến thức” đã là câu chuyện không có hồi kết của ngành giáo dục khi sắp xếp các tín chỉ, các học phần, các môn học, làm sao để đủ lượng kiến thức cho phù hợp với từng lứa tuổi. Có lẽ chúng ta sẽ không còn xa lạ với hình ảnh những học sinh cấp 1 chưa đủ lớn mà trên vai đã mang nặng các cuốn sách giáo khoa và sách bài tập, có em còn kéo cả vali bài vở vì không đủ sức mang… Có thể nói rằng, nền tảng kiến thức là vô cùng cần thiết để một con người có thể thành công. Nhưng nền tảng về đạo đức, lối sống, kỹ năng, cảm xúc, tình cảm, tư tưởng… lại là những yếu tố quyết định đến hạnh phúc và bình an của mỗi con người. Một người thành công chưa chắc đã hạnh phúc nhưng người hạnh phúc thì chắc chắn sẽ thành công. Đó là lý do tôi tâm niệm “giáo dục bằng tình yêu thương” thay vì “giáo dục bằng kiến thức”.

Trong chính nội hàm của triết lý, đã khải lộ cho bạn thấy sự mới mẻ và khác biệt. Nếu chúng ta giáo dục bằng lượng kiến thức, thì chúng ta sẽ lấy kiến thức làm trung tâm, chúng ta sẽ học hết giáo trình này đến giáo trình khác, học hết chủ đề này đến chủ đề khác, học hết mảng này đến mảng kia… Còn nếu giáo dục bằng “tình yêu thương” thì khi đó ta sẽ lấy tình yêu thương làm trung tâm. Cả thầy và trò đều tập trung vào cái gốc này, chính là cái gốc đạo đức, nhân tâm, chân thiện mỹ của con người. Và khi xây được cái gốc này rồi, chúng ta sẽ rất dễ dàng đi “chinh phục” các bầu trời tri thức khác. Khi giáo dục bằng tình yêu thương chúng ta sẽ chú trọng đến “chủ thể của tình yêu thương” đó chính là thầy cô và học trò, cha mẹ và các con, thầy cô và cha mẹ, các học trò với nhau, rộng ra là giữa “người với người”.

Ba điểm quan trọng nhất của triết lý giáo dục xuyên qua tím, đó chính là một môi trường giáo dục thấm đẫm tình yêu thương; lấy học trò làm trung tâm; và năng lực của người thầy giáo.

Thứ nhất, đó là xây dựng được môi trường giáo dục thấm đẫm tình yêu thương

Tôi luôn tâm niệm, mỗi học trò là một thiên tài thông qua hạt giống siêu anh hùng vốn có trong họ. Để con có thể lớn lên, phát triển toàn diện và trở thành những con người có ích cho xã hội cần có một môi trường phù hợp để hạt giống đó lớn lên. Học trò chính là sự phản chiếu của gia đình, thầy cô và nhà trường, cho dù bạn có tác động trực tiếp hay gián tiếp đi chăng nữa. Môi trường, hay cụ thể hơn là những lời nói, hành động, sự phản ứng, niềm tin xung quanh các con chính là những yếu tố hình thành, quyết định các con trở thành ai, các con sẽ có vai trò gì trong xã hội. Môi trường tích cực sẽ giúp nuôi dưỡng “đúng cây, đúng giống”, phát triển hạt giống siêu anh hùng bên trong mỗi đứa trẻ.

Có thể tôi không phải là người đầu tiên tâm niệm “môi trường học tập” là chìa khóa giúp các con có thể phát triển một cách tốt nhất. Chúng ta đã được nghe về điều này rất nhiều trên các diễn đàn hoặc các chương trình nghị sự, kể cả các hội thảo ban ngành. Nhưng, điều chúng ta tiếp nhận, đó luôn luôn là một mô hình quy chuẩn, chẳng hạn như “môi trường học tập quốc gia”, “môi trường học tập quốc tế” nơi có nhiều phương tiện, dụng cụ, học liệu, giáo trình học tập, thầy cô bản ngữ… Cũng vì lẽ đó, khi bàn đến môi trường học tập, rất nhiều thầy cô và phụ huynh đã cảm thấy “bất lực” khi xung quanh mình, trường mình, lớp mình, nơi mình sống, không có được một “môi trường học tập” tiến bộ và hiện đại như ở những nơi khác.

Thấu hiểu sâu sắc được điều đó, tôi tâm niệm rằng, môi trường học tập tốt nhất chính là “môi trường học tập thấm đẫm tình yêu thương”. Có thể chưa cần hệ thống trường lớp hiện đại, chưa cần giáo trình chuẩn quốc tế, chưa cần đội ngũ thầy cô có bằng cấp chuyên môn đạt tầm cỡ… Nhưng, chắc chắn rằng, ở môi trường đó, yêu thương sẽ hiện diện mọi nơi, mọi lớp học, mọi thời khắc, mọi sinh hoạt, mọi giáo án, mọi mối quan hệ… Một môi trường học tập thấm đẫm tình yêu thương chính là một môi trường học tập tốt nhất vượt lên trên tất cả mọi tiêu chuẩn và quy chuẩn thông thường.

“Tình yêu thương” – đó là một loại năng lực. Yêu thương học trò, yêu thương đồng nghiệp, yêu thương lớp học, yêu thương công việc mình làm, yêu thương những bài giảng, yêu thương những khiếm khuyết của con người… Là thầy cô, chúng ta thường có thiên hướng yêu thương những học trò ngoan, học trò giỏi, học trò chăm chỉ vâng lời, yêu thương những đồng nghiệp họ không ganh ghét độ kỵ với ta … Nhưng, tình yêu đó thì chưa phải là một loại năng lực, đó là tình yêu tự nhiên của “cái tôi” thông thường. Vậy làm sao để mỗi thầy cô đều biết sử dụng năng lực và sức mạnh của “tình yêu thương”? Tôi đã trăn trở như vậy rất nhiều lần. Các bạn đã từng nghe nhiều về từ “yêu thương”, nhưng yêu thương thế nào cho đúng cách và làm sao để ứng dụng yêu thương trong thực tế nhà trường lại là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau.

Tình yêu thương trong mối quan hệ giữa giáo viên với học trò, gia đình với các con, đó là sợi dây để kết nối, thấu hiểu, là sự tôn trọng, chia sẻ, bao dung, liêm chính từ đó dẫn dắt, nuôi dưỡng và khơi gợi được tiềm năng phù hợp với từng đứa trẻ.

Đầu tiên là sự tôn trọng. Mỗi đứa trẻ đều cần có sự tôn trọng giống như người lớn. Không vì học trò mà nhỏ, không vì thầy cô mà to. Tôn trọng là sự đánh giá, ghi nhận, coi trọng danh dự, phẩm giá và những giá trị riêng của các con. Khi học trò nhận được sự tôn trọng từ thầy cô, bố mẹ, chúng sẽ học được cách tôn trọng người khác trong cuộc sống.

Làm sao để tôn trọng người ít quyền hơn mình, người nhỏ hơn mình, người đang theo học mình? Câu trả lời cho câu hỏi này, cũng chính là yếu tố quan trọng thứ hai của triết lý giáo dục xuyên qua tim mà tôi sẽ chia sẻ ở phần sau – đó chính là “lấy học trò làm trung tâm”.

Tiếp theo, đó là sự bao dung. Một ngôi trường thấm đẫm tình yêu thương còn là một mái trường có sự bao dung từ các thầy cô dành cho học trò. Mỗi học trò là một tính cách, một tài năng khác nhau. Là một người thầy, người cô, bạn và tôi cần tôn trọng, thấu hiểu sự khác biệt của học trò trong phong tục, tập quán, quan niệm sống, niềm tin, tôn giáo, chủng tộc và cách thức hành động, chấp nhận cho các trò trong một giới hạn nhất định để định hướng các em đến những điều tốt đẹp. Nếu có được sự bao dung đó, sẽ không học sinh nào có vấn đề, mỗi thầy cô cũng đều đứng trên được vấn đề mà vững tay chèo đưa các em cập bến tương lai. Học trò sẽ có được môi trường hoàn toàn an tâm để các em thoải mái bộc lộ tính cách, tài năng cá nhân. Qua đó, chúng ta sẽ có được các định hướng phù hợp riêng cho từng trẻ.

Thực tế giáo dục của chúng ta đã phản ánh rằng, đã rất nhiều học trò vi phạm nội quy, ghét trường ghét lớp, ghét chính môi trường giáo dục chỉ vì các em không cảm nhận được tình yêu thương, không nhận được sự bao dung cho những lỗi lầm non trẻ. Thậm chí, thầy cô còn là những người “bêu gương xấu”, lấy sai lầm của học sinh để “điểm tên, chỉ mặt, bắt quả tang”, khiến không ít trường hợp học trò vì xấu hổ đã phải từ bỏ sự nghiệp học hành chỉ vì một sai lầm nhỏ nhặt.

Nếu môi trường giáo dục, là chốn quan tòa thu nhỏ, nơi học sinh làm sai phải chịu “trừng phạt”, thì thiết nghĩ, trường học đang lấn sân sang chức trách của một pháp đình. Trường học phải là nơi, con người ta “học”, “trưởng thành”, “rèn luyện phẩm chất”, gia tăng năng lực; cho dù họ có gặp bao nhiêu sai lầm đi chăng nữa, cũng không bị “trừng phạt”, vì trường học không có chức năng “trừng trị sai lầm” của một con người. Để thấu hiểu điều này, sự bao dung và đồng cảm, chính là chìa khóa.

Cuối cùng là sự liêm chính trong học đường. Liêm chính là sự trong sạch, ngay thẳng, thành thật biểu hiện qua hành vi, ngôn ngữ của một người thể hiện qua quá trình giao tiếp. Chúng ta không vì yêu mà thiên vị, không vì ghét mà bỏ mặc. Mọi học trò đều cần đến thầy cô và trường lớp để phát triển. Do vậy, các em sẽ không vì trường lớp mà đánh mất đi sự liêm chính của một cuộc đời, chỉ vì các em nhận thấy sự không trong sạch, không ngay thẳng của chính những người đứng trên bục giảng. Thầy cô luôn là tấm gương của các em, do vậy, lối sống của thầy cô cũng chính là bài học đắt giá mà các em sẽ tự rút ra khi tiếp xúc với thầy cô của mình.

Thứ hai, “lấy học trò làm trung tâm”

Chỉ khi lấy học trò làm trung tâm chứ không phải lấy giáo viên hay nhà trường hay lượng kiến thức làm trung tâm, thì thầy cô mới có sự tôn trọng đối với các em. Và các em mới mở lòng cho thầy cô và kiến thức chảy ngược vào bên trong của chính mình. Câu chuyện mà tôi sẽ kể dưới đây, có thể là một minh chứng điển hình để bạn có thể nhắc nhớ về việc lấy học trò làm trung tâm trong sự nghiệp giáo dục của chính mình.

Chuyện kể rằng: Ngày xửa ngày xưa, có một vị hoàng đế muốn tìm triết lý của cuộc đời. Các tôn giáo và triết lý đương thời không làm ông thỏa mãn, do vậy ông đi tìm triết lý sống cho riêng mình. Ông cần sự thông thái để trị vì và dìu dắt chính bản thân mình. Cuối cùng, ông nhận ra rằng, mình chỉ cần tìm lời đáp cho ba câu hỏi nền tảng mà thôi. Ba câu trả lời cho ba câu hỏi đó sẽ cho ông mọi chỉ dẫn khôn ngoan khi cần thiết. Và ba câu hỏi đó là:

  1. Lúc nào là thời điểm quan trọng nhất?
  2. Ai là người quan trọng nhất?
  3. Điều quan trọng nhất phải làm là gì?

Sau khi tìm kiếm rất lâu, ông cũng đã tìm ra ba câu trả lời trong một lần đến thăm một ẩn sĩ. Theo bạn thì ba câu trả lời đó là gì?

Bạn hãy hóa thân vào vị hoàng đế và thử tự mình trả lời cho ba câu hỏi trên trước khi bạn tiếp tục nhé…

Có thể, tất cả chúng ta đều biết câu trả lời của câu hỏi thứ nhất, nhưng thường quên đi. Đáp án, thời điểm quan trọng nhất, chính là thời điểm hiện tại. Đó là thời gian duy nhất chúng ta sở hữu. Các bạn đã thực sự đặt tâm với học trò của mình, con mình ở thời điểm hiện tại chưa? Chúng ta ở trên bục giảng, nhưng tâm ta có thực sự ở trong lớp học? Mỗi tiết học, mỗi thời gian đứng lớp hay giao tiếp với học trò là duy nhất, khi chúng trôi qua sẽ không quay trở lại nữa, hãy khiến cho học trò cảm nhận được sự tôn trọng của bạn bằng cách toàn tâm toàn ý với phút giây hiện tại.

Câu trả lời thứ hai có ý nghĩa vô cùng sâu sắc và ít ai tìm ra câu trả lời chính xác. Tôi nhớ lại những lần tôi đứng lớp, say mê giảng bài thế nhưng phía dưới lại có những học trò lơ đãng không chăm chú nghe giảng. Một số trò khác chỉ đang “giả vờ” nhìn lên bảng nhưng tâm trí lại ở một nơi nào đó ngoài lớp học. Đó là điều khiến tôi cảm thấy thật khó chịu, thậm chí bực dọc mỗi khi đứng lớp. Nhưng cũng có những tiết học đã khiến tôi vô cùng hứng thú khi cả lớp đều tập trung nghe bài chăm chú, xây dựng bài tích cực, có những câu hỏi thú vị. Từ đó, tôi tự soi chiếu lại, nếu giáo viên luôn hiện diện trong lớp học sẽ khiến các trò cảm nhận được rằng mình quan trọng. Sự khác biệt đó chắc hắn còn khiến học trò cảm nhận được tình yêu thương thầy cô dành cho mình. Sự giao tiếp, và cả tình yêu, chỉ có thể được chia sẻ khi học trò cảm nhận được chúng là người quan trọng nhất thế gian đối với bạn ở thời điểm đó. Chúng biết và hiểu điều đó và sẽ đáp ứng, kết nối lại với bạn. Khi học trò bỗng thấy mình trở nên quan trọng, đặc biệt từ thầy cô của mình, chúng sẽ sẵn sàng chia sẻ, giãi bày cùng bạn. Nhờ vậy, bạn sẽ chia sẻ được cùng các con từ những bài học trên lớp đến những câu chuyện khác ngoài cuộc sống. Sẽ không còn chỉ là ranh giới giữa người thầy và học trò, bạn sẽ trở thành những người bạn gần gũi với trò. Khi đó, bạn sẽ lắng nghe được các con một cách trọn vẹn nhất mà không phán xét, sự tin tưởng cũng nhờ vậy mà lớn dần. Nhờ có sự chia sẻ, lắng nghe, bạn sẽ thấu hiểu được những tâm tư, nguyện vọng của học trò, có cách thiết kế bài giảng phù hợp, cách giảng bài truyền đạt tốt nhất, vậy là chương trình học tập, trải nghiệm sẽ có hiệu quả.

Điều cuối cùng trả lời cho câu hỏi thứ ba: “Điều quan trọng nhất là phải làm gì”? Điều quan trọng nhất trong cuộc đời chính là quan tâm đến người đối diện với bạn ở thời điểm hiện tại, bạn hiện diện ở đây để lắng nghe, chia sẻ với họ. Học trò luôn cần được sự quan tâm đúng cách và kịp thời từ thầy cô, nhà trường và gia đình. Tất cả sẽ giúp các con cảm nhận được trọn vẹn tình yêu thương của thầy cô dành cho mình.

Tôi hy vọng, thông qua câu chuyện này, mỗi thầy cô sẽ luôn ý niệm được, lấy học trò làm trung tâm là như thế nào. Chỉ cần gói gọn trong phút giây hiện tại hiện hữu cùng học trò, làm cho học trò thấy học trò là quan trọng nhất, và quan tâm đến học trò, thì chúng ta sẽ thực hành được.

Thứ ba, đó chính là năng lực của người giáo viên

Nhiều năm gắn bó với giáo dục, tôi hiểu rằng, chỉ có đam mê với nghề thôi chưa đủ mà còn cần có lòng yêu trẻ, sự tận tâm, nhiệt tình với người học, coi mỗi học sinh như những đứa con của mình. Khi đó, thầy cô mới gần gũi, động viên, chia sẻ và hiểu được những tâm tư, nguyện vọng của học trò cũng như có đủ sự kiên nhẫn để giúp đỡ các em trong việc tiếp nhận kiến thức, kỹ năng… góp phần xây dựng một môi trường giáo dục lành mạnh, thân thiện trong trường học.

Năng lực của người giáo viên chính là yếu tố quan trọng để đảm bảo ứng dụng triết lý giáo dục xuyên qua tim, vì tôi đã từng chia sẻ yêu thương không chỉ là cảm xúc, yêu thương chính là một năng lực. Vậy thầy cô cần rèn luyện năng lực yêu thương này như thế nào?

* Đầu tiên, người giáo viên cần trang bị cho mình kiến thức vững vàng

Giáo viên cần trang bị kiến thức chuyên môn vững vàng, sâu rộng, chỉ khi am hiểu, thông tường được một vấn đề nào đó bạn mới tự tin giảng dạy, hướng dẫn cho học sinh. Khi giảng dạy, giáo viên cần hướng dẫn kỹ những kiến thức nền tảng cơ bản để học sinh thực sự hiểu bài trước khi vận dụng, từ những kiến thức đã học, các em ứng dụng vào làm bài tập, áp dụng vào thực tế…

Không chỉ giảng dạy những kiến thức chuyên môn, giáo viên còn có trách nhiệm dạy các em làm người, dạy về đạo đức hay kỹ năng sống, cách cư xử nói chuyện, cách tiếp nhận và giải quyết vấn đề… Đó gọi chung là những kiến thức về giáo dục. Ngoài ra, giáo viên cần liên tục bổ sung, rèn luyện và nâng cao kỹ năng giảng dạy hay nghiệp vụ sư phạm của mình để có phương pháp truyền đạt hiệu quả giúp học sinh nắm được bài học dễ dàng.

Bản thân mỗi giáo viên phải luôn nêu cao tinh thần tự học hỏi, trau dồi kiến thức và kỹ năng chuyên môn để phát triển năng lực bản thân, cải tiến nội dung và phương pháp dạy học, chủ động nâng cao tay nghề, học hỏi và rèn luyện bản thân… Lắng nghe góp ý và rút kinh nghiệm để hoàn thiện bản thân mỗi ngày. Mỗi học sinh luôn có những áp lực về học tập khác nhau nên thầy cô cần là người tạo cho các em không khí học tập thoải mái, tích cực nhất, tạo môi trường cho các em có niềm say mê, hứng thú trong học tập. Để làm được điều đó, các thầy cần có thái độ lạc quan, vui vẻ và tình yêu với nghề, với trò.

* Thứ hai, phải có TÂM SÁNG

Có tâm sáng và tình yêu nghề, yêu thương học trò, bạn sẽ càng tập trung để phát triển bản thân tốt hơn mỗi ngày. Trước khi lên lớp, hãy tìm hiểu hoàn cảnh, năng lực, năng khiếu của mỗi học sinh để tìm ra phương pháp giảng dạy, định hướng phù hợp, phát huy được thế mạnh của mỗi em. Đồng thời, sau mỗi buổi lên lớp, bạn cũng cần ngồi lại để rút ra cho mình những bài học để buổi sau dạy tốt hơn: Buổi học hôm nay học trò đã tiếp thu được những gì? Mình đã truyền đạt có dễ hiểu không? Các em học trò có thể áp dụng những kiến thức, bài học về đạo đức, lối sống vào thực hành, thực tế được không?

Tuy nói nghề giáo viên cao quý, được cả xã hội tôn trọng nhưng bên cạnh còn nhiều khó khăn cần vượt qua, vì vậy chỉ khi bạn là một người thầy có tâm sáng, tình yêu nghề sâu sắc thì bạn mới có thể gắn bó lâu dài với nghề. Không những là một người thầy, bạn còn là chỗ dựa tinh thần tốt nhất khi các em cần. Bạn chính là những kiến trúc sư kiến tạo nên một thế hệ cho tương lai đất nước, vậy nên cần sự bao dung, tôn trọng, chia sẻ và lắng nghe để thấu hiểu, định hướng giúp các em có hướng đi đúng đắn.

* Thứ ba, mỗi thầy cô cũng cần trang bị cho mình những phương pháp sư phạm tốt để truyền đạt kiến thức tốt nhất đến người học

Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức bạn cần vượt qua có thể xây dựng môi trường học tập tốt hơn, tạo cho học trò có những điều kiện học hỏi hiệu quả. Trong tình hình thực tế hiện nay, đòi hỏi giáo viên không chỉ phải thường xuyên tự nghiên cứu, học hỏi, sưu tầm, tìm kiếm tài liệu, trao đổi với các đồng nghiệp để nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, mà còn phải tìm “lối đi” hiệu quả, đặc biệt là có tình yêu thương sâu sắc với học sinh, với giáo dục.

* Thứ tư, với một người giáo viên điều quan trọng là cần có đạo đức nghề nghiệp

Nghề giáo còn đòi hỏi bạn có tinh thần chịu trách nhiệm cao. Nhiệm vụ chính của giáo viên là giảng dạy, bên cạnh đó còn là tấm gương sáng để các em học tập, noi theo. Giáo viên chính là người đồng hành với các em trên suốt hành trình phát triển, trưởng thành nên có ảnh hưởng rất nhiều đến thế hệ mai sau. Để làm được điều đó, thầy cô thực sự cần môi trường để phát triển tâm từ bi và nâng tầm trí tuệ. Có vậy, bạn mới gia tăng giá trị để cống hiến và phụng sự cho xã hội.

Mỗi thầy cô cần cư xử công bằng cho tất cả các học sinh, chuẩn mực trong nhận xét và đánh giá, đặt mục tiêu và hiệu quả giáo dục lên hàng đầu. Giáo dục tạo môi trường để đào tạo những con người có ích cho xã hội, mỗi giáo viên cần có cái tâm với nghề, luôn ghi nhớ mục đích cốt lõi của giáo dục.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. BA CON ĐƯỜNG
  2. TẠI SAO PHỤNG SỰ LẠI QUAN TRỌNG?
  3. AI THÀNH CÔNG CŨNG PHẢI CÓ THẦY

Bài viết mới

  1. NẾU MỘT THẤT BẠI KHÔNG MANG TỚI CẢM GIÁC ĐAU ĐỚN, KHÓ CHỊU GÌ, NÓ SẼ BỊ LỜ ĐI
  2. VƯỢT LÊN CHÍNH MÌNH
  3. THỰC HÀNH TRONG ĐỜI SỐNG THƯỜNG NHẬT