GIÁO PHÁP NGẮN GỌN VỀ VÔ THƯỜNG VÀ BUÔNG BỎ

HE. GARCHEN RINPOCHE VIII

Trích: Chỉ Dẫn Lúc Lâm Chung, Cuốn Sách Về Các Hướng Dẫn Dựa Trên Giáo Lý Của Tôn Sư Garchen Rinpoche; Ina Bieler dịch Tạng - Anh và biên soạn các chỉ dẫn để tạo thành cuốn sách này; Bản dịch Anh - Việt của Drikung Garchen Phuntsok Choling

Hình quán tưởng Phật A Di Đà

Một ngày nào đó chúng ta sẽ phải chết; không một ai có thể thoát khỏi số mệnh này. Ba bảy Pháp tu Bồ tát chỉ dạy rằng “Tâm thức, khách trọ trong căn nhà thân xác, rồi sẽ phải ra đi.” Khi chết, chúng ta sẽ phải bỏ lại mọi thứ, do vậy, chẳng ích gì để dính mắc vào cuộc đời này. Chúng ta nên hỏi bản thân mình, “Liệu có thực sự quan trọng để chuẩn bị cho cái chết? Tại sao thọ nhận các chỉ dẫn về cái chết lại quan trọng?” Khi thọ nhận các chỉ dẫn này, chúng ta học được rằng tâm thức của chúng ta nên rời khỏi thân xác qua đỉnh đầu (huyệt bách hội) tại thời điểm lìa đời. Nếu không biết điều này thì chúng ta sẽ bị các cảm xúc ô nhiễm như ghét bỏ, tham luyến, vô minh và ganh tị chi phối. Trong giai đoạn mê lầm này, chúng ta thiếu sự tự chủ. Chúng ta bị phiền não kiểm soát và điều này dẫn đến việc tâm thức sẽ rời khỏi thân xác qua một trong tám cửa bất tịnh, dẫn đến việc tái sinh trong vòng luân hồi. Mọi hạnh phúc và khổ đau đều do nghiệp, nhân và quả. Do vậy, việc rất quan trọng là sử dụng thời gian ít ỏi mà chúng ta có được trong thế giới này làm cho cuộc sống của mình trở nên có ý nghĩa.

Thông qua kinh nghiệm khổ đau, chúng ta phát triển tín tâm vào giáo pháp của Đức Phật. Bản chất của luân hồi là đau khổ. Gốc rễ của mọi đau khổ là chấp ngã mà chấp ngã chỉ có thể bị phá hủy bởi tình yêu thương và lòng bi mẫn. Chúng ta càng phát triển được nhiều tình yêu thương bao nhiêu thì thế giới càng trở nên tốt đẹp hơn bấy nhiêu.  Không có gì quan trọng hơn là chết với tâm yêu thương. Đó là tất cả những gì chúng ta cần mang đi với mình tại thời điểm lìa đời. Tam Bảo bảo vệ những người lìa đời với một tâm vị tha.

Chúng ta trải nghiệm hầu hết các khổ đau và đau đớn trong thân thể. Thân thể thì lại vô thường, là một hiện tượng giả hợp do tâm thức kiến tạo ra thông qua các tập khí. Sự thực thì thân thể không phải là chúng ta. Bám chấp vào sự thoải mái dễ chịu của thân thể và ghét bỏ những gì không thoải mái là một sự mê lầm của tâm thức. Sau khi chết, chúng ta không còn thân xác vật lý này nữa, nhưng chúng ta lại kinh nghiệm đau khổ mãnh liệt hơn trong trung ấm. Bằng cách xả bỏ sự bám chấp và ghét bỏ vào cuộc đời này, chúng ta tránh được phải kinh nghiệm những hình tướng xuất hiện đáng sợ trong trung ấm. Đó là lý do tại sao việc suy ngẫm đi suy ngẫm lại về bản tánh như mộng của cuộc đời này lại rất quan trọng. Năng lực nhận ra tánh Không của các cảm xúc ô nhiễm trong lúc còn sống sẽ đi theo chúng ta sau khi chết, và chúng ta sẽ có thể trực nhận được tánh Không của trung ấm. Tuy nhiên, nếu chúng ta để cho các cảm xúc ô nhiễm sai xử và tích tập nghiệp tiêu cực thì do các dấu ấn trong tâm, các hình tướng trung ấm đáng sợ sẽ dường như là thật [đối với chúng ta].

Cuộc đời như một giấc mộng thoáng qua. [Trạng thái] chết và rơi vào giấc ngủ là giống nhau. Thân xác chết nhưng tâm không thể chết. Vì tin các cảm xúc ô nhiễm là thật có nên chúng ta tạo ra thân thể tương lai của mình. Chúng ta tái sanh và chết đi vô lượng lần. Bằng cách không bám chấp vào bất cứ thứ gì phát khởi, chúng ta sẽ được tự do và đạt được trạng thái bất tử của một vị trì giữ Tánh giác. Tuy nhiên, chỉ có kiến thức thôi sẽ không giải thoát chúng ta được; chúng ta phải kinh nghiệm được rằng khổ đau chẳng là gì cả mà chỉ là một niệm tưởng, một thói quen. Bằng cách có được kinh nghiệm rằng các niệm tưởng thói quen không thực sự tồn tại, chúng ta trực nhận được cái chết thực ra chỉ là một niệm tưởng thói quen. Nếu chúng ta không bám chấp vào tính thật có của những niệm tưởng này thì chúng ta sẽ đạt được thân bất tử của một vị bổn tôn hộ Phật. Hãy nhớ đến điều này tại thời điểm lìa đời.

Những người bạn chân thật duy nhất, không thay đổi của chúng ta là Tam Bảo, đạo sư và bổn tôn hộ Phật. Tất cả những bạn đồng hành trong đời sống thế tục thì vô thường; chúng ta  không thể mang bất kỳ ai [trong số họ] theo chúng ta tại thời điểm lìa đời. Do vậy, hãy ngừng dứt mọi niệm tưởng tiêu cực và hãy cầu nguyện đến bổn tôn hoặc đạo sư. Và đừng lo lắng quá nhiều về cái chết – vì điều này chỉ tạo thêm đau khổ mà thôi. Thay vào đó, hãy thay đổi những suy nghĩ tiêu cực và hãy nghĩ về Quan Âm Tara hoặc bất kỳ một vị bổn tôn hộ Phật nào khác. Lo lắng về cái chết không mang lại một lợi lạc nào cả. Một ngày nào đó, tất cả chúng ta đều sẽ phải chết, do vậy, thật vô nghĩa để tự hỏi khi nào điều đó sẽ xảy ra. Khi thời điểm của nghiệp đến, chúng ta sẽ chết. Chúng ta không thể nói rằng mình chưa sẵn sàng để chết; không có thời điểm đúng để chết. Chúng ta chẳng có một lựa chọn nào cả bởi đó là nghiệp. Nếu đó không phải là thời điểm [chết] của bạn, bạn sẽ không chết ngay cả khi bạn nghĩ bạn sẽ chết. Do vậy, hãy buông bỏ lo lắng và hãy để cho nghiệp trổ ra.

Thực hành của thầy về Phowa – Chuyển di thần thức tại thời điêm lìa đời gồm có hai phần: đầu tiên và quan trọng nhất là Phowa Bồ đề tâm của tình yêu thương và lòng bi mẫn, dựa trên Ba bảy Pháp tu Bồ tát. Phần thứ hai, thầy thực hành Phowa Pháp thân – an trụ trong Chân tâm (xem trang 39). Thầy thực hành Quan Âm Tara ngày và đêm, vào mọi thời điểm, để giúp các đệ tử của thầy và tất cả chúng sinh. Nếu con thực hành trì tụng ít nhất một vài minh chú Quan Âm Tara, con có thể kết nối với thực hành của thầy và thầy sẽ có thể giúp được con. Thậm chí nếu con không thực hành gì cả thì lời cầu nguyện của thầy vẫn có thể giúp, nhưng năng lực mang lại lợi lạc của những lời cầu nguyện này sẽ không được mạnh mẽ. Do vậy, con cần phải thực hiện phần của mình và thực hành. Hãy nghĩ về thân người trân quý vào mỗi buổi sáng khi thức giấc, nhớ nghĩ về nghiệp trong suốt cả ngày, và nghĩ về cái chết và sự vô thường vào buổi tối trước khi ngủ. Con nên uống thuốc gia trì (dutsi) hàng ngày. Hãy lấy một hạt thuốc nhỏ đặt dưới lưỡi của con vào mỗi tối trước khi đi ngủ. Thầy đang gửi hàng triệu Quan Âm Tara để giúp con và mọi chúng sinh.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. SÂN GIẬN
  2. NHỮNG HÌNH THỨC BIỂU HIỆN CỦA TÌNH YÊU
  3. NỀN TẢNG (PHẬT TÁNH – BẢN TÁNH CỦA TÂM) KHÔNG DO NHÂN DUYÊN

Bài viết mới

  1. HÒA HỢP TỪ NHỮNG ĐỐI KHÁNG
  2. LỢI ÍCH CỦA TINH THẦN TU TẬP
  3. BẠN