GIAO TIẾP TỪ ÁI

DR. C. L. CLARIDGE

Trích: “Nuôi Dạy Con Bằng Trái Tim Của Một Vị Phật”; Tác giả: Dr. C. L. Claridge; Người dịch: Thảo Triều; NXB. Lao Động, 2018.

Như một người mẹ bảo vệ con cho dù có nguy hại đến bản thân.

Cũng như vậy, hãy trau dồi trái tim vô hạn với tất cả chúng sinh.

Hãy để những ý nghĩ của trái tim vô hạn tràn ngập khắp thế giới.

Hãy lấp đầy tâm trí bằng lòng từ bi.

Những người khôn ngoan điểm tô lời nói bằng suy nghĩ.

Chọn lọc nó như là ngũ cốc được lọc ra từ sàng.

– Đức Phật –

Ba chương trong phần này bao gồm những kỹ năng và kỹ thuật giao tiếp từ ái. Chúng sẽ giúp ta hiểu về nguyên do vì sao đây là cách giao tiếp thích hợp nhất với con trẻ. Sau đó chúng ta sẽ chỉ ra cách sử dụng các kỹ năng này. Giao tiếp từ ái tạo ra mối quan hệ sâu sắc với con trẻ.

1. Giao Tiếp Từ Ái Là Gì?

Quá khứ, vị lai, và hiện tại,

Đâu có sự hiện diện này,

Kẻ hoàn toàn bị trách,

Người chỉ được khen hay!

Kinh Pháp cú, Phẩm Phẫn Nộ, Kệ 228 (Tịnh Minh dịch)

Đây là chương đầu tiên trong ba chương về giao tiếp từ ái. Phương pháp Nuôi Dạy Con Bằng Trái Tim Của Một Vị Phật chủ yếu là về giao tiếp và những chương này chỉ cho chúng ta cách giao tiếp để thực sự kết nối với con trẻ. Chương đầu tiên giải thích vì sau chúng ta cần giao tiếp từ ái. Sự khác biệt giữa khen ngợi và phản hồi sẽ được thảo luận chi tiết bởi việc dừng hoặc hạn chế những lời ca tụng con trẻ và bắt đầu xây dựng cho chúng tự động viên khuyến khích bản thân là một điều rất quan trọng. Chương này cũng cung cấp những kỹ năng mà chúng ta có thể sử dụng để thực hiện điều này.

Chương tiếp theo đề cập đến các kỹ năng giao tiếp từ ái cho phép chúng ta nhìn sâu vào chính mình và con trẻ cũng như bày tỏ cảm xúc và nhu cầu. Những kỹ năng này được gọi là lắng nghe thấu cảm và thể hiện bản thân. Phần cuối cùng của ba chương về giao tiếp từ ái sẽ cung cấp những kỹ năng để sử dụng cách tiếp cận tập trung vào giải pháp nhằm giải quyết vấn đề, cho dù đó là vấn đề của chúng ta hay của trẻ con.

Cách chúng ta giao tiếp là một phần quan trọng trong thực hành Đạo Phật. Phật giáo có các giới luật chặt chẽ dành cho các hành giả theo Phật giáo, và việc giao tiếp là giới thứ tư. Giới này đề cập đến lắng nghe sâu và nói lời ái ngữ:

“Ý thức được khổ đau do lời nói thiếu chánh niệm và thiếu khả năng lắng nghe gây ra, con nguyện học hạnh ái ngữ và lắng nghe để có thể hiến tặng niềm vui cho người và làm vơi bớt nỗi khổ đau của người. Biết rằng lời nói có thể đem lại hạnh phúc hay khổ đau cho người, con nguyện học nói những lời có khả năng gây thêm niềm tự tin, an vui và hi vọng, những lời chân thật có giá trị xây dựng hiểu biết và hòa giải.”

Tại sao lòng từ bi lại quan trọng?

Phương pháp Nuôi Dạy Con Bằng Trái Tim Của Một Vị Phật dựa trên lòng trắc ẩn đối với bản thân, con cái và người khác. Giao tiếp từ trái tim cho phép chúng ta giao tiếp một cách từ ái với bản thân và người khác, truyền lòng từ bi cho họ. Giao tiếp từ ái xây dựng lòng bi mẫn và có tính lan truyền. Nếu chúng ta sử dụng lòng từ bi như một động lực thúc đẩy hành động, chúng ta sẽ có xu hướng hành thiện và nói lời thiện. Theo cách này, giao tiếp được thực hiện một cách có ý thức và từ bi.

Khi chúng ta giao tiếp từ ái, chúng ta tạo mối quan hệ sâu sắc với người khác. Để giao tiếp theo cách này, chúng ta cần tập nhìn sâu vào bên trong chính mình, con trẻ và những người khác, để hiểu được cảm xúc và nhu cầu của họ, cũng như cảm xúc và nhu cầu của chúng ta. Mặc dù giao tiếp từ ái tập trung vào người khác, chứ không phải là chúng ta, nhưng nó cũng tạo sự ghi nhận đối với cảm xúc và nhu cầu của chúng ta. Điều này có tác dụng bổ trợ cho sự giao tiếp bằng lòng từ bi.

Đặt trọng tâm vào nhu cầu và cảm giác của trẻ không có nghĩa phủ nhận cảm giác và nhu cầu của chúng ta mà là cho phép chúng ta có cơ hội để yêu mến người khác thay vì chỉ yêu mến bản thân. Chúng ta hoàn toàn có thể đạt được sự cân bằng với lòng trắc ẩn dành cho chính mình. Chúng ta hoàn toàn có thể nhìn sâu vào bên trong để tìm hiểu nhu cầu và cảm giác của mình, đưa ra các hoạt động đáp ứng nhu cầu mà vẫn không bị rơi vào trạng thái ích kỷ chỉ yêu bản thân.

Giao tiếp từ ái nhận ra hành vi rằng bắt nguồn từ cảm xúc mà cảm xúc bắt nguồn từ nhu cầu – được đáp ứng hay chưa được đáp ứng – và nếu ta hiểu được nhu cầu của con trẻ hay nhu cầu của bản thân, chúng ta sẽ hiểu được cảm xúc và nhìn hành vi theo một cách khác. Chúng ta nhận thấy nếu nhu cầu được đáp ứng hoặc thay đổi, cảm xúc sẽ không còn và hành vi không thích hợp sẽ chấm dứt.

Phương pháp Nuôi Dạy Con Bằng Trái Tim Của Một Vị Phật và cách giao tiếp sẽ thay đổi sự phân bổ quyền lực. Chúng ta, những người làm cha mẹ thường cho rằng mình có nhiều quyền lực hơn trẻ. Chúng ta thấy mình có quyền sai bảo con trẻ làm theo ý của chúng ta. Loại sức mạnh này được gọi là “quyền lực lấn át”. Việc sử dụng “quyền lực lấn át” để ép buộc một đứa trẻ làm điều mà nó không muốn là cách làm không hiệu quả và không xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp với trẻ, cũng như không đem lại lợi ích tốt nhất cho trẻ.

Phương pháp Nuôi Dạy Con Bằng Trái Tim Của Một Vị Phật chuyển từ “quyền lực lấn át” sang “quyền lực song hành” và “quyền lực nội tại”. Chúng ta chia sẽ “quyền lực song hành” với con mình và hỗ trợ trẻ đạt được “quyền lực nội tại” để tự kiểm soát cuộc sống cũng như tự khám phá được tiềm năng của bản thân. “Quyền lực lấn át” là cách tiếp cận mang tính kiểm soát, trong khi “quyền lực song hành” và “quyền lực nội tại” cùng nhau tạo thành cách tiếp cận trao cho trẻ sức mạnh và khả năng. Vậy Đức Phật chọn phương pháp nào?

Tất cả chúng ta đều có nhu cầu tâm lý. Số lượng và sức mạnh của những nhu cầu này phụ thuộc vào mức độ chúng ta nhận ra tiềm năng trở thành một vị Phật trong mỗi người. Giao tiếp từ ái hiểu rằng tất cả chúng ta đều có nhu cầu và phần lớn hành vi của chúng ta được xác định bởi những nhu cầu này, những nhu cầu được đáp ứng hay chưa được đáp ứng. Kiểu giao tiếp này cố gắng đáp ứng nhu cầu và tạo nên những mối quan hệ tin cậy. Khi giao tiếp từ ái, chúng ta sẽ cho trẻ thấy rằng mình quan tâm đến chúng nhiều như thế nào.

“Trẻ em không biết chúng hiểu rõ mọi thứ như thế nào cho đến khi chúng biết ta quan tâm đến chúng nhiều ra sao.”

Giao tiếp từ ái giúp cho con cái, dù là trẻ sơ sinh hay tuổi niên thiếu, đều cảm thấy được yêu thương, được quý trọng và khi cảm nhận được những điều đó, chúng sẽ:

• Cảm thấy hạnh phúc hơn

• Có thể nghĩ cho bản thân

• Có thể đưa ra quyết định

• Lạc quan hơn

• Tự tin hơn để thử những điều mới

• Có trách nhiệm hơn

• Từ bi – quan tâm và giúp đỡ người khác

• Có thể hiểu Pháp

Cách giao tiếp hiện tại của chúng ta phần lớn là kết quả của thói quen. Rất ít người trong chúng ta được học cách giao tiếp từ ái từ thời thơ ấu. Chúng ta không được học cách nhìn sâu sắc. Chúng ta có xu hướng nghĩ rằng giao tiếp là tự nhiên và thể hiện bản thân một cách thoải mái, như Gandhi đã nói:

“Đừng lẫn lộn giữa thói quen với tự nhiên”

Chúng ta sẽ thay đổi dễ dàng hơn nếu ghi nhớ điều trên. Khi chúng ta bắt đầu thay đổi kiểu giao tiếp không hiệu quả thành giao tiếp từ ái, việc này có vẻ không tự nhiên và chúng ta có thể thấy không thoải mái. Từ đó, thay vì giao tiếp theo thói quen, phản ứng tự động, giao tiếp của chúng ta trở thành phản ứng có ý thức sau khi nhìn sâu vào bên trong đứa trẻ cũng như bản thân mình.

Giao tiếp từ ái cho chúng ta cơ hội quý báu để thực hành Phật giáo. Chánh ngữ là bước thứ tư của Bát Chánh Đạo.

Chánh ngữ nghĩa là không nói lời thô bạo, cằn nhằn, thao túng, đặt điều hay chia rẽ. Là cha mẹ, chúng ta thường không sử dụng chánh ngữ với con trẻ. Khi chúng ta học và sử dụng giao tiếp từ ái, chúng ta sẽ có những tiến bộ đáng kể trong việc thực hành lời Phật dạy.

Khi chúng ta tập trung nhìn sâu bên trong mình và con trẻ, chúng ta sẽ thấy giao tiếp từ ái là tiến trình tự nhiên từ việc nhìn sâu vào bên trong, tìm thấy nhu cầu, cảm xúc, và rồi diễn tả hoặc làm rõ những nhu cầu, cảm xúc đó. Khi chúng ta nhận thức được nhu cầu, cảm xúc của bản thân và con trẻ, chúng ta sẽ muốn đáp ứng những nhu cầu đó – một lần nữa bằng cách sử dụng giao tiếp từ ái. Vì vậy, chúng ta có thể thấy, giao tiếp từ ái không chỉ là một kỷ năng – đó là một quá trình. Nó là quá trình tập trung nhận thức của chúng ta ở đây và bây giờ vào những cảm giác và nhu cầu, sau đó cho chúng ta những hành động để đáp ứng những nhu cầu đó.

Một trong những công cụ tuyệt vời nhất để giao tiếp từ ái là biết dừng lại trước khi nói, rồi tự hỏi: Nếu Đức Phật ở hoàn cảnh này, ngài sẽ nói gì? Đây là một phương pháp cực kỳ mạnh mẽ để liên hệ được với Phật tính nơi mỗi chúng ta.

Cách chúng ta nhìn nhận đứa trẻ

Những hiểu biết của chúng ta về thực tại sẽ quyết định cách chúng ta giao tiếp. Chúng ta có thể học được các kỹ năng thích hợp nhưng nếu không có quan điểm rõ rang về thực tại, chúng ta nói về trình trạng chúng ta gặp phải, chứ không phải là trình trạng chúng ta mong muốn xảy ra. Tức là, chúng ta sẽ giao tiếp một cách thiếu hiểu biết thay vì dùng trí tuệ. Ví dụ, nếu mục đích của chúng ta vẫn là kiểm soát con trẻ, thì cho dù chúng ta có sử dụng ngôn từ đẹp đẽ thế nào thì bọn trẻ vẫn có thể cảm nhận được mục đích đó. Con trẻ tiếp nhận quan điểm của chúng ta về thế giới. Mỗi tương tác của chúng ta với con đều chứa đựng thông điệp về cuộc sống, về việc chúng ta là ai và chúng là ai.

Khi chúng ta cố gắng loại bỏ những ảo tưởng về tinh thần và hiểu được sự vô thường, tánh không cùng bản chất của thực tại, chúng ta sẽ giao tiếp bằng tấm lòng từ bi của Đức Phật. Khi điều này xảy ra, sự kết hợp giữa mục đích, lòng từ ái và ngôn từ thích hợp sẽ dẫn đến một sự kết nối sâu sắc giữa chúng ta và con trẻ, cũng như một sự giao tiếp đích thực – giao tiếp bằng lòng từ ái.

Một cách giúp chúng ta tập trung vào Phật tính của mình là xem cách chúng ta nhìn nhận đứa trẻ. Liệu chúng ta có nhìn nhận “đứa trẻ” giống như một người chưa trưởng thành không? Nếu chúng ta thực hành tâm an bình thì một đứa trẻ cũng xứng đáng được tôn trọng như người lớn. Liệu chúng ta có đối xử với bạn bè theo cách đối xử với con mình? Chúng ta nên cư xử với con trẻ như đối xử với người bạn thân nhất của mình.

Như đã đề cập từ trước, phương pháp để thay đổi quan điểm của chúng ta về đứa trẻ là hãy nghĩ về khả năng đứa trẻ là một vị Phật tái sinh làm con của chúng ta trong kiếp sống này. Liệu chúng ta có đối xử với Đức Phật như đối xử với con không? Sẽ rất lợi lạc nếu nhìn thấy một vị Phật trong con của chúng ta và kết nối với vị Phật đó trong con. Hoặc, chúng ta có thể tập trung vào thực tế là đứa trẻ nào cũng có Phật tính và chúng ta có cơ hội hỗ trợ hoặc giúp đỡ trẻ để chúng giác ngộ hoàn toàn. Hành vi của chúng ta sẽ thay đổi ngay sau đó.

Kỹ năng giao tiếp từ ái là gì?

Các kỹ năng giao tiếp từ ái phát triển thông qua sự hiểu biết và thực hành. Khi chúng ta hiểu biết về các hình thức giao tiếp khác nhau và kết quả của chúng, cũng như biết về các kỹ năng giao tiếp từ ái, chúng ta có thể lựa chọn kỹ năng giao tiếp hiệu quả nhất cho những hoàn cảnh khác nhau.

Các kỹ năng giao tiếp từ ái bao gồm các kỹ năng tập trung vào đứa trẻ và các kỹ năng tập trung vào bản thân. Trong bất kỳ mối giao tiếp nào, chúng ta đều có thể sử dụng một loại, hoặc cả hai, hoặc luân phiên giữa loại này và loại kia. Các kỹ năng tập trung vào đứa trẻ là kỹ năng phản hồi và tự khích lệ bản thân, kỹ năng lắng nghe thấu cảm, kỹ năng giải quyết vấn đề (khi trẻ gặp vấn đề). Các kỹ năng tập trung vào bản thân là kỹ năng thể hiện bản thân và kỹ năng đưa ra giải pháp (khi chúng ta gặp vấn đề). Các kỹ năng kết hợp là kỹ năng cùng đưa ra quyết định, họp gia đình và tìm ra giải pháp chung.

Mỗi kỹ năng này sẽ được thảo luận sau đây, bắt đầu với kỹ năng phản hồi và tự khích lệ bản thân.

Bài viết này đã đóng bình luận.


Bài viết liên quan

  1. NGHỆ THUẬT NUÔI DẠY CON CỌP BÊN TRONG
  2. KHẤT THỰC NUÔI CHA MẸ
  3. CHA MẸ VÔ ĐIỀU KIỆN: HAI CÁCH NUÔI DẠY TRẺ

Bài viết mới

  1. CHÚNG TA TRỞ NÊN NHƯ THẾ NÀO TÙY THUỘC VÀO SUY NGHĨ CỦA CHÍNH MÌNH
  2. HÃY RŨ BỎ QUÁ KHỨ CHÚ TÂM VÀO HIỆN TẠI
  3. TÂM BÌNH AN TRƯỚC NHỮNG KHÓ KHĂN KHÔNG THỂ TRÁNH