KHẤT THỰC NUÔI CHA MẸ

HT. THÍCH CHÂN TÍNH

Sách TT. Thích Chân Tính; NXB Văn Hóa – Văn Nghệ

Lâu nay, chúng ta chỉ nghe về tích truyện ngài Mục-kiền-liên có hiếu đối với mẹ, nhưng hôm nay, tôi sẽ kể thêm cho quý vị nghe tấm gương của một vị sư đã báo hiếu được cho cha mẹ ngay khi họ còn sống. Câu chuyện này được chép trong kinh Tiểu Bộ IX (*). Trong kinh không nói rõ vị sư tên gì, nên trước khi kể chuyện, tôi xin tạm gọi tên vị sư đó là Hiếu Tâm. Câu chuyện như sau:

Ngày đó, tại thành Xá-vệ, có hai vợ chồng thương nhân giàu có sinh được một người con trông rất khôi ngô, tuấn tú, lại thông minh, học giỏi, tên là Hiếu Tâm.

Một hôm, khi Hiếu Tâm đang đứng trên lầu nhìn xuống đường, thấy dân chúng đi lại rất đông, trên tay ai cũng cầm hoa, trái cây, … Thấy vậy, Hiếu Tâm thắc mắc lắm, chàng bèn bước xuống hỏi những người đó đi đâu? Thì ra, họ đang đến tịnh xá Kỳ Viên để nghe đức Phật Thích Ca Mâu Ni thuyết pháp. Hiếu Tâm bèn bảo gia nhân lấy hoa cho mình rồi cũng xuôi theo dòng người. Khi đến tịnh xá, thấy người ta làm sao chàng làm vậy, người ta đảnh lễ thì chàng cũng đảnh lễ, người ta cúng dường thì chàng cũng cúng dường, người ta dâng hoa lên chư Tăng thì chàng cũng dâng hoa lên chư Tăng. Sau đó, chàng ngồi xuống cùng nghe pháp với mọi người.

Trong thời pháp đức Phật nói về vô ngã, vô thường và khổ. Đầu tiên, đức Phật nói thân người là vô ngã. Vô ngã là không có cái ta. Thân này không phải là ta, không phải là của ta. Vì sao? Vì thân con người được hình thành từ tứ đại: đất, nước, gió, lửa. Khi đất nước gió lửa tan rã thì mình không còn là mình nữa. Thịt trả về với đất, máu trả về với nước, hơi nóng trả về với lửa và hơi thở trả về với gió. Nếu thân này đã không phải là của mình, mà chỉ là sự vay mượn tứ đại, thì vợ chồng, con cái, của cải, tài sản, những thứ trên cuộc đời này đâu có cái gì là “của mình” được.

Sau đó, đức Phật nói về vô thường. Vô thường là luôn luôn thay đổi, không có gì cố định. Thân thể này lúc khỏe lúc bệnh, lúc đẹp lúc xấu, lúc mập lúc ốm, lúc sống lúc chết. Thân của chúng ta thay đổi liên tục: sinh ra, lớn lên, rồi già, bệnh và chết. Tâm của chúng ta cũng thay đổi liên tục: vui – buồn, khóc – cười, mừng – giận, thương – ghét, … Sự thay đổi liên tục của thân, tâm và vạn vật được gọi là vô thường.

Do tính chất vô thường này mà con người phải chịu những nỗi khổ đau như sinh, già, bệnh, chết, … Đã có thân là có khổ, nhưng khổ từ đâu mà ra? Nguồn gốc của khổ là tham, sân, si. Vì có tham, sân, si nên chúng ta mới tạo nghiệp. Vì tạo nghiệp nên chúng ta phải sinh tử luân hồi, phải mang thân người, ngạ quỷ, súc sinh, phải sinh vào địa ngục, … So với loài người, nỗi khổ của ngạ quỷ, súc sinh và địa ngục còn lớn hơn gấp bội phần. Muốn chấm dứt khổ, chúng ta phải chấm dứt tham, sân, si, …

Nghe xong, Hiếu Tâm liền tỉnh ngộ. Sau thời pháp, mọi người trở về nhà, riêng anh nấn ná ở lại, đợi mọi người đi hết rồi mới lên đảnh lễ đức Phật và xin Ngài cho xuất gia. Đức Phật khuyên Hiếu Tâm rằng:

– Nếu con muốn xuất gia thì về xin cha mẹ con đã. Cha mẹ đồng ý, ta sẽ cho con xuất gia.

Theo lời Phật dạy, Hiếu Tâm bèn trở về nhà để xin cha mẹ cho đi xuất gia. Vì anh là con một, lại là con nhà giàu, hơn nữa cha mẹ anh chưa hiểu gì về Phật pháp nên họ không đồng ý. Họ khuyên anh rằng:

– Bây giờ con ở nhà lập gia đình, sinh con đẻ cái để nối dõi tông đường. Sau này đứng tuổi rồi con đi tu cũng được.

Thế nhưng, Hiếu Tâm quyết chí nói:

– Con không muốn ràng buộc vợ con, vì đó là sợi dây oan nghiệt, buộc chúng sinh vào sinh tử luân hồi đời đời kiếp kiếp. Con muốn cắt đứt con đường đau khổ này, không muốn lập gia đình, không muốn sống đời thế tục nữa.

Để thể hiện quyết tâm của mình, Hiếu Tâm nhịn ăn một tuần. Cha mẹ anh thấy thuyết phục mãi không được thì đành chấp nhận. Sau đó, Hiếu Tâm đã đến với Tăng đoàn của đức Phật và được một vị Tỳ-kheo làm lễ thế phát xuất gia…

Quý vị có thấy không, bao nhiêu người đến tịnh xá nghe pháp hôm đó, vậy mà chỉ có một người phát tâm đi xuất gia. Rõ ràng, để xuất gia được là phải có căn lành đã vun trồng từ nhiều đời, nhiều kiếp.

…Trong khoảng năm năm tu học với Tăng đoàn, sư Hiếu Tâm rất siêng năng, tinh tấn, được nhiều chư Tăng tại tịnh xá thương yêu, quý mến và tán thán về học cũng như về hành. Nhưng do tâm nguyện muốn sớm đạt kết quả trong việc tu học, sư đã xin đức Phật và chư Tăng cho phép đi tìm một nơi thanh tịnh để chuyên tu. Được sự hứa khả của đức Phật, sư Hiếu Tâm đi vào một khu rừng, cất thất tu một mình.

Mặc dù đã cố gắng hết lòng, chuyên tâm tu tập, nhưng đã 12 năm trôi qua mà sư vẫn chưa thành đạo quả. Trong thời gian đó, cha mẹ của sư ở nhà ngày càng già yếu mà không tìm được người thay thế trông coi việc kinh doanh. Những người tôi tớ trong nhà trộm vàng bạc rồi trốn đi; những người thuê đất và mua hàng của ông bà tha hồ quỵt nợ, chiếm đoạt tài sản; những người có tà tâm đến dụ dỗ, lừa gạt để lấy tiền của họ bằng đủ mọi cách. Dần dần, hai ông bà trắng tay, tài sản tiêu tan hết, lâm vào cảnh khốn cùng, phải bán cả nhà cửa rồi cất một cái chòi để ở và đi ăn xin.

Một hôm, có một vị Tỳ-kheo ở tịnh xá Kỳ Viên đến khu rừng nơi sư Hiếu Tâm đang nhập thất chuyên tu. Họ gặp nhau ở thất của sư Hiếu Tâm. Khi biết vị Tỳ-kheo này từ tinh xá Kỳ Viên đến, sư Hiếu Tâm liền hỏi thăm về cha mẹ mình:

– Sư có biết về gia đình thương nhân ở thành Xá-vệ không?

Vị Tỳ-kheo trả lời:

– Sư đừng hỏi thăm tin tức của gia đình ấy nữa.

– Tại sao thế?

– Họ có một người con trai, nhưng người con ấy đi tu rồi. Sau đó, gia đình này bị sạt nghiệp, bây giờ rất khổ, phải đi ăn xin.

Nghe nói như thế, sư Hiếu Tâm rơi nước mắt. Thấy vậy, vị Tỳ-kheo hỏi:

– Tại sao sư lại khóc?

– Vì đó là cha mẹ của tôi.

Sư Hiếu Tâm suy nghĩ: “Bây giờ cha mẹ rơi vào hoàn cảnh thế này, mình đi tu như vậy có được hay không? Nếu mình đi tu mà để cha mẹ ở nhà đói khổ, phải đi ăn xin thì có đành lòng hay không? Hay là bây giờ mình hoàn tục trở về? Mình vừa tu tại gia, vừa nuôi cha mẹ, vừa làm những điều phước thiện, như vậy cũng có công đức, phước báu và đời sau cũng được sinh về cõi trời”. Suy nghĩ xong, sư Hiếu Tâm quyết định hoàn tục về nuôi cha mẹ. Sư nhường thất cho vị Tỳ-kheo nọ và chuẩn bị đồ đạc để trở về. Thật ra, cũng giống như các vị Tỳ-kheo khác, vật dụng của sư Hiếu Tâm không có gì ngoài ba y một bát, chẳng có bất cứ của cải hay tài sản nào nữa cả.

Khi về gần tới thành Xá-vệ, sư Hiếu Tâm phân vân: “Không biết bây giờ mình nên đến tịnh xá Kỳ Viên để thăm đức Phật trước, hay là về nhà thăm cha mẹ trước?”. Rồi, sư tự nhủ: “Nếu về nhà thì mình sẽ ở nhà chăm sóc cha mẹ luôn, sẽ ít có cơ hội đến thăm đức Phật và chư Tăng. Thôi, bây giờ mình đến thăm đức Phật và chư Tăng trước, rồi mai về nhà sau”. Khi sư Hiếu Tâm đến tịnh xá Kỳ Viên, do biết được tâm ý muốn hoàn tục để báo hiếu cha mẹ của sư, đức Phật đã kể một câu chuyện quá khứ của mình. Đức Phật kể rằng:

Trong quá khứ, Ngài là một con voi chúa, con của một con voi mẹ bị mù, không thể tự kiếm ăn. Để nuôi mẹ, mỗi ngày voi chúa thường đi vào rừng hái trái cây. Bởi vì voi chúa rất đẹp, lông màu trắng, tướng oai phong nên nhà vua đã bắt chú đem về cung. Thời gian ở trong cung, voi chúa không ăn uống gì hết. Khi điều tra và biết được mẹ của voi chúa còn ở trong rừng và bị mù, nhà vua bèn thả voi chúa ra, cho về rừng nuôi mẹ của mình.

Khi đức Phật kể câu chuyện ấy xong, sư Hiếu Tâm bèn hiểu ra rằng, những người xuất gia vẫn có thể nuôi cha mẹ được. Sư quyết định trở về nhà, nhưng không còn ý định hoàn tục nữa. Trước khi về, sư ôm bát đi khất thực, với mong muốn mang chút thức ăn về làm quà cho cha mẹ.

Khi về tới nhà, sư Hiếu Tâm ôm bát đứng trước cửa, nhưng vì sư đi tu đã lâu và bây giờ đã mang hình tướng người xuất gia, nên hai ông bà không nhận ra con mình. Thấy sư đứng trước cửa, người cha nói:

– Bà ơi bà! Bà ra nói với vị sư đó nhà mình nghèo lắm, không có gì để cúng đâu, xin sư đi qua nhà khác.

Bà mẹ đi ra và nói ba lần như vậy, nhưng sư vẫn đứng đó, nước mắt lưng tròng. Bà vào kể lại sự tình với người cha. Ông sinh nghi:

– Bà ơi bà! Không biết có phải vị sư này là con của mình không?

Người mẹ lại đi ra, nhìn thật kỹ và bấy giờ bà mới nhận ra sư Hiếu Tâm. Bà ngỡ ngàng, òa lên khóc; người cha ở trong nhà thấy vậy liền khóc theo. Không kìm được lòng mình, sư Hiếu Tâm cũng bật khóc. Qua cơn xúc động, sư nói:

– Xin cha mẹ đừng buồn, từ nay con sẽ phụng dưỡng cha mẹ.

Rồi sư lấy thức ăn mà mình đã khất thực được dâng lên cho cha mẹ dùng. Từ đó trở đi, mỗi ngày, sư Hiếu Tâm đều đi khất thực để nuôi cha mẹ. Mỗi lần đi khất thực chỉ đủ ăn cho một người, nên sư phải đi hai lần. Lần thứ nhất, sư đem về dâng lên cho cha mẹ; lần thứ hai sư mới dùng. Khất thực có khi được nhiều, có khi được ít, có khi không có gì. Hôm nào được nhiều thì cả gia đình sư no bụng, còn hôm nào được ít thì sư nhịn đói, nhường thức ăn lại cho cha mẹ. Trải qua một thời gian dài, cha mẹ của sư Hiếu Tâm rất hoan hỷ khi được con mình phụng dưỡng lúc về già, nhưng sư thì ngày một tiều tụy, gầy ốm, xanh xao.

Một hôm, có người bạn hỏi sư:

– Sao gần đây tôi thấy sư ốm yếu, xanh xao quá?

Sư Hiếu Tâm kể về hoàn cảnh của mình. Người bạn nói:

– Sư không được làm như thế! Sư lấy của đàn na tín thí về nuôi người thế tục như vậy là sai. Phật không cho phép đâu!

Nghe vậy, sư Hiếu Tâm rất buồn. Sự việc này đến tai đức Phật. Đức Phật cho gọi sư Hiếu Tâm đến hỏi:

– Có phải sư lấy đồ tín thí cúng dường cho sư để về nuôi người thế tục hay không?

Sư Hiếu Tâm thưa:

– Bạch đức Thế Tôn, đúng vậy ạ.

Đức Phật hỏi:

– Người đó là ai?

Sư Hiếu Tâm thưa:

– Đó là cha mẹ của con.

Đức Phật nói:

– Lành thay! Tốt thay! Trong quá khứ ta cũng đã từng nuôi cha mẹ như vậy.

Nói rồi, đức Phật kể câu chuyện tiền thân của Ngài:

Khi xưa, ở thành Ba-la-nại, có một người con trai sinh ra trong gia đình có cha mẹ đều bị mù. Ngày nào người con trai cũng vào rừng hái trái cây về cho cha mẹ ăn. Hôm đó, như thường lệ, người con trai đi vào rừng để hái trái cây, đúng lúc nhà vua xứ đó đi săn. Khi săn thú rừng, không may nhà vua đã bắn nhầm một mũi tên có tẩm thuốc độc vào anh. Người con bèn nói với nhà vua rằng:

– Tôi còn có cha mẹ bị mù, hiện đang ở tại một cái chòi trong rừng; nếu tôi có chết, xin nhà vua giúp tôi nuôi cha mẹ.

Nhà vua đồng ý và đến chỗ gia đình anh đang ở. Nghe tin, cha mẹ anh khóc như mưa. Vua dẫn hai người đến chỗ người con trai đang nằm. Nhìn thấy con mình nằm bất động, họ lại càng khóc thảm thiết hơn. May thay, trong cơn nguy kịch đó, có một thầy thuốc giỏi đi ngang qua, thấy tình cảnh ấy đã ghé lại, giải độc cho người con.

Qua câu chuyện này, đức Phật muốn nói rằng, trong quá khứ, Ngài cũng đã từng nuôi cha mẹ như sư Hiếu Tâm vậy. Rõ ràng, đức Phật luôn luôn đề cao chữ hiếu. Người bạn của sư Hiếu Tâm nghĩ rằng, sư lấy của tín thí cúng dường để nuôi cha mẹ là sai, nhưng đức Phật nói đây là tâm hiếu và việc làm của sư là đúng. Từ đó trở đi, hằng ngày, sư Hiếu Tâm tiếp tục đi khất thực về nuôi cha mẹ mình.


(*) Đại Tạng Kinh Việt Nam (2000), “Chuyện hiếu tử Sama (Tiền thân Sama)”, Chương Đại Phẩm, Kinh Tiểu Bộ IX, Thích Minh Châu dịch, NXB TPHCM.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. HOÀ THƯỢNG CUA BÁO HIẾU MẸ
  2. GIỚI THIỆU VỚI CON CÁI VỀ CHÁNH NIỆM
  3. HIỆU SÁCH LÀ “BỆNH VIỆN” CHỮA CĂN BỆNH PHIỀN NÃO

Bài viết khác của tác giả

  1. TỪ TƯỚNG XẤU THÀNH TƯỚNG ĐẸP
  2. MỘT CỬ CHỈ KHÓ QUÊN

Bài viết mới

  1. TÔI NHƯNG KHÔNG PHẢI LÀ TÔI – HT. THÍCH THÁNH NGHIÊM
  2. KORA – ĐI TRONG ÂN SỦNG
  3. SỰ HỒN NHIÊN NGUYÊN THỦY