GIỚI NGUYỆN CỦA TÌNH YÊU THƯƠNG

HE. GARCHEN RINPOCHE VIII

Trích: Ngọn Đèn Trí Huệ Tỏa Khắp

Chúng ta đang nói về tình yêu thương liên hệ đến tình mẹ. Nếu không có chấp ngã thì bạn có thể thực hành Sáu Ba La Mật trong bất cứ điều gì bạn làm. Nếu có chấp ngã, người mẹ sẽ trở nên bám chấp và nghĩ rằng “đây là đứa con của tôi”. Khi sự bám chấp đó hiện hữu thì việc tu tập của bà mẹ bị tuột mất, và cô ấy chỉ tích lũy thêm nhiều nhân của luân hồi. Sự bám chấp là nhân của khổ đau bởi vì bám nắm sẽ làm cho bà mẹ bị trói buộc, nhưng nếu tâm vị tha hiện diện thì tất cả các hành động của bà mẹ sẽ tự nhiên trở thành việc thực hiện Lục Độ Ba La Mật. Và trong thực hành trekcho, chúng ta được giới thiệu về tánh giác, và nếu tánh giác này được duy trì thì nó sẽ giải thoát tất cả mọi cảm xúc tiêu cực ngay khi chúng sinh khởi. Trong Cầu Nguyện Phổ Hiền Như Lai có nói:

Trong sự trong sáng bất tận của tánh giác, tinh túy duy nhất, sanh khởi sự phô bày của Năm trí. Từ sự hoàn thiện của năm trí tuệ này, năm gia đình Phật nguyên thủy xuất hiện, và qua trí tuệ rộng mở, bốn mươi hai vị Phật an bình xuất hiện. Do năng lực phát khởi của ngũ trí, sáu mươi vị Phật phẫn nộ (Herukas) biểu lộ.

Nếu bạn duy trì chánh niệm thì niệm tưởng trở thành trí tuệ và tất cả các cảm xúc tiêu cực trở thành mạn đà la của Bổn tôn. Tất cả những phẩm tánh này được bao hàm trong Cái thấy duy nhất. Sau đó bình giảng nói tiếp:

Các dấu hiệu của những thành quả tạm thời trong đường tu xuất hiện trong ba cửa thân-khẩu-ý của hành giả. Và mức độ tiến bộ được cho thấy trong giấc mơ của hành giả.

Như tôi đã nói ở trên, dấu hiệu về thành quả của đường tu là tâm hành giả trở nên bình an và được điều phục. Khi ngủ, hành giả có thể nhận ra giấc mộng hoặc Quang Minh của giấc ngủ sâu. Cho dù bạn không nhận ra được Quang Minh, nhưng khi thức giấc, bạn tỉnh dậy trong Cái thấy cũng là một dấu hiệu tiến bộ. Bản văn tiếp “khi bạn thấy khuôn mặt thật của ánh sáng trí tuệ tự sinh khởi – tính thanh tịnh nguyên sơ của tánh giác…” Đó là gì? Bình giảng của Khenpo Munsel giải thích:

Tinh túy của tánh giác thanh tịnh nguyên sơ là ánh sáng trí tuệ tự sinh khởi. Xác tín là các chuỗi kim cang của tánh giác. Năng lực sinh động xuất hiện như là trí tuệ sinh ra từ thiền định.

 

Khi chúng ta thiền định và nhìn chăm chăm vào hư không, đôi khi các hiện tượng khác nhau như là các khối ánh sáng trắng, các chuỗi ánh sáng vàng kim v.v. có thể xuất hiện. Đây là các dấu hiệu bên ngoài. Dấu hiệu bên trong là trí tuệ khởi sinh từ thiền định. Nhưng khi trí tuệ tăng trưởng và trở nên vô cùng sáng, hãy cẩn thận đừng trở nên bám chấp vào trạng thái này. Ví dụ khi ấy bạn không nên phô bày trí tuệ của bạn cho người khác mà thay vào đó, hãy kiềm chế bản thân khỏi việc khoe khoang hoặc tỏ ra là bạn rất hài lòng về khả năng của mình. Nếu bạn làm như thế, bạn sẽ gặp phải chướng ngại. Trong một số trường hợp đặc biệt, trí tuệ của bậc đại đạo sư tự động sinh khởi, trong trường hợp này thì không cần phải kiềm chế, nhưng điều này không phải là mối bận tâm của chúng ta – những hành giả sơ cơ. Chúng ta rất có khả năng sẽ gặp phải khó khăn bởi vì chúng ta vẫn còn bám chấp vào kinh nghiệm ví dụ như thị kiến. Vì thế bất cứ điều gì khởi hiện cũng chớ bám luyến hay mong muốn về nó, cũng không sợ hãi nó, và không đợi chờ nó. Chẳng mê thích cũng không khước từ các thị kiến v.v. Nói tóm lại, bất cứ điều gì sinh khởi, hãy duy trì chánh niệm vững vàng.

Liên quan đến việc chấp nhận hay khước từ, khi một số phẩm tánh nhất định sinh khởi từ thiền định, chúng ta thường có xu hướng yêu thích chúng và trở nên bám luyến vào chúng. Bám chấp vào kinh nghiệm như thế, cho dù là kinh nghiệm tích cực, cũng rất có hại. Sau này khi hành giả chứng ngộ được Cái thấy tối hậu thì đủ loại các hiện tướng và thị kiến sẽ xuất hiện, nhưng hành giả biết được rằng tất cả chúng đều sinh khởi từ trí tuệ. Ví dụ hành giả có thể bay trên bầu trời nhưng không được bám luyến vào điều này. Cho dù nó là gì đi nữa thì cũng không có “thích” hay “ghét”. Bám chấp vào hay mong mỏi kinh nghiệm hay thị kiến nào đó xuất hiện sẽ gây ra trở ngại cho việc thiền định của bạn. Đức Milarepa nói rằng tất cả các loại kinh nghiệm hay thị kiến cũng có thể xuất hiện trong thực hành Đại Thủ Ấn.

Bất cứ điều gì xuất hiện thì cũng không bám chấp vào nó. Đừng nghĩ rằng nó thật tuyệt vời. Nếu bạn bám chấp vào thị kiến thì thị kiến đó trở thành sự tiên tri của những ma. Dù điều gì sinh khởi thì cũng chẳng thành vấn đề – hãy cứ để chúng như chúng là. Thành tựu tâm linh chân thực sẽ không biến mất:

Khi bạn thấy khuôn mặt thật của ánh sáng trí tuệ tự sinh khởi – tính thanh tịnh nguyên sơ của tánh giác – thì năng lực của nó, là trí tuệ sinh ra từ thiền định, sẽ bừng sáng trọn vẹn. Khi đó sự rộng mở nội quán của bạn sẽ tràn đầy như con sông cuộn dâng trong mùa hè, và bản tánh của tánh không xuất hiện một cách sáng tỏ như là đại từ bi, lan tỏa khắp trong thực thể của bạn với lòng từ bi toàn khắp.

Khi ấy, từ bi vô thiên vị sẽ thay thế từ bi thiên vị và tạo tác. Bởi vì điều này nói đến pháp tánh, tiếp theo bình giảng mang chúng ta trở lại với “thiền định, hợp nhất từ bi và trí tuệ”. Một số người tin rằng có được các năng lực phi thường như thần thông là dấu hiệu của thành tựu tâm linh, nhưng thực ra đó không phải là các dấu hiệu đáng tin cậy. Dấu hiệu chân thực và tối thượng của thành tựu tâm linh là đại bi – đó là tâm từ bi bình đẳng, vô tạo tác dành cho tất cả mọi chúng sinh. Đó là thước đo chân thực của thành tựu trong thiền định. Nó giống như dấu hiệu hay biển chỉ đường để xác nhận rằng bạn đang đi đúng đường. Hơn bất cứ thứ gì khác, sự tăng trưởng của lòng từ bi chính là dấu hiệu cho thấy bạn đang đi đúng đường. Thậm chí nếu ai đó nói rằng bạn đang thực hành sai, bạn vẫn có thể vững tin bởi vì bạn có thể tự mình nhìn thấy dấu hiệu xác thực nhất của tiến bộ tâm linh chân thực là lòng đại bi.

Làm sao để phân biệt giữa lòng bi ban sơ và lòng bi trọn vẹn? Từ bi tạo tác [bởi tâm thức] thì cần đối tượng. Khi bạn thấy ai đó đau khổ, bạn khóc, nhưng khi bạn không nghĩ sâu sắc về anh ấy hay cô ấy thì bạn không thực sự cảm thấy sự đau khổ của người ấy. Đây chính là từ bi thông thường. Một cách tự nhiên chúng ta thường cảm thấy từ bi đối với người chúng ta yêu quý, và người thường phàm thường không cảm thấy từ bi hoặc cảm thấy ít từ bi khi đối tượng của từ bi không phải là người thân yêu, chẳng hạn như đó là người xa lạ. Có thể ai đó bạn không biết đang chết đói, thì một người thường phàm có thể dửng dưng đi qua. Nhưng khi ai đó bạn rất yêu thương chỉ cần chịu khổ đau thậm chí chút ít thôi, bạn cũng khởi lên nhiều từ bi cho người ấy. Nếu có sự tham dự của suy nghĩ thì đó là từ bi tạo tác. Từ bi tạo tác hiện hữu khi bạn nghĩ về hoàn cảnh, nhưng nó không hiện hữu khi bạn không nghĩ về hoàn cảnh ấy.

Đức Je Tsongkhapa nói rằng: “con xin đảnh lễ đức Quán Thế Âm, hiện thân của từ bi vô điều kiện”. Nếu bạn cảm nhận yêu thương có trong tâm bạn như là tình yêu thương bạn dành cho một người cụ thể nào đó, thì đó chỉ là cảm xúc yêu thương. Tình yêu thương vô tạo tác không cần đối tượng, nó luôn hiện diện một cách tự nhiên. Thậm chí ngay cả khi không có ai ở xung quanh để nhận lấy lòng từ bi của bạn thì tiềm năng của từ bi vô lượng vẫn luân luôn hiện hữu bởi vì bạn có Phật tánh. Phát triển khả năng để hiển lộ loại từ bi này chính là thành tựu (siddhi) hay chứng đắc tối thượng.

Bạn có thể tự xem xét liệu rằng mình đã có được thành tựu tâm linh này hay chưa. Nó là tình yêu thương không bao giờ biến mất. Bình giảng nói:

Một khi điểm cốt tủy của đường tu này – hợp nhất của tánh không mang bản chất từ bi – đạt được thì các công hạnh như đại dương của Bồ Tát, bao gồm cả con đường Sáu Ba La Mật, sẽ xuất hiện như là năng lượng tự nhiên của nó, giống như mặt trời và các tia sáng của nó.

Ở trên chúng ta đã nói rằng tên “Jigme Lingpa” trong bình giảng tượng trưng cho ánh sáng hay sự tỏa sáng, và điều này có nghĩa là tình yêu thương, hay sự hợp nhất của tánh không và từ bi. Chúng ta luôn luôn có tánh không hay vô ngã bên trong mình, nhưng chúng ta cần phát khởi từ bi. Do đó khi chúng ta thọ giới quy y, chúng ta được giới thiệu về con đường của tình yêu thương và lòng bi mẫn. Điều này sẽ dẫn chúng ta đến ánh sáng của trí tuệ và yêu thương. Bản bình giảng nói cho chúng ta biết làm cách nào để nhận ra được sự chuyển hóa này, như sau:

Bởi vì công hạnh này liên hệ đến việc tích lũy công đức, nên bất cứ điều gì bạn làm sẽ mang lại lợi ích cho người khác, giúp bạn tránh được việc tìm kiếm bình an và hạnh phúc cho riêng mình, và vì thế tránh được việc đi chệch khỏi cái thấy đúng đắn.

Sự chuyển hướng này được gọi là “tánh không có từ bi trong cốt lõi”. Bản chất rỗng không của tâm luôn luôn ở đây, giống như hư không, nhưng nó không phải là hư vô. Tánh không của tâm tỏa rạng ngời với tình yêu thương. Phương diện trống không của tâm là Pháp thân, sự tỏa rạng của tình yêu thương trong tâm là Báo thân, và sự hợp nhất của tánh không và tình yêu thương là Hóa thân. Pháp thân giống như không gian hay hư không, Báo thân giống như một đám mây, và Hóa thân giống như cơn mưa. Chúng hiển lộ để mang lại lợi ích cho tất cả chúng sinh trong sáu cõi. Tất cả những phẩm tánh này đều khởi sinh từ bản tâm duy nhất này.

Hãy xem chuông và chùy – chúng tượng trưng cho điều gì? Chùy là biểu tượng của từ bi và chuông là biểu tượng của tánh không. Đôi khi người ta đeo nhẫn và những trang sức biểu trưng cho chuông và chùy. Tất nhiên cũng có một số công đức nhất định khi đeo các trang sức như thế, bởi chúng nhắc nhở về sự hợp nhất của tánh không và từ bi, nhưng việc thực sự thực hành thì quan trọng hơn – thực hành để trải nghiệm sự hợp nhất của tánh không và từ bi. Nếu một người không hiểu được điều này và chỉ đeo trang sức thì điều đó chỉ là sự giả tạo. Tâm thực sự thực hành giới nguyện có nghĩa là trưởng dưỡng lòng bi mẫn. Thông qua thực hành chúng ta có thể hoàn thành hai tích tập là công đức và trí tuệ. Nhân là công đức dẫn đến quả là trí tuệ.

Chúng ta tin rằng có công đức trong thực hành Ba La Mật bố thí. Một người thường phàm có thể nghĩ rằng cho đi thật nhiều tiền hoặc vật chất sẽ hoàn thành thực hành bố thí. Nhưng tại sao chúng ta lại rộng lượng bố thí? Đó là bởi vì chúng ta muốn tịnh hóa chấp ngã. Tịnh hóa chấp ngã mới là kết quả rốt ráo của việc thực hành bố thí. Khi không còn chấp ngã, khi tình yêu thương và bi mẫn cho tất cả các chúng sinh khác phát khởi trong tâm bạn, thì khi ấy bố thí đã được hoàn thành, và kết quả là bạn sẽ hoàn thành sự tích lũy trí tuệ. Khi chấp ngã tan biến, tình yêu thương sinh khởi, thì đó là hoàn thành trí tuệ, là kết quả tối thượng. Khi tảng băng chấp ngã tan chảy, hành giả đạt được trí tuệ ba la mật. Thực hành sự hợp nhất của hai tích tập có nghĩa là, đầu tiên bạn phải trưởng dưỡng từ bi, và sau đó thông qua từ bi, tảng băng chấp ngã sẽ tan chảy. Nếu chấp ngã tan chảy thì một cách tự nhiên bạn sẽ nhìn thấy bản tâm một cách vô cùng sáng tỏ. Viên thành hai tích tập tức là luôn luôn duy trì trong trạng thái bất khả phân với tánh không và từ bi. Tiếp theo bình giảng viết:

Cái thấy, thiền định và công hạnh như thế là cốt tủy của tâm giác ngộ của toàn thể chư Phật quá khứ, hiện tại, vị lai. Do đó “thậm chí nếu tất cả chư Phật trong ba thời tụ hội lại cùng nhau”.

Tâm giác ngộ của tất cả chư Phật là tâm vị tha. Ví dụ, khi một vị đạo sư rất trân quý vừa mất, thường thì người ta muốn giữ lại các phần trên thánh thân Ngài, như tóc, mảnh y áo, tro hay xá lợi của Ngài. Tại sao người ta lại giữ những thứ như thế? Họ tin rằng những thứ đó mang nhiều năng lực gia trì và mang lại lợi ích thông qua việc làm giảm bớt khổ đau. Gốc rễ của khổ đau là chấp ngã, và do bởi những vị đạo sư như thế có Bồ Đề tâm, nên bất cứ phần nào của thánh thể của Ngài như là xương của họ chẳng hạn đều giống như là cam lộ lương dược cho chúng ta. Đức Phật nói rằng thậm chí xác hay xương của ai có Bồ Đề tâm cũng giống như lương dược cho chúng sinh. Năng lực chữa bệnh đến từ Bồ Đề tâm của họ. Đạo sư mà tôi đang nói đến là những vị không còn chấp ngã và có Bồ Đề tâm vĩ đại dành cho mọi chúng sinh. Ngọn lửa Bồ Đề tâm sẽ đốt cháy khúc củi chấp ngã. Chúng ta mong được kết nối với tất cả các vị Bồ tát, những người chỉ quan tâm đến phúc lạc của chúng sinh. Ví dụ đức Đạt La Lạt Ma chẳng hạn, Ngài nổi tiếng khắp nơi trên thế giới. Hầu hết mọi người coi Ngài như là một vị Bồ Tát chân thực. Và cũng có nhiều các vị Bồ Tát chân thực khác trên thế giới này, một số các Ngài thì chúng ta biết và một số chúng ta không biết. Có nhiều vị Bồ Tát trên thế giới này. Họ làm những gì? Mọi thứ họ làm là để mang lại lợi lạc và hạnh phúc cho chúng sinh. Đây là một phẩm tánh mà chúng ta cũng có thể hoàn thành. Bạn nên nghĩ rằng “tôi cũng có thể làm như thế”.

Thọ giới Bồ tát biểu lộ tâm nguyện “nguyện tôi có thể làm lợi lạc cho chúng sinh”. Nếu bạn có thể duy trì bất khả phân với mong nguyện này, bạn sẽ tích lũy công đức vô cùng lớn lao thậm chí ngay cả khi bạn ngủ, đó là bởi năng lực của giới nguyện Bồ tát. Cho dù nếu bạn có tiến hành các hoạt động thông thường, thế gian, thì mọi thứ bạn làm sẽ trở thành Sáu Ba La Mật nếu bạn có Bồ Đề tâm. Thậm chí nếu bạn nghèo khó và chẳng có gì để cho đi, nếu bạn chỉ chăm sóc được con cái và gia đình bạn, thì vẫn hãy nghĩ rằng “nguyện tôi có thể mang lại lợi ích cho chúng sinh”. Cho đi các thứ vật chất không thật quan trọng, mà bạn nên có mong nguyện được cho đi thoải mái, tự do, cho dù chỉ là một món quà nhỏ. Đây chính là bố thí. Mong nguyện không làm tổn hại chúng sinh khác là giữ giới. Nói tóm lại nếu bạn có tình yêu thương trong tim thì bất cứ điều gì bạn làm cũng sẽ tự nhiên trở thành Sáu Ba La Mật. Nếu bạn chỉ quan tâm đến bản thân và không có Bồ Đề tâm thì cho dù bạn cho đi bao nhiêu tài sản đi chăng nữa, điều đó cũng chỉ mang lại lợi ích nhỏ nhoi. Bồ Đề tâm và tình yêu thương là quan trọng nhất. Đức Milarepa đã nói rằng “Hãy thực hành công đức trong bất cứ điều gì con làm – không có phương thiện thiện xảo nào khác ngoài điều này”.

Gốc rễ của mọi đau khổ là chấp ngã, và phương thuốc duy nhất để phá hủy chấp ngã là Bồ Đề tâm. Nếu bạn luôn luôn có Bồ Đề tâm thì cho dù bạn làm việc thường phàm như đang ăn, nhưng nếu bạn ăn với tâm vị tha thì bạn đang thực sự ăn vì chúng sinh khác. Nếu bạn bám chấp vào bản ngã thì ăn sẽ trở thành hành động ích kỷ. Nếu bạn chỉ quan tâm đến chúng sinh khác, mong nguyện rằng: “nguyện bất cứ điều gì tôi làm mang lại lợi ích cho chúng sinh khác” thì khi đó bất cứ thú vui giác quan nào bạn thọ hưởng hay bất cứ điều gì bạn làm sẽ trở nên ích lợi cho chúng sinh khác. Đây chính là phẩm tánh của năng lực yêu thương, đó là một đặc tính của tâm giác ngộ duy nhất của tất cả chư Phật và chư Bồ Tát. Bất cứ điều gì chư vị làm đều vì lợi ích và hạnh phúc của chúng sinh.

Trong 100.000 đạo ca của đức Milarepa, có một câu truyện về điều này. Một lần một số vị geshe của dòng Kadampa thử thách Milarepa để kiểm tra sự hiểu biết của Ngài về Sáu và Mười Ba La Mật. Khi đó mỗi một từ mà Milarepa nói ra đều vô cùng oai lực. Điều mà Ngài nói liên quan đến hoàn thiện các phương tiện thiện xảo là “thực hành thiện hạnh công đức trong bất cứ điều gì bạn làm – không có phương tiện thiện xảo nào khác ngoài điều này”. Các vị geshe cũng hỏi Milarepa là “ngài có thật sự biết về trí tuệ ba la mật là gì không?”, và Milarepa đã trả lời rằng “hãy nhận biết bản tánh rỗng không của các cảm xúc tiêu cực trong bạn – không có trí tuệ ba la mật nào khác ngoài điều này”. Khi bạn nhận biết bản tánh của các cảm xúc tiêu cực thì bạn thấy rõ rằng, bản thân chúng chính là tánh giác. Vì vậy mà đức Milarepa đã nói “ta không thấy thức, ta chỉ thấy trí tuệ”. Khi bạn chứng ngộ bản tánh của thức thì đó là trí tuệ. Một dấu hiệu cho thấy hành giả đã thấy trực tiếp bản tâm là hành giả chứng ngộ được bản chất rỗng không của các cảm xúc tiêu cực. Một số bạn đã tu tập và có được mức độ kinh nghiệm nhất định về điều này. Trước đây một trong số các bạn đã nói rằng “khi con nhìn vào cơn giận khởi lên, con thiền định và rồi cơn giận biến mất đi”. Khi tôi nghe thấy như vậy, tôi rất vui và tôi rất biết ơn bạn vì sự nhận biết và chia sẻ này. Tôi có thể trả lời nhiều câu hỏi của các bạn, nhưng nếu có được kinh nghiệm cá nhân trong thực hành thiền định thì điều này có sức mạnh hơn là chỉ lắng nghe các câu trả lời. Vì vậy đức Milarepa đã dạy rằng “hãy nhận ra bản tánh rỗng không của các cảm xúc tiêu cực trong bạn – không có trí tuệ ba la mật nào khác ngoài điều này”.. Khả năng giải thoát cảm xúc tiêu cực là dấu hiệu không sai chệch thể hiện trí tuệ.

Đây là tâm duy nhất của tất cả các đại đạo sư: tất cả các ngài Garab Dorje, Jigme Lingpa, Longchen Rabjam và Milarepa đều dạy chỉ điều này. Không có sự khác nhau giữa cái thấy của Đại Thủ Ấn và Đại Toàn Thiện. Một khi bạn đã chứng ngộ được bản tâm, bạn sẽ hiểu được tất cả. Ba lời tuyên thuyết được bao hàm trọn vẹn trong Cái thấy.

Nếu bạn luôn luôn duy trì chánh niệm và tỉnh giác trong mọi hoạt động của mình thì mọi việc bạn làm sẽ tự nhiên trở thành Sáu Ba La Mật. Có Lục Độ Ba La Mật bên ngoài, bên trong và bí mật. Lục Độ Ba La Mật bên ngoài liên hệ đến các công hạnh chung như thực hành bố thí, trì giới, kham nhẫn v.v. Những thực hành này là hành xử của Biệt Giải Thoát thừa hay Tiểu thừa, là để giúp trở nên an bình và được điều phục. Những hành xử bên ngoài cần phù hợp với các giới Biệt Giải Thoát. Ở mức độ bên trong, chúng ta cần phải duy trì Bồ Đề tâm. Nếu tình yêu thương và lòng bi mẫn luôn luôn được duy trì trong tâm bạn trong suốt sáu thời cả ngày lẫn đêm thì bất cứ điều gì bạn làm cũng sẽ tự nhiên trở thành thực hành Lục Độ Ba La Mật.

Khi ngài Drubwang Rinpoche ban quy y và gia trì cho nhiều người thì thực sự là ngài không bao giờ nói gì nhiều. Tất cả những gì ngài thực sự nói là “nguyện cho mọi chúng sinh được lợi lạc”. Tôi hiếm khi nghe ngài nói điều gì khác. Một lần ngài đặt tay ngài lên đỉnh đầu tôi và nói “nguyện cho mọi chúng sinh được lợi lạc”. Đó là tất cả những gì ngài nói. Đó là trí tuệ của Bồ Đề tâm, theo Bồ Tát thừa. Ở mức độ bí mật, Lục Độ Ba La Mật là chứng ngộ được cái thấy tối hậu về sự hợp nhất của ta và người. Xét ở góc độ này thì không có sự nhị nguyên giữa người trưởng dưỡng từ bi và chúng sinh được cho là đối tượng của từ bi. Hành giả chứng ngộ rằng tất cả mọi chúng sinh là một, và rằng thông qua việc loại trừ được bám chấp nhị nguyên thì một cách tự nhiên, chúng sinh sẽ tìm được giải thoát. Cầu Nguyện Phổ Hiền Như Lai nói rằng “chúng sinh sẽ được giải thoát một cách tự nhiên”. Cho dù nếu họ không mong muốn giải thoát nhưng nếu họ đã làm tan chảy tảng băng chấp ngã thì giác ngộ sẽ tự nhiên sanh khởi. Bản chất của tảng băng là nước. Nghiệp và các dấu ấn tạm thời che chướng tâm của chúng sinh, nhưng bất cứ khi nào tâm trở nên thanh tịnh thì cuối cùng họ cũng sẽ trở thành Phật. Lục Độ Ba La Mật bí mật đã
được giải thích. Bản văn nói tiếp:

Đỉnh cao chiến thắng của tất cả các thừa, điểm cốt tủy của con đường Tâm Yếu Kim Cang của Tinh Túy Tâm (Nyingtig Dorje Nyingpo), và do bởi các mức độ ý nghĩa bí mật và giữ kín của Mật Thừa nay đã được hiển lộ hoàn toàn, nó là tinh túy của tất cả mọi thành quả không gi vượt hơn điều này.

Tất cả mọi chỉ dẫn đều được trọn vẹn trong những tuyên thuyết cô đọng này.

Liên quan đến “tâm yếu kim cang của tinh túy tâm”, điều này có nghĩa là, cũng giống như chất dinh dưỡng là tinh túy của thức ăn, bơ là tinh túy của sữa, mật ong là tinh túy của hoa, Phật quả (Buddhahood) là tinh túy của dòng tâm thức của mọi chúng sinh, thì tương tự như thế, chỉ dẫn này là tinh túy của tất cả các thừa. Chẳng có gì cao hơn giáo pháp này.

Các Đạo hữu, tôi muốn chia sẻ một câu chuyện cá nhân của tôi với các bạn. Khi tôi còn trẻ, tôi thực hiện nhập thất đức Liên Hoa Sanh Guru Rinpoche tại tu viện. Nghi quỹ tôi thực hành trong kỳ nhập thất ghi rằng, mặc dù có hàng ngàn pháp tu và các nghi quỹ thực hành, nhưng nghi quỹ tôi đang thực hành là tối thượng trong số tất cả – là tinh túy của mọi nghi quỹ. Lúc đó tôi thực sự ngạc nhiên về điều này. Sau đó tôi đã tu tập một nghi quỹ khác [trước tác] bởi ngài Chokling Lingpa. Khi đó chúng tôi lại được cho biết rằng nghi quỹ trân quý nhất là nghi quỹ đang ở trong tay chúng tôi. Trong vô vàn các nghi quỹ thì bản nghi quỹ của chúng ta nói rằng, chẳng có gì cao hơn nghi quỹ ấy. Tôi thực sự đã khởi lên hoài nghi: Đức Liên Hoa Sanh đã nói gì? Đầu tiên Ngài nói rằng nghi quỹ trước là quý giá nhất trong tất cả các nghi quỹ. Khi chúng tôi thực hành một nghi quỹ khác thì nghi quỹ đó lại được coi là quý giá nhất. Tôi có một số hoài nghi và đã hỏi Đạo sư của tôi, ngài Chime Dorje, thì ngài đã trả lời rằng “thật ra con đã nhầm. Nếu con thật sự biết cách thực hành thì con sẽ hiểu rằng, bất cứ một pháp tu nào đều chứa đựng tinh túy của tất cả các pháp cách thực hành thì con sẽ hiểu rằng, bất cứ một pháp tu nào đều chứa đựng tinh túy của tất cả các pháp tu khác”.

Điều tương tự cũng đúng đối với Đại Toàn Thiện: không có pháp tu nào cao hơn. Nhưng cái được nói đến ở đây là, bạn có thể chứng ngộ được bản tâm thông qua thực hành này, và một khi bạn đã viên thành được điều này thì chẳng có gì khác nữa để viên thành cả. Do đó, điều tương tự cũng đúng đối với thực hành Đại Thủ Ấn. Khi bạn chứng ngộ được bản tâm thì chẳng có gì khác hơn để viên thành.

Thường thì các hành giả trở nên bám luyến vào chính dòng truyền thừa hay phương pháp thực hành của họ, và nghĩ rằng, chẳng có cái gì tốt hơn. Nhưng khi ấy họ đã rơi vào cái nhìn thiên vị và nghĩ rằng “dòng truyền thừa của tôi là tốt hơn của người khác”. Điều này thực sự là sai lầm. Cho dù bạn thực hành pháp gì chăng nữa, nếu bạn thực hành một cách đúng đắn thì bạn sẽ đạt được giác ngộ chỉ thông qua một pháp thực hành đó của bạn. Hãy xem xét điều này một cách kỹ lưỡng: dù bạn thực hành hành pháp gì, hãy thực hành với tri giác thanh tịnh tự do khỏi mọi thiên vị. Sự thực hành đặc biệt Đại Toàn Thiện này được trình bày theo cách dễ để thực hành theo, và vì thế nó mang đầy năng lực và thật quý báu. Dù gì đi chăng nữa, tôi hy vọng rằng lời khuyên tâm yếu của tôi có thể mang lại lợi ích cho các bạn.

Về thành quả rốt ráo của mọi thực hành Pháp, đức Gampopa nói rằng, việc phát khởi được công đức vô khái niệm trong một khoảnh khắc thì còn tốt hơn là việc tích lũy các công đức dựa trên khái niệm trong nhiều đại kiếp. Điều này không có nghĩa là các công đức dựa trên khái niệm không mang lại lợi lạc. Ở các quốc gia khác nhau có nhiều dạng thực phẩm khác nhau và nhiều cách để chế biến nhưng rốt ráo thì tất cả các loại thực phẩm đều có chung một mục đích, đó là để nuôi dưỡng cơ thể nhằm
duy trì cuộc sống. Rốt ráo của mọi thực hành pháp là để loại bỏ chấp ngã và các cảm xúc tiêu cực. Tương tự như thế, dù bạn thực hành Pháp nào đi chăng nữa thì mọi pháp tu là để tịnh hóa tâm. Khi các cảm xúc tiêu cực phát khởi và bạn trài nghiệm các khó khăn, bệnh tật, ốm đau, hay cảm thấy tâm không an lành, thì bạn nên hiểu rằng nếu bạn để cho các cảm xúc tiêu cực kiểm soát để rồi hành động theo các cảm xúc đó thì những hành động ấy sẽ dẫn tới các hậu quả trong tương lai.

Điều quan trọng nhất mà đức Phật đã nói là “hoàn toàn điều phục tâm mình”. Bạn nên luôn luôn ghi nhớ về dòng chữ này. Khi đó cho dù bạn thực hành pháp tu nào, thậm chí đó là một pháp tu rất thâm sâu, thì bạn cũng sẽ luôn nhớ rằng mục đích của pháp tu ấy là để tịnh hóa tâm của chính bạn.

Đức Longchen Rabjam đã nói rằng khi bạn đã chứng ngộ được bản tâm thì không còn sự tu học nào vĩ đại hơn điều ấy. Khi tôi nghe được như vậy tâm của tôi trở nên thảnh thơi. Trước khi nghe được về điều ấy, tôi vẫn thường cảm thấy hơi buồn bởi vì mình không phải là một học giả. Nhưng sau khi đã được nghe như vậy, tôi cảm thấy được khích lệ để đi vào thực hành. Cho dù tôi không hoàn thành việc nghiên cứu tất cả các kinh điển, thiền định của tôi bao hàm mọi ý nghĩa trong kinh điển. Thật ra thiền định dễ hơn là nghiên cứu. Đức Milarepa cũng nói một điều tương tự, đó là “Hãy chứng ngộ bản tâm –không có trí tuệ ba la mật (sự toàn thiện của trí tuệ) nào khác ngoài điều ấy”. Tất cả các vị Đạo sư ấy giống như một người cùng nói về một thứ.

Tất nhiên là các hoạt động bên ngoài về thân và khẩu cũng mang lại lợi lạc. Ví dụ trồng một bông hoa bên cạnh bảo tháp là một hành động thiện lành nhỏ bé nhưng nó có tác động mạnh mẽ. Kết quả là các đời vị lai người ấy sẽ có được một thân tướng hấp dẫn và có mùi thơm. Tuy nhiên rốt ráo thì chúng ta cần phải giải thoát tâm mình. Khi tâm thức được giải thoát, hành giả nhận ra rằng tâm chính là Pháp thân. Từ Pháp thân thì hai Sắc thân biểu lộ: đó là Báo thân và Hóa thân. Tâm Pháp thân của tất cả chư Phật cùng đồng là một. Những phẩm tính đó cũng hiện hữu trong tâm của bạn, và nếu bạn tịnh hóa tâm mình thì bạn sẽ đạt được những phẩm tính đó. Cho dù bạn không thực hành nhiều pháp tu phức tạp khác, tịnh hóa tâm vẫn là pháp tu quan trọng nhất.

Đức Phật dạy bốn dòng quan trọng “Hãy thực hành hoàn hảo thiện hạnh. Không phạm ác hạnh. Hoàn toàn điều phục tâm mình. Đây là giáo pháp của Phật”. Những dòng trên có thể được tóm gọn lại trong một dòng duy nhất “hoàn toàn điều phục tâm mình”. Nếu bạn luôn nhớ đến điều này thì cho dù bạn làm gì – thậm chí chỉ là tụng một câu minh chú Mani – thì cũng trở thành rất lợi lạc và có sức mạnh lớn. Đây là kinh nghiệm sâu sắc nhất mà cá nhân tôi đã có được từ việc tu hành. Các Đạo hữu, tôi yêu cầu các bạn hãy luôn nhớ tới dòng này “hoàn toàn điều phục tâm mình”. Không có chỉ dẫn nào cao hơn điều ấy.

Tiếp theo phần kết trong bình giảng của Khenpo Munsel Rinpoche có nói rằng:

Chân nghĩa của những gì được thể hiện trong chỉ dẫn này chắc chắn là tâm yếu của các chỉ dẫn cốt lõi của dòng truyền thừa. Ngay cả những dòng chữ để diễn tả nó, đôi chút từ ngữ này, cũng nên được khởi sinh từ sức mạnh của tánh giác. Như vậy, “Bởi bậc khai mật tạng Pháp thân, sức mạnh của tánh giác [xuất hiện]”. Tôi không có kinh nghiệm nhỏ nhất nào, nhờ trí huệ sanh từ thiền định, của nghĩa thực sự sau những lời này. Tuy nhiên thông qua lắng nghe những giáo huấn truyền khẩu không tỳ vết từ Đạo sư thiêng liêng, tôi rũ bỏ được tất cả những không chắc chắn với trí tuệ sinh ra từ việc lắng nghe, sau đó đi đến chỗ hiểu biết rốt ráo nương vào trí tuệ sinh ra từ suy ngẫm, từ đó tôi đã viết bản văn “Một kho tàng được phát hiện từ pháp giới bao la của trí tuệ”.

Nếu bạn cũng thực hành pháp này thì bạn sẽ có được những trải nghiệm cá nhân, điều ấy sẽ làm sâu sắc sự hiểu biết của bạn. Sau đó văn bản nói rằng:

Đây không giống bất kỳ kiểu kho báu thế gian mà chỉ có thể mang được sự trợ giúp tạm thời khỏi nghèo khó. Chỉ dẫn này xua tan mọi suy hoại của [hai thái cực] hiện hữu (sanh tử) và an lạc (niết bàn). Vì thế “nó chẳng có gì giống như kho tàng trong đất và trên đá”.

Những chất liệu quý giá như vàng, bạc hay những kho báu khác chỉ mang lại lợi lạc cho cuộc đời này, trong khi những chỉ dẫn này mang đến sự giải thoát được gốc rễ của khổ đau trong tất cả các cuộc đời vị lai, ở cả hai mức độ – tạm thời và rốt ráo. Tạm thời hành giả sẽ được tái sinh trong các cõi cao, và rốt ráo hành giả sẽ đạt được giác ngộ. Bản văn nói tiếp:

Ba điểm cốt tủy về cái thấy này, được biết đến như là “Ba lời tuyên thuyết chỉ thẳng vào điểm Tinh yếu” được trao truyền bởi đức Garab Dorje [trong dạng] Hóa thân, từ trong một khối ánh sáng trên bầu trời vào thời điểm Ngài nhập đại Niết bàn, trao cho đạo sư vĩ đại Manjusrimitra. Đây là các chỉ dẫn cốt lõi mà qua đó tâm của hai vị hòa làm một. “Đây là di chúc cuối cùng của Garab Dorje”. Thông qua sự chứng ngộ được điểm cốt tủy của chỉ dẫn này mà Pháp vương Longchen Rabjam toàn tri đã đạt được tâm giác ngộ thanh tịnh nguyên sơ trong cuộc đời ngài, với kết quả là mọi hiện tướng đều cạn kiệt. Các dấu hiệu của việc đạt được giác ngộ trong thân trung ấm hiển lộ trực tiếp, ví dụ như xá lợi thân, xá lợi thanh tịnh, thân cầu vồng, mặt đất rung chuyển, các âm thanh vang dội v.v. Đạt giác ngộ ở mức Phật quả trọn vẹn trong cuộc đời Ngài chính là sự viên thành trọn vẹn dòng truyền thừa tâm của chư Phật. Qua sự hoàn thành dòng truyền thừa tâm của chư Phật, Ngài – đức Longchen Rabjam – đã hiển lộ mình một cách trực tiếp trong thân trí tuệ cho đức trì minh vương Vidyadhara Jigme Lingpa và những ban phước thông qua phương cách của dòng truyền thừa dấu hiệu của các đấng trì minh vương.

Điều này rất sâu sắc, các Đạo hữu của tôi. Khi đức Milarepa chuẩn bị nhập đại niết bàn, nhiều đệ tử của Ngài kêu than “Xin đừng từ bỏ chúng con, xin Ngài đừng chết!”. Khi ấy đức Milarpa đã nói với họ rằng: “Đừng lo, ta thực sự không thể chết, chỉ thân ta chết đi còn tâm ta không bao giờ có thể chết. Tâm ta sẽ luôn hòa khắp với năm nguyên tố, và bất cứ ai nghĩ đến ta, ta sẽ luôn luôn ở bên người ấy”. Điều này cho thấy rằng chính sự tín tâm và lòng sùng mộ là thứ nối kết chúng ta với Đạo sư. Ví dụ, sau khi đức Naropa mất, một lần Ngài đã lại xuất hiện trước Marpa do bởi lòng sùng mộ lớn lao của Marpa. Sự kết nối giữa Đạo sư và đệ tử là sự kết nối của tình yêu thương và tin tưởng lẫn nhau. Khi chúng ta thiền định, tâm chúng ta sẽ luôn luôn cùng nhau. Do tâm của chúng ta kết nối với nhau nên Đạo sư có thể mang lại lợi ích cho đệ tử và đệ tử cũng có thể mang lại lợi ích cho Đạo sư.

Đến lượt mình, ngài (Jigme Lingpa) trao truyền những chỉ dẫn này từ khẩu của ngài đến tai của vị đạo sư gốc từ ái của tôi là đức Jigme Gyalwe Nyugu theo phương cách của dòng truyền thừa qua khẩu truyền.

Ngay trong phần đầu bản văn này đã nói rằng, một vị Đạo sư là hiện thân cho cái thấy (ngài Longchen Rabjam), một vị Đạo sư hiện thân cho thiền định (ngài Jigme Lingpa), và một vị hiện thân cho công hạnh (ngài Gyalwe Nyugu). Công hạnh là mầm non của chư Phật vị lai và ở đây nói đến vị Đạo sư cuối cùng là ngài Gyalwe Nyugu. Và bản văn tiếp:

“Chỉ dẫn này là cam lộ tinh yếu của ba dòng truyền thừa.” Những chỉ dẫn cốt lõi như thế này giống như vàng ròng, như cốt lõi trái tim. Sẽ là sự tổn thất lớn lao nếu truyền giảng các chỉ dẫn này cho người không áp dụng vào thực hành. Nhưng cũng là sự tổn thất lớn lao nếu không dạy nó cho người trân trọng các chỉ dẫn ấy như chính cuộc đời của họ, những người có thể thực hành ý nghĩa tinh túy của các chỉ dẫn và có thể đạt dược Phật quả trong một đời.

Những chỉ dẫn này cần phải được trao cho tất cả những ai mong muốn thực hành chúng. Tôi không biết nhiều, nhưng tôi có thể trao cho các bạn lời khuyên tâm yếu của mình về điều này. Sẽ là không đúng nếu cất giấu những chỉ dẫn này đối với những ai thực tâm mong muốn thực hành. Và tuy không hạn chế nhưng các chỉ dẫn này cũng không nên được trao truyền cho những người chỉ xuất phát từ sự tò mò vu vơ. Và cũng không thích hợp khi áp đặt các giáo huấn này lên những người không quan tâm đến nó. Bình giảng cho chúng ta lời khuyên rõ ràng về việc những giáo huấn này nên được sử dụng như thế nào:

“Như vậy, nó được giao phó cho các đệ tử tâm truyền của tôi, được niêm phong ẩn mật; nó là chân lý thâm diệu và là lời khuyên từ trái tim của tôi”, chân lý cốt tủy là “đừng bỏ qua điểm tinh túy của chân lý này!”. Đừng để cho chỉ dẫn này bị mất đi! Đến đây đã hoàn thành bình giảng ngắn gọn về “Giáo huấn đặc biệt của người Trí và nhà Vua quang vinh”. Công đức!

“Đừng để cho chỉ dẫn này bị mất đi” có nghĩa là bạn cần phải thực hành chỉ dẫn này một cách liên tục cùng với chánh niệm. Đặc biệt, khi bạn trải nghiệm khó khăn và đau khổ, và khi cảm xúc tiêu cực phát khởi, là lúc bạn cần đưa vào áp dụng những chỉ dẫn này. Và như chúng ta đã đề cập từ trước, những điểm quan trọng nhất của thực hành này bao gồm: trưởng dưỡng tín tâm nơi Tam Bảo, và tri giác thanh tịnh, nhớ nghĩ đến các Đạo sư của dòng truyền thừa với lòng thành kính và sùng mộ, trưởng dưỡng từ bi đối với chúng sinh. Cảm ơn các Đạo hữu. Cho dù chúng ta có cách xa về mặt vật lý nhưng thực sự chúng ta không bao giờ xa cách vì trong tâm không có khoảng cách. Bây giờ các bạn đều đã hiểu về bản tâm. Nếu các bạn tin tưởng vào bản tâm và phát khởi tình yêu thương thì tất cả chúng ta thực sự có thể mang lại lợi ích cho nhau. Tôi chia sẻ những chỉ dẫn này dựa trên kinh nghiệm cá nhân của mình với suy nghĩ rằng chúng có thể mang lại lợi ích cho các bạn. Bởi gì tôi luôn luôn thiền định cho nên nếu bạn cũng thiền định với lòng tin thì tâm chúng ta sẽ cùng nhau. Nếu bạn tin tưởng, bạn sẽ cảm nhận được sự kết nối này.

Khi nói về tâm thì thật sự không có sự khác nhau giữa chúng ta. Do đó điều rất quan trọng là cần nhớ về thứ giúp giữ chúng ta kết nối với nhau và thứ sẽ làm chúng ta chia cách. Thứ giữ chúng ta kết nối với nhau chính là giới nguyện yêu thương. Xuyên qua các cuộc đời và thậm chí sau khi chúng ta chết đi, chúng ta sẽ không gặp lại nếu những mối dây kết nối – là tình yêu thương – bị cắt. Vì thế hãy bảo vệ giới nguyện samaya) này. Chúng ta kết nối với nhau giống như những tràng hạt trên một chuỗi tràng. Nếu chúng ta cắt đi sợi dây yêu thương, chúng ta sẽ không gặp lại nhau trong các đời vị lai. Vì thế hãy cẩn thận và đừng để cho giới nguyện của bạn bị suy thoái. Khi ấy chúng ta sẽ hội ngộ từ đời này sang đời khác cho đến tận khi đạt được giác ngộ. Xuyên qua các cuộc đời, chúng ta sẽ giúp đỡ lẫn nhau. Đặc biệt những ai đã quy y với tôi, chúng ta sẽ không bao giờ chia cách.

Điều rất quan trọng là chúng ta cần giữ được giới nguyện này giữa các đệ tử, bạn bè, và với Đạo sư v.v. Quan trọng là bạn đừng phá vỡ giới nguyện này – nó bao hàm tình yêu thương của chúng ta cho gia đình, cho các bạn bè không theo đạo Phật, cho các Đạo hữu tâm linh, cho Đạo sư, và cho tất cả mọi người khác. Hãy trì giữ giới nguyện này một cách cẩn thận bởi vì nếu bạn không bảo vệ giới nguyện này, bạn sẽ chịu tổn hại, và Đạo sư của bạn cũng chịu tổn hại. Vì thế điều rất quan trọng là chúng ta cần trì giữ giới nguyện của chúng ta một cách cẩn trọng. Giữ gìn sự trân quý của giới nguyện của chúng ta trong tâm, tôi cầu nguyện rằng chúng ta sẽ tiếp tục gặp lại nhau từ đời này qua đời khác.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. THỰC HÀNH BỒ ĐỀ TÂM
  2. PHÁT BỒ ĐỀ TÂM
  3. BỒ ĐỀ TÂM TƯƠNG ĐỐI VÀ BỒ ĐỀ TÂM TUYỆT ĐỐI

Bài viết khác của tác giả

  1. CÔNG HẠNH – NGỌN ĐÈN TRÍ HUỆ TỎA KHẮP
  2. BUÔNG BỎ BÁM CHẶT VÀO CUỘC ĐỜI NÀY
  3. KHAI THỊ SỐ 13: CHUẨN BỊ CHO CÁI CHẾT

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP