GIỮ BÍ MẬT LÀ MỘT HÌNH THỨC TU DƯỠNG

ĐẠI SƯ TINH VÂN

Trích: Pháp Môn Hạnh Phúc; Nguyễn Phố dịch; NXB. Lao Động

—–???—–

Thái tử Đan nước Yên và dũng sĩ Điền Quang mưu giết Tần Vương. Điền Quang tiến cử Kinh Kha, thái tử Đan căn dặn: “Việc này quan hệ đến sự mất còn của nước Yên, cốt giữ bí mật”. Điền Quang nhận lời, sau khi về nhà liền tự sát; ông ta dùng cách này để chứng tỏ mình không được tiết lộ bí mật ấy.

Con người ở đời có việc chung, việc riêng, việc chung nên để cho mọi người biết, việc riêng không nên để cho mọi người biết. Giữa bạn bè với nhau cũng có những bí mật, đôi bên biết bí mật của nhau càng nhiều thì tình bạn càng gắn chặt. Cho nên bạn tốt của nhau thì cần có bổn phận phải giữ gìn bí mật cho đối phương. Khi một người cảm thấy giữ bí mật vui sướng hơn là tiết lộ bí mật thì đó là người rất chín chắn.

Thế nhưng, trên thế gian này có bí mật thật sự không? Con người nói chung, khi gặp người để nói chuyện thì đều nói: “Tôi có bí mật này nói với anh, nhưng xin anh đừng nói với người khác nhé!”. Người nghe ấy sau đó lại đem nói với một người thứ ba rằng: “Tôi có một bí mật nói với anh, anh không được nói lại với người khác đấy”. Cứ qua tai nhiều người như vậy trong một thời gian, thì điều gọi là bí mật dĩ nhiên mọi người trong thiên hạ đều biết.

Lan truyền bí mật là một khuyết điểm của tính cách con người, mỗi cá nhân đều có một số chuyện kín bên trong nhằm biểu hiện nét đặc thù của thân phận mình, họ có biện pháp của riêng mình; còn tiết lộ bí mật cũng có thể là để thể hiện uy quyền của mình, cho nên tình trạng tiết lộ bí mật là rất phổ biến. Ngay như trong “Lục Tổ Đàn kinh”, sau khi đệ tử nghe Lục Tổ giảng kinh, có người còn hỏi: “Ngoài ra còn có bí mật gì nữa không?”. Lục Tổ đáp: “Bí mật ở bên cạnh của các vị!”. Qua đó, có thể thấy ưa thích điều bí mật, kín đáo chính là bản tính của con người!

Có người thích dò hỏi điều bí mật, có người hẳn không được xa rời những việc cơ mật. Bởi vì biết bí mật của người khác, đôi lúc vướng phải điều thị phi, thậm chí còn mang họa vào thân, cho nên người ta cố sức tách ra khỏi những câu chuyện, những lời bàn, những công việc bí mật của người khác; nếu là việc bí mật, cố gắng ít tham dự vào, đó cũng là điều khôn ngoan để bảo toàn thân mạng.

Gọi là giữ bí mật và không giữ bí mật, tức là hay nói và không hay nói. Mọi sự có thể nói cho người khác mà không nói, gọi là “thất nhân”, mọi sự không nên nói cho người khác mà nói, gọi là “thất ngôn”. Chuyện bí mật của mình không đem lan truyền rộng, đó gọi là tu dưỡng; chuyện bí mật của người khác lại truyền lan rộng ra quá mức, đó gọi là thất đức. Giữ bí mật và lộ bí mật chính là ở chỗ đó!

Lời trích từ sách “Thái Căn Đàm”

Tiền bạc mất đi có thể kiếm lại, danh dự mất đi mãi mãi không trở lại. Cho nên làm người ở đời cần để lại những lời tốt đẹp (khẩu đức), đặc biệt là những việc làm thiện đức cho đời sau (âm đức).

—–???—–

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. LỄ TRƯỞNG THÀNH
  2. LỢI ÍCH CỦA TINH THẦN TU TẬP
  3. KHÔNG SỢ CHÊ BAI

Bài viết mới

  1. NẾU MỘT THẤT BẠI KHÔNG MANG TỚI CẢM GIÁC ĐAU ĐỚN, KHÓ CHỊU GÌ, NÓ SẼ BỊ LỜ ĐI
  2. VƯỢT LÊN CHÍNH MÌNH
  3. THỰC HÀNH TRONG ĐỜI SỐNG THƯỜNG NHẬT