LỢI ÍCH CỦA TINH THẦN TU TẬP

ĐẠI SƯ TINH VÂN

Trích: Pháp Môn Hạnh Phúc; Nguyễn Phố dịch; NXB. Lao Động

—–💦🍁💦—–

Thời tự tại – Mệnh tự tại; Chỗ tự tại – Tâm tự tại;

Vật tự tại – Xả bỏ tự tại; Khắp nơi tự tại – Nghiệp tự tại,

Lớn nhỏ tự tại – Sống tự tại; Có không tự tại – Tâm tự tại;

Động tĩnh tự tại – Tin tưởng tự tại; Sâu cạn tự tại – Nguyện tự tại,

Vô ngại tự tại – Các pháp tự tại; Không tự tại cũng tự tại – Trí tự tại.

Phật giáo không chỉ nói đến kiến thức, luân lý, tín ngưỡng thành kính, đạo đức tốt đẹp, chính yếu nhất là luôn coi trọng thực tiễn, mà còn nói đến tu tập. Kinh “Kim Cang” có câu: “Gọi là Phật pháp tức là không phải Phật pháp”. Lại nói: “Gọi là tất cả các pháp đều là Phật pháp”. Tôi cảm thấy hai câu kinh văn này vô cùng thấm thía tận đáy lòng, hàm nghĩa rất sâu sắc. Thử diễn giảng hai câu kinh văn ấy như sau: Là Phật pháp đấy, nhưng có lúc không phải là Phật pháp; ngược lại, không phải Phật pháp, nhưng có lúc lại là Phật pháp. Ví như niệm Phật là Phật pháp, lạy Phật là Phật pháp, tụng kinh, ngồi kiết già, bố thí, giữ giới đều là Phật pháp. Nhưng nếu khi bạn đang niệm Phật, lạy Phật, tụng kinh, ngồi kiết già, bố thí, giữ giới mà trong tâm vẫn khởi vọng tưởng, khởi tham sân si, hoặc nếu khi bạn đang bố thí mà lòng vẫn ôm giữ tham danh cầu tiếng thì lúc ấy là Phật pháp cũng không phải là Phật pháp nữa.

Con người ngày càng coi trọng tinh thần tu tập, tôi cho rằng dùng phương cách của Phật pháp để tu luyện tinh thần là một lối tu hành rất tốt. Tu tập có rất nhiều điều lợi ích, tôi gom thành sáu loại dưới đây:

💦 1. Rèn luyện thân tâm khỏe mạnh.

Tu tập có thể làm cho thân tâm mạnh mẽ, vững vàng. Ví như lạy Phật, thức dậy lạy Phật, trước khi đi ngủ lạy Phật là một cách vận động thân thể tốt nhất. Như sau khi ăn cơm đi tản bộ giúp cho việc tiêu hóa, “sau bữa cơm đi bách bộ, sống đến chín mươi chín tuổi”; hoặc như đến các chùa ở trên núi để lễ Phật, một là để gần gũi với thiên nhiên, thư giãn tinh thần, hai là để tăng thêm niềm tin, kết rộng duyên lành.

Xưng danh niệm Phật là một phương pháp kỳ diệu để tu tâm dưỡng tính. Ví như khi chờ xe buýt chẳng hạn, thay vì sốt ruột chờ xe lâu đến, chi bằng tĩnh tâm niệm Phật, không chút nôn nóng tức giận. Ngồi kiết già, tĩnh tâm quán chiếu đều là phương pháp tốt nhất để làm trong sạch tư duy.

Tin tưởng đạo Phật không phải xem đó là thứ thuốc thần diệu. Những đòi hỏi vô lý của con người nói chung đều cho rằng một khi đã có tín ngưỡng thì không có đau khổ, không có chết chóc. Thực ra, đau khổ phiền não, sinh lão bệnh tử là hiện tượng tự nhiên của người đời. Nhưng có tín ngưỡng, có tu hành thì sức mạnh của thân tâm trở nên mạnh mẽ, nhờ đó không còn sợ cái khổ của sinh lão bệnh tử, như chứng được quả A La Hán, ăn một ngày một bữa, nằm ngủ dưới gốc cây, bên núi ven sông tiêu dao tự tại. Nguyên nhân là sau khi tu hành, sức đề kháng của thân tâm tăng mạnh, dù có thiếu thốn vật chất, dù có tai ương khổ nào cũng đều chịu đựng được. Nếu không tu hành, thì tâm lực mềm yếu, thấy người khác có cuộc sống giàu sang với xe hơi nhà lầu, trong lòng không chịu nổi những mê dụ vật chất, do đó khổ não càng thêm tăng. Cho nên có thể nói tu hành làm cho thân tâm thêm mạnh mẽ, vững vàng.

💦 2. Làm trong sạch phiền não, tập khí.

Con người có vô số những phiền não lớn nhỏ giống như cát sông Hằng, nếu không tu hành thì không có cách gì có thể đối trị. Tập khí cũng vậy. Cho nên có điều rằng “núi sông dễ chuyển, bản tính khó dời”, muốn làm trong sạch những tập khí ấy, chỉ có tu hành mới là phương cách căn bản nhất.

Khi bạn phiền não, nên làm thế nào để đối trị? Nên tụng kinh, lạy Phật, quán tưởng lòng khoan dung đại độ của đức Phật, hoặc lớn tiếng niệm Phật, dựa vào lực từ bi của Phật để tiêu trừ phiền não của bạn. Khi bạn lạy Phật, chuyên chú một lòng, đầu tuy cúi xuống, nhưng tâm hồn lại thăng hoa. Khi bạn lạy Phật mà được pháp hỷ thì vô minh phiền não cũng nhân đó mà tiêu trừ sạch hết. Một người không biết tu hành, khi phiền não nổi lên, không thể tự trấn, do đó mà sinh ra tức giận, tranh chấp với người khác, trong trường hợp này phiền não không những không thể tiêu trừ mà tức giận cũ vẫn còn đó, rồi lại thêm buồn phiền mới. Trong phẩm “Phổ môn”, đức Phật nói với Bồ tát Vô Tận Ý rằng: “Nếu có vô số trăm ngàn vạn triệu chúng sinh đang chịu nhiều phiền não, nghe Quan Thế Âm Bồ tát này một lòng xưng danh, Quan Thế Âm Bồ tát lập tức xem xét tiếng nói kia, đều được giải thoát”. Tu hành có thể đem lại rất nhiều lợi ích.

💦 3. Gặp được Tam bảo gia hộ.

Người tu hành, mắt không nhìn láo liên, tai không nghe bậy bạ, miệng không nói lung tung, tâm không nghĩ xằng bậy, thân không làm điều xấu. Khi ba nghiệp thân khẩu ý thanh tịnh, dù không có ánh sáng dịu lành của Tam bảo gia hộ, nhưng bản thân cũng có thể thanh tịnh. Huống hồ làm được nhiều công đức, tu đủ các thiện hạnh, cõi người cõi trời đều có lời khen ngợi, Tam bảo lẽ nào không gia hộ độ trì? Nên có điều gọi là “người đắc đạo được xương thịnh”, một người lương thiện còn được trời ban điểm lành, huống hồ một người tu hành?

Khi đức Phật tu hành dưới gốc cây Bồ đề từng cảm ơn con vượn dâng quả. Đại sư Thiện Đạo đời Đường nhất tâm niệm Phật, sức chưa kiệt chưa chịu dừng, tuy trong băng lạnh cũng tu niệm cho đến lúc đổ mồ hôi để thể hiện lòng thành. Về sau, mỗi lần Đại sư Thiện Đạo niệm thành tiếng “A Di Đà Phật” thì một luồng ánh sáng từ trong miệng đi ra, niệm mười tiếng, trăm tiếng ánh sáng cũng đều như vậy, những người chung quanh đều nhìn thấy.

Trong phẩm “Quan Thế Âm Bồ tát Phổ môn”, đức Phật nói: nếu người có niệm danh hiệu Quan Thế Âm Bồ tát, thì dù ở trong lửa lớn thế nào cũng không sợ bị lửa thiêu cháy, đó là vì do uy đức thần lực của Bồ tát. Lại nói, nếu khi sắp bị làm hại hay bị giết hại, niệm danh hiệu Quan Thế Âm Bồ tát thì dao hay gậy của người định làm hại sẽ gãy đứt từng đoạn, vừa không bị đánh lại không bị giết. Những điều đó đều nói lên rằng, một người chỉ cần tu hành, tùy lúc đều có thể được Tam bảo gia hộ.

💦 4. Thường được người, trời tôn kính.

Một người có tu hành, cử chỉ thong dong tự tại, lời nói dịu dàng từ tốn, giàu lòng từ bi, bất kể đi đến đâu cũng được mọi người tôn kính.

Lúc Phật tại thế, đại đệ tử Tu Bồ Đề ngồi tĩnh tọa trong hang động, nhập định trong thiền tư Tam muội, công phu tu hành rất thâm hậu ấy làm cảm động đến chư thiên hộ pháp. Rất nhiều người trời xuất hiện trong không trung, rải rắc hoa trời, từng đóa từng đóa sắc màu rực rỡ đều rơi xuống trước mặt Tu Bồ Đề, đồng thời họ chắp tay khen ngợi: “Tôn giả! Ông làm người ở thế gian có danh tiếng vang dội khắp nơi, có nhiều tiền của châu báu, mà không khiến cho người ta cảm thấy tôn quý. Dù là quốc vương, là người giàu có nổi tiếng, họ giống nhau ở chỗ là suốt ngày bị làm tù nhân của dục vọng và phiền não. Tôn giả! Trên thế gian, người được tôn kính đích thực là những người tu hành như ông, ánh sáng uy đức của ông chiếu rọi khắp thiên cung. Ông Tu Bồ Đề vĩ đại, xin hãy tiếp nhận hoa trời cúng dường của chúng tôi, chúng tôi quỳ lạy ông để tỏ rõ lòng tôn kính của chúng tôi”.

💦 5. Có thể minh tâm kiến tính.

Ngày xưa mài gương, nếu không trải qua mài giũa nhiều lần thì độ sáng của gương sẽ không hiện ra. Một tác phẩm nghệ thuật càng thượng đẳng thì càng cần nhiều công phu gọt giũa. Nhân loại cũng thế. Phật nói: “Tất cả chúng sinh đều có trí tuệ, đức tướng giống Như Lai, chỉ vì vọng tưởng, chấp trước mà không thể chứng ngộ”. Mây đen che lấp ánh sáng mặt trời giữa không trung, chỉ có cách tẩy trừ đám mây đen phiền não mới có thể hiển lộ bản tính chân như. Làm thế nào trừ khử mây đen của phiền não? Việc này phải dựa vào sức mạnh của tu hành. Chỉ có tu hành mới có thể biết rõ bản lai diện mục của chính mình; chỉ có tu hành mới có thể chứng được thực tướng của chân như.

Chính vì vậy mà có điều rằng: “Không qua đợt lạnh thấu tận xương, sao có hoa mai thơm ngát hương”. Không có Thích Ca trời sinh, tự nhiên sẽ không có Di Lặc, một người muốn có thành tựu ắt phải siêng năng cần mẫn, không được nhắc lười, muốn mình tâm kiến tính ắt phải nghiêm túc tu hành.

💦 6. Dứt bỏ khổ đau sinh tử.

Con người ở đời, điều khổ nhất là không vượt qua được sinh tử. Khi người thân sắp qua đời, nỗi khổ đau của một lần sinh ly tử biệt ấy như dao cắt nát con tim, đúng là đứt cả ruột gan. Làm thế nào mới có thể tránh được nỗi đau khổ ấy? Đức Phật nói với chúng ta rằng chỉ có dứt bỏ khổ đau sinh tử, đi vào cõi Niết bàn không sinh không diệt. Làm thế nào mới dứt bỏ được khổ đau sinh tử để đi vào cõi Niết bàn? Phật nói, chỉ có tu hành.

Nếu người không tu hành thì mãi mãi không thể giải thoát. Ngày thường, nếu chỉ thực hiện một số công đức, cùng lắm chỉ có thể được quả báo ở cõi trời, người. Tuy có thể được hưởng phúc ở cõi trời, nhưng khi phước báo đã hết vẫn phải đọa lạc chịu khổ, không thể thoát khỏi sinh tử. Chỉ có phát tâm muốn xa rời, từ bỏ ham muốn thế gian, không bị ham muốn ràng buộc, phải có tinh thần nhập thế, làm công tác hoằng pháp cứu độ chúng sinh, mới có thể ra khỏi biển khổ sinh tử của ba cõi. Chư Phật và các vị Bồ tát thời quá khứ có thể ra khỏi biển khổ sinh tử, tiêu dao trong ánh sáng thường hằng tĩnh lặng đều đã trải qua tu hành, rèn luyện trong nhiều đời nhiều kiếp mới có thể thể nghiệm và chứng ngộ tất cả.

Lời trích từ sách “Thái căn đàm”

Bốn niệm trú có thể an định thân tâm;

Bốn uy nghi có thể định chuẩn hành vi;

Bốn nhiếp pháp có thể kết rộng duyên lành;

Bốn thánh để có thể hiểu rõ chân lý.

—–💦🍁💦—–

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. LỄ TRƯỞNG THÀNH
  2. GIỮ BÍ MẬT LÀ MỘT HÌNH THỨC TU DƯỠNG
  3. KHÔNG SỢ CHÊ BAI

Bài viết mới

  1. ÁP DỤNG QUY LUẬT NỖ LỰC TỐI THIỂU
  2. ĐẠT ĐƯỢC NHIỀU HƠN CHỈ VỚI NỖ LỰC TỐI THIỂU
  3. THỰC HÀNH BỒ ĐỀ TÂM