HẠNH PHÚC VÀ LÒNG VỊ THA

MATTHIEU RICARD

Trích: Bàn Về Hạnh Phúc; Lê Việt Liên chuyển ngữ; NXB Lao Động; 2017

Nhà sư Matthieu Ricard, một tăng sĩ của Phật giáo Tây Tạng, được các nhà khoa học chứng minh là người hạnh phúc nhất thế giới, đã chia sẻ rằng bất kỳ ai cũng có hạnh phúc nếu biết huấn luyện não bộ.

—??? —

Hạnh phúc đem lại lòng nhân hậu hay lòng nhân hậu tạo ra hạnh phúc?
Người hạnh phúc nhất là người không có một tỳ vết trong tâm hồn.
_PLATON

—??? —

Một người đàn ông nằm sóng sượt trên thảm cỏ của công viên trường Đại học Manchester (Anh), bên lề đường nhiều người qua lại. Hình như anh ta bị choáng váng. Mọi người vẫn đi qua. Chỉ có một số ít người (khoảng 15%) dừng lại để xem anh ta có cần giúp đỡ hay không. Nhưng khi người ta khoác cho người đàn ông được dùng làm thử nghiệm này chiếc may-ô của Câu lạc bộ Liverpool (đối thủ của Câu lạc bộ Manchester nhưng lại có nhiều cổ động viên là sinh viên đến từ Liverpool), có tới 85% người qua lại là cổ động viên của đội bóng Liverpool đến hỏi xem bạn mình có cần giúp đỡ hay không. Ở đầu đường, một nhóm nghiên cứu của trường Đại học phỏng vấn tất cả những người đi đường, dù có hay không dừng lại để thăm hỏi người nằm trên cỏ. Cuộc nghiên cứu này, cũng như rất nhiều cuộc khác, khẳng định rằng cảm giác thuộc về một cái gì đó ảnh hưởng rất nhiều tới sự thể hiện lòng vị tha. Người ta dễ dàng giúp đỡ một người thân, hoặc ai đó có chung với họ điều gì: dân tộc, quốc tịch, tôn giáo, chính kiến – hơn là một người xa lạ mà họ không cảm thấy có một quan hệ đặc biệt nào.

Cách tiếp cận của đạo Phật là dần dần mở rộng tình cảm “thuộc về” đó tới tất cả các chúng sinh. Để làm được như vậy, cần phải ý thức được rất sâu sắc rằng ai cũng như ta, đều muốn tránh khổ đau và mong được hạnh phúc. Ý thức này chỉ trở thành có nghĩa khi nó được thấm sâu và trở thành bản chất thứ hai của chúng ta, chứ không chỉ dừng lại ở khái niệm đơn thuần. Cuối cùng, chừng nào tình cảm “thuộc về” ấy lan tỏa tới tất cả các chúng sinh, chừng đó chúng ta trở nên liên quan mật thiết tới những niềm vui và nỗi buồn của họ. Đó là khái niệm‚ “trách nhiệm đối với toàn thể” mà Đức Dalai Lama thường nói tới.

Đi Câu Mới Hạnh Phúc Làm Sao!

Câu cá là một nguồn vui trong số những nguồn vui lớn nhất của một vài vĩ nhân đáng kính như Theophile Gautier, Winston Churchill và Pierre Clostermann. Quan niệm về chia sẻ hạnh phúc của họ mới thanh cao làm sao! Không một lúc nào, tôi tin rằng họ đã tưởng tượng chính họ bị lôi ra khỏi môi trường sống bằng một lưỡi câu sắt, má bị đâm thủng và họng bị rách toạc.

Churchill đã viết về đi câu với bao lời tao nhã: “Thân thể ta như được gột sạch, trở nên thanh khiết… ngập tràn hạnh phúc lớn lao khi đi câu về”. Nếu bầy cá biết điều đó, chắc chắn chúng sẽ tha hồ mà hớn hở! Còn Theophile Gautier thì viết một cách rất tinh tế: “Không gì có thể làm dịu bớt những đam mê bằng trò tiêu khiển mang tính triết lý này. Vậy mà những lũ ngốc lại nhạo báng, giống như nhạo báng tất cả những gì chúng không hiểu”. Tôi chắc chắn rằng, trong số những người đã kinh qua những đòn tra tấn giống như những hình phạt mà con người bắt loài động vật phải chịu, rất nhiều kẻ “ngốc” không hiểu được thứ triết lý cuộc sống này có thể đem lại niềm vui ghê gớm như vậy. Là người hùa theo những thích thú trên sự đau đớn như trên, nhưng Pierre Clostermann có lòng tốt đã thả đi những con cá ông câu được “để cho chúng trưởng thành và thận trọng hơn trong tương lai”. Một kiểu giáo dục cứng rắn, ta có thể hiểu như vậy. Tôi hoàn toàn chia sẻ với ông suy nghĩ rằng “không gì có thể so sánh được với sự cô đơn thanh thản bên bờ hồ đang tỉnh giấc lúc bình minh lặng gió, với hạnh phúc được chèo thuyền lướt đi trong màn sương lãng đãng của sớm mai”. Nhưng tại sao lại để cho tâm thái thanh thản ấy gắn với một hành động có bản chất là vui sướng trên cái chết của các chúng sinh khác?

Những người đi câu danh tiếng kia đã chứng tỏ cách nhìn một chiều mà Goerges Bernard Shaw đã lịch lãm tóm tắt như sau: “Khi một người giết một con hổ, anh ta trở thành anh hùng; khi một con hổ ăn thịt một người, nó bị coi là một con thú dữ”. Và ông kết luận: “Động vật là bạn bè của tôi, và tôi không ăn thịt các bạn của mình”. Năm 2001, ở bang Floride, một vài người đi tắm biển bất cẩn đã bị cá mập tấn công. Báo chí giật gân của Mỹ đã ầm ĩ đưa tin trên trang nhất: “Lũ cá mập giết người đang lồng lộn ngoài khơi”.

Năm đó, 25 người trên thế giới đã bỏ mạng vì không may gặp một con cá mập đi săn mồi. Cũng năm ấy, con người đã giết hại 100 triệu cá mập. Phải chăng đó là quyền được hạnh phúc của người hiền triết có đẳng cấp? Chắc bạn sẽ bảo tôi: “Thật là lố bịch! Làm sao có thể so sánh khập khiễng như vậy được”. Đơn giản đó chỉ là chuyện so sánh về con số!

Niềm Hân Hoan Của Lòng Vị Tha

Điều này có liên quan gì tới hạnh phúc? Những nghiên cứu được áp dụng trên vài trăm sinh viên đã khẳng định mối tương quan không thể chối cãi giữa lòng vị tha và hạnh phúc. Chúng cho thấy rằng những người tuyên bố mình là người hạnh phúc nhất đồng thời cũng là những người có lòng vị tha nhất. Khi hạnh phúc, chúng ta có cảm giác rằng “cái tôi” bớt quan trọng đi và ta có thể cởi mở với mọi người. Ví dụ người ta đã chứng minh được rằng trong số chúng ta, ai mới trải qua một sự kiện hạnh phúc thì sẵn lòng giúp đỡ những người không quen biết hơn.

Vả lại, ai cũng biết rằng chứng trầm cảm cấp tính khiến người ta khó cảm nhận và thể hiện tình thương yêu đối với người khác. Trong cuốn “Con quỷ nội tâm, mổ xẻ trạng thái trầm cảm”, Andrew Solomon đã viết ở phần mở đầu rằng: “Trầm uất là sự thiếu thốn tình thương yêu”. Rõ ràng hơn: những người đã khổ sở vì chứng trầm cảm khẳng định rằng hiến tặng tình yêu thương tới mọi người và được nhận nó từ người khác là yếu tố quan trọng giúp khỏi bệnh. Lời khẳng định trên phù hợp với quan điểm của Phật giáo, đạo này coi lòng vị ngã là nguyên nhân chính của nỗi bất hạnh và tình thương vị tha là yếu tố chính cấu thành chân hạnh phúc. Mối quan hệ tương tức giữa mọi hiện tượng nói chung và tất cả các chúng sinh nói riêng, cũng hệt như hạnh phúc của chính chúng ta, có liên quan mật thiết với hạnh phúc của nhiều người khác. Như chúng tôi đã nhấn mạnh trong chương nói về các cảm xúc, việc hiểu rõ tính phụ thuộc lẫn nhau như vậy là vấn đề cơ bản nhất của hạnh phúc, và sự an lạc của ta đương nhiên phải thông qua hạnh phúc của người.

Những công trình nghiên cứu của Martin Seligman, chuyên gia Mỹ về chứng bệnh trầm uất và là người tiên phong trong ngành “tâm lý tích cực” đã chứng tỏ rằng niềm vui xuất phát từ một việc làm nhân hậu và vô tư sẽ đem lại một sự thỏa mãn sâu sắc. Để kiểm tra giả thiết này, ông đã yêu cầu các sinh viên của mình một mặt tham gia vào một hoạt động giải trí, “nghỉ ngơi thoải mái” và mặt khác, tiến hành một hoạt động bác ái, rồi viết một bản báo cáo cho buổi học sau.

Kết quả thật ấn tượng: các hoạt động bác ái đã mang lại thỏa mãn vượt trội hẳn so với các hoạt động giải trí (đi chơi với bạn bè, đi xem phim, đi câu cá ở Melba). Khi người ta thực hiện các điều thiện một cách bộc phát và mang tính nhân phẩm thì ngày hôm đó họ thấy mãn nguyện hơn nhiều: họ lắng nghe nhiều hơn, ân cần hơn và được mọi người coi trọng hơn. Seligman kết luận: “Ngược lại với khoái lạc, thực hành điều thiện mang lại cảm giác lâng lâng mãn nguyện”. Đó là một trạng thái mãn nguyện kéo dài và cảm giác phù hợp với bản chất sâu xa của mình. Jean-Jacques Rousseau thì nói: “Tôi biết và tôi cảm nhận rằng làm điều thiện là một niềm hạnh phúc thực sự mà tâm hồn con người được nếm trải”.

Người ta có thể khoái trí khi đạt được mục đích làm hại người khác; song trạng thái toại nguyện đó chỉ là tạm thời và hời hợt, nó che đậy cảm giác bứt rứt nhanh chóng xuất hiện. Sau cơn phấn khích, người ta bắt buộc phải chấp nhận tình trạng khó chịu nào đó. Phải chăng đó chính là một dấu hiệu cho thấy rằng lòng nhân hậu gần với “bản chất thực” của chúng ta hơn nhiều so với độc ác? Nếu đúng như vậy, sống hòa hợp với bản chất ấy là cách bồi bổ niềm vui sống, còn xa lánh nó sẽ khiến ta luôn luôn bất mãn.

Song chúng ta có thể nói về “bản chất con người” là tốt, là xấu hay là cả tốt và xấu một cách xác đáng hay không? Các nhà sinh học phản bác khái niệm cho rằng có một số cách ứng xử hoặc tư duy “tự nhiên” hơn so với những cách ứng xử và tư duy khác. Họ khẳng định rằng tất cả những gì có trong bản chất đều là tự nhiên, và mọi cách ứng xử cũng như tình cảm của chúng ta đều biểu hiện qua quá trình tiến hóa. Như vậy, sẽ không thể có cái gì về cơ bản “chống lại bản chất” cả: ngành sinh học không phán xét về đạo đức! Đối với một nhà sinh học, lòng tốt hay sự độc ác đều có tính chất tự nhiên. Sự tồn tại của đạo đức ở con người có thể được coi là một lợi thế cho sự phát triển nòi giống, nhưng về mặt sinh học, không cần phải nói thêm rằng người có đạo đức thì bản chất là tốt.

Ngay lúc ta tự hỏi về trải nghiệm chủ quan về hạnh phúc và khổ đau thì điều đó lại hoàn toàn khác. Khi đó, ta sẽ hoàn toàn dựa vào cách phân biệt những yếu tố tâm lý, những lời nói và những hành động gây ra một cảm giác mãn nguyện sâu xa với những cái đưa tới trạng thái khó chịu, bất an.

? Ích Kỷ Phải Chăng Là Bản Chất Của Chúng Ta?

Nếu các nhà sinh học nghi ngờ khái niệm về “bản chất con người‛ thì các triết gia lại đưa ra những quan điểm rất rõ ràng. Chẳng hạn như Thomas Hobbes, triết gia người Anh ở thế kỷ XVII, hoàn toàn tin rằng bản chất của chúng sinh là ích kỷ và lòng vị tha thực sự tuyệt nhiên không có trong cách ứng xử của họ. Tất cả những gì giống như lòng vị tha thực ra chỉ là tính ích kỷ được ngụy trang bằng những tình cảm tốt đẹp mà thôi. Về cuối đời ông, khi gặp ông đang bố thí cho một người ăn xin, người ta hỏi phải chăng ông vừa có một hành động vị tha, ông trả lời: “Không, tôi làm thế để giảm bớt áy náy khi nhìn thấy người nghèo khó này”. Chắc chắn quan niệm về tội lỗi khởi thủy của nền văn minh Thiên chúa giáo, với cảm giác tội lỗi nó mang theo, không xa lạ gì đối với cách suy nghĩ như vậy. Quả thực, ông đã có ảnh hưởng rất lớn đến giới trí thức phương Tây, đến bây giờ, ông vẫn đóng vai trò đáng kể đối với những người không theo tôn giáo nữa. Đạo Phật có quan điểm ngược lại hoàn toàn, bởi vì nó công nhận “lòng thiện khởi thủy” của con người; và như vậy, đạo này mang lại một bầu không khí văn hóa rất khác.

Trong một thời gian dài, rất nhiều nhà lý thuyết về tiến hóa đã bảo vệ ý kiến cho rằng khả năng di truyền lại cho các thế hệ sau của các gien tạo ra cách ứng xử vị ngã là vượt trội so với các gien khác. Những cá thể mang loại gien này luôn luôn đưa quyền lợi của mình lên trên quyền lợi của người, vì thế họ có nhiều cơ may sống sót và sinh sản hơn những người mang gien vị tha. Sau đó, ý kiến trên đã bớt mang tính khẳng định. Ngày nay, ý kiến chung cho rằng những cách ứng xử hợp tác có bề ngoài vị tha, có thể có ích cho sự sống còn và sinh sản của mọi loài. Triết gia khoa học Elliot chẳng hạn đã chứng minh rằng, khi phải đương đầu với những cá thể ích kỷ và hiếu chiến, những cá thể có lòng vị tha sống cô lập bị tiêu diệt rất nhanh chóng. Trái lại, nếu những cá thể có lòng vị tha tập hợp nhau lại và cộng tác với nhau thì họ sẽ có một lợi thế hơn hẳn so với những cá thể vị ngã.

Theo triết gia Hà Lan Han de Wit, việc tuyên truyền các tư tưởng khoa học liên quan tới việc đào thải tự nhiên và những “gien ích kỷ” đôi khi dẫn tới “thừa nhận sự gần như tồn tại của chủ nghĩa vị ngã. Đó là một phần cố hữu của con người […] Con người rốt cuộc luôn luôn ưu tiên lợi ích cá nhân của mình, bất chấp tất cả và bất chấp thiên hạ. Với quan điểm như vậy, người ta chỉ chấp nhận lý giải một hành động nhân đạo trên cơ sở cho rằng động cơ sâu thẳm nhất của nó xuất phát từ quyền lợi cá nhân”. Theo nhà xã hội học Garett Hardin, nguyên tắc cơ bản rút ra từ điều đó là: “Đừng bao giờ yêu cầu ai đó hành động chống lại lợi ích của chính họ”.

Một Lòng Vị Tha Chân Chính

Những nghiên cứu đương đại trong ngành tâm lý học về ứng xử đã chứng minh hoàn toàn ngược lại. Nhà tâm lý học Daniel Batson khẳng định: “Việc xem xét 25 công trình nghiên cứu trong ngành tâm lý xã hội trong suốt 15 năm đã cho phép minh chứng sự tồn tại của lòng vị tha chân chính – với động cơ duy nhất là đem lại lợi lạc cho người khác”. Các bạn có thể nghi ngờ, nhưng nghe được điều đó vẫn là tốt!

Để có nhận thức rõ hơn về lòng vị tha trong sáng, cần phải loại trừ những giải thích khác theo đó, mọi cách ứng xử vị tha chỉ là lòng ích kỷ trá hình. Thực vậy, những thử nghiệm được tiến hành bởi Batson và nhóm nghiên cứu của ông đã giúp phân biệt vài loại người có lòng vị tha. Những “người vị tha giả tạo” giúp đỡ người khác bởi vì họ không chịu nổi những xúc cảm cùng cực mà họ phải chịu đựng trước khổ đau của người và phải tìm cách giải thoát mình khỏi cảm xúc căng thẳng đó.

Họ cũng giúp đỡ bởi vì sợ bị chê trách hoặc do thích được ca tụng, hay để tránh mặc cảm tội lỗi. Nếu buộc phải ra tay giúp đỡ, họ sẽ trợ giúp người đang gặp khó khăn (với điều kiện là cái giá phải trả không cao quá), nhưng nếu có thể tránh đối diện với cảnh đau khổ nặng nề, hoặc trốn tránh mà không ai nói được gì về hành động của mình, họ sẽ không giúp, hệt như những cá thể ít lòng vị tha. Ngược lại, những “người có lòng vị tha thực sự” luôn sẵn sàng giúp đỡ ngay cả trong các trường hợp chỉ cần ngoảnh mặt đi, hoặc giúp mà không ai biết. Những nghiên cứu trên cho thấy rằng ở các nước phương Tây, có trung bình khoảng 15% số dân có lòng vị tha thực sự và lòng vị tha nơi họ là một nét ứng xử lâu bền.

Hãy lấy một ví dụ. Làm cách nào để biết rằng một người được coi là có lòng vị tha chỉ hành động để có được cảm giác hãnh diện? Bằng cách kiểm tra xem người đó có mãn nguyện không khi ngoài anh ta ra còn có người khác cũng tới giúp đỡ. Đối với người có lòng vị tha chân chính, kết quả mới là quan trọng, chứ không phải sự thỏa mãn cá nhân vì đã giúp đỡ.

Thử nghiệm này được tiến hành với sự tham gia của 80 sinh viên. Yêu cầu đặt ra là mỗi sinh viên đeo tai nghe, ngồi trong các ca-bin riêng biệt sẽ phải giúp đỡ ai đó nhưng không phải gánh chịu bất cứ hậu quả đáng tiếc nào. Họ nghe thấy tiếng của một phụ nữ tên là Suzan giải thích rằng cô ta phải làm một thí nghiệm về khả năng tập trung trí nhớ và mỗi lần bị nhầm lẫn, cô sẽ phải chịu một cú sốc điện. Cô nói thêm để mọi người thông cảm: “Không kinh khủng lắm đâu (cười căng thẳng), nhưng dù sao cũng là một cú sốc và vì thế tôi không muốn mắc sai lầm”.

Các sinh viên kia cũng thực hiện cùng một thí nghiệm như Suzanne nhưng không bị điện giật. Nếu sinh viên trả lời đúng và Suzanne trả lời sai, sinh viên sẽ xóa được cú sốc điện cho cô gái. Chỉ sau khi nghe Suzanne nói (thực ra, người ta thu âm tiếng của cô), các sinh viên mới được yêu cầu điền vào một phiếu trả lời câu hỏi theo bảy mức độ vị tha. Họ đánh dấu vào đó mức độ cảm thông của họ đối với cô gái. Rồi người ta thông báo cho một nửa số sinh viên trên rằng, cuối cùng, Suzanne không phải chịu một sự trừng phạt nào cả, rằng người ta chỉ đơn giản báo cho cô những lần cô nhầm lẫn mà thôi. Tuy nhiên, tất cả các sinh viên đều phải làm thí nghiệm trên. Khi đã xong, người ta hỏi họ đánh giá mức độ thỏa mãn và hỏi họ cảm giác ra sao.

Kết quả cho thấy các sinh viên có lòng vị tha thực sự (những người tỏ ra thông cảm nhất khi nghe Suzanne) đều cảm thấy toại nguyện hơn khi biết rằng họ đã tránh cho cô một số lần sốc điện, nhưng cảm giác toại nguyện này vẫn như vậy khi họ biết rằng, rốt cục, cô không phải chịu một cú sốc điện nào. Vậy là trạng thái mãn nguyện xuất phát từ việc biết rằng Suzanne không phải chịu đau đớn, chứ không phải vì nhờ họ mà cô tránh khỏi bị điện giật. Thí nghiệm cũng cho thấy rằng những người có lòng thương người thực sự làm thí nghiệm tốt hơn khi số phận của Suzanne phụ thuộc vào họ, và họ sẽ lơ đễnh hơn khi biết cô sẽ không phải chịu hình phạt nào. Điều ngược lại xảy ra đối với những sinh viên tỏ ra ít có lòng vị tha: họ bị kém điểm hơn những sinh viên có lòng vị tha khi Suzanne bị nguy hiểm, bởi vì họ không mấy cảm thấy có liên quan tới số phận của cô, song điểm lại cao hơn khi biết cô không gặp nguy cơ gì. Người ta giải thích việc này rằng, trong trường hợp thứ hai, những sinh viên thiếu lòng vị tha quan tâm hơn tới điểm của cá nhân họ, trong khi những sinh viên giàu lòng vị tha không quan tâm tới thí nghiệm bởi vì đối với Suzanne, điều này chẳng có nghĩa lý gì.

Dù tất cả những điều đó tỏ ra phức tạp, chúng ta vẫn liên tục gặp những cách ứng xử đa dạng như vậy trong thực tiễn. Những tấm gương về lòng vị tha nhiều vô kể: bao nhiêu bà mẹ sẵn sàng xả thân để cứu con! Chúng ta có thể nhân rộng ví dụ trên, bởi vì trong đạo Phật, lòng vị tha chân chính dạy ta coi tất cả mọi chúng sinh gần gũi như người thân của mình.

Hãy kể thêm tấm gương của Dola Jigmé Kalsang, một nhà minh triết Tây Tạng ở thế kỷ thứ XIX. Một hôm, trên đường hành hương tới Trung Quốc, ông gặp một đám đông người tại quảng trường của một thị trấn. Tới gần, ông thấy một tên ăn cắp sắp bị hành hình theo cách vô cùng tàn nhẫn: người ta bắt hắn trèo lên một con ngựa bằng sắt đã được nung đỏ. Dola Jigmé rẽ đám đông và kêu lên: “Tôi mới là kẻ ăn cắp”. Một sự im lặng bao trùm lên tất cả và viên quan chịu trách nhiệm thi hành án lạnh lùng quay về phía người vừa đến, hỏi: “Ngươi có sẵn sàng chịu nhận hậu quả về điều người vừa nói không?” Dola Jigmé gật đầu. Ông đã chết trên lưng ngựa còn tên trộm thì được tha. Ở trường hợp đau xót thậm chí quá mức như vậy, điều gì có thể là động cơ của Dola Jigmé nếu không phải là lòng bi mẫn vô biên đối với kẻ bị kết tội? Là người xa lạ đến đó, ông hoàn toàn có thể bỏ đi và tiếp tục con đường của mình mà không ai để ý. Ông đã hành động hoàn toàn do lòng vị tha để cứu vớt cuộc sống của một người xa lạ.

Trong lịch sử gần đây hơn, tại trại tập trung Auschwitz, Maximilien Kolbe, một thầy tu dòng Thánh Phơ-răng-xit-can đã chết thay cho một tù nhân vừa là cha vừa là chủ gia đình. Tù nhân này là một trong số mười người bị phát xít Đức hành hạ đến chết vì đói và khát để răn đe sau vụ một tù nhân chạy trốn. Mặc dù từ vị tha chỉ mới được Auguste Comte phát minh ra vào năm 1830, để chỉ cái đối lập với từ ích kỷ, nhưng con người hoàn toàn có thể có lòng vị tha về bản chất, nghĩa là quan tâm đến số phận của người khác hơn số phận của mình. Từ chỗ mỗi người đều ít nhiều có một phần như vậy trong tính khí, chúng ta có thể nhân nó lên gấp bội.

Đáng lưu ý là, theo một số nghiên cứu khác, những người biết kiềm chế tình cảm có cách ứng xử vị tha hơn những người hay quá xúc động. Khi đứng trước nỗi đau đớn của người, trong thực tế, những người hay xúc động thường lo xử lý các cảm xúc của chính mình như trấn tĩnh sợ hãi, lo âu và thất vọng hơn là bận tâm tới nỗi đau của người. Ở đây cũng vậy, điều này có vẻ phù hợp với những quan điểm của đạo Phật, bởi vì người ta chỉ đạt được tự do nội tâm, thoát khỏi sự bó buộc của những cảm xúc xung đột một khi giảm bớt tình yêu thương ám ảnh của “cái tôi”. Một cái tâm tự do, thênh thang và thanh thản rất dễ dàng cảm thông với một hoàn cảnh bất hạnh hơn là một cái tâm lúc nào cũng bị khổ sở vì những xung đột nội tâm. Vả lại, khi chứng kiến cảnh bất công hoặc trấn lột, cần lưu ý rằng có những người chú trọng tới trừng phạt kẻ xấu ác (đuổi theo, chửi rủa, hành hạ) hơn là quan tâm tới việc giúp đỡ nạn nhân. Đây không còn là lòng vị tha nữa, mà chỉ là sự phẫn nộ.

Đức Dalai Lama và Matthieu Ricard

? Vàng Vẫn Là Vàng

Đạo Phật coi những cảm xúc phá hoại là những tạo dựng của tâm thức. Chúng xuất hiện trong dòng chảy tâm thức, song không thuộc về bản chất cơ bản của nó. Chúng ta đã thấy rằng bản chất đầu tiên ấy của tâm chính là khả năng nhận biết, làm “sáng tỏ” theo nghĩa là nó nhận biết tất cả những gì chúng ta biết. Khả năng ấy bao hàm các suy nghĩ, song phải chăng chính nó lại bị thay đổi một cách cơ bản bởi các suy nghĩ kia? Vì vậy, bản chất của tâm không phải cơ bản là tốt hay là xấu.

Nếu xoay cái nhìn của mình vào bên trong và quan sát kỹ cách thức vận hành của tâm, chúng ta sẽ nhận thấy rằng những cảm xúc tiêu cực, nóng giận chẳng hạn, thì hời hợt hơn và không sâu sắc bằng tình yêu thương dịu dàng. Chúng xuất hiện chủ yếu dưới dạng phản ứng trước những khiêu khích hoặc những vụ việc đặc thù nào đó, chứ không phải là những trạng thái cấu thành cố hữu hoặc thường trực của tâm thức. Ngay cả khi ta có tính nóng nảy và rất dễ bực tức, cơn giận vẫn luôn bộc phát dưới tác động của một sự cố đặc biệt. Trừ những trường hợp bệnh lý, hiếm khi ta rơi vào tình trạng thù hận kéo dài mà không nhằm vào một đối tượng cụ thể nào. Ngược lại, tình yêu thương và cảm thông là những trạng thái cơ bản hơn nhiều, đến mức người ta có thể gần như cho nó là độc lập với những đối tượng hoặc những yếu tố xúc tác đặc biệt.

Cơn tức giận có thể giúp gạt bỏ các chướng ngại, song nó chỉ có thể tức thời và chỉ là phụ mà thôi. Trái lại, lòng từ bi về lâu dài cần thiết hơn rất nhiều cho sự sống còn. Trẻ sơ sinh không thể sống quá vài giờ nếu thiếu sự dịu dàng của người mẹ; một người già tàn phế sẽ nhanh chóng qua đời nếu không được những người thân chăm sóc. Chúng ta có nhu cầu đón nhận yêu thương để có khả năng biết dâng hiến nó. Con người cũng cần phải nhận ra và đánh giá đúng giá trị của tiềm năng yêu thương để biến nó thành hiện thực một cách trọn vẹn. Sự nhận biết này phải đi cùng với tìm tòi nghiên cứu về bản chất của tâm thức và cảm giác sống hài hòa với bản chất chân thật của mình. Sau cơn giận, chẳng phải chúng ta thường hay nói: “Điên hết cả người!” hoặc “Hết chịu nổi!” đó sao? Trái lại, khi ta bỗng dưng làm được một việc tốt, ví như giúp một người hoặc một con vật khỏe lên, hoặc được tự do, thậm chí thoát chết, phải chăng chúng ta có cảm giác đồng điệu với bản chất sâu sắc của mình? Chẳng lẽ chúng ta không muốn biết thường xuyên hơn một trạng thái như thế của tâm? Chẳng lẽ chúng ta không có cảm giác rằng những hàng rào của vọng tưởng do “cái tôi” dựng lên đã biến mất và cảm giác tương đồng với người khác phản ánh mối liên hệ cơ bản phụ thuộc lẫn nhau giữa con người?

Những nhân tố phá hoại của tâm thức là những lối rẽ khiến chúng ta mỗi lúc một chệch xa bản chất thâm hậu của mình, tới mức quên cả rằng nó vẫn đang tồn tại. Tuy nhiên, không có điều gì là mãi mãi mất đi mà không cứu vãn được. Dù có bị bám đầy rác rưởi, bản chất của vàng vẫn là vàng: những cảm xúc tiêu cực chỉ là những bức màn, những vọng tưởng chất chồng mà thôi. Từ 60 năm nay, cha Ceyrac vẫn chăm sóc cho 30.000 trẻ em ở miền Nam Ấn Độ. Ông nói với tôi: “Bất chấp tất cả, tôi vẫn bị ấn tượng bởi lòng tốt của mọi người, ngay cả từ phía những người tỏ ra lạnh lùng, làm ngơ. Chính những người khác, tất cả những người khác đã dệt nên tấm lưới cuộc đời của chúng ta và tạo ra chất liệu cho nó. Mỗi người là một nốt nhạc trong bản “đại hòa nhạc của vũ trụ” như nhà thơ Tago đã nói. Không ai có thể cưỡng lại được tiếng gọi của tình thương yêu. Bao giờ người ta cũng bị lung lay sau một thời gian. Tôi thực sự nghĩ rằng con người về bản chất là thiện. Bao giờ cũng nên nhìn thấy cái hay, cái đẹp của một người, đừng bao giờ phá hoại, luôn luôn tìm kiếm điều cao cả của con người, không phân biệt tôn giáo, đẳng cấp và tư tưởng.

Vậy là mối quan hệ giữa lòng tốt và hạnh phúc đã trở nên rõ ràng hơn. Chúng tạo ra nhau và củng cố cho nhau, cả hai đều thể hiện sự hài hòa với bản chất sâu xa của chúng ta. Niềm vui và mãn nguyện có liên hệ chặt chẽ với tình cảm yêu thương. Còn bất hạnh đi liền với tính ích kỷ và thù hận. Ngài Tịch Thiên (Santideva) đã nói: “Tất cả những ai bị khổ đau là tại vì họ chỉ tìm kiếm hạnh phúc cho mình; tất cả những người được hạnh phúc là nhờ vào việc tìm kiếm hạnh phúc cho người. Cần gì phải nhiều lời? Chỉ cần so sánh kẻ ngu dốt bị trói buộc vào lợi ích của chính hắn với vị thánh đang hành động vì lợi ích của những người khác”.

Như vậy, gieo rắc và thể hiện lòng nhân từ sẽ nhanh chóng làm tiêu tan tình trạng khó chịu để nhường chỗ cho một cảm giác hài lòng lâu dài. Tương tự như thế, hiện thực hóa dần dần trạng thái an lạc giúp lòng tốt phát triển giống như sự phản ánh tự nhiên của niềm vui nội tâm.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. BÀN VỀ LÒNG VỊ THA

Bài viết khác của tác giả

  1. LÒNG VỊ THA VÀ TRẠNG THÁI HẠNH PHÚC
  2. PHÁ BỎ VÒNG THÙ HẬN
  3. ĐI TÌM BẢN NGÃ

Bài viết mới

  1. THỰC HÀNH BỒ ĐỀ TÂM
  2. LÒNG TỰ TRỌNG
  3. LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÁT KHỞI LÒNG SÙNG MỘ