LÒNG VỊ THA VÀ TRẠNG THÁI HẠNH PHÚC

MATTHIEU RICARD

WOLF SINGER

Trích: Những Nẻo Đường Chiêm Nghiệm; Người dịch: Lê Trường Sơn; NXB. Hà Nội; Công ty CP Sách Thái Hà, 2023

Về hai tác giả

MATTHIEU RICARD 

Sinh ra ở Pháp vào năm 1946 trong một gia đình danh giá. Ông nhận bằng tiến sĩ ngành Phân tử học tại Viện Pasteur trước khi cống hiến đời mình cho Phật giáo ở vùng núi Himalaya. Ông đã theo học hàng loạt các bậc thầy uyên bác trước khi trở thành tu sĩ ở tuổi 30 và trở thành thông dịch viên tiếng Pháp cho Đức Đạt Lai Lạt Ma vào năm 1983.

WOLF SINGER 

Sinh năm 1943, là nhà sinh lý học thần kinh người Đức, ông tốt nghiệp ngành sinh lý học tại Khoa Y Đại học Kỹ thuật Munich. Năm 1981, ông được bổ nhiệm làm thành viên của Hiệp hội Max Planck và Giám đốc Khoa Sinh lý Thần kinh tại Viện Max Planck nghiên cứu Não bộ, Frankfurt Đức.

Matthieu Ricard (phải) và Wolf Singer – Ảnh: Internet

Mathieu: Tôi nghĩ rằng có thể sẽ là hơi bất công khi xem lòng trắc ẩn là một trải nghiệm thú vị bởi nó và sự trọn vẹn được đan xen với nhau rất nhiều. Những phẩm chất của con người thường đến theo từng cụm. Lòng trắc ẩn, an bình nội tại, sức mạnh, tự do và hạnh phúc chân chính cùng phát triển như các phần khác nhau của một loại cây trái được nuôi dưỡng tốt. Sự ích kỷ, thù hằn và sợ hãi đến với nhau như những bộ phận của cây độc. Thế nên, cách tốt nhất để trở nên thực sự từ bi là trí tuệ và nhận thức sâu sắc rằng người khác cùng không muốn phải chịu đựng khổ đau và cũng muốn được hạnh phúc như chúng ta. Hệ quả tất yếu, bạn sẽ trở nên thực sự quan tâm đến hạnh phúc và khổ đau của họ. Giúp đỡ người khác đôi khi không “dễ chịu” chút nào, theo nghĩa bạn có thể phải cân nhắc việc chịu đựng một số thử thách “khó chịu”, nhưng sâu bên trong là một cảm giác bình yên, can đảm và hòa hợp với sự phụ thuộc lẫn nhau của vạn vật chúng sanh. 

Wolf: Ngài nói đúng. Nếu có thể kết nối hạnh phúc của riêng mình với lòng trắc ẩn và từ bi thì đó là một tình huống có lợi cho cả hai. Tuy nhiên, điều mà tôi đang hỏi là bộ não xác định trạng thái nào là dễ chịu? Chúng ta đều biết rằng mình có những trạng thái đó khi tìm ra giải pháp, giải quyết được một xung đột hay khi chúng ta giúp đỡ người khác – các trạng thái não bộ đặc biệt phải được trải nghiệm như là những trạng thái tốt. Như các mối tương quan điện sinh lý mà các trạng thái thiền định của ngài cho thấy, những trạng thái tốt này rõ ràng là trạng thái có sự gắn kết cao giữa nhiều khu vực của vỏ não. Phải chăng đây là một giả định hợp lý? 

Matthieu: Bạn biết rõ về những trạng thái gắn kết hơn tôi, nhưng tôi thấy nó thật sự hợp lý. Quay trở lại với những xung đột nội tâm, chúng chủ yếu liên quan đến việc trầm tư quá mức về quá khứ cũng như lo lắng dự đoán về tương lai. Từ đó dẫn đến việc bị dằn vặt bởi hy vọng và sợ hãi. 

Wolf: Mặt khác, tôi nhìn nhận nó như là sự cường điệu của nỗ lực sử dụng những kinh nghiệm trong quá khứ cho việc dự đoán tương lai, một nỗ lực dường như không phải lúc nào cũng đưa đến một giải pháp ổn định vì tương lai là không thể lường trước. Có lẽ chính sự bám víu vào vIệc tìm kiếm không có kết quả các giải pháp khả thi tốt nhất – mà theo định nghĩa là không thể tìm được – đã làm hỏng hệ thống và gây nên những cảm giác khó chịu. 

NHỮNG KHOẢNH KHẮC KỲ DIỆU 

Matthieu:Tôi rất lo lắng về việc không biết điều này có xảy ra không“, “Tôi nên làm gì?”, “Tại sao mọi người lại đối xử với tôi như vậy?“, “Tôi rất lo lắng vì mọi người đang nói về mình”. Những luồng suy nghĩ như vậy sẽ dẫn đến trạng thái bất ổn của tâm trí. Cảm giác bất an đó được củng cố bằng cách ẩn mình trong mớ bòng bong chỉ quan tâm đến bản thân nhằm bảo vệ chính mình. Thực tế, trong không gian giới hạn của việc chỉ quan tâm đến bản thân, sự trầm tư sẽ càng đi lạc. Do đó, một trong những mục đích của thiền định là phá tan mớ bòng bong của bản ngã tham lam và để cho những cấu trúc tinh thần này tan biến vào không gian mở của tự do. 

Trong cuộc sống hằng ngày, khi con người trải nghiệm những giây phút của ân sủng hoặc phép màu, như khi đang đi bộ trong tuyết dưới những vì sao hay dành những khoảnh khắc hạnh phúc với bạn bè thân yêu trên một bãi biển hoặc đỉnh núi, thì điều gì sẽ xảy ra? Đột nhiên, gánh nặng của những xung đột nội tâm được trút bỏ. Họ cảm thấy hòa hợp với người khác, với chính mình, với thế giới. Họ cảm thấy thoải mái và những xung đột bên trong sẽ biến mất trong một thời gian. Thật tuyệt khi tận hưởng trọn vẹn những giây phút nhiệm màu như thế, nhưng điều đó cũng tiết lộ lý do vì sao họ cảm thấy thật thoải mái: bình định những xung đột nội tâm và cảm giác phụ thuộc lẫn nhau tốt hơn với mọi thứ thay vì phân mảnh thực tại thành các thực thể bền vững và tự chủ, một sự nghỉ ngơi thoát khỏi những độc tố tinh thần. Tất cả các điều này là những phẩm chất có thể nuôi dưỡng bằng cách phát triển trí tuệ và tự do nội tâm. Sự rèn luyện này sẽ dẫn đến không chỉ là một vài khoảnh khắc của ân sủng mà còn đạt đến trạng thái hạnh phúc lâu bền mà chúng ta có thể gọi là hạnh phúc đích thực. Đó là trạng thái thỏa mãn bởi những cảm giác bất an sẽ dần nhường chỗ cho sự tự tin sâu sắc. 

Wolf: Tự tin vào cái gì? 

Matthieu: Tự tin rằng mình có khả năng sử dụng những kỹ năng đó để đối phó với những thăng trầm của cuộc sống, những kích động cảm xúc… một cách tối ưu hơn nhiều. Sự bình thản, không thờ ơ sẽ giúp bạn không bị ngả nghiêng như những ngọn cỏ trong gió trước mọi lời ngợi khen cũng như chỉ trích, trước được và mất v.v. Bạn có thể luôn dựa vào sự sâu sắc của an bình nội tại và những cơn sóng trên bề mặt sẽ không còn xuất hiện đe dọa như trước nữa.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả MATTHIEU RICARD

  1. NHỮNG KỸ NĂNG DỄ DÀNG
  2. QUAN SÁT TÂM, ĐIỀU PHỤC TÂM
  3. PHÁ BỎ VÒNG THÙ HẬN

Bài viết khác của tác giả WOLF SINGER

  1. NHỮNG KỸ NĂNG DỄ DÀNG
  2. QUAN SÁT TÂM, ĐIỀU PHỤC TÂM
  3. PHÁ BỎ VÒNG THÙ HẬN

Bài viết mới

  1. TÔI NHƯNG KHÔNG PHẢI LÀ TÔI – HT. THÍCH THÁNH NGHIÊM
  2. KORA – ĐI TRONG ÂN SỦNG
  3. SỰ HỒN NHIÊN NGUYÊN THỦY