ĐI TÌM BẢN NGÃ

MATTHIEU RICARD

Trích: Thực Hành Thiền Định; Việt dịch: Lê Việt Liên; NXB. Hà Nội; Công ty CP Sách Thái Hà, 2020

Hiểu được bản chất của “bản ngã” và phương thức vận hành của nó là điều tối quan trọng nếu chúng ta mong muốn thoát khỏi khổ đau. Ý tưởng thoát ra khỏi sự chi phối của bản ngã có thể khiến chủng ta phân vân, vì nó đụng chạm tới khái niệm mà chúng ta cho là bản sắc nền tảng của mình.

Chúng ta ý thức được rằng từ khi chào đời, cơ thể của mình không ngừng thay đổi từng khoảnh khắc, còn tâm thức của mình là sân khấu diễn ra vô vàn trải nghiệm mới mẻ. Song theo bản năng, chúng ta tưởng tượng rằng, trong thâm tâm ta, có một thực thể bền vững nằm ở đâu đó, nó khiến con người chúng ta trở nên chắc thật và bất biến. Điều này dường như hiển nhiên đến mức chúng ta cho rằng không cần thiết phải xem xét kỹ lưỡng hơn nữa cảm nhận có tính bản năng này. Từ đó mà chúng ta bám chấp mãnh liệt vào những khái niệm về “cái tôi”, rồi “của tôi” – thân thể của tôi, tên của tôi, trí óc của tôi, tài sản của tôi, bạn bè của tôi, v.v… – sự bám chấp đó kéo theo tham muốn sở hữu hoặc là cảm giác ghét bỏ đối tượng kia. Cứ như thế, tính đối ngẫu không khoan nhượng giữa ta và người cứ đọng lại và lớn dần trong suy nghĩ của chúng ta.

Tiến trình này đồng hóa chúng ta với một thực thể tưởng tượng. Bản ngã cũng là cảm giác thái quá về tầm quan trọng của “cái tôi” bắt nguồn từ tạo dựng kia của tâm thức. Bản  ngã đưa thực thể tưởng tượng là nó vào trung tâm mọi trải nghiệm của chúng ta.

Tuy nhiên, như chúng ta sẽ thấy dưới đây, nếu phân tích kỹ lưỡng bản chất của “cái tôi”, ta sẽ nhận ra rằng không thể nắm bắt được một thực thể riêng biệt nào tương thích với nó cả. Tóm lại, bản ngã thực ra chỉ là một khái niệm mà chúng ta đem gán cho dòng chảy liên tục của các trải nghiệm, được gọi là tâm thức của chúng ta.

Tự coi mình là “bản ngã” là hoàn toàn bất hợp lý, bởi vì điều này không đúng với thực tại. Thật vậy, chúng ta gán cho “cái tôi” những tính chất như bất biến đặc thù và độc lập, trong khi thực tại thì hoàn toàn trái ngược: nó đổi thay, đa dạng và phụ thuộc lẫn nhau. Bản ngã chia chẻ thế giới ra thành nhiều mảnh và chốt lại sự phân chia giữa “ta” và “người”, “của ta” và “không phải của ta”. Vì sinh ra từ một sự ngộ nhận cho nên bản ngã liên tục bị thực tại đe dọa, điều này khiến ta luôn luôn cảm thấy bất an sâu sắc. Ý thức được tính chất mong manh của bản ngã, chúng ta tìm mọi cách để bảo vệ và củng cố nó, ghét bỏ tất cả những gì đe dọa nó và yêu thích những gì bồi bổ cho nó. Chính từ thái độ yêu hoặc ghét đó mà nảy sinh biết bao cảm xúc xung đột.

Chúng ta có thể nghĩ rằng với việc dành phần lớn thời gian để thỏa mãn và củng cố “cái tôi” này, chúng ta đã chọn lựa phương thức tối ưu để tìm ra hạnh phúc. Song như thế là hoàn toàn sai lầm, bởi vì chính điều ngược lại sẽ xảy ra. Trong khi tưởng bản ngã là một thực thể độc lập, chúng ta đã mâu thuẫn với bản chất của vạn vật, thành ra không ngừng bất mãn và khổ đau. Dành mọi năng lượng của mình cho thực thể tưởng tượng này sẽ gây ra những ảnh hưởng cực kỳ độc hại tới chất lượng cuộc sống của chúng ta.

Bản ngã chỉ có thế mang lại một niềm tin về “cái tôi” giả tạo, được dựng lên từ những gán ghép mong manh – như quyền lực, thành công, sắc đẹp và thể lực, trí tuệ sáng láng và ý kiến của mọi người — và nhất là từ tất cả những gì tạo nên hình ảnh của chúng ta. Niềm tin chân thực về bản thân thì hoàn toàn khác: đó là một phẩm chất tự nhiên, vắng bóng bản ngã. Xóa đi ảo tưởng về bản ngã tức là thắng vượt được một sự yếu đuối cơ bản. Không dựa trên bản ngã, tin tưởng ở mình đi kèm với cảm giác tự do, không bị áp đặt bởi những tình cảm bất chợt xuất hiện. Niềm tin này khiến ta vững vàng trước những lời đánh giá của mọi người, và trong tâm, chấp nhận mọi hoàn cảnh, dù chúng có thế nào đi nữa. Trạng thái tự do này thể hiện qua thái độ cởi mở với tất cả những gì diễn ra. Đó không phải là sự ghẻ lạnh kiêu căng, thờ ơ khô khốc hoặc bàng quan lãnh đạm như đôi khi người ta gán cho thái độ không bám chấp của nhà Phật; mà là tấm lòng nhân hậu và quả cảm, sẵn sàng vì tất cả mọi người.

Khi sự hãnh tiến của bản ngã không được thỏa mãn bằng những chiến thắng của mình, nó tự coi là nạn nhân và được nuôi dưỡng bằng chính những lần thua thiệt đó. Nỗi thống khổ của bản ngã được duy trì bởi những cơn dày vò vô tận như vậy. Nó cũng minh chứng cho sự tồn tại và đam mê của bản ngã. Trong mọi trường hợp, khi được sùng bái cũng như lúc héo hon, bị xúc phạm hay bỏ quên, bản ngã luôn tự củng cố bằng cách chỉ nghĩ tới bản thân mình. “Bản ngã là kết quả của hoạt động tâm thức, nó tạo ra và “làm cho sống động” một thực thể tưởng tượng trong tâm thức của chúng ta”. Nó được ví như một con bạc đã ngập sâu vào chính ván bài của mình. Một trong những chức năng của chánh kiến (vipashyana) là bóc trần sự lừa phỉnh của bản ngã.

Thực ra, chúng ta không phải là bản ngã đó, chúng ta không phải là cơn giận, chúng ta không phải là nỗi thất vọng. Mức độ trải nghiệm cơ bản nhất của chúng ta là thức thanh tịnh, tính chất đầu tiên của ý thức mà chúng tôi đã nói tới ở phần trước, nó là nền tảng của mọi kinh nghiệm, mọi cảm xúc, mọi lập luận, mọi khái niệm và mọi tạo dựng của tâm thức, kể cả bản ngã. Nhưng hãy cẩn thận, thức thanh tịnh hay “sự có mặt tỉnh thức” này không phải là một thực thể mới vi tế hơn bản ngã: nó là phẩm chất nền tảng của dòng chảy tâm thức của chúng ta.

Bản ngã không là gì khác một tạo dựng của tâm thức, tồn tại lâu dài hơn những tạo dựng khác, bởi vì nó liên tục được bồi bổ bởi những chuỗi suy nghĩ. Tuy nhiên, quan niệm ảo tưởng ấy không thể tự nó tồn tại. Cái tên “bản ngã” dai dẳng chỉ bám được vào dòng chảy tâm thức chúng ta nhờ thứ keo dính màu nhiệm là trạng thái nhầm lẫn do thiếu hiểu biết của tâm.

Muốn lột mặt nạ lừa phỉnh của “cái tôi”, cần phải tiến hành điều tra tới tận cùng. Ai đó nghi ngờ trong nhà mình có trộm thì phải lục soát kỹ từng phòng, từng góc nhà, từng nơi có thể ẩn náu, cho tới khi chắc chắn rằng thực sự không có trộm. Chỉ khi đó, anh ta mới có thể yên tâm.

Thiền

Chúng ta hãy thử xem xét cái được cho là bản sắc của “cái tôi“. Thân thể chúng ta ư? Đó chỉ là một tập hợp những xương cùng thịt. Ý thức của chúng ta ư? Chỉ là một chuỗi những suy nghĩ thoáng qua. lịch sử của chúng ta ư? Chỉ là ký ức về những gì đã qua. Tên họ chúng ta ư? Nó chứa đựng đủ các khái niệm: họ hàng, danh tiếng và địa vị xã hội, nhưng nói cho cùng, chẳng là gì khác ngoài một tập hợp của những con chữ.

Nếu thực sự bản ngã là cái cốt lõi sâu xa của chúng ta thì cũng dễ hiểu khi chúng ta lo lắng nghĩ rằng phải rũ bỏ nó. Nhưng nếu nó chỉ là vọng tưởng thì dứt bỏ nó không có nghĩa là dứt trái tim ra khỏi thân thể mình, mà chỉ là xóa bỏ những sai lầm, ngộ nhận để nhận ra thực tại, cũng hệt như bóng tối không cưỡng lại được ánh sáng vậy. Hàng triệu năm tăm tối có thể biến đi lập tức ngay khi ánh đèn được thắp sáng lên.

Khi “cái tôi” không còn được coi là nhất nữa, tự nhiên con người sẽ cảm thấy liên quan tới người khác. Nghiền ngẫm nghĩ ngợi về nỗi đau của chính mình khiến chúng ta chán nản mệt mỏi, trong khi lo lắng trước nỗi đau của người khác chỉ làm tăng gấp bội quyết tâm của chúng ta làm vơi nhẹ khổ đau cho họ.

Vậy nên, điều chúng ta phải trung thực xem xét là liệu “cái tôi” có chiếm vị trí trung tâm trong cơ thể của con người như chúng ta cảm nhận hay không?

“Cái tôi” ấy nằm ở đâu? Nó không thể nằm trong thân thể tôi, bởi vì khi tôi nói “Tôi đang buồn”, chính ý thức của tôi cảm nhận nỗi buồn ấy, chứ không phải thân thể. Vậy thì nó chỉ nằm trong ý thức của tôi thôi ư? Còn lâu mới đúng như vậy. Khi tôi nói: “Ai đó xô đẩy tôi; có phải ý thức của tôi bị xô đẩy hay không? Chắc chắn là không phải. Vậy thì có thể “cái tôi” nằm ở ngoài thân thể và ý thức. Khái niệm “cái tôi” có đơn thuần là một tập hợp của thân thể và ý thức hay không? Đến đây, chúng ta đã chuyển qua một khái niệm trừu tượng hơn. Câu đáp duy nhất cho vấn đề mắc mớ này là coi “cái tôi” như một chỉ định của tâm thức về một tiến trình năng động, về một tập hợp những mối quan hệ thay đổi trong các cảm giác của chúng ta, các hình ảnh tâm thức, các cảm xúc và các khái niệm của chúng ta. “Cái tôi” rút cục chỉ là một cái tên để chỉ một dòng chảy liên tục, cũng như đặt tên cho một dòng sông là sông Amazone hay sông Hằng vậy. Mỗi dòng sông đều có lịch sử riêng của nó, chảy trong một khung cảnh duy nhất và nước của nó có thể mang những đặc tính chữa bệnh hoặc bị ô nhiễm. Vậy nên đặt cho nó một cái tên và phân biệt nó với một con sông khác là điều chính đáng. Tuy nhiên, trong dòng sông, không có một thực thể nào là “trung tâm” hoặc là “tinh túy” của dòng sông hết. Cũng như vậy, “cái tôi” tồn tại theo ước lệ, chứ không hề tồn tại dưới dạng một thực thể và là trung tâm của con người chúng ta.

Bản ngã bao giờ cũng tính đến cái được hoặc cái mất; trong khi chính bản chất giản đơn của tâm thức lại chẳng có gì để được hoặc để mất, và cũng chẳng cần phải bớt đi hay thêm vào bất cứ cái gì cho nó. Bản ngã tự nuôi sống bằng những nghiền ngẫm về quá khứ và những hy vọng về tương lai, nhưng nó không thể chống chọi nổi với sự đơn giản của khoảnh khắc hiện tại. Hãy trụ tâm trong trạng thái đơn giản này, trong ý thức trọn vẹn vào “bây giờ”, đó là trạng thái tự do, là trạng thái vắng lặng cuối cùng của mọi xung đột, mọi tạo dựng và phóng chiếu của tâm thức, mọi méo mó, mọi ngộ nhận và mọi chia cắt.

Vậy nên dành một chút thời gian để tâm trí được nghỉ ngơi trong trạng thái lắng dịu của nội tâm, khiến nó hiểu rõ hơn vị trí của bản ngã trong đời sống của chúng ta thông qua phân tích và trải nghiệm trực tiếp. Chừng nào cảm giác về sự quan trọng của “mình” còn thống trị con người chúng ta thì chừng đó chúng ta sẽ không bao giờ cảm thấy yên ổn lâu dài. Nguyên nhân của khổ đau sẽ tiếp tục đọng lại nguyên vẹn ở nơi sâu thẳm trong ta và lấy đi của ta quyền tự do cơ bản nhất.

Bỏ đi vọng tưởng chắc chắn về bản ngã và thôi đồng hóa bản ngã với mình chính là đã dành được một trạng thái tự do thênh thang trong nội tâm. Một tâm thái tự do cho phép chúng ta tiếp xúc với mọi người trong mọi hoàn cảnh một cách tự nhiên, nhân từ, can đảm và thanh thản. Vì chẳng có gì để được hay để mất nên chúng ta tự do cống hiến trọn vẹn và đón nhận mọi thứ.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. LÒNG VỊ THA VÀ TRẠNG THÁI HẠNH PHÚC
  2. PHÁ BỎ VÒNG THÙ HẬN
  3. HÀNH ĐỘNG SINH RA TA – CÁI VÔ HẠN TRONG LÒNG BÀN TAY

Bài viết mới

  1. ÁP DỤNG QUY LUẬT NỖ LỰC TỐI THIỂU
  2. ĐẠT ĐƯỢC NHIỀU HƠN CHỈ VỚI NỖ LỰC TỐI THIỂU
  3. THỰC HÀNH BỒ ĐỀ TÂM