HẠNH TÙY THUẬN CHÂN NHƯ

BỒ TÁT MÃ MINH

Trích: Đại Thừa Khởi Tín Luận; Tạo Luận: Bồ Tát Mã Minh

Hỏi: Trước đã nói rằng: Pháp giới là một tướng, Phật thể vốn không hai, vì sao không niệm duy nhứt thể Chơn Như, lại phải giả mượn các phương tiện tu các hạnh lành làm gì?

Đáp: ví như ngọc Ma ni quý báu, thể chất nó vốn sáng sạch, song còn lẫn lộn trong khoáng chất nhơ bẩn. Nếu chỉ suy xét cái tính chất quý giá của ngọc, mà chẳng dùng các phương tiện mài dũa, sửa sang, thì không thể nào được viên ngọc ma ni sáng sạch.

Chúng sanh cũng vậy, thể tánh Chơn Như vốn rỗng rang trong sạch, nhưng vì vô lượng phiền não làm cho ô nhiễm cấu uế. Nếu người ta chỉ nhớ nghĩ Chơn Như, mà chẳng huân tu các hạnh lành, thì cũng không nhận ra thể Chơn Như thanh tịnh. Vì phiền não nhơ bợn nhiều vô lượng, làm nhiễm ô tất cả pháp, cho nên phải tu tất cả hạnh lành để đối trị. Nếu người nào tu tất cả hạnh lành, tự nhiên thuận về tánh Chơn Như của mình.

Nói gọn về các phương tiện tu hành: có bốn món:

1/ Phương Tiện Thực Hành Căn Bản.

Quán sát tất cả các pháp tự tánh không sanh để lìa nhận thức hư vọng, nên chẳng trụ sanh tử.

Quán sát tất cả các Pháp đều do nhân duyên hòa hợp, nghiệp quả không mất, rồi khởi tâm Đại bi, tu các việc phước đức, giáo hóa chúng sanh, tự mình không trụ Niết bàn. Như vậy là tùy thuận tánh vô trụ của Thể Chơn Như.

2/ Phương Tiện Đình Chỉ Các Điều Ác.

Nghĩa là hổ thẹn, sám hối, ngăn ngừa các tội lỗi, chẳng cho tăng trưởng, vì lìa tất cả tội lỗi tức là tùy thuận thể tánh Chơn Như.

3/ Phương Tiện Làm Phát Sanh Và Thêm Lớn Căn Lành:

Nghĩa là siêng năng cúng dường, lễ bái, tán dương Tam Bảo, Tùy hỷ khuyến thỉnh chư Phật chuyển chánh pháp luân. Do sự quý kính Tam bảo như vậy, tâm người tu hành được thuần hậu và đức tin ngày cáng thêm lớn, nên người tu mới quyết tâm cầu đạo vô thượng Bồ đề.

Lại nữa, nhờ sức gia hộ của Phật, Pháp, Tăng nên người tu có thể tiêu các nghiệp chướng và căn lành không thoái chuyển. Vì tùy thuận pháp tánh Chơn Như, vốn xa lìa si mê tội chướng.

4/ Phương Tiện Đại Nguyện Bình Đẳng:

Nghĩa là: Người tu hành phát nguyện độ thoát tất cả chúng sanh, mãi đến cùng tột đời vị lai, không bỏ sót bất cứ một chúng sanh nào, làm cho các chúng sanh đều chứng quả Đại Niết Bàn, vì tùy thuận pháp tánh không đoạn tuyệt, rộng lớn khắp giáp tất cả cõi chúng sanh, bình đẳng không hai, không phân biệt kia đây, rốt ráo vắng lặng của thể Chơn Như.

Nhờ phát tâm như vậy, Bồ tát thấy một phần Pháp thân.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. TÂM CHƠN NHƯ

Bài viết mới

  1. BIỂU LỘ CHÍNH MÌNH MỘT CÁCH TRỌN VẸN
  2. CHÂN LÝ CÓ THỂ CÓ ĐƯỢC BẰNG LAO ĐỘNG QUÊN MÌNH
  3. CẢM GIÁC TỰ DO, ĐƯỢC GIẢI PHÓNG BẢN THÂN