HÀO PHÓNG – VẼ LẠI NHỮNG LẰN RANH

PIERO FERRUCCI

Trích: Giá Trị Của Sự Tử Tế; Tác giả: Piero Ferrucci; Người dịch: Phạm Quốc Anh; Nhà Xuất Bản Hồng Đức - 2019

Một chiều thu nọ, tôi bất chợt đi ngang một cơn bão lớn. May mắn thay, khi ấy tôi đang ngồi trong xe. Trên đường về nhà, tôi thấy một cô gái dầm mình trong cơn mưa xối xả và xin đi nhờ về. Tôi dừng lại để cô lên xe. Khi hỏi địa chỉ cô cần đến, tôi mới biết địa điểm ấy cách khá xa nơi tôi sống, nhưng không thể bỏ mặc cô gái trong cơn mưa, nên tôi đưa cô về nhà và thấy mình thật hào phóng. Nhưng khi xoay chìa khóa để khởi động xe sau khi cô gái đã bước xuống, chiếc xe nằm im. Cơn mưa đã làm hỏng mô-tơ khởi động. Giờ chính tôi là người phải về nhà trong cơn mưa và đậu xe lại nơi nó chết máy.

Ngày hôm sau, tôi phải tìm cách khởi động lại chiếc xe. Khi đến nơi, tôi thấy chiếc xe nằm chắn ngang đường. Ai đó hẳn đã vô cùng bực tức với tôi, bởi anh ta đã chọc thủng một chiếc lốp. Tôi mất nhiều thời gian để sửa chữa bởi người thợ sửa xe vẫn luôn rất bận rộn. Và như thể vẫn còn chưa đủ, ai đó đã gọi tôi để bàn một công việc quan trọng. Và bởi tôi không có ở văn phòng để hồi đáp, tôi đã lỡ mất cơ hội ấy.

Câu chuyện kinh dị thường ngày này có ý nói rằng khi ta hào phóng, cuối cùng chính ta là người phải trả giá. Nếu tôi đề nghị giúp đỡ, có thể tôi sẽ gặp kết cục không hay. Có thể tôi sẽ bỏ lỡ một cơ hội để rồi sau đó nghĩ rằng, có lẽ tôi đã gặp may hơn nếu tỏ ra ích kỷ hơn một chút. Để cô gái ấy ướt sũng dưới cơn mưa thì có sao? Chí ít tôi cũng không mất nguyên buổi sáng cũng như thời gian, tiền bạc, và một cơ hội tốt.

Nhưng suy nghĩ theo cách ấy là không đúng trọng tâm. Lợi ích đích thực của sự hào phóng, với người cho đi, không phải thứ vật chất bên ngoài mà là một cuộc cải cách bên trong. Ta trở nên linh hoạt hơn, dám xả thân hơn. Ta bớt chú tâm tới của cải mà tới con người nhiều hơn. Và những lằn ranh giữa ta và mọi người được xóa nhòa, để ta cảm thấy ta là một phần trong tập thể và có thể chia sẻ vật chất, tình cảm, cũng như chính bản thân mình.

Đương nhiên, hào phóng luôn đem lại rủi ro. Bạn đã đi một bước mà không có đường lùi. Tôi còn nhớ khi con trai đỡ đầu Jason, khi ấy bốn tuổi, tặng tôi chiếc xe hơi đồ chơi mà cậu thích nhất như một món quà. Dù biết rằng món quà ấy rất có ý nghĩa với cậu, tôi vẫn nhận và để nó vào trong túi. Ngay lúc đó thì mọi chuyện vẫn ổn, nhưng chẳng mấy chốc, Jason nhận ra rằng khi tặng ai đó thứ gì nghĩa là đem thứ ấy cho đi vĩnh viễn. Cậu bé sẽ không bao giờ được nhìn thấy chiếc xe đồ chơi ấy nữa. Rồi cậu bé hoảng loạn: Cậu bé muốn đòi lại món đồ chơi. Đó là cơn hoảng loạn ập đến khi ta mất đi một thứ quý giá vô cùng mà nếu không có nó, cuộc sống sẽ không còn như xưa nữa. Hiển nhiên, tôi đã chuẩn bị tâm thế để trả lại món đồ ấy cho cậu. Nhưng khi cơn hoảng loạn qua đi, Jason quyết định rằng tôi có thể giữ nó. Cậu bé hiểu rằng cho đi là một cam kết không thể hoán đổi. Bạn không thể lùi lại một khi đã nhảy vào khoảng không.

Giá trị của những thứ ta cho đi có thể cách biệt rất lớn. Ta có thể bỏ chút thời gian, một khoảng đóng góp nhỏ, hay một cuốn sách ta đã đọc. Hoặc ta có thể hiến máu hay tủy, hay con góp thật nhiều sức lực, hoặc dành ra một khoản tiền tiết kiệm không nhỏ. Dù món quà trao đi là gì thì điều kiện tiên quyết phải là: Ở phút giây mà ta cho đi, ta hiến dâng cả bản thân mình. Sự hào phóng mà gượng ép, lạnh nhạt, hay hờ hững thì không phải là hào phóng. Khi ta hào phóng, cả bản thân ta cũng không xá.

Sự hào phóng chạm tới tầng ý thức sâu nhất trong mỗi người chúng ta. Mỗi khi phải đối mặt với ý thức về sự sở hữu, ta lại trở nên nhạy cảm thái quá. Một nỗi lo sợ dấy lên trong tiềm thức của ta. Nó được bồi đắp qua hàng thiên niên kỷ con người phải sống trong thiếu thốn, hiểm nguy, và nghèo đói. Sâu trong tâm trí, mỗi chúng ta đều ghen tỵ với của cải của mình, thậm chí còn lo sợ nếu mất chúng. Tại sao việc cho đi những gì quý giá và hữu dụng với ta lại khó khăn đến vậy? Không phải chỉ bởi ta sẽ cảm thấy thiếu thốn, mà bởi ta so rằng đã cho đi là không thể lấy lại. Ta mất đi một phần của chính mình. Như thể ta đang chết dần đi vậy.

Sống hào phóng nghĩa là chinh phục những nỗi sợ hãi cổ xưa ấy. Nó cũng đồng nghĩa với việc vẽ lại những lằn ranh của bản thân. Với người rộng lượng, những lằn ranh ấy có thể bị xóa nhòa. Những gì là của anh – những khổ đau, khúc mắc – cũng là của tôi: Đó là thấu cảm. Những gì của tôi: tài sản, thân thể, tri thức và kỹ năng, thời gian và tài nguyên, năng lượng – cũng là của anh: Đó là hào phóng.

Khi ta đánh bại được nỗi sợ hãi vô thức có từ lâu đời ấy, và khi ta xác định lại những ranh giới của mình, cũng là lúc ta chuyển mình thành một con người hoàn toàn khác. Nhưng có một sự thật không thể chối bỏ rằng, dù có là người vui vẻ và thư thả nhất trên thế giới này thì trong thâm tâm ta vẫn luôn muốn giữ chặt những gì thuộc về mình. Những múi cơ cảm xúc này luôn căng cứng. Những gì là của ta, hay tin nó thuộc về ta, ta đều muốn nắm lấy: là một người, một địa vị xã hội, một đồ vật, hay sự an toàn của bản thân. Trong cái nắm chặt ấy chứa đầy sự sợ hãi và vị kỷ. Chúng ta như những đứa trẻ trong câu truyện dụ ngôn mà Phật dạy khi chúng xây những lâu đài cát trên bờ biển. Mỗi đứa có một lâu đài riêng, một lãnh thổ riêng. Đứa nào cũng muốn mình là nhất: “Đó là của ta!”, “Không, của ta!”. Thậm chí chúng có thể gây lộn, đuổi đánh nhau. Rồi khi màn đêm buông xuống, những đứa trẻ ấy trở về nhà, quên đi lâu đài cát của mình, và chìm vào giấc ngủ. Trong khi ấy, nước triều lên đã xóa sạch dấu vết những tạo vật của chúng. Những của cải quý giá nhất của ta cũng như những lâu đài trên cát kia. Liệu có phải ta đã quá căng thẳng vì chúng như vậy không? Sự hào phóng giúp ta nới lỏng bàn tay đang siết chặt lấy của cải và giải thoát ta khỏi chúng.

Chúng ta không phải lúc nào cũng có tâm lý tư hữu như vậy. Các nhà nhân chủng học cho biết rằng hình thái sở hữu tài sản như chúng ta đang có hiện nay không hẳn giống những nền văn hóa trước đây. Nó đặc biệt khác với thời kỳ đồ đá. Các nhóm người du cư giống như thời kỳ đó – sống bằng săn bắt và hái lượm – được tổ chức hoàn toàn khác biệt với xã hội chúng ta. Họ sở hữu ít hơn, làm ra ít hơn, và chia sẻ với nhau rất nhiều. Tôi không hình dung được họ sẽ nhìn xã hội chúng ta dưới con mắt thế nào – có lẽ như một bức tranh biếm họa mà trong đó chúng ta giữ chặt lấy tài sản của mình, sống méo mó đi để bảo vệ chúng, đếm chúng, ngày càng ham muốn chúng nhiều hơn, và đố kỵ tài sản của kẻ khác.

Ta thường nghĩ hào phóng chỉ là một phút bốc đồng của con tim. Chẳng có gì quý giá và đẹp đẽ hơn là một người hào phóng một cách ngẫu hứng. Nhưng cho đi như vậy có ý nghĩa gì đây? Những cử chỉ cho đi hào phóng thường bị tác động bởi hàng tá lý do giả tạo. Phải chăng ta cho đi như một thói quen, do thấy tội lỗi, hay dưới sức ép của đám đông? Hay ta làm vậy để được giảm thuế, hay để phô trương, hoặc chỉ bởi nó giúp ta đánh bóng hình ảnh?

Trí thông minh cũng góp phần trong mỗi hành động hào phóng. Có đôi khi ta gây tổn thương hay thiệt hại chính vì hành động đó của mình. Khi ta mang bia cho một kẻ nghiện đồ uống có cồn, hay xe mô-tô cho một tay liều lĩnh thì đó có thể là một quyết định hết sức nguy hiểm.

Một món quà cũng có thể ẩn chứa một ý thức hệ, một lời nhắc nhở, hay một lời phán xét. Như việc tặng một cuốn kinh cầu nguyện cho một người vô thần, thẻ tập gym cho người bị bệnh béo phì, hay một thỏi lăn khử mùi cho ai đó có mùi cơ thể đều không phải là ví dụ của sự hào phóng. Đó là những phán xét và áp lực gói trong vỏ bọc của món quà. Người cho đi có thể phản đối rằng anh ta hay cô ta chỉ muốn tốt hay an toàn hoặc muốn cho người nhận được tiến bộ. Động lực ấy có thể là chân thành, nhưng toàn bộ những hành động đó đều được đặt trong hệ quy chiếu giá trị của người cho đi. Người nhận món quà liệu sẽ phản ứng ra sao? Có lẽ là với cảm giác không được thoải mái. Và ngoài việc phải chịu đựng áp lực đó ra, người ta còn trông chờ lời cảm ơn từ người nhận nữa. Không một chút tự do, không một chút thân tình. Tất cả chỉ là sự kiểm soát.

Hành động cho đi cũng có thể làm người nhận sượng sùng theo nhiều cách. Nó có thể trông như sự phô diễn về địa vị hay uy quyền về mặt đạo đức: “Thấy tôi hào phóng chưa”. Có khi món quà được ngầm ý để khiến người nhận phụ thuộc hay mang ơn: “Tôi trao món quà này để sau đó có việc muốn nhờ anh”. Hoặc có thể người cho đi chân thành nhưng vô ý. Họ có mong muốn cho đi, nhưng món quà lại ngớ ngẩn và vô dụng. Một người sống trong căn hộ nhỏ xíu sẽ cảm thấy thế nào nếu được tặng một chú chó thiệt bự? Hay một người hâm mộ dòng nhạc rock lại được tặng một đĩa nhạc giao hưởng của Beethoven? Có rất nhiều món quà không phù hợp và khiến người nhận phật ý.

Thế nhưng, mỗi người trong chúng ta lại sở hữu những thứ mà người khác muốn có được, nếu không muốn nói là họ thực sự cần nó: tiền bạc, thời gian, những nguồn thiết yếu như nước sạch hay thực phẩm, khả năng khiến người khác tự tin, biết lắng nghe, và còn nhiều thứ khác nữa. Liệu ta có muốn chia sẻ chúng không? Cuộc sống của ta cứ xoay quanh việc ta thèm muốn những gì người này có, trong khi ta đang có những thứ mà người kia đang ước ao – như việc chơi một ván bài mà người chơi này có những quân bài mà người chơi khác cần.

Sự hào phóng đích thực được dẫn dắt bởi tỉnh thức. Nó mang lại cho người khác thứ mà họ thực sự cần để bước tiếp – có thể đơn giản chỉ là để tiếp tục sống. Hay là học hỏi, là quan tâm tới một chủ đề có thể là để chữa lành, hay tìm một công việc, hoặc bộc lộ một tài năng. Đó là sự cho đi không bị tác động bởi cảm giác tội lỗi, bởi một mối ân huệ, bởi muốn làm người khác phụ thuộc hay phô trương. Đó thực sự là một món quà không ràng buộc, và nó làm người nhận cảm thấy tự do. Đó chính là hiện thân đẹp đẽ nhất của lòng tốt.

Bạn có thể hào phóng không chỉ với vật chất mà còn bằng cả giá trị tinh thần. Trên hết, bạn có thể hào phóng với chính bản thân mình. Đây là một hình thái tinh tế hơn của sự hào phóng. Tất cả chúng ta đều có những nguồn lực mà đôi khi chính ta không hay biết. Ta có những ý tưởng, hình ảnh, kinh nghiệm, hay ký ức. Có đôi khi, ta quá hăm hở nhúng tay vào chuyện của người khác – ta đưa lời khuyên và nói về những ý tưởng của mình. Nhưng chẳng mấy khi ta thổ lộ về những gì khiến tim ta rung động. Ta giữ những cảm xúc ấy cho riêng mình và chỉ nói những điều dễ nói. Tuy nhiên, một mối quan hệ chỉ gắn kết bền chặt khi ta chia sẻ nỗi lòng mình, là những gì quý giá tốt đẹp nhất trong ta. Những mối quan hệ ta có càng giá trị khi ta bộc lộ nhiều về bản thân mình.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. BỔN PHẬN ĐẠO ĐỨC
  2. NHIỆT KẾ CỦA HẠNH PHÚC
  3. KHÔNG LÀM HẠI

Bài viết mới

  1. BỐN KHÍA CẠNH CỦA TÌNH THƯƠNG ĐÍCH THỰC
  2. BÍ QUYẾT ĐỂ PHÁT TRIỂN
  3. BÀI HỌC VỀ ĐỨC TÍNH NHẪN NHỤC