HÃY CỐ GẮNG HẾT MÌNH VÌ NHỮNG NGƯỜI XUNG QUANH TA

INAMORI KAZUO

Trích: Tâm - sức mạnh khiến cuộc đời như mình mong muốn; Người dịch: Thanh Huyền; Nxb Công Thương, Cty sách Thái Hà

Đầu tiên hãy cố gắng hết mình vì những người xung quanh ta

Nhân hàng loạt những sự kiện như vậy xảy ra, tôi cũng vứt bỏ sạch sẽ những mong muốn, suy nghĩ cá nhân mà tôi ấp ủ khi thành lập công ty. Tôi đã thay đổi ý nghĩa tồn tại của Kyocera từ “vị kỷ” (tư lợi, chỉ nghĩ tới bản thân) sang thành “vị tha” (suy nghĩ vì người khác).

Nếu tôi quyết tâm quán triệt triết lý thuở ban đầu là “công ty tồn tại để có thể mang kỹ thuật mà mình nghiên cứu ra thế giới”, thì có lẽ Kyocera sẽ không thể phát triển lớn mạnh như ngày nay.

Sự phát triển mạnh mẽ, vượt trội của Kyocera sau này được xây dựng trên nền móng rất vững chãi của sự vị tha “vì hạnh phúc của toàn thể nhân viên trong công ty”.

Hơn bất cứ điều gì, một công ty tồn tại là vì những người nhân viên làm việc trong công ty. Và mục đích của việc kinh doanh nằm ở việc hiện thực hóa hạnh phúc của toàn bộ nhân viên. Nó là tinh thần vị tha, gốc rễ của công việc kinh doanh. Và khi chúng ta làm kinh doanh với tinh thần đó, nhân viên trong công ty cũng sẽ đồng cảm với suy nghĩ đó và cống hiến hết mình bất chấp mệt mỏi vì công ty.

Dù là “trái tim vị tha”, nhưng nếu đột nhiên chúng ta đặt ra một lý tưởng quá cao là vì quốc gia, vì xã hội thì có lẽ nó sẽ hơi xa với những nhân viên đang làm trong công ty, và có thể trở thành “việc của người khác”. Nếu vậy, họ có thể sẽ lụi đi mong muốn, và khó có tinh thần cố gắng hết mình trong công việc.

Vốn dĩ ý nghĩa của từ “vị tha” vô cùng đơn giản: “Làm lợi cho người khác”, hay nói cách khác đó là việc chúng ta để “sự tư lợi, vì bản thân mình” lại phía sau mà ưu tiên những điều “vì người khác”. Chúng ta nghĩ về những điều mà bản thân có thể làm vì những người xung quanh, miễn là có thể làm được thì chúng ta sẵn sàng làm những điều tốt. Chỉ đơn giản như vậy thôi, chứ không phải điều gì quá cao siêu, xa vời.

Nếu là người có gia đình thì việc đầu tiên là khiến gia đình được hạnh phúc. Còn trong công việc, đó là việc chúng ta cố gắng làm những điều có thể vì đồng nghiệp và vì cả khách hàng của mình nữa. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể làm những điều cống hiến cho địa phương, khu phố nơi mình đang sinh sống.

Dù có là hành động nhỏ nhoi thế nào chăng nữa thì đó cũng là những hành động vì người khác, đầy tính vị tha. Và khi cái tâm vị tha được ươm trồng bằng những hành động đó, nó sẽ lớn dần, đơm hoa và dẫn con người đến với những hành động đẹp đẽ và đáng kính.

Khi nói về “hành động vị tha” lần đầu tiên tôi làm trong cuộc đời, tôi nhớ đến thời còn học tiểu học. Lúc đó tôi còn là một thằng nhóc cầm đầu lũ bạn đi chơi khắp nơi. Mẹ tôi luôn chuẩn bị sẵn đồ ăn cho mấy đứa trẻ con nghịch ngợm, hiếu động ném cặp sách vì mải chơi sau khi từ trường trở về. Nồi khoai lang đầy ắp được luộc nóng hổi chờ đợi chúng tôi. Vào thời điểm đó, nó quả là một món chiêu đãi tuyệt vời.

Mỗi khi nhìn những củ khoai nóng hổi còn đang bốc khói, tôi lại muốn đưa tay vào lấy một củ ngay lập tức. Nhưng tôi đã kiềm chế cảm giác thèm thuồng của mình mà dành cho bạn bè trước, xong xuôi tôi mới bắt đầu lấy ăn.

Bây giờ khi nghĩ lại thì hành động đó đầy “tấm lòng yêu thương, vì người khác” của tôi thời còn là một thằng bé nghịch ngợm cầm đầu lũ bạn.

Nhường nhịn và ưu tiên người khác, đặt mình lại phía sau là hành động vô cùng giản dị, nhưng đã trở thành “chồi ươm” cho tôi một cái tâm vị tha.

Nếu có thể biến suy nghĩ vì người khác trở thành hành động, bản thân sẽ nhận lại được những điều như vậy

Việc sở hữu cái tâm vị tha, làm những điều thiện sẽ dẫn chúng ta đến với sự may mắn trong vận mệnh một cách vô cùng tự nhiên. Vũ trụ luôn tồn tại dựa trên “quy luật nhân quả” này.

Trong vũ trụ luôn có một ngọn gió mang tên “vị tha”. Nếu có thể giương cánh buồm để đón lấy ngọn gió đó, chúng ta sẽ đi vào dòng chảy của vận mệnh và cuộc đời sẽ đi theo chiều hướng tốt.

Vào lúc này, cánh buồm đón lấy ngọn gió vị tha chính là “cái tâm vị tha”. Khi có thể giữ trong trái tim yêu thương và tấm lòng vì người khác để từ đó hành động thì con người có thể hoàn toàn đón nhận “ngọn gió vị tha”, và vững vàng chèo lái con thuyền cuộc đời đến với thành công và hạnh phúc.

Khi nhắc đến những điều như “tầm quan trọng của cái tâm vị tha” trong giới kinh doanh, thường chúng ta sẽ nghe thấy những lời phê phán, phản đối. Giữa một nền kinh tế đầy khó khăn, thử thách, liệu “sự vị tha” và “tấm lòng nghĩ về người khác” có thể mang ra mà làm kinh doanh được hay không? Tuy nhiên, trong thương trường ngày càng trở nên khắc nghiệt, “trái tim suy nghĩ cho người khác” hay chúng ta vẫn đang gọi là cái tâm vị tha mới thực sự là điều quan trọng.

Những hành động xuất phát từ tấm lòng yêu thương người khác dù bằng hình thức này hay hình thức khác, cách này hay cách khác cũng sẽ trở thành những điều tốt đẹp quay trở lại điều với chính chúng ta.

Hơn 30 năm trở về trước, Kyocera giúp một công ty mới khởi nghiệp chưa lâu vào thời điểm tình hình kinh doanh của họ rơi vào giai đoạn vô cùng khó khăn. Đó là một công ty sản xuất và bán bộ đàm trong ô tô, một món đồ rất được ưa chuộng thời đó. Nhân cơ hội những sản phẩm truyền tin không dây đang trở thành làn sóng mới ở Mỹ, công ty này đã lướt cùng làn sóng đó và phát triển với tốc độ rất cao chỉ trong vòng vài năm. Tuy nhiên, khi làn sóng đó qua đi, công ty cùng mấy chục nhân viên bị dồn vào tình thế khốn cùng. Khi đó, họ đã thông qua giới thiệu và tìm đến tôi với mong muốn được giúp đỡ.

Sau khi đã sáp nhập, tôi mới biết rằng trong công ty này có một công đoàn có những tư tưởng và cách suy nghĩ quá khích.

Những thành viên trong công đoàn chẳng hề nghiêm túc trong công việc thường ngày mà dành hết nhiệt huyết cho các hoạt động công đoàn. Không ít lần họ đưa ra những yêu cầu vô cùng phi lý. Những yêu cầu của họ thực sự mang những nội dung bất thường, không thể tưởng tượng nổi nên tôi đã bác bỏ toàn bộ.

Những người này đã vô cùng tức giận khi những yêu cầu mà mình đệ lên bị bác bỏ. Họ đã đi ô tô tới tận Kyoto để làm công tác tuyên truyền ngay trong thành phố. Những tờ rơi với những nội dung mang tính nói xấu, hãm hại Kyocera và bản thân tôi được dán khắp nơi xung quanh công ty và cả nhà của tôi. Ngoài ra, họ còn sử dụng ô tô và những chiếc loa có âm lượng lớn để nói những lời chỉ trích, phê phán tôi khắp các ngõ ngách của thành phố Kyoto.

Nhưng tôi chẳng hề làm bất cứ điều gì để ngăn chặn hay chống lại những hành vi đó. Tôi chỉ quan tâm tới một điều duy nhất là dành hết sức mình để tái kiến thiết lại công ty mới sáp nhập.

Trong suốt khoảng bảy, tám năm cho đến khi họ rời khỏi công ty đã có rất nhiều thiệt hại mà tôi không thể đo đếm được. Nhưng tôi không hề nói một lời phàn nàn hay trách cứ, hận thù gì họ, mà chỉ chuyên tâm vì những nhân viên trong công ty, dành hết sức mình để khôi phục lại tình hình kinh doanh của

công ty. Kết quả là tôi đã gây dựng lại công việc kinh doanh vốn đang tràn ngập trong thua lỗ, nhân viên trong công ty cũng đã cảm nhận được ý nghĩa của công việc mình làm và ra sức hoàn thành chúng. Công ty này đã trở thành một phần quan trọng trong lĩnh vực sản xuất dụng cụ máy của Kyocera.

Mười mấy năm sau đó, Kyocera lại sáp nhập với một công ty sản xuất máy phô-tô khác cũng đang trong tình trạng kinh doanh khó khăn, và hỗ trợ họ trong việc tái kiến thiết công ty với danh nghĩa là công ty con của Kyocera. Nhân vật giữ vai trò quan trọng trong việc tái kiến thiết này chính là người từng làm giám đốc công xưởng của công ty tôi kể trên, nơi tôi đã thực sự khổ tâm khổ sức để gây dựng lại.

Trong buổi lễ nhận chức trở thành giám đốc đầu tiên của công ty phô-tô, anh ấy có phát biểu như sau. “Trước đây, tôi ở địa vị của người được cứu, lần này tôi lại đứng trên cương vị của người đi cứu. Tôi thực sự cảm thấy một cảm xúc rất lạ trong lòng, một cảm giác thật khó tả.”

Công ty sản xuất máy phô-tô này sau đó cũng phát triển rất mạnh mẽ, và trở thành một thành viên có đóng góp lớn cho tập đoàn Kyocera.

Ngày xưa, dù rõ ràng là cứu vớt công ty vậy mà tôi vẫn gặp phải một số nhân viên quá khích, khiến bản thân vô cùng khổ sở. Tôi đã không lùi bước cũng không than phiền về những điều đó, chỉ nghĩ về những nhân viên trong công ty, cố gắng hết sức mình để làm những điều tốt đẹp cho công ty. Và cứ thế, những điều tốt đẹp thực sự đã đến với tôi.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. NẾU ĐỘNG CƠ LÀ “THIỆN” THÌ CHẮC CHẮN MỌI VIỆC SẼ TỰ NHIÊN ĐI THEO CHIỀU HƯỚNG TỐT ĐẸP
  2. PHÁT KHỞI TÂM VỊ THA CỦA BỒ TÁT
  3. ÍCH KỶ MỘT CÁCH THÔNG MINH

Bài viết khác của tác giả

  1. PHẢI THÀNH THẬT: THEO ĐUỔI NHỮNG GÌ ĐÚNG ĐẮN MỘT CÁCH ĐÚNG ĐẮN
  2. QUY LUẬT CUỘC ĐỜI – CHỈ CÓ TRONG ĐỜI NHỮNG THỨ MÌNH MUỐN CÓ
  3. NỀN VĂN MINH VỊ THA SẼ NỞ HOA KHI LOÀI NGƯỜI TỈNH NGỘ

Bài viết mới

  1. ÁP DỤNG QUY LUẬT NỖ LỰC TỐI THIỂU
  2. ĐẠT ĐƯỢC NHIỀU HƠN CHỈ VỚI NỖ LỰC TỐI THIỂU
  3. THỰC HÀNH BỒ ĐỀ TÂM