HÃY CỨU LẤY HÀNH TINH CHÚNG TA

RICHARD H. THALER & CASS R. SUNSTEIN

Trích: “Cú Hích”; Richard Thaler – Cass Sunstein/ Vương Bảo Long dịch. NXB Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh; Năm 2016

? Richard H. Thaler được nhiều người xem là cha đẻ của kinh tế học hành vi, một môn khoa học bao gồm tâm lý học, hành vi tiêu dùng và kinh tế học. Ông là giám đốc Trung tâm nghiên cứu Vấn đề Ra quyết định thuộc Đại học Chicago. Ông cũng là cộng tác viên nghiên cứu tại Vụ Nghiên cứu Kinh tế Hoa Kỳ.

? Cass R. Sunstein là giáo sư hàng đầu về luật học tại trường Luật thuộc Đại học Chicago và là thành viên Khoa Khoa học Chính trị.

? Lợi Ích Cao Hơn

Khi lợi ích chung và riêng được phân chia mất cân đối thì Nhà nước cần phải can thiệp. Trong lĩnh vực môi trường, có ít nhất hai phương án đã được đề nghị. Phương án thứ nhất là đánh thuế hay phí đối với những người gây ô nhiễm. Phương án thứ hai là bán quyền xả thải với một hạn ngạch nhất định và quyền này có thể được đấu giá hay cho phép mua bán trên thị trường. Hầu hết các chuyên gia cho rằng hai phương án này có thể thay thế kiểu quản lý mệnh lệnh và kiểm soát. Chúng tôi tán thành ý kiến trên vì phương pháp này có tác dụng và hiệu quả cao, đồng bảo đảm được quyền tự do lựa chọn, vốn hoạt động theo nguyên tắc “anh có quyền tiếp tục hành vi gây ô nhiễm chừng nào anh còn khả năng bồi thường những thiệt hại do anh gây ra”. Cách ứng xử này tốt hơn nhiều so với nguyên tắc “anh phải chấp hành đúng những gì nhà nước quy định”. Các công ty thích phương pháp này hơn phương pháp mệnh lệnh và kiểm soát vì họ cảm thấy quyền tự do lựa chọn của họ được tôn trọng, và họ có thể kiểm soát chi phí sản xuất nếu chính sách mua bán hạn ngạch xả thải được quy định rõ ràng. Nghị định thư Kyoto, được lập ra nhằm kiểm soát các loại khí thải gây hiệu ứng nhà kính, cũng chứa một cơ chế trao đổi (mua bán) được thiết kế rất cụ thể nhằm giảm chi phí của việc hạn chế chất thải nguy hại môi trường.

Khi áp dụng phương pháp bán hạn ngạch xả thải, giá cả các loại hàng hóa gây ô nhiễm trong quá trình sản xuất sẽ tăng lên và sức mua sẽ giảm xuống. Hẳn nhiên không ai trong chúng ta thích đóng thuế thêm, nhưng tăng thuế tiêu thụ xăng dầu sẽ buộc người ta chọn những chiếc xe tiêu hao nhiên liệu ít hơn, hoặc hạn chế sử dụng xe, hoặc cả hai. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất xe hơi sẽ có nhiều lợi ích để phát triển những công nghệ mới đáp ứng nhu cầu tiết kiệm nhiên liệu hay các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Hiệu quả tích cực của chương trình làm sạch môi trường không khí và kiểm soát lượng mưa axit tại Mỹ là một thành công rõ ràng của cơ chế mua bán hạn ngạch xả thải. So với chính sách mệnh lệnh và kiểm soát, cơ chế này đã giúp tiết kiệm 357 triệu đôla hàng năm trong năm năm đầu tiên và người ta đặt chỉ tiêu 2.28 tỷ đô la mỗi năm cho 20 năm đầu tiên. Vì chi phí để thực hiện chính sách này thấp hơn nhiều so với dự đoán, hệ số chi phí – lợi ích đặc biệt tốt với chi phí tuân thủ là 870 triệu đô la, trong khi lợi ích thu về từ 12 đến 78 tỷ đô la. Đó là chưa kể giảm được gần 10,000 ca chết trẻ và hơn 14,500 ca tử vong vì hen phế quản cấp tính.

? Thông Tin Và Thông Tin Phản Hồi

Mặc dù chúng ta nghĩ rằng bước đi quan trọng nhất để giải quyết vấn đề môi trường là xác định đúng những cái giá phải trả (hay lợi ích), nhưng chúng ta nhận ra cách này gặp khó khăn về mặt chính trị. Khi cử tri than phiền về việc giá cả xăng dầu tăng cao, các chính sách khó lòng thống nhất với nhau một giải pháp mà hậu quả là làm tăng giá. Lý do chủ yếu là chi phí bảo vệ môi trường bị giấu đi, trong khi giá cả tăng vùn vụt là điều ai cũng thấy. Vì thế, chúng tôi đề nghị cùng với việc xác định giá đúng, chúng ta hãy nên sử dụng một cú hích khác có thể giúp giảm nhẹ vấn đề bằng những phương cách dễ chịu hơn về mặt chính trị.

Một bước đi quan trọng và thể hiện tính tự do cao là cải thiện quy trình cung cấp thông tin phản hồi đến người tiêu dùng bằng những thông tin chất lượng hơn và hoạt động chia sẻ thông tin tốt hơn. Những chiến lược như thế có thể nâng cao hiệu quả hoạt động của thị trường cũng như của chính phủ, hạ thấp chi phí, ít mang tính xâm phạm hơn so với phương pháp mệnh lệnh và kiểm soát mà các nhà lập pháp thường sử dụng. Tuy nhiên, các nhà môi trường học e rằng chỉ chia sẻ thông tin thôi vẫn chưa đủ. Có thể họ nói đúng, nhưng đôi khi thông tin là một động cơ thúc đẩy mạnh mẽ đến kinh ngạc.

Thông điệp bắt buộc gửi đến cộng đồng về mối nguy hại của việc hút thuốc lá lần đầu tiên được công khai vào năm 1965, sau đó được sửa đổi vào năm 1969 và năm 1984. Đây có lẽ là ví dụ quen thuộc nhất về chính sách chia sẻ thông tin. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA – Food and Drug Administration) từ lâu đã duy trì chính sách yêu cầu các nhà bào chế thuốc phải ghi nhãn cảnh cáo rủi ro trên mọi sản phẩm của họ. Cục Bảo vệ Môi trường (EPA – Environment Protection Agency) cũng thực hiện bước đi tương tự để kiểm soát vấn đề sử dụng thuốc trừ sâu và chất amiăng. Trước nguy cơ tầng Ozone biến mất vì việc sử dụng một số hóa chất “giết Ozone”, các cảnh báo ghi bằng chữ phải được dán trên mọi sản phẩm có sử dụng những loại hóa chất độc hại đó. Quốc hội Mỹ cũng yêu cầu dán nhãn cảnh báo các sản phẩm có đường. Dưới thời Tổng thống Reagan, Cục Quản lý An toàn Sức khỏe và Lao động đã ban hành bộ Tiêu chuẩn Thông tin hiểm họa (HSC – Hazard Communication Standard), tất cả các chủ sử dụng lao động đều phải tham gia huấn luyện và thực hiện chương trình này, theo đó, họ bắt buộc phải thông báo cho nhân viên biết về các rủi ro tiềm ẩn trong công việc đang làm hay sẽ làm. Quy định này làm tăng độ an toàn nơi làm việc cho người lao động, mà không đòi hỏi nhà sử dụng lao động phải thay đổi hành vi của họ, dù nhỏ nhất.

Nhưng cũng có những chế định được thiết kế để phục vụ mục đích chính trị nhiều hơn là phù hợp với cơ chế thị trường. Họ không cung cấp thông tin cho người tiêu dùng, mà chỉ nhằm thông báo cho các cử tri và đại biểu của họ. Chế định nổi tiếng nhất loại này là Đạo luật Môi trường Quốc gia của Mỹ, được ban hành vào năm 1972. Mục tiêu chính của đạo luật này là yêu cầu chính phủ soạn và thông báo những thông tin có liên quan đến môi trường trước khi chấp thuận bất cứ dự án đầu tư nào có thể gây ảnh hưởng lớn đến môi trường. Mục đích chia sẻ thông tin là kích hoạt cơ chế bảo vệ thông qua hoạt động chính trị, xuất phát từ những phán đoán của chính phủ một khi tác động môi trường được làm rõ, hoặc từ áp lực bên ngoài lên một bộ phận dân chúng – những người hiểu rõ các tác động đó. Mục đích ẩn sau đạo luật này là nếu dân chúng phản ứng mạnh, chính phủ sẽ bị áp lực và phải đưa ra hành động bảo vệ môi trường; ngược lại, nếu người dân thờ ơ trước thông tin được cung cấp, chính phủ sẽ không làm gì cả.

Một câu chuyện thành công khác về yêu cầu tiết lộ thông tin là Đạo luật về Quyền được biết của công dân đối với trường hợp khẩn cấp, được Quốc hội Mỹ thông qua vào năm 1986 sau thảm họa Chernobyl Ở Ukraine. Ban đầu, đạo luật này không được thiết kế để tạo ra các lợi ích môi trường, mà chỉ là một công cụ theo dõi thông tin nhằm cung cấp cho Cục Bảo vệ Môi trường một khái niệm về những gì đang diễn ra trên nước Mỹ. Nhưng hóa ra nó lại làm được nhiều hơn thế. Thật vậy, điều khoản bắt buộc công bố thông tin Dự trữ và Sử dụng Nguyên liệu Độc hại là thành công rõ ràng nhất trong toàn bộ các quy định về bảo vệ môi trường của Hoa Kỳ. Điều khoản này yêu cầu mọi công ty và cá nhân phải báo cáo chính phủ số lượng các loại chất độc hại mà họ đang tồn trữ hay sẽ thải ra môi trường, và các thông tin này được công bố trên trang web của Cục Bảo vệ Môi trường để mọi người có thể tiếp cận một cách dễ dàng khi cần. Những người sử dụng các loại hóa chất độc hại cũng phải báo cáo cho sở cứu hỏa địa phương về địa điểm, chủng loại và số lượng các loại hóa chất mà họ cất trữ. Ngoài ra, họ phải cung cấp thông tin về các tác hại tìm ẩn đối với sức khỏe con người.

Thật ngạc nhiên, chỉ qua cú hích yêu cầu cung cấp thông tin, đạo luật này đã mang lại những lợi ích to lớn qua việc cắt giảm một lượng lớn chất thải nguy hại trên khắp nước Mỹ. Tại sao?

Lý do chính nằm ở các nhóm hành động vì môi trường và sức mạnh của các phương tiện truyền thông đại chúng. Họ luôn gây áp lực đối với “những kẻ làm bẩn môi trường” bằng cách tạo ra một “danh sách đen” được cập nhật thường xuyên và công khai trước bàn dân thiên hạ. Lẽ tất nhiên, trên thực tế không một công ty nào thích bị liệt vào danh sách này, nếu họ không muốn hàng hóa của mình bị tẩy chay. Còn các công ty sử dụng nhiều hóa chất độc hại cũng tự động cắt giảm số lượng hay thành phần các chất đó trong sản phẩm của họ, hoặc thay đổi công nghệ để tránh trở thành mục tiêu của danh sách này. Đây quả là một ví dụ hoàn hảo về hiệu quả của cú hích xã hội.

Nhân tiện, có bao giờ bạn để ý và tự hỏi tại sao ngày nay ở nhiều khách sạn, đặc biệt là ở châu Âu, khách phải tra một tấm thẻ nhựa trên đó có chìa khóa phòng vào khe hở được thiết kế ngay bên trong cửa để bật đèn không? Đây lại là một cú hích thông minh khác có tác dụng tiết kiệm năng lượng và tiết kiệm chi phí cho nhà kinh doanh khách sạn. Bởi khi khách ra khỏi phòng, họ phải khóa cửa, nhưng trước khi khóa cửa họ phải lấy tấm thẻ ra khỏi khe cắm, mà làm như thế là họ đã tắt toàn bộ hệ thống điện trong phòng. Kết quả là chủ khách sạn không phải thanh toán hóa đơn tiền điện cho những bóng đèn hay máy lạnh điều hòa nhiệt độ được mở mà không phục vụ ai cả.

Tại sao bạn không thiết kế một công tắc thông minh với quy tắc hoạt động tương tự cho ngôi nhà thân yêu của mình nhỉ?

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. CÁC DẤU HIỆU CỦA SỰ TIẾN BỘ
  2. NGHẸN NGÀO BỨC TÂM THƯ GỬI ĐỨA CON LƯỜI ĐỌC SÁCH
  3. HÃY CỨU LẤY HÀNH TINH CHÚNG TA

Bài viết mới

  1. ĐI QUA ĐỪNG CÓ ĐỐT CẦU, ĐỂ NGÀY CẦN ĐẾN CÓ CẦU MÀ ĐI
  2. BỔN PHẬN
  3. ĐỔ LỖI CHO AI ?