HỆ THỐNG ĐIỀU KHIỂN – CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN VIỆC ĐÁNH GIÁ
Trích “Đánh Thức Con Người Phi Thường Trong Bạn”
Tác giả: Anthony Bobbins
Biên dịch: TriBookers
NXB Tổng Hợp Tp.HCM, 2017
Ảnh: nguồn internet

——-🍀🍀🍀——-
Một trong những điều tôi thích nhất ở công việc mình làm là cơ hội được làm sáng tỏ bí ẩn của hành vi con người và nhờ đó đưa ra giải pháp nâng cao chất lượng cuộc sống. Tôi say mê tìm kiếm những nguyên nhân ẩn sau hành vi mỗi người và khám phá những niềm tin cốt lõi, những câu hỏi, hình ảnh ẩn dụ, tham chiếu và các giá trị của họ. Mỗi ngày, tôi sống như thám tử Sherlock Holms, dành từng phút giây để lắp ráp từng mảnh ghép lại với nhau nhằm giải câu đố về trải nghiệm độc đáo của mỗi người.
Đôi khi một số manh mối hơn mơ hồ và đòi hỏi phải tìm hiểu sâu hơn. Tuy nhiên, bởi vì hành vi con người rất đa dạng, cho nên một trong những điều giúp tôi thực hiện công việc của mình một cách thành công là sau cùng, tất cả đều quy thành một số mô thức nhất định, bao hàm một vài yếu tố chính yếu. Hiểu được những nguyên tắc tổ chức này, chúng ta không chỉ mang lại thay đổi tích cực cho người khác mà còn thấu hiểu vì sao họ hành động như thế.
“Hệ thống điều khiển (Master System)” là một hệ thống kiến thức mô tả chi tiết những yếu tố dẫn dắt hành vi con người, bị chi phối bởi các quy luật có thể dự đoán và các mô thức “hành động – phản ứng”.
Thấu hiểu “Hệ thống điều khiển” cho phép bạn lập tức hiểu được bản chất của con người. Hiểu điều gì đang kiểm soát tất cả những người quan trọng nhất đối với bạn, bao gồm cả chính bạn, chẳng phải là một khả năng tuyệt vời sao? Thật tuyệt vời khi ta có thể vượt lên những phiền muộn hay thách thức do người khác gây ra, thấu hiểu vì sao họ lại hành động như thế; và sau đó không cần phán xét gì, ta có thể lập tức tái kết nối với con người thật sự của họ! Không thể đánh giá con người chỉ qua một sự kiện nào đó. Người ta không phải là hành vi của họ.
Bí quyết để thấu hiểu con người là thấu hiểu “Hệ thống điều khiển”, qua đó bạn có thể trân trọng cách lý luận của họ. Mỗi chúng ta đều có một hệ thống quyết định điều gì có ý nghĩa với mình và điều gì ta cần làm trong bất kỳ tình huống nào. Cần nhớ rằng mọi thứ đều có tầm quan trọng khác nhau với từng người, và cách đánh giá những gì đang xảy ra tùy thuộc vào quan điểm và thói quen của mỗi cá nhân.
🍀 Những Đánh Giá Ưu Việt Tạo Nên Cuộc Đời Siêu Việt
Khi tìm hiểu về những người thành công nhất, tôi bắt gặp một mẫu số chung là họ thường đưa ra những đánh giá ưu việt. Điều gì đưa họ đến đỉnh cao như thế? Vì sao Bill Cosby lúc nào cũng rạng ngời trước khán giả mỗi lần ông bước lên sân khấu? Điều gì khiến âm nhạc của Andrew Lloyd Webber lại man mác buồn?
Tất cả đều đi đến điểm chung là những nhân vật này đã đưa ra những đánh giá ưu việt trong lĩnh vực chuyên môn của mình. Cosby mất nhiều năm để xây dựng những tham chiếu chủ chốt, niềm tin và quy tắc sử dụng bất cứ thứ gì xung quanh để chọc cười mọi người. Khả năng làm chủ giai điệu, cách phối âm và những yếu tố khác cho phép Webber viết nên những giai điệu lay động lòng người.
Warren Buffett là một trong số những nhà cố vấn đầu tư hàng đầu mà tôi từng nghiên cứu và học hỏi. Để đưa ra những đánh giá tài chính hiệu quả, Buffett sử dụng một hình ảnh ẩn dụ mạnh mẽ ông học được từ Ben Graham, là người bạn, đồng thời là người cố vấn của ông:
“Là một cách nói ẩn dụ về sự biến động trên thị trường, hãy hình dung chúng đến từ một người bạn rất ư là ‘sáng nắng chiều mưa’, ngài Thị trường, đối tác kinh doanh của bạn. Những tuyên bố của ngài Thị trường chẳng chắc chắn chút nào. Vì sao? Thật đáng buồn là người bạn đáng thương này mắc phải căn bệnh nan y về cảm xúc.
Khi ông cảm thấy phấn khích, chúng ta chỉ thấy những yếu tố thuận lợi tác động đến công việc kinh doanh. Trong trạng thái đó, ông đưa ra một mức giá mua bán rất cao bởi vì ông sợ bạn cướp mất lợi nhuận sắp chảy vào túi ông. Khi khác, ông cảm thấy chán chường và thấy công việc kinh doanh, cũng như cả thế giới, đều không có gì ngoài rắc rối. Trong những hoàn cảnh như thế này, ông đưa ra mức giá rất thấp vì sợ sẽ phải ‘cõng’ nợ lãi suất.
Giống như Cô bé Lọ Lem, bạn phải chú ý đến lời cảnh báo, nếu không thì mọi thứ sẽ biến thành bí ngô và chuột. Ngài Thị trường có mặt là để phục vụ bạn, chứ không phải để dẫn dắt bạn. Nếu một ngày ông xuất hiện trong trạng thái đờ đẫn, bạn có thể phớt lờ hoặc lợi dụng ông, nhưng sẽ là thảm họa nếu bạn để cho ông chi phối mình. Quả thật, nếu bạn không chắc rằng bạn hiểu và có thể đánh giá công việc kinh doanh của mình tốt hơn Ngài Thị trường, bạn không nên tham gia trò chơi này.”
Rõ ràng Buffett đánh giá quyết định đầu tư của ông khác với những người vô cùng lo sợ khi thị trường sụp đổ hay vô cùng phấn khích khi nó tăng trưởng. Vì thế ông tạo ra những kết quả với chất lượng hoàn toàn khác. Nếu ai đó làm tốt hơn ta, đơn giản là vì họ có cách đánh giá ý nghĩa của mọi thứ tốt hơn và họ biết họ cần làm gì.
Mục đích của bạn giờ đây là có thể đánh giá mọi thứ trong cuộc sống theo cách dẫn dắt bạn đưa ra những quyết định mang đến kết quả mong muốn. Sau đây là năm yếu tố tác động đến việc đánh giá:
1. Trạng Thái Cảm Xúc Và Tinh Thần
Khi bạn đang trong tâm trạng lo sợ và dễ tổn thương, tiếng bước chân lào xào ngoài cửa sổ vào ban đêm, cùng với âm thanh kẽo kẹt khi cửa mở sẽ mang ý nghĩa hoàn toàn khác so với khi bạn đang hào hứng hoặc đã đoán trước hành động của bạn mình. Nằm run cầm cập dưới chăn hay chạy ra cửa với vòng tay rộng mở thì đó đều là kết quả của việc đánh giá khi nghe những âm thanh ấy. Một bí quyết quan trọng để đưa ra những đánh giá ưu việt là hãy chắc chắn khi ra quyết định về những gì cần làm và xác định ý nghĩa của sự vật, sự việc, ta phải ở trong trạng thái thoải mái, tích cực thay vì trong trạng thái “đấu tranh sinh tồn”.
2. Câu Hỏi
Câu hỏi chính là thể dạng đầu tiên của quá trình đánh giá. Hãy nhớ, để ứng đáp với bất kỳ điều gì xảy ra trong cuộc sống, bộ não thường đánh giá bằng cách hỏi: “Điều gì đang xảy ra? Tình huống này có thể làm gì để tránh, giảm hay loại bỏ nỗi đau và gia tăng niềm vui”.
Những đánh giá của bạn chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi những câu hỏi bạn đặt ra cho bản thân. Nếu bạn tự nhủ: “Gặp gỡ người này không phải tuyệt vời lắm sao?”, bạn cảm thấy có động lực gặp họ. Nhưng nếu bạn thường đặt câu hỏi theo thói quen: “Lỡ người ta từ chối thì sao? Lỡ họ cảm thấy phiền khi mình tiếp cận? Liệu mình có bị tổn thương không?” thì chắc chắn sẽ dẫn đến hàng loạt những đánh giá khiến bạn bỏ lỡ mất cơ hội kết giao với người mà bạn thật sự quan tâm.
3. Thang Giá Trị
Trong quá trình trưởng thành, mỗi chúng ta đều học cách quý một số cảm xúc nhất định, nhiều hơn so với những cảm xúc khác. Chúng ta muốn cảm thấy sung sướng, thoải mái và tránh những cảm giác tồi tệ như đau khổ. Kinh nghiệm sống đã dạy ta một hệ thống mã hóa độc đáo – liên hệ điều gì khổ đau và điều gì với hạnh phúc. Hệ thống này hoạt động nhờ vào sự định hướng của các giá trị.
Chẳng hạn như, cùng là cảm giác an toàn, người này có thể liên hệ nó với sự thoải mái, trong khi người khác lại xem đó là nỗi đau khổ bởi lẽ nỗi ám ảnh về sự bảo bọc an toàn của gia đình cứ đeo đẳng họ, điều khiển họ chưa bao giờ trải nghiệm được tự do. Một số người cố gắng thành công, nhưng đồng thời họ cũng muốn tránh bị từ chối. Những giá trị mâu thuẫn nhau này khiến người ta cảm thấy chán nản hoặc bị động.
Những giá trị bạn chọn sẽ ảnh hưởng đến quyết định của bạn. Có hai loại giá trị bạn sẽ tìm hiểu ở chương sau: trạng thái hạnh phúc mà ta luôn cố gắng hướng đến (gồm những giá trị như tình yêu thương, niềm vui, lòng trắc ẩn, sự hứng khởi…) và trạng thái khổ đau ta luôn cố gắng tránh hoặc thoát khỏi (gồm những giá trị như sợ hãi, thất vọng, trầm cảm, giận dữ…). Động lực do hai nhóm trạng thái này tạo ra sẽ quyết định hướng đi của đời bạn.
4. Niềm Tin
Những niềm tin phổ quát mang đến cho ta cảm giác chắc chắn khi cảm nhận hay kỳ vọng về điều gì đó ở bản thân, cuộc sống, mọi người. Quy tắc cũng là một hình thái của niềm tin về những gì phải xảy ra sao cho phù hợp với các giá trị của mình. Chẳng hạn như, một số người tin rằng: “Nếu ai đó yêu thương tôi thì đừng bao giờ lên giọng với tôi”. Quy tắc này sẽ khiến người đó đánh giá việc lên giọng là bằng chứng thể hiện mối quan hệ hiện tại không có tình yêu thương. Thực tế mà nói, niềm tin này không có cơ sở, nhưng nó sẽ chi phối cách đánh giá, theo đó là nhận thức và trải nghiệm về hiện thực.
5. Những Trải Nghiệm Tham Chiếu
Chúng ta lưu trữ mọi trải nghiệm sống và tất cả những điều ta từng tưởng tượng ra trong “ngăn hồ sơ” khổng lồ – não bộ. Những trải nghiệm tham chiếu này là “nguyên liệu thô” mà ta sử dụng để xây dựng niềm tin, thang giá trị và ra quyết định. Để quyết định điều gì có ý nghĩa với ta hay không, ta phải so sánh nó với một thứ khác. Có vô số tham chiếu có thể sử dụng khi ra quyết định. Những tham chiếu bạn chọn sẽ quyết định ý nghĩa của bất kỳ trải nghiệm nào, cách bạn cảm nhận về nó và hành động của bạn.
—🍀🍀🍀—
“Mức độ thông thái của con người không phụ thuộc vào kinh nghiệm, mà nhờ vào khả năng học hỏi của họ.”
GEORGE BERNARD SHAW
——-🍀🍀🍀——-