HẾT MÌNH – MỘT CƠ HỘI TUYỆT VỜI ĐỂ TỰ DO

PIERO FERRUCCI

Trích: Giá Trị Của Sự Tử Tế; Nguyên tác: The Power of Kindness; Việt dịch: Phạm Quốc Anh; NXB. Hồng Đức; Công ty Sách SaiGonBooks, 2020

Thật dễ để liên tưởng đến sự hy sinh khi nghĩ về việc giúp đỡ hết mình, bởi nó lấy đi thời gian và công sức của chúng ta. Nhưng thường thì hiểu ngược lại mới đúng. Giúp đỡ hết mình mang lại lợi ích cho cả người giúp chứ không chỉ người được giúp. Giới kinh doanh cũng đã nhận ra điều này thông qua việc nghiên cứu một cách khoa học và có hệ thống. Số lượng ngày càng tăng của các nghiên cứu, xác nhận một thực tế là việc cho đi luôn giúp ích cho công việc kinh doanh. Hậu đãi khách hàng giúp tăng khả năng được khách hàng yêu quý và tiếp tục sử dụng dịch vụ. Điều ngược lại cũng đúng. Đã bao lần ta phải đợi dài cổ mới được phục vụ trong một nhà hàng, hay được chào đón bằng thái độ không-thể-bất-cần hơn của một nhân viên bán hàng, hoặc mua một món đồ mà ta tưởng rằng có chất lượng tốt nhưng hóa ra lại chỉ là đồ bỏ. Một công ty được lợi đủ đường khi trân trọng khách hàng của mình. Nhiệm vụ của công ty ấy là giảm thiểu số lượng những “kẻ khủng bố”: là những khách hàng bất mãn mà ngoài việc không bao giờ quay lại còn đi nói xấu về công ty đó. Do vậy, nhiệm vụ còn lại là gia tăng số lượng các “tín đồ”: Những khách hàng hài lòng và không chỉ tiếp tục ủng hộ mà còn giúp quảng bá miễn phí cho công ty.

Tất nhiên, việc đối đãi tốt với khách hàng để họ tiếp tục mua sản phẩm của mình không thể hiện lòng tốt không vụ lợi – đó chỉ là biết cách làm ăn mà thôi. Thế nhưng tôi cho rằng, lòng tốt có vụ lợi còn có giá trị hơn là sự thô lỗ không vụ lợi; và những người giả bộ tốt thấy lối sống này mang lại nhiều lợi ích tới mức cuối cùng họ sống tốt một cách chân thành.

Tuy nhiên, giống như mọi thứ tốt đẹp khác, sự giúp đỡ hết mình cũng kéo theo vô số mối nguy và rắc rối khó giải quyết. Một trong số đó thường gặp nhất là sự tính toán – định giá cho mỗi việc đã làm – rồi đưa ra hóa đơn. Với công việc trị liệu tâm lý, khi nghe khách hàng kể về cha mẹ của họ thì có một điều khiến họ thấy buồn phiền mà tôi được nghe nhiều hơn hết. Và đó là gì? Áp lực? Ngược đãi? Bỏ rơi? Sỉ nhục? Đe dọa? Những điều đó thì hẳn rồi. Nhưng lời phàn nàn tôi thường được nghe nhất là về các bậc làm cha mẹ nhắc nhở con cái về những gì họ đã làm cho chúng. Phải ngồi nghe hết những ân huệ, những sự hy sinh và cố gắng vì con cái thực sự là một trải nghiệm vô cùng khó chịu. Tuy vậy, cũng là lẽ thường tình khi các bậc thân sinh không muốn con cái họ coi những cố gắng ấy là điều hiển nhiên. Làm cha mẹ rất khó, chẳng được ai công nhận, không được trả lương, và cuổi cùng có khi đứa trẻ thậm chí còn chẳng biết ơn. Vậy thì tại sao phản ứng của những người con lại mạnh như vậy? Bởi trước đó công sức của các bậc cha mẹ bỏ ra là hoàn toàn vô tư, nhưng giờ nó trở thành công cụ để đáp trả trong các cuộc tranh cãi. Bởi vậy, tất cả những gì tốt đẹp trong quá khứ đều bị thổi bay trong tích tắc. Hết lần này đến lần khác bạn nhận được hành động mà bạn tin rằng xuất phát từ lòng tốt không vụ lợi, rồi sau đó, bạn bất ngờ phát hiện ra rằng mình phải trả công cho những hành động đó. Một món quà ngẫu hứng trở thành một món đồ trong giới hạn kinh phí: Vẻ đẹp nguyên sơ của nó đột nhiên biến mất.

Hãy thử nghĩ về tình huống ngược lại: Ai đó giúp đỡ bạn, và không những không nhắc lại chuyện đó với bạn, cô ấy thậm chí còn không đề cập đến việc họ đã làm, có lẽ bởi cô ấy cũng đang bận rộn giúp đỡ người khác. Cô ấy không quan trọng hóa bản thân. Và nếu bạn không phải nghe ai nhắc lại về những gì họ đã làm giúp bạn, bạn sẽ trân trọng việc đó nhiều hơn bởi bạn không cảm thấy mình mang nợ hay có lỗi hoặc cần phải biện hộ gì cho bản thân. Có khi bạn sẽ chẳng bao giờ biết được những gì cô ấy đã làm cho bạn, công sức, thời gian, thậm chí là cả rủi ro cô ấy phải gánh chịu. Sẽ không ai nắm lấy cổ áo bạn mà đòi tiền công. Bạn thấy lòng mình rộng mở hơn, và bởi vậy rất có thể một ngày nào đó trong tương lai gần, bạn chợt nhận ra những điều tốt đẹp mình đã đón nhận và thấy trong lòng trào dâng một cảm giác tức thời của sự biết ơn.

Một vấn đề khác nữa: Biến sự giúp đỡ hết mình thành một cơ hội để cho người khác thấy ta tài giỏi như thế nào. Tự đặt bản thân vào trung tâm của sự chú ý, và bắt người khác phải có trách nhiệm biết ơn mình. Điều đó khiến người khác cảm thấy như họ ở trong một ngôi nhà mà trên những bức tường treo kín các bằng cấp và chứng chỉ, những bức hình chụp người chủ nhà đứng cạnh những người nổi tiếng, Những cuốn sách được in bản đặc biệt để khoe sự học cao hiểu rộng, và nói chung là tất cả những món đồ làm tôn lên tầm quan trọng cùng sự vĩ đại của chủ nhà. Bạn bị buộc phải ngưỡng mộ người đó. Nhưng bạn có cảm thấy tâm hồn mình được nâng lên, làm giàu thêm, hay được nuôi dưỡng? Không bao giờ.

Dù trong bất cứ trường hợp nào, hình ảnh ngôi nhà cũng là phép ẩn dụ phù hợp để mô tả các mối quan hệ. Giờ thử tưởng tượng ngôi nhà ấy, thay vì thể hiện sự khoe khoang và ích kỷ thì giờ trông thật gai góc rợn người. Cẩn thận! Có cây đinh gỉ chĩa ra ngoài kìa, một tấm ván sàn bị bong ra nữa. Bạn có thể tự khiến mình bị thương đấy! Nước sơn tường trông nhuốm màu đau khổ. Hay tưởng tượng về một ngôi nhà u buồn mà bạn trông thấy sự bỏ bê ở mọi ngóc ngách – bụi bặm, sự lộn xộn và hỗn loạn tồn tại trong khắp các chốn.

Cũng có những ngôi nhà hạnh phúc mà không gian tràn ngập sự ấm áp và bạn thấy dễ chịu ngay khi vừa bước vào. Bạn được mời đồ ăn và thức uống, và bạn thấy đủ món đồ thú vị ở khắp nơi trong căn nhà – từ những cuốn sách, những bức hình, tới những bức tượng nhỏ. Bạn thấy mình được chào đón.

Những căn nhà cũng giống như con người, và sự giúp đỡ không chỉ là những gì ta làm, mà nó còn thể hiện bản chất con người ta nữa. Có một số người mà đôi khi chỉ cần ở bên cạnh họ thôi cũng khiến ta cảm thấy dễ chịu, dễ làm chủ cảm xúc của mình và hạnh phúc hơn. Có lúc, họ mang lại cảm giác đầy tích cực nhưng thiên về mặt trí tuệ hơn. Thời gian học phổ thông, tôi có một người thầy dạy triết học rất hay. Thầy hiếm khi dạy theo chương trình. Thầy sẽ quở những học sinh chỉ biết học thuộc lòng và tuyên dương những ai nói lên suy nghĩ cá nhân. Những cuốn sách hay bài báo làm lay động và thay đổi con người với thầy còn hấp dẫn hơn nhiều lần những giáo trình bắt buộc. Thầy giảng về những sự kiện đang diễn ra, về chính trị, suy nghĩ đương đại, hoặc quá khứ của chính thầy như một chiến binh tự do. Trong giờ thầy giảng, học sinh nào cũng nghe hết sức chăm chú.

Những bài học ấy có ảnh hưởng sâu sắc trong tôi. Chúng dạy tôi biết việc suy nghĩ bằng chính cái đầu của mình là hoàn toàn có thể. Cảm giác ấy giống như việc đang sống trong một căn gác nhỏ của một ngôi nhà rộng lớn, chợt phát hiện ra chính ngôi nhà ấy cũng là của mình và giờ mình có thể đi vào khắp các phòng. Nếu như trước đây tôi nghe theo những suy nghĩ được sắp đặt như một bữa ăn dọn sẵn trên bàn, thì giờ đây tôi phát hiện ra mình có khả năng tự suy nghĩ.

Khám phá mới lạ ấy khiến tôi gặp bất đồng với một số nhà chức trách, nhưng đó là một món quà tuyệt vời. Và nó xảy ra không phải do bất cứ một bài học cụ thể nào, mà là nhờ năng lượng trí tuệ được người thầy ấy truyền lại. Trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, thầy tham gia nhóm Phong trào Kháng chiến Ý chống lại quân chủ nghĩa phát-xít và Đức Quốc Xã. Sự căm ghét các hình thức chuyên chế và độc tài, niềm khát khao quyền tự do và tự do tư tưởng mà thầy đã liều mình bảo vệ nhiều lần, tất cả đã trở thành một phần con người thầy mà chính thầy cũng không nhận ra rằng những giá trị ấy được truyền lại và gây ảnh hưởng lên những người xung quanh.

Từ đó ta thấy được một thực tế cơ bản: Ta truyền đi giá trị con người mình, và những giá trị ấy là do ta trau dồi mà có được. Người thầy triết học truyền đi khát vọng tự do và năng lượng trí tuệ bởi ông đã tích lũy chúng trong nhiều năm trời, và bởi ông sẵn sàng hy sinh tính mạng của mình để bảo vệ và tôn vinh những giá trị ấy. Nếu như chúng không quan trọng với ông, chắc hẳn ông đã không thể truyền đạt chúng được như vậy.

Ta hãy nhìn vào quá trình này theo từng bước một:

1. Tại bất cứ thời khắc nào trong cuộc sống, luôn có những lời thỉnh cầu giúp đỡ và những dịp để giúp đỡ hết mình. Chỉ cần ta quan sát là thấy. Những đứa trẻ cần giúp làm bài tập về nhà, một người cần chỉ đường đi tới nhà ga, những hệ sinh thái tự nhiên lâm nguy đang kêu gào trong đau đớn, hay một người cao tuổi bị hết thảy lãng quên và sắp qua đời.

2. Nếu bỏ qua những lời thỉnh cầu ấy, hẳn ta sẽ thấy không yên lòng. Nếu đáp lại, ta phải phát triển khả năng đáp ứng những thỉnh cầu ấy. Ta cần sự kiên nhẫn để giúp đám trẻ, ta cần có kiến thức phù hợp để gìn giữ và bảo vệ môi trường, ta cần phải tìm ra người cao tuổi đang dần chết trong đơn độc ấy. Hoặc đơn giản là ta cần biết đường đi tới nhà ga.

3. Hành trình khám phá và phát triển kỹ năng, kiến thức để làm những điều có ích sẽ cần cả đời người, nhưng cũng đồng thời khơi dậy trong ta những tiềm năng không ngờ tới. Điều đó đòi hỏi không chỉ biết đường tới nhà ga, mà còn cả khả năng chỉ dẫn một cách rõ ràng cùng lòng tốt để dừng lại và giải thích, dù đang vội hay phải hy sinh thời gian quý báu. Ta đều mang tặng những sản phẩm do chính mình làm ra. Nếu như tôi phải giảng bài và muốn nội dung ấy có ích cho những người nghe nó, trước tiên tôi phải tìm hiểu và nghiên cứu về chủ đề, tự hỏi bản thân điều gì những thính giả ấy cho là hấp dẫn, đưa ra những suy nghĩ cá nhân về vấn đề đó. Tôi cũng phải vượt qua nỗi sợ hãi của việc nói trước đám đông, phát triển khả năng tạo mối đồng cảm với những người nghe, và chuẩn bị một không gian thoải mái và gây hứng thú.

Giả dụ như tôi muốn giúp đỡ người sắp qua đời ấy, tôi sẽ phải đối mặt với những nỗi lo sợ của mình về cái chết; tôi phải học cách ở bên, ngay cả khi trong lòng cảm thấy muốn chạy trốn, chấp nhận những điều khó khăn nhất của bệnh tật; tôi phải quen với những tình cảm gần gũi; và những điều tương tự như vậy. Toàn bộ quá trình ấy thay đổi con người tôi, bồi đắp tôi, khiến tôi ý thức hơn về những năng lực của mình.

4. Việc trao cho ai một thứ gì đó hữu ích có thể là phần thưởng cho chính bản thân chúng ta. Ta có thể nhận được sự biết ơn, sự ngưỡng mộ, và ra về trong tâm thế thỏa mãn, Nhưng thường thì mọi việc không diễn ra như vậy, Rất nhiều cha mẹ đã dốc sức dốc lòng vì con cái, nhưng những đứa trẻ ấy lớn lên lại bạc đãi và lãng quên họ. Bác sĩ, giáo viên, y tá, nghệ nhân thủ công, những người cống hiến cả cuộc đời để phục vụ một đám đông hay chê bai vá đòi hỏi, những kẻ lấy công sức, tinh thần hy sinh của họ làm lẽ hiển nhiên. Một người đầu bếp có thể mất hàng giờ để chuẩn bị một bữa tối ngon miệng, nhưng thực khách chỉ ngấu nghiến hết trong vài phút và thậm chí còn không nói lời cảm ơn anh ta. Rất nhiều tình nguyện viên thường xuyên phải đối mặt với sự chờ đợi, nhàm chán, vô ơn, thậm chí là khiêu khích.

Đây là bước quyết định của sự giúp đỡ hết mình, bởi chính tại đây ta được thử thách. Nếu mục đích thực sự của ta là để được ngợi khen và công nhận, để chứng tỏ ta giỏi giang, hay để ghi điểm, không sớm thì muộn ta sẽ bỏ cuộc. Nhưng nếu động cơ của ta là để chữa lành, giúp ai đó cảm thấy khá hơn, tìm lại chính mình, biết phải làm gì và có những bước tiến trưởng thành, thì ta sẽ tiếp tục. Tâm thế hết mình giúp thanh tẩy động cơ của ta, khiến ta trở nên vô tư, và thêm phần tự do.

Đó là thứ tự từng bước một. Tôi nghĩ có một thực tế ta thấy rõ: Giúp hết mình không chỉ có lợi cho người được giúp, mà còn có lợi cho cả người ra tay giúp đỡ nữa. Bắt kể là ai khi mở lời giúp người khác cũng phải tự cải thiện bản thân để làm được những gì cần phải làm, phải nghĩ cho người khác nhiều hơn bản thân mình. Anh ta học hỏi. Anh ta thấy được giá trị trong việc mình làm. Bởi vậy lòng tự trọng của anh ta được nâng lèn, và anh ta tìm thấy được ý nghĩa trong cuộc sống của mình. Anh ta kết nối với những con người khác. Và nếu như được đáp lại bằng sự hoang mang, thất bại, hay bằng thái độ vô ơn, mà điều này là không tránh khỏi, thì động lực của anh ta sẽ được thử thách và anh ta có thể trở nên mạnh mẽ hơn sau chuyện đó. Hết lòng vì người khác khơi dậy những gì tốt đẹp nhất trong con người ta. Điều này dễ nhận thấy, ngay cả trong những tình huống nhỏ nhặt nhất của cuộc sống thường ngày. Tôi từng biết một người sống cùng khu có nhiều tiếng xấu. Anh ta là một người to con độ khoảng ba mươi tuổi, có bề ngoài giống vượn. Anh ta thường dạo quanh khu phố với gương mặt hằm hè và thái độ khiến người khác khiếp sợ. Tôi có nghe rằng trước đây anh ta từng gặp rắc rối với luật pháp. Mọi người đều tránh xa và nhìn anh ta bằng con mắt ngờ vực. Một ngày nọ, lốp xe của tôi bị xì hơi ngay lúc tôi đang vội tới một cuộc hẹn. Tôi dùng cầu nâng để thay bánh thì phát hiện ra nó đã bị hư. Tôi đứng bên vệ đường run lập cập, lòng dạ càng lúc càng rối bời, và rồi không ai khác mà chính anh ta tấp vào lề. Anh ta ngỏ ý muốn giúp đỡ, và sau một hồi do dự, tôi gật đầu. Loáng một cái, anh ta đã thay xong bánh xe cho tôi. Điều khiến tôi vô cùng ngạc nhiên là được thấy con người anh ta thay đổi hoàn toàn như thế nào: chỉ trong chốc lát, một sinh vật phi xã hội và có phần nguy hiểm đã trở thành ví dụ hồn hậu cho lòng tốt của con người. Chẳng cần gì nhiều để khơi dậy điều tốt đẹp nhất trong anh ta, điều mà có lẽ không ai hay biết, thậm chí là chính anh ta cũng vậy. Và điều đó xảy ra bởi anh ta cảm thấy mình có thể giúp đỡ.

Có rất nhiều nghiên cứu chỉ ra những tác động tích cực của việc giúp đỡ xuất phát từ lòng vị tha lên người giúp đỡ người khác. Ví dụ như, việc làm này có lợi cho các bệnh nhân mắc bệnh tim bởi nó đẩy lùi hai mối nguy lớn: trầm cảm và cô đơn. Trong số các cựu binh chiến tranh Việt Nam, những người có thiên hướng vị tha thường ít mắc phải chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương, một chứng rối loạn gây ảnh hưởng tới người bệnh trong một thời gian dài. Trong một nghiên cứu khác, các tình nguyện viên thuộc thí nghiệm y sinh mang tính rủi ro vẫn giữ được lòng tự trọng cao sau hai mươi năm thí nghiệm kết thúc. Trong một thí nghiệm khác nữa về công việc tình nguyện, sáu nhân tố ảnh hưởng tới sức khỏe tinh thần và thể chất của cá nhân được đo lường: mức độ hạnh phúc, thỏa mãn trong cuộc sống, lòng tự trọng, cảm giác tự làm chủ được cuộc sống của mình, sức khỏe thể chất, và sự vắng mặt của chứng trầm cảm. Cả sáu yếu tố đều có chỉ số tăng lên ở những đối tượng đã từng tham gia công việc tình nguyện.

Nhưng tác động quan trọng nhất còn ẩn sâu hơn mọi lợi ích nhìn thấy được và những số liệu thống kê. Đó là một sự thay đổi sâu sắc diễn ra trong chúng ta. Điều ta đạt được là một thái độ sống căn bản của sự cởi mở và nhạy cảm với những nhu cầu và rắc rối mà người khác gặp phải cùng sự sẵn lòng làm một điều gì đó để giúp đỡ, trong những vấn đề từ nhỏ tới lớn. Ví dụ như hồi tôi còn sống trong thị trấn, một ngày nọ chuông cửa reo và khi tôi mở cửa, một ông lão đứng đó và nói, “Anh quên chưa tắt đèn pha kìa”. “Cảm ơn bác, nhưng làm sao bác biết đó là xe của tôi và tôi sống ở đây?”. Hóa ra ông đã nhìn vào trong xe và thấy một bức thư có đề tên và địa chỉ tôi trên đó. Tôi có thể hình dung bản thân gặp tình huống tương tự: Tôi tình cờ đi ngang qua và thấy một chiếc xe hơi đậu ngay đó quên chưa tắt đèn. Liệu tôi có đi tiếp, nghĩ rằng may thay đó không phải xe mình? Hay, giống như ông lào này, tôi bỏ công sức để tìm cách giải quyết vấn đề ấy? Khi nhận ra rằng, ngay tại khoảnh khắc đó, cuộc sống đã mang đến cho tôi một cơ hội, tôi có thể quyết định hành động. Ngày mai đến và một cơ hội khác sẽ mở ra: một người bạn cảm thấy cô đơn, một bữa tối cần chuẩn bị, một đứa trẻ sợ hãi cần được an ủi. Tôi sẽ sẵn sàng.

Đây là một thái độ sống căn bản, xét theo một mức độ nào đó, đẩy ta vượt khỏi giới hạn của chính bản thân. Những mong muốn, phiền muộn, lo lắng của chúng ta được tạm thời gạt qua một bên. Ta quên chúng trong chốc lát bởi ở đâu đó có việc ta cần làm. Và chính xác nhờ khả năng tự vượt lên chính mình này đã giúp ta làm điều đó, bởi nó giải thoát ta khỏi ngục tù của cái tôi. Nó chứa đựng tất cả những gì ta mong ước và chịu đựng. Cuối cùng thì dù những thứ ấy có hấp dẫn tới nhường nào, chúng cũng giới hạn và áp bức ta. Nếu trong đó chỉ toàn những cơn ác mộng và ký ức khủng khiếp, ta sẽ phát điên. Rồi ta sẽ tìm ra chìa khóa để tự giải thoát: chăm lo cho người khác, quan tâm tới những nỗi khổ đau và gần gũi với họ. Đó chính là chìa khóa dẫn ta đến với tự do.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. PHỤNG SỰ XÃ HỘI – HỌC LÀM NGƯỜI
  2. TÂM PHỤNG SỰ
  3. TẤT CẢ CHỈ LÀ PHỤNG SỰ

Bài viết khác của tác giả

  1. KHÔNG LÀM HẠI
  2. SỰ LINH ĐỘNG – THÍCH NGHI HAY LÀ CHẾT
  3. THẤU CẢM – MỞ MANG NHẬN THỨC

Bài viết mới

  1. CHINH PHỤC MỤC TIÊU
  2. CHÁNH NIỆM
  3. BỚT SỢ HÃI