KEN HONDA
Trích: “Tuổi 30 Hoài Bão”, Ken Honda, Nguyễn Thanh Tâm dịch, Nhà Xuất Bản Văn Hóa – Văn Nghệ, 2017
? Bạn đã gặp được “người thầy” của cuộc đời mình chưa?
Trong cuốn Tuổi 20 nhiệt huyết, tôi đã nói rằng chúng ta cần phải tìm được người thầy của cuộc đời mình. Và tôi cũng nói để chọn được người thầy phù hợp cho mình, bạn cần phải quan sát cuộc đời của nhiều người. Còn bạn – người đang trong độ tuổi 30 – chắc hẳn đã gặp được người “người thầy của đời mình” rồi chứ? Nếu bạn vẫn chưa gặp được người như vậy thì tôi mong bạn hãy tiếp tục hành trình tìm kiếm. Hãy bắt đầu bằng việc suy nghĩ xem bản thân muốn người như thế nào làm cố vấn cho mình. Hãy tưởng tượng ra một cuộc sống thật lý tưởng theo quan niệm riêng của bạn, sau đó bắt đầu tìm người đang sở hữu cuộc sống ấy để “học đạo”.
Việc có được một người thầy thông thái trong cuộc đời càng quan trọng hơn khi ta bước vào tuổi 30. Bởi lẽ tùy vào người dẫn đường mà cuộc đời của bạn sẽ rẽ theo những hướng hoàn toàn khác nhau. Nếu đó là một người xuất sắc trong lĩnh vực chuyên môn thì rất có khả năng 20 năm sau, bạn cũng trở thành chuyên gia hàng đầu ở lĩnh vực ấy.
Sự thực là có rất nhiều người ở ngay cạnh ta có thể trở thành người thầy thông thái mà ta đang tìm kiếm. Họ không nhất thiết phải là người nổi tiếng mà chỉ cần là người hiểu rõ việc bản thân thực sự muốn làm và nhận thức được vai trò của mình trong đó. Nếu được những người như thế chỉ dạy thì xem như bạn đã tìm được con đường dẫn đến hạnh phúc rồi đấy!
? Nên có vài “người thầy” trong đời.
Có rất nhiều người hỏi tôi rằng: “Làm thế nào để tìm được một người thầy thông thái”?. Quả là việc tìm được người thầy phù hợp với ta cũng khó tương đương với việc tìm ra người bạn đời lý tưởng vậy. Trước tiên, bạn phải thực sự mong muốn tìm ra người thầy cho đời mình. Người ấy có thể chính là cấp trên đang làm chung cơ quan hoặc có thể là người ta tình cờ gặp tại một bữa tiệc nào đó.
Theo kinh nghiệm của tôi cũng như những câu chuyện tôi từng nghe thì bất kì ở đâu ta cũng có thể gặp được người có tiềm năng trở thành “quân sư” cho mình. Nhiều người có thầy là bậc đàn anh thời đại học hay được họ hàng giới thiệu, hoặc thậm chí có người cò được giám đốc của công ty đối tác đồng ý đỡ đầu, dạy bảo. Điều này cho thấy rằng chỉ cần bạn muốn tầm sư học đạo thì thầy giáo nhất định sẽ xuất hiện. Bạn cần xác định lại xem bản thân mình thực sự muốn học hỏi điều gì, ở lĩnh vực nào rồi sau đó mới bắt đầu tìm kiếm người thầy cho mình.
Một câu hỏi khác mà tôi cũng hay gặp là: “Có phải ta chỉ được phép có một người thầy thôi không?”. Theo quan điểm của tôi thì ta nên có nhiều người thầy. Nếu chỉ theo một vị quân sư mà bị bó buộc, không được tự do về mặt tinh thần thì ta rất dễ lâm vào tình trạng bị quở trách, thậm chí “cấm cửa” khi nhận lời khuyên bảo của một người khác. Chính tôi đã từng trải qua việc đó. Trong những bộ môn như võ thuật, hoa đạo thường có nhiều trường phái nên việc ta bái nhiều “sư phụ” là vi phạm nguyên tắc, nhưng riêng trong lĩnh vực nhân sinh, cá nhân tôi nghĩ rằng việc học hỏi nhiều bậc thầy rất nên được khuyến khích. Bạn hãy vận dụng những lời chỉ dạy từ các vị sư phụ khác nhau để xây dựng nên cuộc đời riêng của mình nhé!
?Chọn lọc những lời dạy của thầy
Rất hiếm có một người thầy nào có thể dạy ta về tất cả mọi lĩnh vực. Dù đó có là người xuất chúng trong kinh doanh đi chăng nữa nhưng có thể lại rất kém trong việc sắp xếp việc gia đình. Hoặc giả đó là một người có quan hệ giao thiệp xã hội rộng rãi, tuyệt vời nhưng lại không biết cách tạo ra một nguồn tài chính vững chắc.
Hãy quan sát thật kỹ cách sống của những người đó. Một người có năng lực điều phối các dự án trên thương trường không có nghĩa là anh ta cũng có đủ tinh tế để gìn giữ mối quan hệ tình cảm với vợ hay gia đình. Bằng cách quan sát kỹ những người thầy của mình, xem họ có điểm nào mạnh, điểm nào yếu, bạn có thể tránh lập lại những điều mà mình cho là “có gì đó sai lầm.”
?Truyền lại những điều đã học hỏi được.
Khi bước sang tuổi 30, bạn sẽ trở thành người có khả năng “truyền đạt tri thức” cho những thế hệ sau. Ban đầu có thể bạn sẽ cảm thấy xấu hổ vì cho rằng: “làm sao mà mình dạy nổi ai chứ?”, xong những điều bạn dạy có thể sẽ rất hữu ích đối với thế hệ đàn em ở tuổi niên thiếu hay ngoài đôi mươi.
Ngoài ra, trong lúc dạy người khác, bạn mới thật sự vỡ ra, hiểu thấu mọi mặt của vấn đề. Lợi ích của việc đi dạy là nó giúp ta nhận ra rằng ta không thể cứ ở mãi vị trí của người đi học hỏi. Vì nếu cứ ở mãi trong tâm thế của người đi học, ta sẽ luôn viện cớ với bản thân rằng, chừng nào còn đang học thì mình chưa cần phải bắt tay vào thực hiện những dự định trong tương lai. Một khi bắt đầu việc truyền đạt kiến thức cho đàn em, ta sẽ thấy những suy nghĩ của mình trước kia thật vô lý. Rồi một cách tự nhiên những biến chuyển sẽ từ từ xuất hiện: ta tạo dựng cơ nghiệp, đứng ra làm ăn riêng, viết một quyển sách, kết hôn, sinh con,…
Chính vì vậy, khi cơ hội đến, bạn không được từ chối vì lý do: “Mình vẫn còn quá trẻ để làm thầy người khác”. Bằng cách truyền đi những hiểu biết, những kinh nghiệm mình tích lũy được, bạn đã góp phần vận hành chu kỳ tuần hoàn của tri thức. Tương tự như việc chỉ khi trở thành cha mẹ thì ta mới hiểu thấu tấm lòng của mẹ cha mình, chỉ sau khi trở thành một người thầy ta mới hiểu được tâm trạng của thầy mình ngày xưa. Có lẽ họ cũng đã từng trăn trở, lo lắng: “Không biết thế này có ổn không?”, “Phương pháp này có gì sai không nhỉ?”,… để có thể truyền dạy lại những gì mình biết. Bằng việc trở thành người thầy của ai đó, bạn sẽ dần phát hiện ra mình đang đứng vào vị trí của thầy mình ngày trước và có thể đồng cảm với những niềm vui, lòng tin yêu, sự nghi ngại và cả niềm hạnh phúc của họ. Chính lúc ấy, bạn sẽ tìm ra điểm tương đồng giúp bạn có thể thành tri kỉ với những người thầy thông thái của mình.