NĂNG LỰC CỦA LÒNG SÙNG KÍNH

SOGYAL RINPOCHE

Trích: Tạng thư sống chết - Tác phẩm kinh điển về tâm linh, sách bán chạy nhất trên thế giới; Patrick Gaffney & Andrew Harvey biên tập; Thích Nữ Trí Hải dịch; NXB Hồng Đức

 

Như Phật đã dạy về các vị Phật đã giác ngộ, không ai là không nương vào một bậc thầy, Ngài còn dạy: “Chỉ nhờ lòng sùng kính mà thôi, ta có thể thực chứng chân lý tuyệt đối.

 

Sự sùng kính trở thành phương thức nhanh nhất, giản dị nhất và thuần tịnh nhất để trực ngộ bản tâm và vạn pháp trong vũ trụ.

Chân lý tuyệt đối không thể thực chứng được trong phạm vi cái tâm thường ngày. Và tất cả truyền thống trí tuệ lớn, đều dạy con đường để vượt ngoài tâm thường ngày là trái tim. Con đường của trái tim là sự sùng kính.

Dilgo Khientse Rinpoche nói:

Chỉ có một cách duy nhất để đạt giải thoát giác ngộ, đó là theo một bậc thầy chân thực. Thầy là vị hướng đạo giúp ta vượt biển sinh tử.

Như mặt trời, trăng phản chiếu trên mặt nước lặng trong, ân phước chư Phật cũng luôn luôn hiện diệncho những người có lòng tin tuyệt đối. Ánh sáng mặt trời rơi khắp, nhưng chỉ nơi nào có kính hội tụ thì mới đốt được cỏ khô. Khi những tia sáng bao la của tâm Phật từ bi được hội tụ vào tấm gương lớn của lòng tin và sự sùng kính, thì ngọn lửa ân phước sẽ cháy bùng trong bản thể bạn.

Vậy thì điều cốt yếu là biết được sùng kính thực sự có nghĩa gì? Đấy không phải là sự tôn thờ vô ý thức, không phải là bỏ hết trách nhiệm đối với chính bạn, tuân theo một cách mù quáng sự bốc đồng của một người khác. Sùng kính chân thực là một sự luôn sẵn sàng đón nhận chân lý không gián đoạn. Sự sùng kính ấy có gốc rễ trong niềm tri ân kính phục, nhưng sáng suốt và có trí tuệ, có căn cứ.

Khi bậc thầy có thể khơi mở cái tâm sâu xa của bạn, làm cho bạn thấy được tự tính của tâm, thì trong bạn nổi lên một niềm tri ân hoan hỉ đối với người đã giúp bạn thấy được. Vì sự thật mà bạn thấy là những gì mà bậc thầy thể hiện trong con người, trong giáo lý và trong trí tuệ của thầy. Cảm giác chân thực tự nhiên ấy luôn luôn có gốc rễ trong kinh nghiệm nội tâm, và chỉ điều này mới được gọi là sùng kính, Tạng ngữ là Mogu. Mogu nghĩa là “khát khao và kính trọng”: Kính trọng thầy, niềm kính trọng càng tăng khi bạn càng hiểu bậc thầy là ai, và khao khát những gì mà thầy có thể khai thị cho bạn, vì bạn đã biết thầy chính là gạch nối của tâm bạn với chân lý tuyệt đối, hiện thân của tự tính chân thực trong bạn.

Dilgo Rinpoche nói:

Lúc đầu sự sùng kính này có thể chưa tự nhiên, nên ta phải dùng một số kỹ thuật để giúp ta có được sự sùng kính. Điều chính yếu là phải luôn luôn nhớ những đức tính tuyệt hảo của vị thầy, nhất là lòng tử tế của vị ấy đối với ta. Nhờ liên tục phát sinh niềm tin tưởng, tán thán vị thầy, tận tụy với thầy, mà sẽ có ngày chỉ cần nhớ tên hay nghĩ đến vị ấy cũng đủ dừng lại mọi vọng tưởng của ta, và ta sẽ thấy vị ấy như chính là đức Phật.

Thấy thầy không phải như một con người, mà như chính đức Phật, đó là nguồn gốc của ân phước lớn nhất. Padmasambhava nói: Sùng kính tuyệt đối đem lại ân phước lớn lao; không hoài nghi đem lại thành công mỹ mãn”.

Những người Tây Tạng biết nếu bạn xem thầy như Phật, thì bạn sẽ nhận được phước của Phật, nhưng nếu bạn xem thầy như một con người thì bạn chỉ được phước của con người. Vậy nếu muốn nhận được năng lực chuyển hóa trọn vẹn của lời dạy của bậc thầy, thì bạn phải khơi mở trong chính mình lòng sùng kính lớn lao nhất. Chỉ khi bạn xem thầy như Phật thì một nền giáo lý như của Phật mới đến với bạn từ tâm giác ngộ của bậc thầy. Nếu bạn không thể xem thầy như Phật, mà chỉ xem như người, thì không bao giờ có được ân phước trọn vẹn, và ngay cả nền giáo lý vĩ đại nhất bạn cũng không thể đón nhận được.

Càng tư duy về sự sùng kính và vai trò của nó trong tri kiến về giáo lý, tôi càng nhận sâu xa rằng đấy cốt yếu là một phương tiện thiện xảo để làm cho chúng ta dễ hấp thụ chân lý mà thầy truyền dạy. Những bậc thầy không cần sự tôn thờ của chúng ta, nhưng có xem thầy như Phật sống thì ta mới có thể lắng nghe thông điệp của giáo lý và nhất nhất tuân theo những chỉ giáo của họ. Như vậy, có thể nói sự sùng kính là cách thực tiễn nhất để có niềm tôn trọng tuyệt đối và do đó mở lòng ra để đón nhận giáo lý mà bậc thầy truyền đạt và thể hiện qua con người của họ. Càng sùng kính, bạn càng mở lòng ra đối với lời giảng dạy, và bạn càng mở lòng ra thì giáo lý càng có nhiều cơ hội để thấm vào tim óc bạn, và nhờ vậy phát sinh một sự chuyển hóa tâm linh toàn diện.

 

“Sùng kính tuyệt đối đem lại ân phước lớn lao; không hoài nghi đem lại thành công mỹ mãn”.

Vậy, chỉ nhờ xem thầy như Phật sống, mà tiến trình “thành Phật” của bạn có thể thực sự bắt đầu và hoàn tất. Khi tâm trí bạn đã hoàn toàn mở ra trong niềm hân hoan, ngạc nhiên, biết ơn đối với sự mầu nhiệm là hiện diện của bậc thầy, hiện thân của giác ngộ, thì khi ấy, dần dà trải nhiều năm, có thể xảy ra sự truyền thừa từ tâm trí tuệ của bậc thầy sang tâm của bạn, mở cho bạn thấy ánh quang vinh của Phật tính nơi chính bạn, và cùng với Phật tính ấy là ánh quang vinh của toàn vũ trụ.

Tình sư đệ thân thiết sâu xa nhất ấy trở thành một tấm gương phản chiếu mối tương quan của người đệ tử đối với cuộc đời và thế giới nói chung. Bậc thầy trở thành hình ảnh cốt cán trong sự thực hành “tri kiến thuần tịnh,” cao điểm của nó là khi hành giả thấy một cách trực tiếp không còn chút nghi ngờ nào: Thầy là Phật sống, lời thầy là Phật ngôn, tâm thầy là tâm giác ngộ của tất cả chư Phật, mỗi hành động của thầy là một biểu hiện của Phật hạnh, chỗ thầy ở là cảnh giới Phật, và ngay cả những người xung quanh thầy là ánh sáng do trí tuệ của thầy chiếu ra.

Khi những nhận thức như vậy càng ngày càng hiện thực và vững chắc, thì phép lạ trong tâm mà hành giả đã trông ngóng từ bao đời kiếp có thể dần dần xuất hiện: Hành giả khởi sự thấy một cách tự nhiên rằng mình, vũ trụ và tất cả hữu tình trong đó đều trong sáng toàn hảo một cách tự nhiên: Thế là cuối cùng hành giả đang nhìn vào Thực tại với chính con mắt của mình. Bậc thầy, như vậy, là con đường, là phiến đá thử vàng mầu nhiệm để phát sinh một chuyển hóa toàn diện của mọi nhận thức nơi người đệ tử.

Sự sùng kính trở thành phương thức nhanh nhất, giản dị nhất và thuần tịnh nhất để trực ngộ bản tâm và vạn pháp trong vũ trụ. Càng tiến trên con đường này, ta thấy tiến trình ấy hỗ tương duyên sinh một cách kỳ diệu: Khi chúng ta cố liên tục phát sinh lòng sùng kính, sự sùng kính ta có được ấy lại phát sinh ra ánh sáng của tự tâm ta; sự thấy được ánh sáng tự tâm lại làm cho ta tăng lòng sùng kính đối với bậc thầy đã khơi niềm cảm hứng cho ta. Như thế là sùng kính tuôn phát từ trí tuệ: Sùng kính và kinh nghiệm về bản tâm trở thành một thực thể bất khả phân, và gợi cảm hứng lẫn nhau.

Thầy của Patrul Rinpoche là Jikmé Gyalwé Nyugu. Trong nhiều năm ngài nhập thất trong một hang động. Một ngày kia khi ngài ra ngoài, mặt trời đang đổ xuống; ngài nhìn lên trời thấy một đám mây đang di chuyển về hướng mà Jikmé Lingpa, bậc thầy ngài đang cư trú. Ngài nghĩ trong tâm, “Thầy ta đang ở nơi kia,” và một niềm khát ngưỡng và sùng kính dâng trào trong tâm ngài, mãnh liệt tới nỗi ngài ngã quị. Khi ngài tỉnh dậy, toàn thể tâm giác ngộ của bậc thầy đã được truyền sang cho ngài, và ngài đạt đến trình độ chứng nhập cao nhất, gọi là “Diệt tận định.”

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. TÂM VÀ TỰ TÍNH CỦA TÂM
  2. LUYỆN TẬP CHÁNH NIỆM
  3. TÍNH SÁNG TẠO-THIỆN TÂM

Bài viết mới

  1. CHÚNG TA TRỞ NÊN NHƯ THẾ NÀO TÙY THUỘC VÀO SUY NGHĨ CỦA CHÍNH MÌNH
  2. HÃY RŨ BỎ QUÁ KHỨ CHÚ TÂM VÀO HIỆN TẠI
  3. TÂM BÌNH AN TRƯỚC NHỮNG KHÓ KHĂN KHÔNG THỂ TRÁNH