VƯỢT QUA KHUÔN KHỔ TƯ DUY – HỢP NHẤT VỚI VŨ TRỤ

ECKHART TOLLE

Trích: Hợp Nhất Với Vũ Trụ; Nguyên tác: Oneness With All Life; Biên dịch: Lê Thị Ngọc Hà; NXB Tổng Hợp Tp.HCM, 2017

Nhận thức đi trước suy nghĩ. Nhận thức là “không gian” để suy nghĩ – cảm xúc hoặc tri giác – được biểu hiện.

Tư duy chỉ là một khía cạnh vô cùng nhỏ của ý thức, của cái Tôi đích thực.

Điều đang trỗi dậy vào lúc này không phải là một hệ thống niềm tin mới, một tôn giáo mới, một tư tưởng tâm linh mới, hay là một câu chuyện thần thoại nữa… mà chính là sự chấm dứt tất cả những điều đó. Sự chuyển hóa này sâu sắc hơn những gì bạn từng được nghe, từng được biết. Ý thức mới sẽ đưa ta vào trải nghiệm vượt lên trên cả suy nghĩ, nghĩa là giúp ta nhận ra chiều không gian nội tâm, một cõi mênh mông, vô hạn hơn cả suy nghĩ.

Khi đó ta không còn nhìn nhận bản thân, hay cảm nhận Tôi là ai qua những dòng suy nghĩ miên man kia. Nhận ra được “cái tiếng nói luôn vang vang trong đầu” ấy không phải là Tôi, con người đích thực chính là sự giải thoát thật sự.

Vậy thì Tôi là ai? Tôi chính là… người nhận ra được điều đó. Nhận thức đi trước suy nghĩ. Nhận thức là “không gian” để suy nghĩ – cảm xúc hoặc tri giác – được biểu hiện.

Nguyên nhân chính dẫn đến bất hạnh không bao giờ là do hoàn cảnh, mà nó nằm ở cách ta nghĩ ngợi, diễn giải về hoàn cảnh.

Hãy xem xét những suy nghĩ mà bạn đang nghĩ đến. Tách bạch chúng với hoàn cảnh, vốn là thứ luôn trung lập, không đúng cũng chẳng sai, bởi lẽ hoàn cảnh luôn chỉ là hoàn cảnh mà thôi. Kia là hoàn cảnh, là sự việc, còn đây là những suy nghĩ của tôi về nó. Thay vì thêu dệt nên câu chuyện không thật, hãy giữ lấy dữ kiện có thật. Chẳng hạn như, “Thôi rồi, mình đã khánh kiệt” là một câu chuyện do suy nghĩ của ta dựng nên, nó sẽ giới hạn bản thân ta và cản trở ta thực hiện hành động hiệu quả; còn  “Mình chỉ còn 50 xu trong túi” thì là một dữ kiện. Nắm bắt giữ kiện sẽ giúp bạn cảm thấy tự tin và có khả năng giải quyết vấn đề. Hãy lưu ý rằng suy nghĩ của bạn sẽ tạo ra cảm xúc, cảm nhận cho bạn. Thay vì thả trôi theo dòng suy nghĩ và cảm xúc, hãy là sự tỉnh thức ẩn sau những suy nghĩ và cảm xúc ấy.

“Sự khôn ngoan của đời này là rồ dại đối với Đức Chúa Trời”. Vậy, sự khôn ngoan của thế gian này là gì? Đó là sự vận động của tư duy, và của ý nghĩa vốn chỉ được định hình bởi chính tư duy.

Chính tư duy đã cô lập một hoàn cảnh hoặc một sự kiện, rồi dán nhãn cho nó là tốt hoặc xấu, như thể nó là thứ tồn tại tách biệt, không có quan hệ với bất kỳ cái gì. Khi phụ thuộc quá mức vào tư duy, thực tại sẽ bị phân mảnh. Sự phân mảnh này chỉ là một ảo tưởng, nhưng khi ta mắc kẹt bên trong đó thì nó lại trông có vẻ rất thật. Tuy nhiên, Vũ trụ là một tổng thể không thể phân chia mà trong đó vạn vật đều kết nối với nhau, không có cái gì tồn tại tách biệt. Mối liên hệ qua lại sâu sắc giữa toàn bộ sự vật và sự việc hàm ý rằng những chiếc nhãn tốt – xấu hoàn toàn chỉ là ảo tưởng. Chúng luôn phản ánh cách nhìn nhận hạn hẹp, chỉ đúng một cách tương đối và tạm thời.

Không có sự việc nào là ngẫu nhiên, cũng không có sự việc hay sự vật nào tồn tại độc lập, hoàn toàn tách biệt. Các nguyên tử cấu tạo nên thân xác của bạn cũng từng được tôi luyện trong các vì sao, và nguyên nhân dẫn đến những sự việc, dẫu là nhỏ nhất, thì trên thực tế cũng là nhiều vô hạn và có liên quan đến toàn bộ vạn vật theo những cách không thể hiểu được.

Nếu muốn truy ra nguyên nhân của bất kỳ sự việc nào, ta cần quay trở về thời điểm khởi nguồn sinh ra sự việc ấy. Vũ trụ vốn không hỗn loạn. Bản thân từ cosmos (Vũ trụ) có nghĩa là trật tự. Nhưng đây không phải là thứ trật tự mà trí óc con người có thể nhận thức thấu đáo, mặc dù đôi khi con người có thể hiểu được sơ lược.

Khi ta đi vào khu rừng chưa có dấu chân người, cái tâm trí ưa suy nghĩ miên man sẽ chỉ thấy sự mất trật tự và hỗn độn ở xung quanh. Thậm chí ta còn không phân biệt được giữa sự sống (tốt) và cái chết (xấu), vì ở khắp nơi sự sống mới đang bừng lên từ những đống lụi tàn, mục nát. Chỉ khi nào lòng ta đủ tĩnh tại và sự ồn ào, xáo động của tư duy lắng xuống thì ta mới có thể nhận ra trật tự hài hòa ẩn chứa ở nơi đây, một trật tự thiêng liêng, hướng thượng mà trong đó mỗi vật đều có vị trí hoàn hảo của riêng mình và không thể là cái gì khác ngoài chính nó.

Tâm trí ta thoải mái và dễ chịu hơn ở trong công viên có phong cảnh đẹp được bài trí theo trật tự, vì cảnh quan ấy đã được xếp đặt nhờ vào quá trình tư duy chứ không tự nhiên được hình thành. Ở trong công viên có một trật tự mà tâm trí có thể hiểu được. Còn trong khu rừng thì tồn tại một trật tự mà ta không thể nào lý giải, cho nên tâm trí xem đấy là sự hỗn loạn. Có cái gì đó vượt trên cả phạm trù tốt – xấu. Ta không thể hiểu nó bằng lối suy nghĩ thông thường của mình, mà chỉ có thể cảm nhận được nó khi ngừng tư duy, đi vào trạng thái tĩnh tại, giữ mình tỉnh thức, và không cố gắng hiểu hay giải thích điều gì cả. Chỉ khi đó ta mới có thể nhận ra trật tự thiêng liêng của khu rừng. Ngay khi cảm nhận được sự hài hòa ẩn giấu, ta mới nhận ra mình không tách rời khỏi nó, từ đó ta sẽ chủ động hòa mình vào cái thiêng liêng. Theo cách này, thiên nhiên sẽ giúp ta kết nối với toàn bộ sự sống.

Đây là điều đang diễn ra với hầu hết mọi người: Ngay khi nhận biết được điều gì đó, bản ngã, hay cái tôi giả tạm liền đặt tên cho nó, diễn giải nó, so sánh nó với cái khác, thích nó, ghét nó, gọi nó là tốt hoặc xấu. Tất cả đều bị “giam cầm”, bị đóng khuôn bởi các khuôn khổ tư duy, bởi cái ý thức chỉ hướng về đối tượng.

Ta không thể thức tỉnh về mặt tâm linh cho đến khi việc đặt tên đầy khiên cưỡng và vô thức ấy dừng lại, hoặc ít nhất là ta bắt đầu có ý thức về việc làm ấy, và qua đó có thể nhận biết được khi nó diễn ra. Chính việc đặt tên, dán nhãn đã giúp cho bản ngã giữ vững vị thế “bất kham”, “bất khả xâm phạm” của nó bấy lâu nay. Đến khi nào tình trạng ấy dừng lại hoặc bạn chớm nhận thức về nó, thì không gian nội tâm sẽ mở ra, và bạn không còn bị cái tâm trí ưa suy nghĩ miên man kia chiếm hữu nữa.

Hãy chọn một món đồ ở gần bạn nhất – cây bút, chiếc ghế, cái ly, chậu cây… – và khám phá nó bằng thị giác, nghĩa là nhìn nó với niềm thích thú, gần như là tò mò. Tránh dùng bất kỳ vật nào gợi nhắc về quá khứ, chẳng hạn như bạn đã mua nó ở đâu, ai đã trao nó cho bạn… Dĩ nhiên cũng nên tránh dùng những vật có chữ viết – như cuốn sách – vì nó sẽ kích thích bạn suy nghĩ. Cứ thư giãn và tỉnh táo, đừng căng thẳng, hoàn toàn tập trung vào đối tượng, quan sát mọi chi tiết. Nếu có suy nghĩ nào tuôn ra, đừng để mình bị cuốn vào. Bởi ở đây bạn không quan tâm đến những suy nghĩ mà chỉ quan tâm đến chính hành vi nhận thức mà thôi.

Bạn có thể tách suy nghĩ miên man ra khỏi nhận thức không?

Bạn có thể nhìn mà không có “tiếng nói” nhận xét, đưa ra kết luận, so sánh, hay cố gắng tìm hiểu nào vang lên trong đầu không?

Sau vài phút, hãy đảo mắt quanh căn phòng hoặc bất cứ nơi nào bạn đang ngồi, ánh nhìn của bạn hướng về vật nào sẽ làm cho vật ấy trở nên “bừng sáng”.

Sau đó, hãy lắng nghe bất kỳ âm thanh nào vang dậy. Cũng như hãy lắng nghe với sự chú tâm giống như cách bạn nhìn lúc nãy. Một số âm thanh đến từ tự nhiên – như tiếng nước chảy, tiếng gió thổi, tiếng chim hót – trong khi những âm thanh khác do con người tạo ra. Một số âm thanh có thể dễ chịu, còn những âm thanh khác thì không. Tuy nhiên, đừng phân biệt tốt – xấu. Để cho mỗi âm thanh tồn tại đúng với chính nó, không cần diễn giải. Chỉ cần thả lỏng, thư giãn nhưng tỉnh táo chú ý.

Khi nhận thức mà không diễn giải hay dán nhãn, nghĩa là không thêm thắt bất cứ suy nghĩ nào vào nhận thức của mình, ta mới có thể cảm nhận được mối liên hệ sâu sắc giữa các sự vật tưởng chừng như tách biệt.

Hãy xem liệu bạn có thể nắm bắt, tức là chú ý đến tiếng nói trong đầu, ví dụ như ngay lúc nó phàn nàn về điều gì đó chẳng hạn, và hãy thừa nhận nó đúng với sự tồn tại của nó: tiếng nói của bản ngã, hay cái tôi giả tạm, chẳng gì khác hơn là một khuôn mẫu tư duy được định hình theo hoàn cảnh. Bất cứ khi nào chú ý đến tiếng nói ấy, bạn cũng sẽ nhận thấy bạn không phải là tiếng nói đó, mà bạn là người nhận thức về nó.

Thật sự, ta chính là nhận thức đang ý thức về tiếng nói vang lên trong đầu. Từ nhận thức, suy nghĩ hay tiếng nói vang lên trong đầu sẽ sinh ra. Nhận biết được điều đó, ta mới có thể giải thoát mình khỏi bản ngã, thoát khỏi cái tâm trí “bất kham”.

Mọi khái niệm, cũng như mọi công thức toán học, đều không thể giải thích được cái vô hạn. Không một ý nghĩ nào có thể gói gọn sự mênh mông của tổng thể. Thực tại là một tổng thể thống nhất, nhưng chính tư duy đã phân cách nó thành nhiều mảnh và khiến ta có những diễn giải sai lầm ngay từ nền tảng, ví dụ như có những sự vật, sự việc tồn tại tách biệt hay như cái này là nguyên nhân của cái kia.

Mỗi ý nghĩ chỉ chuyển tải một góc cạnh, và tự thân mỗi góc cạnh đã là sự giới hạn. Cho nên rốt cuộc ý nghĩ không phải là toàn bộ sự thật, chỉ có tổng thể mới là sự thật nhưng lại không thể nói ra hay nghĩ đến. Hãy nhìn vượt ra khỏi mọi giới hạn của tư duy và những điều tâm trí không thể lĩnh hội. Mọi sự đang diễn ra ngay lúc này. Tất cả những chuyện đã qua đi, sẽ diễn ra hoặc đang tồn tại, đều là sự kiến tạo của tâm trí.

Khi ta không che phủ thế giới bằng ngôn từ và nhãn mác, thì cảm nhận về sự huyền diệu sẽ trở lại với cuộc sống. Cảm nhận ấy đã mất đi từ lâu khi nhân loại, thay vì sử dụng suy nghĩ lại bị chính suy nghĩ chiếm hữu. Một sự sâu sắc sẽ trở lại với cuộc sống của ta. Vạn vật lại trở nên tươi mới. Và điều huyền diệu lớn nhất đó là ta trải nghiệm được bản ngã cốt lõi của mình, vốn đi trước bất kỳ ngôn từ, suy nghĩ, nhãn mác hay hình ảnh nào. Để điều này xảy ra, ta cần gỡ ý thức về Tôi, về bản thể tồn tại đích thực ra khỏi những thứ mà Tôi nhầm lẫn mình với chúng, xem mình là chúng.

Liệu có thể từ bỏ niềm tin rằng ta nên hoặc cần phải biết mình là ai không? Nói cách khác, ta có thể ngưng dựa vào các định nghĩa mang tính khái niệm để cảm nhận về bản thân, con người đích thực không? Ta có thể ngừng tư duy, phân tích, suy xét hay ngừng đưa ra một suy nghĩ để nhìn ra nhân dạng thật sự của mình không?

Càng dùng suy nghĩ để khám phá nhân dạng bản thân bao nhiêu, ta càng kéo mình xa rời chiều tâm linh trong bản thân bấy nhiêu.

Dùng suy nghĩ để xác định bản thân hóa ra lại giới hạn bản thân nhiều hơn. Khi nào hoàn toàn chấp nhận mình không biết, ta mới thật sự đi vào trạng thái thanh thản và thông suốt. Trạng thái ấy kéo ta đến gần hơn với bản thể đích thực.

Đừng cố gắng tìm kiếm hạnh phúc. Nếu cố tìm thì bạn sẽ không thể tìm ra, vì tìm kiếm có nghĩa là đã không tồn tại. Dù hạnh phúc là thứ khó nắm bắt, nhưng thoát khỏi cảm giác bất hạnh là điều ta làm được trong phút giây này bằng cách đối diện với những gì đang diễn ra trước mắt, hơn là dựng lên những câu chuyện lâm ly về hoàn cảnh. Ý nghĩ cho rằng ta là “người khốn khổ” sẽ che đậy trạng thái an nhiên và bình an nội tâm – nguồn gốc mang lại niềm hạnh phúc đích thực.

Bài viết này đã đóng bình luận.


Bài viết liên quan

  1. CÁI BÂY GIỜ
  2. CÁ NHÂN VÀ VŨ TRỤ
  3. SỰ KẾT NỐI TRỞ LẠI VỚI TẤM LƯỚI SỰ SỐNG

Bài viết khác của tác giả

  1. PHÁ VỠ THÁI ĐỘ TỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỐI KHỔ ĐAU
  2. VƯỢT QUA KHUÔN KHỔ TƯ DUY
  3. ÁNH SÁNG CỦA TỈNH THỨC GIÚP BẠN THOÁT KHỎI NỖI ĐAU

Bài viết mới

  1. HÒA HỢP TỪ NHỮNG ĐỐI KHÁNG
  2. LỢI ÍCH CỦA TINH THẦN TU TẬP
  3. BẠN