HƯỚNG ĐẾN MỘT KHOA HỌC VỀ Ý THỨC (TRÍCH ĐOẠN)

HH. DALAI LAMA XIV

Trích: VŨ TRỤ TRONG MỘT NGUYÊN TỬ; Nguyên tác: The Universe in a Single Atom của Đức Đạt Lai Lạt Ma; Dịch Việt: Làng Đậu Võ Quang Nhân

Nhà sư Mathieu Ricard ngồi cùng nhà nghiên cứu Richard J. Davidson (ảnh: Jeff Miller)

Người ta thường hiểu thiền đơn giản chỉ là việc phủi trống tâm thức, hay là một thực hành thả lỏng, nhưng đó không phải là điều mà tôi có ý đề cập ở đây. Thực hành về “gom” không chỉ hàm ý một một trạng thái bí ẩn hay huyền diệu hay một sự mê hồn chỉ mở ra cho một vài cá nhân thiên tài. Nó cũng không đòi hỏi việc không có suy niệm hay sự thiếu vắng của các hoạt động tinh thần. Thuật ngữ gom có cả ý nghĩa là một phương tiện hay một tiến trình lẫn ý nghĩa là một trạng thái khả dĩ hình thành như là hậu quả của một tiến trình. Điều tôi quan tâm chủ yếu ở đây về gom với nghĩa phương tiện, mà nó bao hàm một sự áp dụng chặt chẽ, tập trung, và có kỷ luật về sự tự quán kiểm và toàn tâm để thử nghiệm sâu vào trong bản chất của đối tượng đã chọn trước. Theo quan điểm khoa học thì tiến trình này có thể sánh với sự quan sát thực nghiệm nghiêm ngặt.

Sự khác nhau giữa quan điểm khoa học hiện tại và truyền thống truy cứu Phật giáo nằm trong việc thống trị của ngôi nhân xưng thứ ba, tức là phương pháp khách quan trong khoa học đối ứng với sự vi tế; và tiện ích của ngôi nhân xưng thứ nhất, tức là phương pháp tự quán kiểm trong sự quán chiếu Phật giáo. Theo cách nhìn của tôi, sự kết hợp của phương pháp ngôi thứ nhất và phương pháp ngôi thứ ba sẽ có một hứa hẹn về một phát triển thật sự trong nghiên cứu khoa học về ý thức. Điều to tát có thể được hoàn thành bởi phương pháp ngôi thứ ba. Khi các kỹ thuật chụp ảnh não bộ trở nên hiệu quả hơn bao giờ hết, thì có khả năng để quan sát tỉ mỉ các mối quan hệ vật lý về thế giới kinh nghiệm chủ quan phong phú của chúng ta – như là các liên kết thần kinh, các thay đổi sinh hóa, các vùng trong não bộ có liên hệ đến các vận động tinh thần đặc thù, và các tiến trình tạm thời (thường ở mức mili giây) mà bởi đó não bộ phản ứng với các kích thích ngoại vi. Tôi thật hứng thú được thấy điều này trực tiếp khi thăm viếng phòng thí nghiệm của Richard Davidson tại đại học Wisconsin ở Madison trong mùa xuân năm 2001.

Đây là phòng thí nghiệm hoàn toàn mới với các trang cụ và kỹ thuật chụp ảnh não hiện đại. Davidson có một nhóm đồng nghiệp trẻ và hăng hái ở đó, và một trong các đề án gây hứng thú nhất cho tôi của ngài là một loạt các thí nghiệm lên các thiền giả. Ngài dẫn tôi tham quan và thuyết minh cho tôi các máy móc khác nhau. Ở đó có một thiết bị EEG (máy chụp điện não đồ), chủ yếu được dùng để phát hiện các hoạt động điện tử trong não bộ. Việc này giống như một mũ chụp khít lên đầu với nhiều bộ cảm ứng gắn lên đó và đương nhiên thiết bị này trong phòng thí nghiệm của Davidson với 256 bộ cảm ứng, là một trong những thiết bị tinh xảo nhất thế giới. Thêm vào đó, còn có một máy MRI (máy chụp cộng hưởng từ), tôi đã được nghe nói rằng, sức mạnh của EEG chính là ở vận tốc của nó (thật đáng kinh ngạc là nó có thể phát hiện những thay đổi trong não bộ nội trong một phần ngàn của một giây), trong khi năng lực của MRI tùy thuộc vào khả năng định vị các vùng đang vận động của não trong vòng khoảng cách một mili mét.

Một ngày trước chuyến viếng thăm, họ đã dùng những thiết bị này trong một thí nghiệm tỉ mỉ bao gồm cả một thiền giả có kinh nghiệm mà tôi biết từ lâu trong việc tiến hành nhiều tu tập thiền khác nhau. Davidson đã trình bày cho tôi xem một màn hình máy vi tính với nhiều ảnh máy quét của đối tượng não bộ, với các màu khác nhau cho thấy các loại vận động khác nhau.

Trong ngày tiếp theo, chúng tôi có một buổi họp chính thức trong đó Davidson trình bày các kết quả có được từ trước về các nghiên cứu của ông. Nhà tâm lý Paul Ekman tham dự các thảo luận và cung cấp một báo cáo các kết qủa đạt được trong các công việc đang tiến hành trên một số lớn các nhóm đối tượng bao gồm cả các thiền giả. Thí nghiệm khoa học lên các thiền giả có một lịch sử khá lâu, kể từ các thí nghiệm được tiến hành bởi Herbert Benson tại trường y khoa Havard trong thập niên 1980. Benson theo dõi các thay đổi sinh lý về thân nhiệt và lượng Oxygen tiêu thụ của các thiền giả khi tiến hành tu tập tummo, có liên quan đến các sự việc khác nhau về sự phát nhiệt ở các điểm đặc biệt trong cơ thể. Như Benson, nhóm Richard Davidson đã tiến hành các thí nghiệm lên các nhà tu ẩn dật trong dãy Hymalaya bao gồm cả các núi quanh Dharamsala. Vì việc tiến hành các thí nghiệm trong núi cần đến việc sử dụng trang thiết bị di động, nên công việc này bị giới hạn, ít nhất cho đến khi công nghệ di động bắt kịp.

Thí nghiệm khoa học lên các chủ thể con người nảy sinh nhiều vấn đề về đạo đức, đây là câu hỏi mà cộng đồng khoa học thật sự nghiêm túc. Đối với các hành giả ẩn dật là những người lựa đã chọn một cuộc sống cô liêu trong núi non, thì lại có thêm một phức tạp là các thí nghiệm như thế tạo nên một sự xáo trộn sâu sắc vào cuộc sống và tu tập tinh thần của họ. Không có chi đáng ngạc nhiên vào lúc đầu nhiều người đã dè dặt. Một phần khác nữa là hầu như không ai hiểu được mục đích của công việc ngoại trừ việc thỏa mãn tính tò mò của những người kỳ quặc mang vác các thiết bị. Mặc dù thế, tôi cảm nhận rất mạnh (và tôi vẫn cảm thấy thế cho đến nay) rằng ứng dụng của khoa học để tìm hiểu về tâm thức của các thiền giả là tối quan trọng, và tôi đã bỏ ra rất nhiều công sức để thuyết phục các thầy tu ẩn dật cho phép các thí nghiệm được tiến hành. Tôi đã luận rằng họ nên tiến hành các thí nghiệm do lòng vị tha; nếu các hiệu quả tốt đẹp của việc bình lặng tâm thức và nuôi dưỡng các trạng thái tinh thần tốt đẹp có thể được biểu thị một cách khoa học, thì điều này có thể có các kết quả lợi ích cho những người khác. Tôi chỉ hy vọng là mình không áp lực quá nặng tay. Một số đông đã được thuyết phục và chấp thuận, hy vọng đó là do lập luận của tôi chứ không phải đơn thuần do việc tuân theo thẩm quyền của văn phòng làm việc của Dalai Lama.

Tất cả công việc này chỉ minh họa được một khía cạnh của bức tranh về ý thức. Song le, không như nghiên cứu của các vật thể không gian 3-chiều, nghiên cứu về ý thức, bao gồm toàn bộ phổ các hiện tượng của nó và mọi thứ thuộc về nội hàm của kinh nghiệm chủ quan, bao gồm hai thành phần. Một là điều gì xảy ra với não bộ và với ứng xử của cá nhân (là những gì mà khoa não bộ học và tâm lý học ứng xử được chuẩn bị để thám sát), nhưng điều còn lại là kinh nghiệm tự thân có tính hiện tượng học về các trạng thái nhận thức, xúc cảm, và tâm lý. Đối với thành phần thứ hai này thì sự áp dụng của phương pháp ngôi nhân xưng thứ nhất thật là thiết yếu. Nhìn theo một cách khác, thì dù kinh nghiệm về hạnh phúc có thể chắc chắn cùng lúc xảy ra với một số phản ứng hóa học trong não bộ, như là sự tăng cường serotonin[6], thì vẫn không có một mô tả hóa sinh và thần kinh sinh học nào có thể giải thích được hạnh phúc là gì.

Trong khi truyền thống quán chiếu Phật giáo không hề truy cập đến các ý nghĩa khoa học của việc đạt được trí huệ trong các tiến trình não, thì nó đã có một hiểu biết sâu sắc về khả năng để chuyển hóa và thích nghi của tâm thức. Cho đến gần đây, tôi thu thập được rằng các nhà khoa học vẫn tin rằng sau khi trưởng thành, các chất liệu của não người sẽ trở nên bất biến một cách tương đối. Nhưng các phát hiện mới trong thần kinh sinh học đã tìm thấy một năng lực đáng kể về khả năng thay đổi được trong não bộ người ngay cả với những người trưởng thành, già như tôi. Tại hội nghị Mind and Life ở Dharamsala trong năm 2004, tôi đã tìm hiểu được về một phân khoa của thần kinh học nghiên cứu về vấn đề này gọi là “Thuyết linh hoạt não”. Sự kiện này nói lên cho tôi biết rằng các bẩm tính vốn được xem là cố định như là nhân cách, cá tính, ngay cả tâm trạng đều không vĩnh viễn, và các sự luyện tập hay thay đổi tinh thần trong môi trường có thể ảnh hưởng đến các bẩm tính này. Các thí nghiệm đã cho thấy các thiền giả cao thâm có sự vận động nhiều hơn trong bán cầu não trái, tức là bộ phận não liên hệ đến các cảm xúc tích cực chẳng hạn như hạnh phúc, sung sướng, và dung thuận. Những phát hiện này hàm ý rằng hạnh phúc là thứ mà có thể nuôi dưỡng một cách chủ tâm thông qua các rèn luyện tinh thần ảnh hưởng đến não.

Luận sư sống trong thế kỷ thứ bảy là Pháp Xứng trình bày một luận điểm tinh tế hỗ trợ lập trường cho rằng thông qua việc tu tập kỷ luật thiền, các thay đổi căn bản có thể tạo ảnh hưởng trong ý thức con người, kể cả các cảm xúc. Một tiền đề nền tảng cho luận điểm của ông là định luật phổ dụng nhân quả, nói rằng những điều kiện ảnh hưởng đến nguyên nhân sẽ có tác động không thể tránh khỏi lên hậu quả. Nguyên lý này rất lâu đời trong Phật giáo – Đức Phật tự mình đã thuyết rằng nếu một người muốn tránh khỏi những loại hậu quả nào đó, thì người ấy cần thay đổi các điều kiện phát khởi lên chúng. Nên, nếu một ai thay đổi các điều kiện về trạng thái của tâm thức (mà thường vốn sẽ tạo khởi các dạng thức ứng xử đặc trưng của hoạt động tinh thần), thì người đó có thể thay đổi các bẩm tính của ý thức mình và sẽ có kết quả trong thái độ và xúc cảm.

Tiền đề nền tảng thứ nhì là định luật phổ dụng vô thường, vốn là một phần trong nhiều giáo pháp đầu tiên của đức Phật. Luật này phát biểu rằng tất cả các sự vật và hiện tượng, do duyên khởi tạo ra, là biến đổi liên tục. Không có gì – ngay cả các thứ trong thế giới vật chất, mà ta vốn có xu hướng nhận thức chúng như là lâu bền – lưu giữ bất động hay thường hằng. Vậy nên, định luật này nói rằng mọi vật sinh ra do các nguyên nhân thì dễ biến đổi – và nếu người ta tạo ra những điều kiện đúng, thì một cách ý thức người ta có thể tạo trực tiếp thay đổi như thế để chuyển hóa trạng thái tâm của mình.

Trích: VŨ TRỤ TRONG MỘT NGUYÊN TỬ
Nguồn: https://thuvienhoasen.org/p75a3727/chuong-7-huong-den-mot-khoa-hoc-ve-y-thuc

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. HÃY CÓ LÒNG TỐT – ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA XIV

Bài viết khác của tác giả

  1. NHỮNG CÂU NÓI CỦA DALAI LAMA 14TH
  2. TÂM TỪ BI: CON NGƯỜI MÀ CHÚNG TA MUỐN TRỞ THÀNH
  3. TÂM BÌNH AN TRƯỚC NHỮNG KHÓ KHĂN KHÔNG THỂ TRÁNH

Bài viết mới

  1. TRAO MỘT LỜI KHEN
  2. CÁI NHÌN CỦA NGƯỜI KHÁC CÓ THỂ CỨU CHỮA HAY GIẾT CHẾT TA
  3. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ