JIGME RINPOCHE
Trích: Sống Hài Hòa Với Cảm Xúc (Working With The Emotions) ; Người Dịch: Hoàng Lan; NXB Thế Giới
KẾT NỐI VỚI TÂM BỒ ĐỀ
Để tránh rơi vào bẫy của bất như ý (không mãn nguyện), chúng ta cố gắng luôn kết nối với Tâm Bồ Đề. Chúng ta mong cho tất cả được hạnh phúc và không chịu khổ đau. Đây không chỉ là một ý tưởng mà là một sự cởi mở hoàn toàn và chân thành vì lợi ích của người khác. Nó cũng không phải chỉ là một thái độ bất chợt mà chúng ta nhớ đến vào lúc này hay lúc khác. Nó vô cùng quan trọng để chỉnh hướng chúng ta về với thái độ giác ngộ trong từng giây phút. Nếu không, sự thiếu thoả mãn có thể dễ dàng nhảy vào và chúng ta lại bị sập bẫy một lần nữa. Đặc biệt là chúng ta phải thận trọng và áp dụng Tâm Bồ Đề vào trong các mối quan hệ của chúng ta với gia đình và người thân của mình. Chúng ta yêu bạn đời của mình, con cái mình, bố mẹ mình và vân vân. Tuy nhiên, phần lớn những áp lực và cảm xúc cũng ở ngay tại những chỗ này, trong những mối quan hệ này. Nói chung, chúng ta có thể bắt kịp trong công việc. Chúng ta biết chúng ta không cần phải yêu đồng nghiệp của mình. Nếu chúng ta thích họ thì cũng tốt, nhưng điểm chính yếu là chúng ta có thể làm việc chung để hoàn thành công việc. Nhưng với chúng ta, gia đình không phải như đồng nghiệp.
Chúng ta được mong đợi là yêu thương gia đình mình. Do quan điểm về bổn phận này mà chúng ta không thật sự hiểu rõ rằng cái gì đang diễn ra. Chúng ta cảm thấy có nhiều lý do để chúng ta trở nên kích động vì chúng ta nghĩ là mình đang hành động vì mình yêu thương họ.
Ví dụ như, khi chúng ta cãi nhau với con mình, chúng ta nên có kết nối với Tâm Bồ Đề mà … nhưng chúng ta chỉ đơn giản là quên mất. “Làm cách này có lẽ sẽ tốt hơn” thường trở thành “phải làm theo cách này”. Chúng ta đặc biệt trở nên khó tính trong vấn đề liên quan tới sức khoẻ và sự an toàn của con mình. Nhưng chúng ta không nhận biết được những yêu cầu của mình. Theo chúng ta, đó không phải là những yêu cầu, mà đó là cách duy nhất. Có một sự thay đổi hoàn toàn trong chúng ta từ “lợi ích và điều tốt của con” thành “điều tốt của mình”, khi mà chúng ta bắt đầu “đánh giá”. Và chúng ta muốn mọi thứ hoàn hảo, ví dụ như là theo đúng y như cách của chúng ta. Chúng ta đánh mất nhận biết, lãng quên tính rộng mở của Tâm Bồ Đề, và tất cả các thể loại vấn đề bắt đầu nảy sinh ngay tại điểm này.
ĐỂ CÓ THỂ THẤU HIỂU NGƯỜI KHÁC HƠN
Nếu chúng ta không muốn bị các nguyên nhân của cảm xúc làm phiền, thì chúng ta phải bắt đầu nhìn nhận người khác theo một cách khác. Chúng ta phải xem họ cũng quan trọng như là chúng ta. Họ không muốn khổ đau, và họ muốn có hạnh phúc. Chúng ta không hoàn hảo và họ cũng vậy. Chúng ta có khuynh hướng mạnh mẽ trong việc nghĩ rằng, theo một cách nào đó, chúng ta tốt hơn người khác. “Tôi chăm làm hơn và anh ta lười hơn.” Thực tế là, chúng ta đều có những phẩm chất và lỗi lầm như nhau. Một lần nữa, sự mãn nguyện đóng một vai trò quan trọng ở đây. Chúng ta phải học để hài lòng về mọi người xung quanh đúng như cách họ sống. Điều này chúng ta có thể đồng ý, theo một cách nào đó, khi chúng ta áp dụng nó cho số đông. Chúng ta hiểu rằng con người là con người. Nó trở nên khó khăn khi nói đến những mối quan hệ gần gũi và gia đình. Ví dụ như, một người cha sẽ khó chấp nhận rằng con mình không hoàn hảo, hoặc rằng con trai ông không thể chỉ là một bản sao của ông. Về mặt lý thuyết, chúng ta đều có thể đồng ý rằng không có ai hoàn hảo. Do đó, một người con trai không hoàn hảo là điều chẳng có gì ngạc nhiên cả. Nhưng nói chung, chúng ta không muốn con mình suy nghĩ và hành xử như mình. Sự mãn nguyện bị bỏ quên, và chúng ta không cởi mở để chấp nhận con chúng ta như chúng là như thế. Chúng ta có thể tìm thấy lỗi thậm chí ngay cả trong những phẩm chất tích cực của con. Chúng ta nên cho chúng một cơ hội để phát triển theo cách mà chúng muốn. Cho phép con phát triển và trưởng thành theo cách riêng của nó. Đồng thời, chúng ta dành thời gian để phát triển tính cởi mở và lòng mãn nguyện của mình.
Trong ngày, chúng ta luyện tập việc quan sát những sự kiện diễn ra trong tâm. Rất nhiều những bận tâm lo lắng của chúng ta là không cần thiết. Khi chúng ta nhận ra điều này, chúng ta có thể thư giãn. Hiểu biết này sẽ đến với chúng ta một cách tự nhiên. Không cần phải gò ép nó.
Không cần phải đánh giá tất cả mọi thứ. Chỉ đơn giản là an trụ ở hiện tại và quan sát những sự kiện mà không đánh giá, không có ý kiến vào đó. Chỉ nhìn, không đánh giá. Sau đó, quan điểm của chúng ta sẽ trở nên rõ ràng và cụ thể hơn. Nếu không có quan điểm không thiên vị này, chúng ta sẽ không thể nhìn những cảm xúc đang đến. Do đó, sự luyện tập thật sự là chỉ dành thời gian để nhìn những ý tưởng và suy nghĩ trong tâm – không đánh giá chúng, và sự hiểu biết sẽ đến với chúng ta.