KHÁM PHÁ BẢN THÂN

JIDDU KRISHNAMURTI

Trích: Tự Do Vượt Trên Sự Hiểu Biết; Hoàng Tuấn dịch; NXB Hồng Đức.

Nếu bạn cho rằng hiểu biết về chính mình là cần thiết chỉ vì tôi hoặc ai đó nói bạn nghe về tầm quan trọng của điều này, e rằng cuộc thảo luận của chúng ta đã đến hồi kết thúc. Nhưng nếu chúng ta đồng thuận rằng điều thiết yếu là hiểu được mình một cách trọn vẹn, thì bạn và tôi có thể cùng nhau khám phá thông qua việc truy vấn, tìm hiểu một cách thông thái, cẩn trọng và tràn ngập niềm vui.

Tôi không mong có được niềm tin của bạn, tôi không quyền tác động vào bạn, tôi chẳng có gì để dạy cho bạn cả – không có triết lý, phương pháp hay con đường nào giúp bạn chạm đến thực tại. Chân lý là vùng đất không lối vào, mọi tác động dưới bất kỳ hình thức nào, nhất là trong tư tưởng, đều xấu xa và tiêu cực. Người dẫn đường hủy hoại người nối bước và người theo đuổi phương hại đến người đưa lối. Bạn là thầy, đồng thời cũng là học trò của chính mình. Hãy truy vấn, thắc mắc về những điều vẫn được loài người chấp nhận như lẽ đương nhiên.

Nếu không theo sau ai đó thì bạn cảm thấy cô đơn, vậy bạn cứ cô đơn đi, sao bạn lại sợ mình đơn độc? Phải chăng là vì khi đó bạn buộc phải đối diện với bản chất của mình và nhận thấy rằng bạn trống rỗng, tăm tối, vô minh, ngốc nghếch, xấu xí, tội lỗi, đớn hèn – một thực thể chỉ sống với những mối tương quan gián tiếp, một thực thể nhỏ nhen và tồi tệ. Hãy đương đầu với sự thật, nhìn vào nó và đừng chạy trốn nữa, cứ hễ bạn tìm cách đào thoát thì nỗi sợ hãi lại phát sinh.

Khi cố gắng khám phá chính mình, chúng ta không cách ly bản thân với phần còn lại của thế giới. Con người muôn nơi cũng đang chìm ngập trong khó khăn, khổ ải với vô số vấn đề hằng ngày như chúng ta; vốn dĩ không có sự khác biệt giữa cá thể và tập thể. Đó là hiện thực – cá nhân ta góp phần kiến tạo thế giới hiện tại, đúng như ta là. Vì vậy, chúng ta đừng lạc lối trong cuộc vật lộn giữa cái bộ phận và cái toàn thể này. Nhận thức được toàn bộ phạm trù của bản ngã tức là ý thức trọn vẹn về cá nhân và về xã hội. Tâm trí, khi đã vượt thoát khỏi ý thức phân ly cá nhân và xã hội này, sẽ trở thành nguồn sáng thường hằng soi rọi cho chính nó.

Chúng ta bắt đầu tìm hiểu về chính mình từ đâu? Làm sao để nghiên cứu, quan sát và nhìn nhận về điều đang thật sự diễn ra ở nội tâm? Tôi có thể quan sát chính mình chỉ trong các mối tương quan bởi đó cũng chính là toàn bộ cuộc sống. Thật vô ích khi ngồi một góc mà nghiền ngẫm, tôi và bạn chỉ tồn tại trong mối tương quan với mọi người, mọi vật. Thông qua đó, chúng ta bắt đầu hiểu được chính mình, mọi cách hiểu khác đều rất mơ hồ, trong khi bạn và tôi đâu phải là những thực thể trừu tượng. Do đó, chúng ta phải nghiên cứu bản thân trong thực tại, với điều ta là, không phải điều ta muốn là.

Thấu hiểu không phải là một quá trình trí óc, thu thập thông tin và học hỏi về bản thân là hai chuyện khác nhau, kiến thức được tích lũy thì luôn thuộc về quá khứ, tâm trí cũ kỹ là tâm trí chất đầy phiền não. Học hỏi về bản thân không giống như đào luyện ngoại ngữ, kỹ năng, khoa học – khi đó bạn phải tích lũy và ghi nhớ – tiến trình tìm hiểu bản thân chỉ diễn ra ở thực tại, nhưng hầu hết chúng ta náu mình trong quá khứ và hài lòng với nó, kiến thức trở nên quan trọng khác thường còn chúng ta thì hết lòng khâm phục những học giả tinh thông, uyên bác. Thế nhưng, nếu trong từng phút giây, bạn chuyên chú theo dõi và lắng nghe, quan sát thực tế, đó mới là học hỏi – một chuyển dịch bất tận không cần đến quá khứ.

Nếu nói rằng quá trình học hỏi về bản thân là tiệm tiến, dần dần thì hiện tại bạn không đang tìm hiểu về bản thân mà chỉ đơn thuần thu thập thông tin; còn việc học thì đòi hỏi một sự tinh nhạy cao độ. Chúng ta không thể học hỏi nếu hiện tại còn bị chi phối bởi ý niệm thuộc về quá khứ; khi đó tâm trí không còn nhạy bén, linh hoạt và tỉnh giác. Hầu hết chúng ta đều không tinh nhạy cả về mặt tâm lý lẫn thể lý chúng ta ăn uống quá độ, không bận tâm đến việc lựa chọn thực phẩm lành mạnh, chúng ta thường xuyên hút thuốc và say xỉn đến mức cơ thể trở nên bệ rạc, trì độn, lơ đễnh và ngơ ngáo. Làm sao một tâm trí tỉnh giác, tinh nhạy và sáng rõ có thể tồn tại trong một cơ thể chậm chạp, nặng nề? Chúng ta có khả năng cảm nhận khi tiếp xúc trực tiếp với một vật nào đó, nhưng để hoàn toàn trở nên tinh nhạy với tất cả những ẩn ý kỳ diệu của cuộc đời, đòi hỏi sự đồng điệu giữa tinh thần thể xác, đó là sự chuyển dịch của cái toàn thể.

Để hiểu về một điều bất kỳ, bạn phải sống, quan sát nắm bắt nội dung, bản chất, cơ cấu cũng như sự vận động của nó, bạn đã từng sống như vậy chưa? Bản thân ta luôn sống động và tươi mới, để gắn kết hài hòa với nó, tâm trí bạn cũng phải minh mẫn, tinh nhạy, không bị ảnh hưởng bởi thiên kiến và các nguyên tắc.

Nếu muốn quan sát sự vận động của tâm thức, trái tim và toàn cuộc tồn sinh, bạn phải giữ một tinh thần cởi mở, phóng khoáng, không phải để tán thành hay bất đồng, thị phi hay chia bè kết phái, xung đột hay gây gổ bằng lời mà là để đồng hành với thành ý thấu hiểu. Điều này khó lòng thực hiện được, vì hầu hết chúng ta không biết cách nhìn nhận và lắng nghe sự hiện diện của bản thân mình, tương tự như khi chúng ta ngắm nhìn vẻ đẹp của dòng sông hoặc thưởng thức giai điệu của cơn gió nhẹ giữa tán cây.

Khi chỉ trích, biện minh, hoặc lúc tâm trí xao động liên miên, chúng ta không thể nhìn nhận sự việc một cách sáng rõ và cũng không quan sát được cái đang là. Chúng ta chỉ nhìn thấy những ý muốn của mình được phóng chiếu ra mà thôi. Mỗi người đều sở hữu một hình tượng mà chúng ta tưởng mình là hoặc mình nên là; chính hình tượng trong tâm thức đó đã ngăn cản chúng ta nhìn vào cái ta là.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. GIÁO DỤC LÀ TỰ THẤU HIỂU CHÍNH MÌNH
  2. HÃY HIỂU CHÍNH MÌNH

Bài viết khác của tác giả

  1. GIÁO DỤC ĐÚNG ĐẮN – KRISHNAMURTI BÀN VỀ GIÁO DỤC
  2. TÂM THỨC HOÀN TOÀN TỰ DO, KHÔNG PHÂN MẢNH LÀ MỘT TRẠNG THÁI CÓ TRẬT TỰ
  3. CỐNG HIẾN ĐỜI MÌNH CHO CÔNG CUỘC GIÁO DỤC CHÂN CHÍNH

Bài viết mới

  1. TRAO MỘT LỜI KHEN
  2. CÁI NHÌN CỦA NGƯỜI KHÁC CÓ THỂ CỨU CHỮA HAY GIẾT CHẾT TA
  3. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ