KHÁM PHÁ VÙNG ĐẤT KHÔNG CÓ NGƯỜI GIÀ

DEEPAK CHOPRA

Trích: Cơ Thể Phi Tuổi Tác, Tâm Trí Phi Thời Gian; Việt dịch: Kiều Anh Tú; NXB. Thế giới; Công ty Sách Thái Hà, 2023

Tôi muốn mời bạn tham gia một hành trình khám phá cùng với tôi. Chúng ta sẽ khám phá một nơi mà không áp dụng được những nguyên tắc cuộc sống vẫn đang diễn ra hằng ngày. Những nguyên tắc này chỉ rõ rằng già đi, yếu đi, và chết là cái kết tối hậu của tất cả mọi người. Nó đã như vậy từ thế kỷ này sang thế kỷ khác. Tuy nhiên, tôi muốn bạn tạm ngừng những giả định về cái mà chúng ta gọi là thực tại để trở thành những nhà tiên phong trong một vùng đất mà sức sống, tuổi trẻ, sự sáng tạo, niềm vui, sự tươi mới, sự mãn nguyện, và phi thời gian là những trải nghiệm phổ biến trong cuộc sống hằng ngày, nơi mà tuổi già, sự yếu đuối, sự lẩm cẩm, và cái chết không tồn tại, thậm chí không được coi là một khả năng. 

Nếu có một nơi như vậy thì điều gì ngăn chúng ta đến đó? Nó không phải một vùng đất tối tăm hay một vùng biển nguy hiểm, không có trên bản đồ. Nguyên nhân là bởi chúng ta đã bị áp đặt, thế giới quan của chúng ta đã bị bố mẹ, thầy cô và xã hội gây ảnh hưởng. Cách nhìn sự vật này – mô hình cũ này – được gọi một cách khéo léo là “giả thuyết về sự áp đặt của xã hội”, một ảo tưởng mà tất cả chúng ta đều đã đồng ý tham gia. 

Cơ thể bạn đang già đi theo cách mà bạn không thể nào kiểm soát được bởi nó đã được lập trình để sống theo những nguyên tắc được tập thể áp đặt. Nếu quá trình lão hóa có điều gì đó tự nhiên và không thể tránh khỏi thì chúng ta cũng không thể biết được cho đến khi phá vỡ những chuỗi niềm tin cũ của mình. Để tạo ra trải nghiệm cơ thể phi tuổi tác và tâm trí phi thời gian, chính là tiền đề của cuốn sách này, bạn phải loại bỏ mười giả định về việc bạn là ai cũng như bản chất đích thực của cơ thể và tâm trí là gì. Những giả định này tạo nền tảng cho thế giới quan chung của chúng ta. Chúng là: 

  1. Có một thế giới khách quan độc lập với người quan sát và cơ thể chúng ta là một khía cạnh của thế giới khách quan này. 
  2. Cơ thể được tạo thành từ các khối vật chất tách biệt nhau về không gian và thời gian. 
  3. Tâm trí và cơ thể là tách biệt và độc lập với nhau. 
  4. Vật chất là chính, ý thức là phụ. Nói cách khác, chúng ta là những cỗ máy vật chất đã học được cách suy nghĩ. 
  5. Hoàn toàn có thể giải thích ý thức con người dưới góc độ là sản phẩm của sinh hóa. 
  6. Trong vai trò cá nhân, chúng ta là những thực thể chỉ gói gọn trong bản thân, không liên quan đến nhau. 
  7. Nhận thức về thế giới của chúng ta là tự động và cho chúng ta một bức tranh chính xác về bản chất đích thực của mọi thứ. 
  8. Thời gian tồn tại như một sự thật tuyệt đối và chúng ta là tù nhân của sự thật tuyệt đối đó. Không ai thoát được sự tàn phá của thời gian. 
  9. Bản chất đích thực của chúng ta hoàn toàn do cơ thể, bản ngã và nhân cách quy định. Chúng ta là những nhúm ký ức và ham muốn được gói trong những túi thịt và xương. 
  10. Đau khổ là cần thiết – nó là một phần thực tại. Chúng ta là những nạn nhân không thể tránh khỏi của bệnh tật, tuổi già và cái chết. 

Những giả định này không chỉ gây ra tuổi già mà còn nhiều hơn thế, chúng định nghĩa nên một thế giới đầy chia tách, thối rữa và chết chóc. Thời gian bị coi là một nhà tù mà không ai muốn thoát ra; cơ thể chúng ta là những cỗ máy sinh hóa mà giống như mọi cỗ máy khác, sẽ đến lúc phải hư hỏng. “Đến một độ tuổi nhất định”, Lewis Thomas từng xác nhận, “chúng ta chắc chắn sẽ hư hoại, lẩm cẩm, rồi chết, và thế là hết”. Quan điểm này, đường lối cứng rắn của khoa học vật chất, đã bỏ qua nhiều điều về bản chất con người. Chúng ta là những sinh vật duy nhất trên Trái Đất có khả năng thay đổi đặc điểm sinh học của mình bằng cách thay đổi suy nghĩ và cảm xúc. Chúng ta sở hữu hệ thần kinh duy nhất có khả năng nhận thức được hiện tượng lão hóa. Những con hổ và sư tử già không nhận ra được điều gì đang xảy đến với chúng – nhưng chúng ta thì có. Và bởi chúng ta nhận thức được nên trạng thái tâm trí ảnh hưởng đến những gì chúng ta nhận thức. 

Chúng ta không thể tách rời một suy nghĩ hay một cảm xúc, một niềm tin hay một giả định riêng lẻ, mà không tác động lên việc lão hóa, dù là theo cách trực tiếp hay gián tiếp. Các tế bào của chúng ta liên tục nghe lỏm các suy nghĩ và thay đổi theo các suy nghĩ. Một đợt trầm cảm có thể gây thiệt hại lớn đến hệ miễn dịch; nhưng lưới tình lại có thể cải thiện nó. Tuyệt vọng và vô vọng làm tăng nguy cơ bị đau tim và ung thư, từ đó rút ngắn tuổi thọ. Niềm vui và sự mãn nguyện khiến chúng ta khỏe mạnh và kéo dài tuổi thọ. Điều này có nghĩa là ranh giới giữa sinh học và tâm lý học không thật sự rõ ràng. Khi nhớ lại một tình huống căng thẳng, tức là chỉ một thoáng suy nghĩ, chúng ta cũng giải phóng một dòng hoóc-môn độc hại chẳng khác gì khi đang căng thẳng thực sự. 

Bởi tâm trí ảnh hưởng đến mọi tế bào trong cơ thể nên sự lão hóa của con người mang tính lỏng và có thể thay đối; nó có thể nhanh lên, chậm đi, tạm dừng hoặc thậm chí đảo ngược. Hàng trăm phát hiện từ các nghiên cứu trong ba thập kỷ qua đã xác minh một điều rằng sự lão hóa đang phụ thuộc vào từng cá nhân nhiều hơn bao giờ hết. 

Tuy nhiên, đột phá có ý nghĩa nhất không nằm ở các phát hiện riêng lẻ mà nằm ở một thế giới quan hoàn toàn mới. Mười giả định của mô hình cũ không mô tả chính xác thực tại của chúng ta. Chúng là những phát minh của tâm trí con người và chúng ta đã biến chúng thành các nguyên tắc. Muốn xô đổ tận gốc sự lão hóa, chúng ta phải xô đổ toàn bộ thế giới quan này trước, vì không gì nắm giữ nhiều sức mạnh với cơ thể hơn các niềm tin trong tâm trí. 

Mỗi giả định của mô hình cũ có thể được thay bằng một phiên bản của sự thật hoàn thiện hơn và rộng mở hơn. Những giả định mới này cũng chỉ là những ý tưởng do tâm trí con người tạo ra, nhưng chúng cho phép chúng ta có nhiều tự do và sức mạnh hơn hẳn. Chúng cho chúng ta khả năng viết lại chương trình lão hóa mà giờ đang điều khiển các tế bào của chúng ta. 

Mười giả định mới như sau: 

  1. Thế giới vật chất, bao gồm cả cơ thể chúng ta, là một phản ứng của người quan sát. Chúng ta tạo ra cơ thể mình trong khi tạo ra trải nghiệm về thế giới của chúng ta.
  2. Trong trạng thái tinh túy của mình, cơ thể chúng ta được tạo thành từ năng lượng và thông tin, không phải vật chất chắc đặc. Nguồn năng lượng và thông tín này là một sự biểu lộ của những trường năng lượng và thông tin vô hạn tràn ngập khắp vũ trụ. 
  3. Tâm trí và cơ thể là một và không thể tách rời. Thực thể mà chính là “tôi” được chia thành hai dòng trải nghiệm. Tôi trải nghiệm dòng chủ quan dưới dạng các ý nghĩ, cảm xúc và ham muốn. Tôi trải nghiệm dòng khách quan dưới dạng cơ thể. Tuy nhiên, ở mức độ sâu hơn, hai dòng này gặp nhau tại một nguồn sáng tạo duy nhất. Chính từ nguồn này mà chúng ta được sống. 
  4. Sinh hóa của cơ thể là một sản phẩm của nhận thức. Niềm tin, suy nghĩ và cảm xúc tạo ra phản ứng hóa học duy trì sự sống trong mọi tế bào. Một tế bào lão hóa là sản phẩm cuối cùng của một nhận thức đã quên cách để luôn tươi mới. 
  5. Nhận thức có vẻ tự động nhưng thực ra nó là một hiện tượng được học. Thế giới chúng ta sống, bao gồm cả trải nghiệm về cơ thể, hoàn toàn bị chi phối theo cách bạn đã được học để nhận thức về nó. Nếu thay đối nhận thức, bạn thay đổi trải nghiệm về cơ thể và thế giới. 
  6. Cứ mỗi giây trôi qua, các rung động của trí thông minh lại tạo ra những dạng thức mới của cơ thể bạn. Bản chất của bạn là tống hợp của những rung động này, và khi thay đối khuôn mẫu của chúng, bạn sẽ thay đổi. 
  7. Mặc dù mỗi người có vẻ như tách biệt và độc lập với nhau, nhưng tất cả chúng ta đều được kết nối với những khuôn mẫu của trí thông mình chi phối toàn vũ trụ. Cơ thể chúng ta là một phần của cơ thể vũ trụ, tâm trí chúng ta là một khía cạnh của tâm trí vũ trụ. 
  8. Thời gian không tồn tại như một sự thật tuyệt đối, mà chỉ có sự vĩnh cửu. Thời gian là sự vĩnh cửu được lượng hóa, là sự phi thời gian được chúng ta chẻ thành các mảnh và miếng (giây, giờ, ngày, năm). Thứ chúng ta gọi là thời gian tuyến tính chỉ là một sự phản chiếu của cách chúng ta nhận thức sự thay đổi. Nếu chúng ta có thể nhận thức sự phi đổi thay, thời gian sẽ ngừng tồn tại theo cách chúng ta biết về nó. Chúng ta có thể học cách bắt đầu chuyển hóa sự phi đổi thay, sự vĩnh cửu, sự thật tuyệt đối. Khi làm vậy, chúng ta sẽ sẵn sàng tạo ra sinh lý của sự bất tử. 
  9. Mỗi chúng ta đều chứa đựng một thực tại nằm bên ngoài mọi sự thay đổi. Ở sâu bên trong chúng ta, nơi năm giác quan không chạm đến được, là một cốt lõi bản thể sâu thẳm nhất, một địa hạt của sự phi đổi thay, nơi tạo ra nhân cách, bản ngã và cơ thể. Bản thể này là trạng thái tinh túy của chúng ta – nó là bản chất đích thực của chúng ta. 
  10. Chúng ta không phải là nạn nhân của già, bệnh và chết. Chúng chỉ là một phần của khung cảnh, không phải là người quan sát khung cảnh vốn miễn nhiễm với mọi dạng thức thay đổi. Người quan sát này là linh hồn, biểu hiện của bản thể vĩnh cửu. 

Đây là những giả định bao la, những thành phần cấu tạo nên một thực tại mới, song tất cả đều dựa trên những khám phá của vật lý lượng tử từ gần một trăm năm trước. Những hạt giống của mô hình mới này đã được gieo bởi Einstein, Bohr, Heisenberg, cùng những nhà tiên phong khác trong lĩnh vực vật lý lượng tử, những người đã nhận ra rằng cách nhìn thế giới vật chất mà hầu hết mọi người chấp nhận là sai lầm. Mặc dù những thứ “ngoài kia” có vẻ là thực nhưng chẳng có bằng chứng nào về thực tại mà tách rời khỏi người quan sát. Không bao giờ tồn tại hai người có vũ trụ giống hệt nhau. Mỗi thế giới quan lại tạo ra thế giới của riêng nó. 

Tôi muốn thuyết phục bạn rằng bạn không chỉ là cơ thể, bản ngã và nhân cách hữu hạn này, mà còn hơn thế rất nhiều. Nguyên lý nhân quả theo cách bạn đang chấp nhận đã ép chặt bạn vào kích cỡ của một cơ thể và thời gian của một vòng đời. Trong thực tế, trường sự sống con người rộng mở và vô hạn. Ở mức độ sâu thẳm nhất, cơ thể bạn phi tuổi tác, tâm trí bạn phi thời gian. Một khi bạn đồng nhất với thực tại này, thực tại tương thích với thế giới quan lượng tử, sự lão hóa sẽ thay đổi một cách căn bản.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. ÁP DỤNG QUY LUẬT NỖ LỰC TỐI THIỂU
  2. CHẾT CÓ Ý THỨC
  3. NHỮNG NGUYÊN TẮC MẠNH MẼ GIÚP BẠN ĐẠT TỚI SỰ LÀM CHỦ CÁI TÔI

Bài viết mới

  1. SỬ DỤNG HIỆU QUẢ SIÊU NĂNG LỰC QUYỀN LỰC & TÁC ĐỘNG
  2. CÂU TRẢ LỜI ĐÃ CÓ SẮN TRONG CÂU HỎI – PHẬT GIÁO TRONG THẾ GIỚI TÂN TIẾN NGÀY NAY
  3. THẦY VÀ ĐỆ TỬ