KHOẢNH KHẮC HIỆN TẠI – NƠI CHÚNG TA THẤU HIỂU SUY NGHĨ CỦA MÌNH

SOM SUJEERA

Trích: Luật Hấp Dẫn-Bí Mật Tối Cao; Thái Hà Books; NXB. Từ Điển Bách Khoa

Cũng giống như nhiều suy nghĩ tập trung lại tạo nên những hình ảnh tâm lý giàu cảm xúc, nhiều cảm giác hợp nhau lại sẽ tạo ra tâm trạng hay trạng thái tình cảm. Một cơn giận dữ được tạo nên từ sự sợ hãi, xấu hổ, căng thẳng và thiếu tự tin. Ngược lại, những cảm giác như sự thỏa mãn, quan tâm và thấu hiểu kết hợp với nhau sẽ mang lại một tình thương mến. Những tâm trạng lặp đi lặp lại sẽ xác định cách ứng xử và từ đó tạo thành thói quen rồi cuối cùng là cá tính của bạn. Khi một cá tính nào đó được hình thành thì việc thay đổi nó là vô cùng khó khăn và nó có thể gây ảnh hưởng đến cuộc đời bạn.

May mắn thay, tự nhiên ban tặng cho chúng ta khả năng ý thức về bản thân mình và tập luyện nhận thức bên trong. Chúng ta là giống loài duy nhất có thể điều khiển bản thân, cũng là số phận của mình bằng khả năng ngay lập tức phân định giữa đúng và sai cũng như điều khiển các cảm giác theo sự phân định đó.

Đôi khi suy nghĩ đến việc làm hại người khác cũng không có hại gì nhiều. Nhưng nếu như toàn bộ suy nghĩ của chúng ta đều gợi lên khao khát muốn hại người, chắc chắn nó sẽ mang lại những hậu quả đi kèm. Vì thế, hãy cẩn trọng với suy nghĩ tiêu cực vì nó có thể nhanh chóng biến thành những cảm giác mà sau này chúng ta sẽ hối tiếc và chúng chắc chắn không tạo nên được tâm trạng tốt đẹp.

Đừng bao giờ nản chí nếu như bạn mới cố gắng suy nghĩ tích cực một vài lần và chưa đạt được những gì bạn muốn ngay lập tức. Đây là công việc hình thành thói quen. Bạn phải suy nghĩ tích cực thường xuyên và liên tục – chỉ khi đó suy nghĩ của bạn mới biến thành những miếng ghép tạo nên bức tranh tâm lý giàu cảm xúc hoàn chỉnh trong đầu và lúc ấy, nhất định nó sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc biến thành hiện thực.

Suy nghĩ mạnh mẽ nhất bạn có thể có được là những gì đang xảy ra ngay ở thời điểm này – chính khoảnh khắc hiện tại. Hãy nghĩ về nó như một chuyến đi dài. Ngay cả khi bạn đang trong một cuộc hành trình dài 1.000km thì quãng đường bạn cần lưu tâm nhất chính là 10m ngay trước mũi xe bởi vì đó là nơi mà hầu hết các tai nạn có thể xảy đến và nơi sự nhận thức khiến bạn tránh được chúng. Ngay cả khi bóng đêm đang vây quanh bạn, nếu như đèn pha chỉ có thể chiếu sáng một khoảng cách rất gần phía trước, chúng ta vẫn có thể đến đích thành công bằng cách này. Khả năng dẫn dắt cảm xúc của mình với sự nhận thức từng khoảnh khắc hiện tại cũng quan trọng tương tự như vậy.

Rất nhiều người trong chúng ta lập kế hoạch cho một thời gian dài trong cuộc sống; chúng ta hiểu, hoặc nghĩ là mình hiểu, nơi chúng ta sẽ có mặt trong một tháng nữa, một năm nữa hoặc đôi khi cả hàng chục năm nữa. Chúng ta cũng nghĩ về quá khứ, xem xét các tình huống, những đoạn hội thoại và rồi đôi khi nuối tiếc về những gì mình đã làm hoặc đã nói. Như thế, khoảnh khắc hiện tại đã bị bỏ qua. Khi đầu óc chúng ta nghẽn lại ở quá khứ hay tương lai, nỗi đau và sự khó chịu sẽ xảy đến ngay lập tức. Hồi tưởng lại quá khứ giống như bạn đang lái xe mà chỉ tập trung nhìn vào gương chiếu hậu, vào con đường bạn vừa đi qua. Rõ ràng chúng không hợp với trách nhiệm hiện tại của bạn là tiếp tục lái xe an toàn. Nếu cứ bận tâm với suy nghĩ về tình yêu đã mất hay những lỗi lầm mà mình mắc phải, chúng ta sẽ tạo nên những cảm xúc tiêu cực vô cùng mạnh mẽ trong bản thân mình. Chúng sẽ lưu lại rất lâu sau sự kiện và có thể khiến sự kiện đó lặp đi lặp lại. Khi đang đi trên đường cao tốc, tại sao lại cứ nhìn mãi vào những cái ổ gà làm bạn giật mình từ quãng đường đã đi qua?

Đầu óc chúng ta còn nhanh hơn cả những chiếc Ferrari và chúng ta cũng thường hay soi lại một trong những “cái ổ gà này”. Công việc của chúng ta là phát hiện ra khi nào đầu óc mình đang làm việc đó và nắm bắt những cảm xúc hình thành lúc ấy. Nếu có thể duy trì việc nắm bắt này và không phán xét những cảm xúc mà mình đón nhận, chúng sẽ tự lắng đi rất nhanh. Cảm xúc thật ra rất nhút nhát. Nếu ta nhìn chúng thật sát, chúng sẽ chạy trốn mất và chỉ quay lại khi đầu óc của chúng ta đang bận tâm vì một sự việc khác. Vậy nên nếu chúng ta giữ cho mình luôn tỉnh táo và luôn quan tâm đến những điều đang diễn ra, cảm xúc sẽ không thể lén lút lôi kéo chúng ta về lại những cái ổ gà trên con đường đã qua.

Chúng ta cũng cần phải cẩn trọng không để mình quá mải mê với những suy nghĩ tích cực về quá khứ. Như thế, chúng ta sẽ đặt hiện tại ở một vị trí kém hơn. Tại sao mọi người lại muốn làm thế? Một số người lưu giữ kỷ niệm, lời nhắn hay những món quà của người yêu cũ và vẫn nghĩ về quãng thời gian hạnh phúc xa xưa. Họ mắc kẹt trong quá khứ và so bì với hiện tại. Điều này làm họ, gia đình và những người xung quanh bị tổn thương. Khi cách cư xử này tồn tại dai dẳng, nỗi lo âu hỗn loạn, những ám ảnh có thể xuất hiện và trong vài trường hợp sẽ dẫn đến việc phải có sự can thiệp của các liệu pháp điều trị tâm thần.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. SỨC MẠNH CỦA CẢM XÚC
  2. CẢM XÚC LÀ NĂNG LƯỢNG
  3. SỐNG HÀI HÒA VỚI CẢM XÚC

Bài viết khác của tác giả

  1. KHOẢNH KHẮC HIỆN TẠI – NƠI CHÚNG TA THẤU HIỂU SUY NGHĨ CỦA MÌNH
  2. VIẾT NÊN KỊCH BẢN CHO CUỘC ĐỜI MÌNH BẰNG NHỮNG TƯỞNG TƯỢNG VỀ TƯƠNG LAI
  3. HÒA NHẬP VỚI CUỘC SỐNG BẠN MONG MUỐN

Bài viết mới

  1. CHINH PHỤC MỤC TIÊU
  2. CHÁNH NIỆM
  3. BỚT SỢ HÃI