KHÔNG CÓ CON VỊT CAO SU NÀO CẢ

HH. DALAI LAMA XIV

VICTOR CHAN

Trích: Trí Tuệ Của Sự Tha Thứ; Người dịch: Phạm Quốc Anh; NXB. Thế giới, 2022

TẠI TU VIỆN RIÊNG CỦA ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA ở Dharamsala, đã được bài trí lại để tạm thời sử dụng làm khán phòng trong năm ngày cho Hội thảo Tâm thức và Đời sống lần thứ mười, bầu không khí đang trở nên hết sức hào hứng. Mọi con mắt đổ dồn về Steven Chu, nhà vật lý học người Mỹ, là chủ nhân của một giải Nobel Vật lý. Ông ngồi ở vị trí diễn giả, bên phải Đức Đạt Lai Lạt Ma. Sau lưng ông là một bình hoa bằng đồng cao cổ cắm đầy những bông hoa tươi. Ông Chu đang chuẩn bị diễn giải mối quan hệ tinh tế giữa toán học và cơ học lượng tử cho Đức Đạt Lai Lạt Ma và toàn thể khách tham dự.

“Toán học là gì?”, ông bắt đầu bằng câu hỏi dành cho nhà lãnh đạo Tây Tạng. Tôi không ngờ ông ấy sẽ đặt câu hỏi này, và Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng có vẻ e dè. Khi không thấy Ngài đáp lại, ông Chu nói tiếp: “Toán học khiến hầu hết mọi người khiếp sợ”.

Cả khán phòng rộ lên tiếng cười. Chỉ bằng hai câu nói, ông Chu đã khiến tất cả mọi người cảm thấy thoải mái hơn. Eric Lander, nhà di truyền học đến từ Boston ngồi phía bên phải ông Chu đang lấy hai cánh tay vạm vỡ ôm lấy ngực mà cười. Đức Đạt Lai Lạt Ma, yên vị trong tư thế hoa sen trên một chiếc ghế bành thoải mái, vừa mỉm cười vừa khẽ lắc lư người qua hai bên.

Ông Chu gõ một phím trên chiếc máy tính xách tay để ở chiếc bàn thấp trước mặt. Màn hình trình chiếu hiện lên những chú vịt đồ chơi được xếp thành ba hàng: hàng đầu tiền có một chú vịt, hàng thứ hai có hai chú, hàng thứ ba có ba chú. “Đây là một món đồ chơi đơn giản. Những con vịt cao su. Chúng ta thả nó trong bồn tắm”, vừa nói ông Chu vừa chiếu một tia lazer đỏ lên chú vịt lẻ loi ở hàng trên cùng. “Đây là một chú vịt con, hai chú vịt con, ba chú vịt con. Chúng ta có thể thêm vào các chú vịt con khác…..

Cả khán phòng bỗng trở nên hết sức huyên náo. Lander vỗ tay lên đùi và cười ha hả. Ông Chu nghẹn lời khi chưa nói hết câu, yết hầu lớn ở cổ ông di chuyển lên xuống liên tục. Ông mất kiểm soát trong vài phút khi toàn thân rung lên vì nín cười (1).

Đức Đạt Lai Lạt Ma vẫn nở nụ cười trên môi. Nhưng nụ cười ấy trông thật khó đoán. Ngài không giống như mọi khi bởi tôi đã kỳ vọng rằng Ngài sẽ là người cười lớn tiếng nhất.

Thupten Jinpa, thông dịch viên của Đức Đạt Lai Lạt Ma, ghé sát người lại và nói chuyện với Ngài bằng tiếng Tây Tạng.

Tôi chợt nghĩ: có lẽ Đức Đạt Lai Lạt Ma đang gặp rào cản về văn hóa. Ngài có lẽ chưa từng bao giờ chơi với vịt cao su trong bồn tắm của mình. Chắc hẳn chưa từng ai ở Tây Tạng biết về món đồ chơi này. Đơn giản là Ngài không hiểu nổi những tràng cười kia đến từ đâu.

“Ta hoàn toàn có thể kiểm chứng bằng thực nghiệm”, nhà di truyền học nói lớn trong khi vẫn nấc nghẹn vì buồn cười.

“Thực ra thì điều này đã được kiểm chứng thực nghiệm nhiều lần lắm rồi”, Steven Chu nói, cố gắng lấy lại thái độ nghiêm túc. “Theo một phương diện nhất định, đây là thực tế. Chúng ta biết phải thêm những chú vịt bằng cách nào. Giờ, nếu ta có hai chú vịt và lấy đi một, ta chỉ còn một chú vịt. Nhưng nếu ta chỉ có một chú vịt: liệu ta có thể lấy đi hai không?”. Ông nhìn về phía Đức Đạt Lai Lạt Ma, nhún vai và giơ hai tay ra. “Chuyện gì đang xảy ra ở đây?” Chu hỏi. “Vậy là, đột nhiên chúng ta có một khái niệm mới. Quá trình sử dụng phép trừ đã khiến các nhà toán học phát minh ra số âm. Rồi chúng ta tạo ra các quy tắc – ví dụ như các quy tắc trong phép cộng và trừ. Lý thuyết này dẫn ta tới số phức, căn bậc hai của một số âm. Và nhờ có số phức ta mới có thể giải thích cơ học lượng tử”(2).

Đức Dalai Lama 14 (bên phải) và Victor Chan

Văn phòng riêng của Đức Đạt Lai Lạt Ma đã cho phép tôi tham dự hội nghị tại Dharamsala. Toàn bộ khách mời gồm khoảng 50 người, trong đó có các nhà khoa học, các khách mời, và một nhóm nhỏ các nhà sư Tây Tạng cùng ngồi chen nhau trong khán phòng nhỏ nằm trong khuôn viên khu nhà ở của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Chủ đề của hội nghị lần này là: “Bản tính của Vật Chất, Bản tính của Cuộc Sống”, và đội ngũ diễn giả bao gồm những chuyên gia hàng đầu thế giới về khoa học phức hợp, nghiên cứu di truyền, sinh học tiến hóa, triết học Phật giáo, và đương nhiên là vật lý học. Đức Đạt Lai Lạt Ma tham gia những cuộc gặp mặt định kỳ với một nhóm các nhà khoa học phương Tây bao gồm các nhà thần kinh học, vật lý học và các triết gia kể từ năm 1987. Những cuộc đối thoại ấy đã trở thành tiền đề cho nhiều công trình nghiên cứu và rất nhiều bài báo khoa học.

Tôi yêu thích sự thân thiện của các nhà khoa học ấy và trân trọng khiếu hài hước của Steven Chu. Nhà vật lý học tài ba này là đồng chủ nhân của giải Nobel năm 1997. Ông đã tìm ra phương pháp sử dụng tia lazer để làm lạnh không khí, từ đó làm chậm tốc độ di chuyển của các phân tử khí từ 4.000 km/h (tốc độ bình thường trong điều kiện nhiệt độ phòng) xuống còn 2 cm/h. Sau đó, ông giữ cho chúng trôi bồng bềnh như thể bị mắc kẹt trong một cái bẫy sánh đặc, tạo ra một hiệu ứng mà các nhà khoa học trong nhóm phát minh gọi là “optical molasses” (chất lỏng quang học).

Hẳn nhiên là ông Chu rất háo hức được gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma. Ông lấy làm vui thích với ý nghĩ được giải thích về vật chất và sự sống cho Đức Đạt Lai Lạt Ma nghe dưới góc nhìn của một nhà vật lý học. Ngay trước khi đi sâu thêm về lý thuyết vịt cao su, ông gợi lại cho Đức Đạt Lai Lạt Ma nhớ về cuộc gặp gỡ đầu tiên của họ.

“Thưa Đức Đạt Lai Lạt Ma, có lẽ Ngài còn nhớ… tôi đã gặp Ngài cách đây sáu năm tại Stanford”, ông Chu mở lời. “Chúng ta đã thảo luận với một số người, từ sáng tới trưa. Đó là một sự kiện rất đáng nhớ trong cuộc đời của tôi”. Chu nói ra câu cuối cùng ấy rất nhanh, vừa nói vừa chớp mắt vài lần. Lấy lại bình tĩnh, ông tiếp tục nói bằng phong thái điềm đạm thông thường: “Kể từ khi đặt chân tới đây, tôi đã học được rất nhiều điều. Có thể một chút là từ những người đồng nghiệp phương Tây, nhưng phần lớn là từ Ngài và từ những nhà sư Tây Tạng. Tôi hy vọng rằng, trong những ngày tới đây, tôi có thể học hỏi thêm nhiều nữa”.

Việc trao đổi kiến thức chính là mục đích của những cuộc Hội thảo Tâm thức và Đời sống, đúng như Đức Đạt Lai Lạt Ma mong muốn. Ngài hy vọng các nhà khoa học có thể mở ra những hướng nghiên cứu mới mẻ bằng cách nhìn thực tại qua con mắt của một Phật tử. Và Ngài cũng nghĩ rằng các Phật tử có thể thu nạp được những kiến thức hữu ích từ khoa học hiện đại. “Tôi đã quan tâm và tiếp xúc với nhiều nhà khoa học, tới nay đã được hơn 15 năm rồi”, Đức Đạt Lai Lạt Ma nói với tôi. “Dường như ngày càng có nhiều hơn các nhà khoa học có mối quan tâm thực sự tới việc đối thoại với các Phật tử. Tôi nghĩ rằng điều này là có ích, không chỉ đơn giản là thỏa mãn mong muốn cá nhân. Cuộc đối thoại giữa hai nhóm này có thể giúp mở rộng tri thức của nhân loại. Tôi đã tiến cử một số nhà sư Tây Tạng để tham gia các công trình nghiên cứu khoa học trong khoảng hai, ba năm trở lại đây. Cá nhân tôi thấy rằng việc này là đúng đắn, mang lại lợi ích cho cộng đồng lớn hơn”.

Nhưng Ngài còn có một mục đích khác để tổ chức các buổi gặp mặt giữa Phật tử và các nhà khoa học, một nhân tố có tầm quan trọng đặc biệt.

“Ai ai cũng đều muốn có một cuộc sống hạnh phúc – thư thả hơn, bình an hơn, đủ đầy hơn”, Ngài giải thích tiếp cho tôi về việc cộng tác với các nhà khoa học. “Để làm được điều này, việc phát triển thế giới nội tâm – như cảm xúc chẳng hạn – là quan trọng. Tôi không đề cập ở đây niềm tin tôn giáo, về thiên đàng, về sự giải phóng hay đầu thai. Mục tiêu của chúng ta là các cá nhân càng hạnh phúc thì cộng đồng càng hạnh phúc. Chúng ta muốn đề cao tầm quan trọng của các giá trị đạo đức con người: biết yêu thương, biết san sẻ. Kết quả là: chúng ta sẽ trở nên cởi mở hơn và mở rộng được góc nhìn của mình. Khi gặp phải những khó khăn, tâm hồn ta sẽ bình thản hơn trước”.

“Tư duy của người Ấn Độ cổ đại góp phần mang lại kiến thức và kỹ năng để chăm sóc sức khỏe tâm hồn. Dĩ nhiên khoa học cũng có trọng trách lớn lao. Nhưng tôi cảm nhận rằng việc phát triển những giá trị bên trong là quan trọng hơn. Hãy nhìn vào sự kiện ngày 11 tháng Chín tại New York mà xem. Đó là minh chứng cho thấy công nghệ tân tiến, đi đôi với trí tuệ con người khi bị dẫn dắt bởi các cảm xúc tiêu cực như thù hận có thể gây nên những thảm họa tồi tệ đến nhường nào. Nó gây ra đau đớn cho rất nhiều người. Để sử dụng công nghệ một cách tích cực hơn, tâm bình an là nhân tố quan trọng nhất. Đó là lý do chính yếu để khoa học hiện đại và kiến thức của con người cổ đại xích lại gần nhau hơn. Bằng cách này hay cách khác, cả hai sẽ góp phần tạo dựng một thế giới tốt đẹp hơn.”

Tôi đã rất xúc động khi Steven Chu gợi lại cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa ông và Đức Đạt lai Lạt Ma. Đó hẳn là một cột mốc rất quan trọng với ông. Khi bài thuyết trình của nhà vật lý học kết thúc, tôi hỏi Chu liệu ông có muốn gặp riêng Đức Đạt Lai Lạt Ma với tôi không. Ông nói rằng ông chưa từng nghĩ đến việc này. Ông tới Dharamsala chỉ với một mục đích duy nhất: mong muốn được biết các Phật tử nghĩ gì về các lý thuyết vật lý tối tân. Nhưng giờ đây khi được nghe ý tưởng này, Chu thấy rất phấn khích. Ông đáp rằng sẽ thật vinh dự khi được gặp nhà lãnh đạo Tây Tạng.

VÀO NGÀY CUỐI CÙNG CỦA CUỘC HỘI THẢO, Steven Chu, vợ của ông là Jean và tôi cùng chia nhau ngồi trên chiếc ghế dài trong phòng tiếp đón, đối diện chúng tôi là Đức Đạt Lai Lạt Ma. Vị khách người Mỹ gốc Trung vận trang phục đơn giản gồm một chiếc áo sơ mi xanh nhạt và quần dài màu kem. Ông mang một đôi giày tennis đã sờn rách – tại Stanford ai cũng biết ông rất ghiền chơi môn này. Tenzin Geyche trông chỉn chu và khác biệt trong chiếc áo choàng Tây Tạng màu xám, ngồi cách xa chúng tôi.

Đức Đạt Lai Lạt Ma mở lời ngay với Chu: “Ngày hôm qua khi phát biểu tại hội nghị, tôi thấy ông thể hiện thật tốt tinh thần truyền thống của người châu Á – rất khiêm nhường. Ông thừa nhận những hạn chế trong vốn hiểu biết của mình. Nhưng khi cần phải trình bày lại vô cùng mạch lạc”.

“Khi những nhà khoa học như tôi muốn giải thích, chúng tôi luôn tự nhủ với bản thân rằng: điều này tôi biết, còn điều này thì không”, Chu đáp.

“Phải. Tôi nhận thấy những nhà khoa học chân chính là những người có mắt quan sát khách quan. Họ không cố ép thực tại vào khuôn mà luôn muốn tìm ra bản chất của chúng”, Đức Đạt Lai Lạt Ma ngỏ lời khen.

Chu khiêm nhường đáp lại: “Chúng tôi vẫn luôn cố gắng”.

“Để xem. Chủ nhân giải Nobel. Là người gốc Trung Quốc. Còn đây, một người bạn lâu năm của tôi”, Đức Đạt Lai Lạt Ma chỉ một ngón tay vào tôi, “đúng ra cũng mang gốc Trung Quốc đấy. Giờ cậu ấy còn gần nửa Trung Quốc thôi”. Giọng cười trầm vang trứ danh của Ngài vọng đi khắp căn phòng. Ngài luôn trêu chọc xuất xứ phương Tây của tôi mỗi khi có dịp.

“Thường thì khi tôi tới thăm Đức Đạt Lai Lạt Ma, tôi là người Trung Quốc duy nhất giữa những người Tây Tạng nơi đây. Nhưng lần này thì tôi có thêm “viện binh’ rồi”, tôi vừa nói vừa vỗ vỗ lên đầu gối của vị khách người Mỹ gốc Trung. “Nhưng có điều khác biệt là: một người rất thông minh còn người kia lại tối dạ quá. Tôi hoàn toàn hiểu phần trình bày về những con vịt cao su. Nhưng phần còn lại với tôi thì giống như một bài giảng về vật lý vậy”.

Chu mỉm cười, khẽ lắc đầu.

Đức Đạt Lai Lạt Ma rướn mình về phía trước, nhìn chăm chú vào nhà khoa học.

“Hôm trước có một nhà di truyền học đã phát biểu về trung tâm nghiên cứu của ông ấy tại Boston”, Ngài nói. “Rồi ông ấy nói rằng trung tâm nghiên cứu ấy có những chi nhánh khác tại châu Âu, thậm chí có tại Bắc Kinh. Bởi vậy tôi thấy rằng các nhà khoa học thực sự đang đại diện cho toàn nhân loại. Không phân biệt chủng tộc, quốc gia, hay lý tưởng. Họ chuyên tâm tiến hành nghiên cứu mà chẳng màng để tâm đến những điều khác biệt kia”.

“Điều này thực ra đúng với hầu hết các nhà khoa học”, Chu đáp.

“Chúng ta cần tinh thần ấy trong giới chính khách và giữa những nhà lãnh đạo trên thế giới”, Đức Đạt Lai Lạt Ma tiếp lời. “Có đôi khi họ quá mải mê với những lý tưởng hay với dân tộc của mình. Để rồi những rắc rối không đáng có xảy đến. Thật đáng tiếc. Cứ nhìn người Trung Quốc và Tây Tạng mà xem. Trong suốt hai ngàn năm, chúng tôi là hai dân tộc rất khăng khít. Có đôi khi xảy ra chiến tranh, giết chóc. Những lúc khác lại sát cánh bên nhau. Nhưng giờ đây mọi chuyện thật phức tạp”.

Đức Đạt Lai Lạt Ma thở dài thấy rõ và tiếp tục: “Mối bận tâm của tôi không chỉ dành cho dân tộc Tây Tạng hay quốc gia của chúng tôi nói chung. Tôi lo lắng nhiều nhất cho truyền thống của Tây Tạng: một sự kết hợp giữa Phật giáo, tính logic, và triết học. Đây không chỉ là một nền văn hóa cổ xưa, mà nó còn rất tinh tế và thiết thực trong thế giới ngày nay nữa – làm thế nào để hiểu hơn về những cảm xúc của chúng ta và cách chuyển biến chúng. Tôi cho rằng việc bảo tồn nét tâm linh Tây Tạng sẽ không chỉ giúp ích cho sáu triệu người Tây Tạng mà còn cho nhân loại nói chung. Đặc biệt là những người anh chị em Trung Quốc. Họ đã mất đi nhiều di sản quý báu. Các truyền thống Phật giáo Tây Tạng có thể mang lại nhiều giá trị, bởi vậy việc bảo tồn nó là lợi ích chung”.

Tôi lên tiếng hỏi: “Giáo sư Chu, ông có mối quan hệ thân thiết với cộng đồng học thuật tại Trung Quốc. Ông thấy Trung Quốc đang có thái độ như thế nào với Tây Tạng?”.

“Phần đông mọi người tìm hiểu về Tây Tạng từ những nguồn tin bị chính phủ kiểm duyệt”, ông Chu đáp. “Họ nói rằng chúng ta phải hết sức cẩn trọng: bởi vì Đức Đạt Lai Lạt Ma rất xảo trá. Các học giả không có suy nghĩ ấy, mà hầu hết là những người trẻ tuổi. Nhưng mọi chuyện đang dần thay đổi. Càng ngày chính phủ càng khó kiểm soát báo chí hơn, đặc biệt là mạng Internet. Họ đã cố làm chuyện đó, họ đã thực sự cố gắng khai tử Google. điều hướng những kết quả tìm kiếm về công cụ tìm kiếm của chính phủ, nhưng chỉ được vài tuần. Có quá nhiều người biết cách vượt mặt hệ thống ấy”.

“Đồng thời, ngày càng có nhiều người Trung Quốc tới Tây Tạng”, Đức Đạt Lai Lạt Ma nói thêm. “Trước đây chỉ có khách du lịch. Bây giờ có nhiều người hành hương tới đây. Gần đây, tôi được biết các nhà sư Tây Tạng ở Lhasa kiếm được khoảng sáu ngàn nhân dân tệ một năm. Tương đương với… `

“Khoảng tám trăm đô-la Mỹ”, tôi quy đổi giúp Ngài.

“Không, không phải… ý tôi muốn nói là…”, Đức Đạt Lai Lạt Ma rõ ràng đang cảm thấy bối rối bởi Ngài gặp khó khăn trong việc bày tỏ ý nghĩ của mình. Ngài quay sang Tenzin Geyche và nói với anh bằng tiếng mẹ đẻ.

Geyche thông dịch lại: “Ý của Thánh Đức là số tiền các nhà sư nhận được tương đương với…”

“Không, cũng không phải”, Đức Đạt Lai Lạt Ma ngắt lời anh. Cuối cùng Ngài cũng tìm được cách diễn đạt đúng theo suy nghĩ của mình: “Số tiền các nhà sư nhận được một năm từ du khách Trung Quốc gần bằng tiền lương của một cán bộ làm việc cho chính phủ. Nguồn thu nhập ấy không đến từ Tây Tạng mà phần lớn từ những người Trung Quốc hành hương. Bởi vậy, dù hoàn cảnh hiện tại của Tây Tạng thật khó khăn, phải chịu rất nhiều sự kìm hãm, nhưng người dân đã biết lấy tiền từ túi người Trung Quốc rồi”. Ngài cười phá lên đầy sảng khoái.

Jean Chu như bị mê hoặc bởi cách thể hiện niềm vui hồn nhiên của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Đến cả Tenzin Geyche, là hình mẫu của sự nghiêm nghị, cũng đang ngoác miệng cười lớn.

“Có những dấu hiệu rất lạc quan”, Đức Đạt Lai Lạt Ma nói tiếp. “Một số vị Lạt Ma Tây Tạng đang truyền dạy kiến thức cho rất nhiều người Trung Quốc. Có một vị Lạt Ma ở phía đông Tây Tạng đã truyền giới cho tới sáu trăm vị Phật tử Trung Quốc. Đây là những dấu hiệu rõ ràng cho thấy có nhiều người Trung Quốc quan tâm thực sự tới nền văn hóa Tây Tạng. Tuy nhiên, chúng ta cần phải kết giao với nhiều người Trung Quốc hơn. Những người phù hợp nhất để làm được điều này chính là người Mỹ và người Canada gốc Trung”.

Ông Chu có vẻ trầm ngâm: “Tôi tới Trung Quốc mỗi năm chừng một lần, và gặp được ngày càng nhiều người có mong muốn thảo luận những vấn đề lớn trên thế giới. Trong một nhóm kín như thế này, họ trao đổi về những gì chính phủ đang thực hiện. Tôi có thể khơi gợi một cuộc thảo luận về Tây Tạng…” Ông ngập ngừng đôi chút rồi nói thêm: “Và tôi sẽ đặt câu hỏi tại sao chúng ta chưa từng thảo luận về chủ đề này. Nhưng không chỉ về văn hóa Tây Tạng. Có thể là về Pháp Luân Công hoặc bất cứ chủ đề tâm linh nào khác”.

“Phải rồi, phải rồi”, Đức Đạt Lai Lạt Ma đồng tình.

Mọi người im lặng trong một lúc – một sự im lặng dễ chịu. Rồi tôi chợt nhớ ra tôi còn có một câu hỏi khác cho Steven Chu.

“Ngày hôm qua, trong bài thuyết trình, ông có nói lần gặp đầu tiên với Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Stanford là một sự kiện trọng đại trong đời. Vì sao vậy?”

Ông Chu hướng về phía Đức Đạt Lai Lạt Ma mà đáp: “Đó là lần đầu tôi gặp Ngài. Trước cuộc gặp hôm ấy, tôi đã đọc qua tiểu sử của Ngài. Tôi không biết khi ấy mình mong chờ điều gì. Là một nhà khoa học, tôi có hơi hoài nghi. Rồi tôi nghĩ, để xem mọi chuyện sẽ ra sao. Và rồi… cái cách mà Ngài xuất hiện. Ngài mỉm cười ngay lập tức. Tôi chợt nhận ra những điều mà tôi đã đọc về Ngài, chúng đều là sự thật. Tôi thấy Ngài là một con người thật nồng hậu, dịu dàng, một người yêu mến con người, thậm chí là những người Ngài chưa từng gặp trước đây. Tôi có thể cảm nhận được điều này ngay lập tức. Việc Ngài có thể làm lan tỏa cảm giác tích cực ấy trong thời gian quá ngắn đã để lại một ấn tượng sâu sắc trong tôi.

Ông Chu lấy hơi rồi nói tiếp. “Tôi có một nghiên cứu sinh đang làm việc trong phòng thí nghiệm. Rất sáng dạ, lớn lên tại Hồng Kông. Tôi kể với cậu ta rằng “Thầy chuẩn bị tới thăm Đức Đạt Lai Lạt Ma. Cậu ta có vẻ háo hức và nói rằng Đức Đạt Lai Lạt Ma có lẽ là một chính trị gia rất xảo trá.”

Tất cả mọi người cùng cười rộ lên.

“Tôi nói với cậu ta rằng: “Thầy đã gặp nhiều chính trị gia rồi, họ hành xử rất khác”. Ông Chu kể tiếp, “Cậu nghiên cứu sinh đáp, ‘Nhưng ông ấy là người đứng đầu một quốc gia’. ‘Phải rồi’, tôi đáp, ‘Ngài ấy là người đứng đầu quốc gia, nhưng thầy không nghĩ Ngài ấy là một chính trị gia đâu'”.

Đức Đạt Lai Lạt Ma thay đổi tư thế và lần này Ngài ngồi sát ra ngoài mép ghế. Khom mình về phía trước, với hai tay đặt thoải mái trên đầu gối, Ngài nhìn xa xăm trước khi kể một câu chuyện mới.

“Nhiều năm về trước”, Ngài bắt đầu kể, “Tôi có gặp một anh chàng người Trung Quốc. Anh ta nghiên cứu về Phật giáo Trung Hoa và Khổng Tử. Anh ta làm việc ở Mỹ. Bạn bè thuộc giới doanh nhân Trung Quốc tại New York nói với anh ta rằng “Đạt Lai Lạt Ma không đơn thuần chỉ là một con người của tôn giáo, ông ấy chủ yếu là một chính trị gia. Trong số những vị Lạt Ma người Tây Tạng, chỉ có một vài người là những bậc thầy tâm linh đích thực. Nhưng Đức Đạt Lai Lạt Ma không nằm trong số đó’. Nghe vậy, anh ta có vẻ lưỡng lự không muốn tới nghe tôi giảng pháp. Nhưng vì tò mò, anh ta vẫn đến. Rồi anh ta nhận ra: Đạt Lai Lạt Ma là một người chân thành và giàu tình thương. Anh ta hiểu hơn về con người tôi, dò xét kỹ lối cư xử của tôi. Cuối cùng, anh ta trở thành một người bạn tâm linh thân thiết của tôi. Anh ta gọi tôi là sư phụ, thậm chí chính tôi là người làm lễ xuất gia cho anh ta nữa. Bởi vậy, không chỉ có những người cộng sản mà công chúng nói chung thường lầm tưởng về chuyện này. Bởi tôi là người đứng đầu Tây Tạng, giới truyền thông đã tô vẽ hình ảnh một Đạt Lai Lạt Ma khác xa với một nhà sư giản dị, mà thành một chính khách.”

Ngài dừng lại một chút, rồi nói tiếp, “… một chính khách cứng rắn, tôi mong thế”.

Sau khi tiếng cười đã ngớt đi, Đức Đạt Lai Lạt Ma quay sang hỏi Jean Chu, người đã ngồi yên lặng nãy giờ. “Bà có gì muốn nói không?”

“Chúng tôi đã tới thăm làng trẻ Tây Tạng tối hôm qua”, bà kể, “và điều khiến tôi ấn tượng nhất là cách mà Ngài gìn giữ nét văn hóa của dân tộc mình ngay tại Dharamsala này. Ngài đã ly hương nhưng vẫn tìm cách để bảo tồn các nét dân tộc đặc trưng của mình. Tôi nghĩ đó là một tấm gương cao đẹp cho người khác noi theo.”

Đức Đạt Lai Lạt Ma muốn đáp lại, nhưng Ngài đổi ý rồi nói chuyện với Tenzin bằng tiếng Tây Tạng.

Tenzin thông dịch lại: “Lời khen ngợi của bà quả là nguồn động viên to lớn”.

“Đúng thế”, Đức Đạt Lai Lạt Ma nói: “Ngay từ ban đầu, cách đây 43 năm, mối quan tâm hàng đầu của chúng tôi là bảo tồn nét văn hóa Tây Tạng – xây dựng trường học, làng trẻ em và những thứ khác. Chúng tôi cũng xây dựng những khu kiều dân cho người Tây Tạng tại miền Nam Ấn Độ. Cùng một nguyên tắc: nhằm gìn giữ văn hóa dân tộc. Giờ đây, tôi có thể tự hào mà nói rằng, các phong tục thuần Tây Tạng, các tri thức thuần Phật giáo đã có mặt bên ngoài Tây Tạng”,

“Điều tuyệt vời mà chúng tôi đã học được từ Phật giáo nơi đây là: đây là một tôn giáo thật cởi mở”, Jean nói thêm. “Các suy nghĩ khác biệt được chấp nhận và được du nhập vào xã hội để làm giàu thêm nét văn hóa nơi đây.”

“Cảm ơn bà”, Đức Đạt Lai Lạt Ma đáp. “Đó là lý do vì sao những người trẻ Tây Tạng ở Ấn Độ ngày nay chỉ có một ước mơ: đó là được sinh sống tại nước Mỹ. ”

Ngài cười một tràng cười sảng khoái nữa. Rồi đã tới giờ để dạo bộ lên đồi hướng về nơi tổ chức hội thảo.

Chú thích

(1) Vịt Cao Su (Rubber Ducking) là cụm từ hài hước bắt nguồn từ một kỹ thuật sửa lỗi trong nghề lập trình viên. Theo đó, có một anh chàng lập trình viên được đề cập trong cuốn sách Pragmatic Programmer luôn mang theo một con vịt cao su bên mình để giải thích từng dòng mã (code) của anh với cơn vịt cao su đó. Kỹ thuật đơn giản này rất hiệu quả bởi nhìn chung, vịt cao su là một thứ không có kinh nghiệm về code, giải thích cho nó hiểu cũng giống như khi giải thích cho một người không biết gì về lập trình. Việc giả định này giúp cho người nói phải vận dụng những từ ngữ dễ hiếu, không tập trung vào từ chuyên ngành mà tập trung vào những liên tưởng để giúp người nghe dễ hiểu được vấn đề.

(2) Ở đây, nhà vật lý Steven Chu đang dùng chính những con vịt cao su để minh họa cho lý thuyết phức tạp trong chuyên môn của ông, với những người không thuộc chuyên ngành này như Đức Đạt Lai lạt Ma và các học giả khác. Ý nghĩa hài hước trong ví dụ này đã khiến mọi người bật cười. (BTV)

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. KHÔNG GÂY HẠI CHO AI KHÁC
  2. TÌNH YÊU THƯƠNG GIỐNG NHƯ MỘT VIÊN NGỌC QUÝ
  3. MỘT ĐẦU ÓC UYỂN CHUYỂN

Bài viết mới

  1. NẾU MỘT THẤT BẠI KHÔNG MANG TỚI CẢM GIÁC ĐAU ĐỚN, KHÓ CHỊU GÌ, NÓ SẼ BỊ LỜ ĐI
  2. VƯỢT LÊN CHÍNH MÌNH
  3. THỰC HÀNH TRONG ĐỜI SỐNG THƯỜNG NHẬT