KHÔNG NÊN NÓI XẤU SAU LƯNG

STEPHEN R. COVEY

Trích: 7 Thói Quen Tạo Gia Đình Hạnh Phúc-The 7 Habits of Highly Effective Families; Biên Dịch: Vương Khánh Ly-Phan Khánh Giang; Nguyễn Thu Giang - Nguyễn Chương; NXB. Trẻ

Chuyện gì xảy ra khi các thành viên trong gia đình không trung thành với nhau, họ nói xấu, ngồi lê đôi mách về người khác sau lưng? Một người có những lời nhận xét không hay về những thành viên khác trong gia đình hay về bạn bè, điều này sẽ có ảnh hưởng gì đến mối quan hệ giữa họ?

“Chồng tôi là một anh chàng hà tiện. Anh ta lúc nào cũng tính toán từng xu một”.

“Vợ tôi nói huyên thuyên suốt cả ngày. Cô ấy nên dừng lại, để cho tôi nói với chứ”.

“Anh biết chuyện con tôi làm gì vào hôm trước không? Nó nói xấu thầy giáo. Họ đã gọi tôi đến trường. Thật xấu hổ! Tôi không biết làm gì với thằng bé này nữa. Nó toàn gây rắc rối thôi”.

“Tôi không tin nổi mẹ vợ mình nữa! Bà cố gắng kiểm soát mọi việc làm của chúng tôi. Tôi không hiểu tại sao vợ tôi không chịu làm điều gì đó để chấm dứt chuyện này”.

Những lời bình luận kiểu này là những “khoản rút ra” lãng phí từ tài khoản tình cảm, không chỉ đối với người được nói đến mà còn với cả người bạn đang nói chuyện cùng. Giả sử bạn biết được ai đó đưa ra những lời nhận xét về mình như vậy, bạn sẽ nghĩ gì? Bạn sẽ thấy rằng người ta không hiểu đúng về bạn, bạn cảm thấy bị xúc phạm, bị chỉ trích và quy kết một cách thiếu công bằng. Điều đó sẽ ảnh hưởng đến mức độ tin tưởng trong mối quan hệ của bạn với người ấy như thế nào? Bạn có thấy an toàn và dám tin tưởng người ấy nữa hay không?

Mặt khác, nếu ai đó nói với bạn những lời bình luận kiểu này về một người khác, bạn sẽ thấy thế nào? Thoạt đầu, bạn có thể hài lòng vì anh ta đã “tin tưởng” bạn, nhưng sau đó bạn sẽ tự hỏi liệu anh ta – trong một hoàn cảnh khác, khi nói chuyện với một người khác – rất có thể lặp lại những điều tương tự như thế, về bạn?

Một trong những “khoản gửi vào” quan trọng nhất và cũng rất khó thực hiện – tiếp theo sau yêu cầu “biết nói lời xin lỗi” – đó là trung thành với các thành viên khác trong gia đình khi họ vắng mặt.

Hãy nói về người khác như thể họ đang có mặt. Điều đó không có nghĩa xúi bạn lờ đi những nhược điểm, để chỉ đưa ra những thứ tốt đẹp. Mà có nghĩa là bạn tập trung vào mặt tích cực nhiều hơn mặt tiêu cực. Nếu bạn có bình luận về nhược điểm của người khác thì hãy nói với tinh thần trách nhiệm, mang tính xây dựng; khi đó bạn sẽ không phải xấu hổ nếu người mà bạn đang nhắc đến biết được cuộc trò chuyện của bạn.

Ông bạn của chúng tôi có một đứa con trai 18 tuổi. Cậu ta  có thói quen thích trêu chọc các anh chị đã nên vợ nên chồng. Khi cậu ta không có ở nhà (điều này thường xuyên xảy ra, vì cậu hay ra ngoài chơi với bạn bè), cả gia đình lại tán gẫu: họ ưa bàn tán về thói quen ngủ nướng, về sự nhõng nhẽo đòi mẹ phục vụ đến nơi đến chốn, về cô bạn gái của cậu ta. Ông bạn tôi thường có mặt trong những cuộc bàn tán về đứa con trai, dần dà ông cũng đâm ra tin là cậu con trai của mình thực sự vô trách nhiệm.

Cho đến một hôm, bạn tôi nhận thức được điều gì đang diễn ra và trách nhiệm của ông trong chuyện này. Ông quyết định sẽ làm theo nguyên tắc trung thành với người vắng mặt, tức là ông sẽ trung thành với cậu con trai của mình. Từ đó trở đi, khi tham gia những cuộc trò chuyện kiểu này, ông sẽ nhẹ nhàng ngăn lại những lời nhận xét tiêu cực của mọi người, và tìm cách nêu lên những điểm tích cực của cậu con trai mà ông ghi nhận được. Ông đưa ra những chuyện tốt của cậu con trai, tạo đối trọng trước mọi lời gièm pha, xầm xì. Những chủ đề đang kháo nhau nhanh chóng bị mất đi sự thú vị, mọi người chuyển sang những chủ đề khác hấp dẫn hơn.

Bạn tôi cho biết ông cảm thấy sau đó những người khác trong gia đình cũng bắt đầu áp dụng nguyên tắc về sự trung thành. Họ tin tưởng ông sẽ bảo vệ họ khi họ vắng mặt. Họ nhìn vào cách ông xử sự với cậu con trai, người không biết đến những cuộc bàn tán sau lưng: ông đã thay đổi cách nhìn, dẫn đến sự cải thiện tài khoản tình cảm của ông với cậu con trai. Tóm lại: cách bạn xử sự trong một mối quan hệ gia đình, cuối cùng cũng sẽ ảnh hưởng đến mọi mối quan hệ khác còn lại.

Tôi nhớ, có một lần tôi phải vội vàng ra khỏi nhà vì có việc. Nếu tôi đứng lại chào tạm biệt với đứa con 3 tuổi Joshua, tôi sẽ bị giữ lại bởi những câu hỏi và yêu cầu của bé. Điều đó làm mất nhiều thời gian, trong khi tôi đang vội. Thế nên tôi nói với những đứa con khác của mình, “Hẹn gặp lại các con. Bố phải đi gấp đây! Đừng nói cho Joshua biết là bố đang đi nhé”.

Khi đi được nửa đường ra bãi đậu xe, tôi chợt nhận ra sự bất ổn. Tôi quay trở lại, đi vào nhà và nói: “Bố thật không tốt vì đã tránh mặt và không nói chào tạm biệt với Joshua”.

Tất nhiên là tôi sẽ mất một ít thời gian với bé. Tôi phải lắng nghe những điều bé muốn nói với tôi rồi mới có thể đi được. Nhưng điều này đã củng cố tài khoản trong Ngân hàng Tình cảm của tôi với Joshua, và với những đứa con khác nữa.

Thỉnh thoảng tôi lại nghĩ: Điều gì sẽ xảy ra nếu lúc đó tôi không quay lại? Quan hệ giữa tôi và Joshua sẽ thế nào khi tôi gặp lại bé vào buổi tối hôm đấy? Bé có còn yêu mến và cởi mở với tôi, nếu bé biết rằng tôi đã trốn đi khi bé cần tôi? Điều này sẽ ảnh hưởng tới mối quan hệ của tôi với những đứa con khác như thế nào? Liệu chúng có nghi ngại tôi cũng sẽ trốn đi nếu việc trò chuyện với chúng làm ảnh hưởng đến lịch trình làm việc của tôi?

Một thông điệp được gửi đến một người, sau đó những người còn lại cũng sẽ được nhận, vì mọi người cũng giống “một người”: họ biết nếu bạn đối xử với một người như thế này, đến một lúc nào đấy trong một tình huống khác, bạn cũng có thể đối xử với họ theo cách tương tự. Điều đó lý giải tại sao sự  trung thành với người vắng mặt lại quan trọng đến vậy.

Hãy lưu ý 4 kỹ năng phải được áp dụng một cách tiên phong chủ động. Để trung thành, bạn phải tự nhận thức. Bạn phải có lương tâm, phải hiểu được cái gì đúng, cái  gì sai; nhận ra điều gì có thể làm tốt hơn nữa. Bạn phải có đủ kiên trì để làm được những điều đó.

Trung thành với người vắng mặt rõ ràng là một sự lựa chọn chủ động.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. NGƯỜI KHÁC KHÔNG LUÔN LUÔN YÊU THƯƠNG VÀ TRUNG THÀNH VỚI CHÚNG TA
  2. TÔN TRỌNG NGƯỜI KHÁC
  3. TÔN TRỌNG NGƯỜI KHÁC LÀ MỘT LOẠI MỸ ĐỨC, CŨNG LÀ THỂ HIỆN CỦA TRÍ TUỆ

Bài viết khác của tác giả

  1. THÓI QUEN THỨ NĂM: HIỂU NGƯỜI TRƯỚC, HIỂU MÌNH SAU
  2. TÔN TRỌNG TIẾN TRÌNH TỰ NHIÊN CỦA SỰ PHÁT TRIỂN
  3. NỀ NẾP VĂN HÓA GIA ĐÌNH

Bài viết mới

  1. SỰ KHIÊM TỐN THUYẾT PHỤC
  2. TU TẬP THIỀN BẰNG CÁCH QUÁN TÂM TRONG TĨNH LẶNG
  3. TRAO MỘT LỜI KHEN