KỶ LUẬT CÓ PHẢI LÀ PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC ĐÚNG ĐẮN?(*)

JIDDU KRISHNAMURTI

Trích: Giáo Dục và Ý Nghĩa Cuộc Sống; Biên dịch: Đinh Hồng Phúc; NXB. Hồng Đức; Công ty VH Sáng tạo Trí Việt - First News; 2017

Kỷ luật là một phương cách dễ dãi hòng kiểm soát đứa trẻ, nhưng nó chẳng thể giúp đứa trẻ hiểu biết các vấn đề liên quan tới bản chất cuộc sống. Một hình thức cưỡng buộc nào đó, một hình thức thưởng phạt nào đó, có thể cần thiết để duy trì trật tự và sự yên lặng bề ngoài khi số lượng lớn học sinh được tập hợp lại với nhau trong lớp học; nhưng với một người thầy chân chính và với số lượng nhỏ học sinh thì ta có cần dùng đến kiểu trấn áp, được gọi một cách tao nhã là kỷ luật hay không? Nếu quy mô các lớp học nhỏ và người thầy có cơ hội chú ý kỹ càng đến từng đứa trẻ một, quan sát và giúp đỡ em, thì sự cưỡng ép hay khống chế dưới bất cứ hình thức nào rõ ràng là không cần thiết. Nếu trong một nhóm như thế, học sinh nào ngoan cố không giữ trật tự hay nghịch ngợm quậy phá, người thầy cần phải dụng công tìm hiểu nguyên nhân của hành vi bất ổn ấy: có thể do chế độ ăn thiếu khoa học, nghỉ ngơi không đủ, những cãi vã trong gia đình, hay một sự lo sợ mơ hồ nào đó.

Ẩn dưới nền giáo dục đúng đắn là sự vun bồi cho tự do và trí tuệ, điều này không thể diễn ra nếu có bất cứ hình thức cưỡng ép nào, và kèm theo đó là nỗi sợ hãi. Sau rốt, mối quan tâm của người thầy là làm thế nào để giúp học trò hiểu được tính phức tạp của con người – bao gồm cả những diễn trình tâm lý, cảm xúc,… Việc dồn nén phần bản tính này vì ích lợi của phần bản tính kia sẽ tạo ra sự xung đột bất tận, và rồi sớm muộn sự xung đột này sẽ dẫn đến sự chống đối xã hội. Cái đem lại trật tự vững bền là trí tuệ chứ không phải kỷ luật.

Cái đem lại trật tự vững bền là trí tuệ chứ không phải kỷ luật.

Sự tuân phục và vâng lời không có chỗ trong loại hình giáo dục đúng đắn. Sự hợp tác giữa người thầy và học trò không thể nảy nở được nếu thiếu vắng tình thương và sự tôn trọng dành cho nhau. Khi được yêu cầu phải thể hiện sự tôn trọng đối với người lớn, nó sẽ trở thành một thói quen, một sự thể hiện thuần túy bề ngoài, và sự sợ hãi đã khoác lấy vỏ bọc tôn kính. Nếu không có sự tôn trọng và quan tâm đến người khác thực sự, thì không một mối quan hệ nào có thể tồn tại, nhất là khi người thầy chỉ được xem là công cụ truyền thụ kiến thức cho người trò.

Nếu người thầy đòi hỏi học sinh phải tôn trọng mình mà chẳng mấy khi anh ta tôn trọng các em, chắc chắn học sinh sẽ dửng dưng và không tôn trọng anh ta. Nếu không có sự tôn trọng đối với cuộc sống, kiến thức chỉ dẫn đến sự phá hoại và khốn khổ. Giáo dục lòng tôn trọng đối với người khác là một phần quan trọng trong nền giáo dục đúng đắn, nhưng nếu bản thân nhà giáo dục không có phẩm chất này, anh ta không thể giúp học trò của mình tạo dựng được cuộc sống toàn diện.

Thông minh nghĩa là nhận biết rõ cái bản chất, và muốn nhận biết rõ cái bản chất thì cần phải thoát khỏi những trở ngại của tâm trí trong việc tìm kiếm sự an toàn và thanh thản. Sợ hãi là không thể tránh khỏi chừng nào đầu óc còn mải mê tìm kiếm cảm giác an toàn; và khi con người được tập hợp lại thành đoàn thể theo một cách nào đó, thì ý thức và sự thông minh sắc sảo sẽ bị hủy hoại.

Mục đích của giáo dục là vun bồi mối tương quan đúng đắn, không chỉ giữa các cá thể với nhau, mà còn giữa cá thể và xã hội; đó là lý do tại sao giáo dục trước hết phải giúp mỗi người hiểu được diễn trình tâm lý của chính mình. Trí tuệ nằm ở chỗ hiểu biết về chính mình và vượt lên chính mình; nếu vẫn còn sợ hãi thì chúng ta không thể có trí tuệ. Sợ hãi làm hư hỏng trí tuệ và là một trong những nguyên nhân của hành động lấy mình làm trung tâm. Kỷ luật có thể áp chế nỗi sợ hãi nhưng không xóa bỏ được nó, và kiến thức giả tạo mà chúng ta nhận được trong nền giáo dục hiện đại chỉ che đậy thêm nỗi sợ hãi mà thôi.

Khi chúng ta còn trẻ, nỗi sợ – ở trong gia đình, cũng như ở trường – đã ngấm sâu vào trong huyết quản chúng ta. Không một bậc cha mẹ hay người thầy nào đủ nhẫn nại, đủ thời gian, đủ sự khôn ngoan để giúp xua tan những nỗi sợ hãi đã thành bản năng ở tuổi ấu thơ, rồi khi ta lớn lên, nỗi sợ hãi ấy chi phối thái độ và óc phán đoán của ta, gây ra biết bao nhiêu là vấn đề. Loại hình giáo dục đúng đắn phải xét đến nỗi sợ hãi này, vì chính sợ hãi làm cho toàn bộ cái nhìn về cuộc đời của chúng ta bị méo mó. Loại bỏ nỗi sợ hãi là điểm khởi đầu của trí tuệ, và chỉ có loại hình giáo dục đúng đắn mới có thể giúp ta thoát khỏi nỗi sợ; chỉ khi nào không còn sợ hãi thì chúng ta mới có trí tuệ sâu sắc và đầy sáng tạo.

Thưởng hay phạt đối với bất cứ hành động nào chỉ càng củng cố thêm cho việc tự lấy bản ngã làm trung tâm. Hành động vì điều gì đó khác, nhân danh Tổ quốc hay Thượng đế, đều dẫn đến sự sợ hãi, và sợ hãi không thể là nền tảng cho hành động đúng đắn. Nếu chúng ta giúp đứa trẻ biết quan tâm đến người khác, chúng ta sẽ không dùng tình yêu thương như là món quà hối lộ mà sẽ dành thời gian và lòng kiên nhẫn giải thích các cách thức quan tâm đến người khác.

Chẳng có sự tôn trọng nào đối với người khác khi có phần thưởng dành cho việc đó, vì sự hối lộ hay hình phạt trở nên quan trọng hơn nhiều so với chính cảm giác tôn trọng. Nếu chúng ta không tôn trọng đứa trẻ mà chỉ đơn thuần đưa cho trẻ một phần thưởng hay dọa nạt, chúng ta chỉ đang khuyến khích tính hám lợi và nỗi sợ hãi. Vì bản thân chúng ta cũng được dạy dỗ phải hành động vì một kết quả nào đó, cho nên ta không nhận thấy rằng vẫn có thể hành động hoàn toàn không xuất phát từ ham muốn vị lợi.

Loại hình giáo dục đúng đắn sẽ khuyến khích óc tư duy và sự quan tâm tới người khác một cách tự nhiên mà không cần lôi kéo hay dọa dẫm. Trường hợp đôi bên không còn màng đến những kết quả trước mắt, cả thầy lẫn trò không còn lo ngại bị phạt hay mong đợi phần thưởng, đồng thời thoát khỏi mọi hình thức cưỡng buộc khác thì sự cưỡng ép vẫn tiếp tục tồn tại chừng nào mà uy quyền vẫn còn là một phần của mối tương giao.

Nếu chúng ta không tôn trọng đứa trẻ mà chỉ đơn thuần đưa cho trẻ một phần thưởng hay dọa nạt, chúng ta chỉ đang khuyến khích tính hám lợi và nỗi sợ hãi.

Tuân theo uy quyền có nhiều thuận lợi nếu người ta suy nghĩ dựa vào động cơ và sự ích kỷ; nhưng giáo dục dựa trên sự tiến bộ và lợi ích của cá thể chỉ có thể xây dựng một cơ cấu xã hội đầy cạnh tranh, đối kháng và tàn nhẫn với nhau mà thôi. Đây là loại xã hội trong đó chúng ta lớn lên cùng sự thù địch, và hỗn loạn là chuyện hiển nhiên.

Chúng ta được dạy phải tuân phục trước uy quyền của người thầy, của sách vở, vì chỉ như thế thì ta mới được lợi. Các nhà chuyên môn trong mọi lĩnh vực của cuộc sống sử dụng uy quyền và thống trị chúng ta; nhưng bất cứ người có thẩm quyền nào dùng đến sự cưỡng ép đều không thể nào gầy dựng được mối tương giao hợp tác, một yếu tố căn bản cho sự thịnh vượng của xã hội.

Nếu chúng ta muốn gầy dựng mối quan hệ đúng đắn giữa con người với nhau thì không nên dung dưỡng cho sự cưỡng ép, hay thậm chí là sự thuyết phục. Làm thế nào có thể có tình người và sự hợp tác chân thành giữa nhà cầm quyền và người nằm dưới quyền lực đó? Bằng cách xem xét một cách tỉnh táo vấn đề về uy quyền và những nội hàm của nó, và nhận thấy rằng chính sự ham muốn quyền lực tự nó đã mang tính phá hoại, thì tự khắc ta sẽ hiểu ngay toàn bộ diễn trình của uy quyền. Lúc ta vứt bỏ uy quyền chính là lúc ta bước vào mối quan hệ cộng tác, chỉ khi ấy mới có sự hợp tác chân thành và tình người.

Vấn đề thực sự của giáo dục là nhà giáo dục. Ngay cả một nhóm nhỏ học sinh cũng có thể trở thành công cụ thể hiện tầm quan trọng của người thầy, nếu anh ta sử dụng uy quyền như là một phương tiện để giải thoát chính mình, để hiện thực hóa chính mình, và nếu đối với anh ta việc giảng dạy là một cách để thể hiện bản thân. Nhưng chỉ đơn thuần nhất trí, trong tư tưởng hay lời nói, về những tác động nguy hại của uy quyền thôi thì vẫn là việc làm xuẩn ngốc và hão huyền.

Chúng ta cần phải có minh kiến sâu sắc về những động cơ sâu kín của uy quyền và sự thống trị. Nếu chúng ta xét thấy trí tuệ không bao giờ có thể được đánh thức bằng sự cưỡng ép, thì chính việc ý thức về điều đó sẽ đốt sạch nỗi sợ hãi trong chúng ta, thế là chúng ta sẽ bắt đầu vun xới một môi trường mới, trái ngược và vượt xa cái trật tự xã hội hiện thời.

Để hiểu thấu ý nghĩa của cuộc sống cùng với những xung đột và đau khổ mà uy quyền gây ra, chúng ta phải suy nghĩ một cách độc lập về bất cứ loại uy quyền nào. Nếu muốn giúp đỡ một đứa trẻ mà chúng ta lại đặt ra trước em những tấm gương đầy uy quyền, chúng ta sẽ chỉ khuyến khích sự sợ hãi, bắt chước và nhiều hình thức cuồng tín khác mà thôi.

—– —–

Bài viết này nằm trong loạt bài viết trình bày quan điểm về loại hình giáo dục đúng đắn của J. Krishnamurti, được trích từ tác phẩm Giáo dục và ý nghĩa cuộc sống (Chương II – Loại hình giáo dục đúng đắn).

Quý đọc giả có thể theo dõi các bài viết trong cùng chủ đề này theo các liên kết dưới đây:

—– —–

Chú thích

(*) Tựa bài viết do Ban biên tập đặt

Bình luận

[…] KỶ LUẬT CÓ PHẢI LÀ PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC ĐÚNG ĐẮN?(*) […]

[…] LOẠI HÌNH GIÁO DỤC ĐÚNG ĐẮN – PHẦN 2 […]

[…] KỶ LUẬT CÓ PHẢI LÀ PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC ĐÚNG ĐẮN?(*) […]


Bài viết liên quan

  1. VAI TRÒ ĐÚNG ĐẮN CỦA GIÁO DỤC (*)
  2. NHỮNG QUAN NIỆM VÀ HÀNH XỬ SAI LẦM (*)
  3. GIÁO DỤC TÔN GIÁO NHƯ THẾ NÀO LÀ ĐÚNG? (*)

Bài viết khác của tác giả

  1. GIÁO DỤC ĐÚNG ĐẮN – KRISHNAMURTI BÀN VỀ GIÁO DỤC
  2. TÂM THỨC HOÀN TOÀN TỰ DO, KHÔNG PHÂN MẢNH LÀ MỘT TRẠNG THÁI CÓ TRẬT TỰ
  3. CỐNG HIẾN ĐỜI MÌNH CHO CÔNG CUỘC GIÁO DỤC CHÂN CHÍNH

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP