KỶ LUẬT TINH THẦN – SỐNG HẠNH PHÚC

HH. DALAI LAMA XIV

HOWARD C. CUTLER

Trích: Sống Hạnh Phúc - Cẩm Nang Cho Cuộc Sống; Nguyễn Trung Kỳ dịch; NXB; Thế Giới & Cty Sách Nhã Nam

Khi Đạt Lai Lạt Ma nói chuyện, tôi thấy có gì đó rất thu hút trong cách đạt đến hạnh phúc của ngài. Nó hoàn toàn mang tính thực tế và hợp lý: hãy xác định và vun trồng những tâm trạng tích cực; hãy xác định và loại trừ những tâm trạng tiêu cực. Mặc dù đề nghị của ngài rằng đầu tiên hãy phân tích một cách có hệ thống các tâm trạng khác nhau mà chúng ta cảm nghiệm, thoạt tiên có vẻ hơi khô khan đối với tôi, song tôi dần dần bị lôi cuốn bởi sức mạnh của logic và tính hợp lý của nó. Và tôi thích việc, thay vì phân loại các tâm trạng, các cảm xúc, ước muốn trên cơ sở những phán quyết luân lý được áp đặt từ bên ngoài kiểu như “Tham lam là tội” hoặc “Ghen ghét là tội”, ngài lại phân loại các tình cảm thành tích cực hoặc tiêu cực dựa trên cơ sở chúng có dẫn đến hạnh phúc tối hậu của chúng ta hay không.

Chiều hôm sau, trong lúc tóm tắt lại cuộc trao đổi giữa chúng tôi, tôi hỏi: “Nếu hạnh phúc chỉ là vấn đề trau dồi các thái độ tinh thần tích cực như sự tử tế, vân vân, thế tại sao có quá nhiều người bất hạnh đến thế?”

“Việc đạt tới hạnh phúc chân chính có thể đòi hỏi phải có sự chuyển hóa trong quan điểm của anh, cách suy nghĩ của anh, mà đây không phải chuyện giản đơn,” ngài nói. “Nó đòi hỏi việc áp dụng rất nhiều yếu tố khác nhau từ những hướng khác nhau. Anh không nên có ý niệm rằng, chẳng hạn, chỉ có một chìa khóa, một bí mật, và nếu anh có thể lấy đúng được nó, khi ấy mọi chuyện sẽ ổn. Cũng tương tự như việc chăm sóc hợp lý cơ thể của anh. Anh cần nhiều loại vitamin và chất dinh dưỡng, chứ không chỉ một hai loại. Cũng thế, để đạt đến hạnh phúc, anh cần nhiều hướng giải quyết và phương pháp để xử lý và vượt qua những tâm trạng tiêu cực khác nhau. Và nếu anh tìm cách vượt qua một số cách suy nghĩ tiêu cực, thì anh không thể làm điều đó chỉ bằng cách chấp nhận một cách suy nghĩ hay thực hành một kỹ thuật một lần hoặc hai lần. Thay đổi cần có thời gian. Ngay cả thay đổi thể lý cũng cần đến thời gian. Chẳng hạn, nếu anh di chuyển đến một vùng khí hậu khác, cơ thể cần có thời gian để thích nghi với môi trường mới. Cũng tương tự như thế, việc chuyển hóa tâm trí anh cần có thời gian. Có rất nhiều dấu vết tiêu cực trong tinh thần, cho nên anh cần phải chú ý và ngược lại từng cái một. Điều đó không dễ. Nó đòi hỏi áp dụng lặp đi lặp lại các kỹ thuật khác nhau, và cần có thời gian để bản thân anh làm quen với các thực hành. Đó là quá trình học tập.

“Nhưng tôi nghĩ rằng khi thời gian qua đi, anh có thể tạo ra những thay đổi tích cực. Mỗi ngày ngay khi anh thức dậy, anh có thể phát triển một động lực thực sự tích cực, bằng cách suy nghĩ: “Tôi sẽ sử dụng ngày hôm nay theo một hướng tích cực hơn. Tôi sẽ không lãng phí ngày hôm nay. Và rồi, đêm đến trước khi ngả lưng, anh hãy kiểm soát lại những gì anh đã thực hiện tự hỏi mình: “Tôi có sử dụng ngày hôm nay như đã dự tính không? Nếu sự việc diễn ra như thế, anh nên vui mừng. Nếu không được như vậy, hãy nuối tiếc vì điều đã làm và phê bình ngày hôm ấy. Vậy, qua những phương pháp như thế này, anh có thể dần dà tăng cường những khía cạnh tích cực của tâm trí.”

“Bây giờ lấy thí dụ trong trường hợp của tôi, một tu sĩ Phật giáo, tôi tin vào Phật giáo, và qua kinh nghiệm của bản thân, tôi biết rằng các thực hành Phật giáo ấy rất hữu dụng đối với tôi. Tuy nhiên, do thói quen, thông qua nhiều kiếp trước, một số điều có thể nảy sinh, như giận dữ hoặc quyến luyến. Thế thì điều tôi làm là: trước hết, học về giá trị tích cực của các thực hành, rồi xây dựng quyết tâm, và rồi cố gắng thực hiện chúng. Thoạt đầu, việc áp dụng các thực hành tích cực là rất nhỏ, nên các ảnh hưởng tiêu cực vẫn còn rất mạnh mẽ. Tuy nhiên, cuối cùng, khi anh từ từ xây dựng được các thực hành tích cực, các hành vi tiêu cực sẽ tự động bị tiêu diệt. Vì thế, thực ra, việc thực hành Pháp(1) là một cuộc chiến trường kỳ ở bên trong, thay thế các điều kiện hoặc thói quen tiêu cực trước đó bằng các điều kiện tích cực mới.”

1. Thuật ngữ Dharma (Pháp) có nhiều nghĩa, nhưng không có từ tương đương trong tiếng Anh. Thường được sử dụng để chỉ lời dạy và giáo lý của Đức Phật, bao gồm kinh kệ cũng như cách sống và chứng ngộ tinh thần xảy đến từ việc ứng dụng các giáo huấn. Thỉnh thoảng, các Phật tử dùng từ này với nghĩa tổng quát hơn – để chỉ các thực hành tôn giáo và tinh thần nói chung, luật tâm linh phổ quát, hoặc thực tính của hiện tượng . và sử dụng từ Buddhadharma để chỉ riêng các nguyên tắc và thực hành trong Phật giáo. Tử Sanskrit Dharma được rút từ gốc có nghĩa là “giữ”, và ở đây, từ này có nghĩa rộng, chỉ bất cứ hành vi hay hiểu biết nào giúp “giữ mình lại hoặc bảo vệ mình khỏi cảm nghiệm đau khổ và những nguyễn do của nó.

Ngài nói tiếp: “Không cần biết chúng ta đang theo đuổi hành động hoặc thực hành nào, không có gì không trở nên dễ hơn khi được trau dồi và làm liên tục. Qua việc trau dồi, chúng ta có thể thay đổi, chúng ta có thể biến đổi chính mình. Trong Phật giáo có nhiều phương pháp để trì tâm an tịnh khi một biến cố gây xáo trộn nào đó xảy ra. Qua việc lặp đi lặp lại các phương pháp này, chúng ta có thể đi đến một điểm, ở đó một sự xáo trộn nào đó có thể xảy ra, nhưng các hiệu ứng tiêu cực nơi tâm trí ta chỉ dừng lại ở bề mặt, như những con sóng có thể khuấy động mặt đại dương nhưng không ảnh hưởng gì đến tầng sâu của nước cả. Và, mặc dù kinh nghiệm của riêng tôi có thể còn ít ỏi, tôi thấy rằng điều này là đúng trong thực hành nhỏ bé của mình. Cho nên, nếu tôi nhận được một tin tức bi thảm nào đấy, tại thời điểm đó tôi có thể cảm nghiệm một nhiễu loạn nào đó trong tâm trí, nhưng nó qua đi rất nhanh. Hoặc, tôi có thể trở nên khó chịu và tâm trí nảy sinh một giận dữ nào đó, nhưng một lần nữa, nó biến đi rất nhanh. Không có tác động nào nơi tầng sâu tâm thức của tôi. Không có oán ghét. Điều này đạt được thông qua thực hành dần, chứ nó không xảy ra chỉ qua sau một đêm mà thôi đâu.”

Chắc chắn không. Đạt Lai Lạt Ma đã bắt đầu rèn luyện tâm trí mình từ khi ngài mới bốn tuổi.

Việc huấn luyện tâm trí một cách có hệ thống – sự trau dồi hạnh phúc, sự chuyển hóa nội tâm đích thực bằng cách chủ ý chọn lựa và tập trung vào những tâm trạng tích cực, thách thức các tâm trạng tiêu cực – Có thể làm được vì chính cấu trúc và chức năng của não bộ. Chúng ta sinh ra là có săn não, não được cài sẵn theo di truyền một số mẫu hành vi bản năng. Chúng ta được xếp đặt sẵn về mặt tinh thần, tình cảm và thể lý để đáp ứng với môi trường theo những cách thức giúp chúng ta có thể sống còn. Các tập hướng dẫn căn bản ấy được mã hóa vào trong vô số mẫu kích hoạt tế bào thần kinh, các tổ hợp tế bào não xác định sẵn sàng hoạt động để đáp ứng với bất kỳ sự kiện, kinh nghiệm hoặc tư tưởng đã cho nào. Nhưng việc đan cấy vào bộ não không phải là việc tĩnh tại, vô phương đảo ngược. Não bộ chúng ta cũng có khả năng thích ứng. Các nhà thần kinh học đã ghi nhận sự thể là não bộ có khả năng thiết kế những mẫu mới, những tổ hợp tế bào thần kinh và bộ chuyển mạch thần kinh (các hóa chất truyền tín hiệu giữa các tế bào thần kinh) mới để đáp ứng với các dữ liệu mới đưa vào. Thực vậy, bộ óc của chúng ta dễ uốn nắn, luôn thay đổi, luôn cấu trúc lại mạng lưới của nó tùy theo các tư tưởng và kinh nghiệm mới. Do kết quả học tập, chức năng của chính từng nơ-ron thay đổi, cho phép các tín hiệu điện đi dọc theo chúng nhanh hơn. Các nhà khoa học gọi khả năng thay đổi bẩm sinh của não là “tính đàn hồi.”

Khả năng thay đổi sự móc nói trong bộ não, phát triển những kết nối thần kinh mới, đã được thể hiện trong nhiều thí nghiệm, chẳng hạn thí nghiệm được tiến hành bởi các bác sĩ Avi Karni và Leslie Underleider ở Học viện Quốc gia về Sức khỏe Tâm thần. Trong thí nghiệm đó, các nhà nghiên cứu cho các chủ thể thực hiện một nhiệm vụ đơn giản, một bài tập gõ ngón tay, và xác định xem phần nào của não có liên 1 đến nhiệm vụ, bằng một máy chụp não loại cộng hưởng từ. Các chủ thể thực hành bài tập ngón tay hằng ngày trong bốn tuần, càng lúc càng dễ và nhanh hơn. Vào cuối thời gian bốn tuần, việc quét não được lặp lại và cho thấy khu vực não có liên hệ đến công việc này đã được mở rộng, điều này cho thấy rằng việc tập luyện và lặp lại thường xuyên đã lôi kéo thêm các tế bào thần kinh mới và làm thay đổi các kết nối thần kinh mà lúc đầu không liên hệ vào nhiệm vụ.

Đặc tính nổi bật này của não bộ xem ra là cơ sở sinh lý học cho khả năng chuyển hóa tâm trí chúng ta. Bằng cách vận động các tư tưởng của chúng ta và thực hành những cách suy nghĩ mới, chúng ta có thể định hình lại các tế bào thần kinh của mình và thay đổi cách làm việc của bộ não. Nó cũng là cơ sở cho ý tưởng rằng sự chuyển hóa nội tâm bắt đầu bằng việc học tập (đầu vào mới) và liên quan đến môn học từ từ thay đổi “ràng buộc tiêu cực” (tương đương với các mẫu kích hoạt tế bào thần kinh đặc trưng hiện thời của chúng ta) bằng “ràng buộc tích cực” (tạo thành những mạch thần kinh mới). Như vậy, ý tưởng trau dồi tâm trí để có hạnh phúc trở nên một khả năng rất thực.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. HẠNH PHÚC THAY KẺ KHÔNG LÀ GÌ HẾT!
  2. HẠNH PHÚC TỘT BẬC KHI LÀM CHO NGƯỜI KHÁC HẠNH PHÚC
  3. TỐT HƠN, TỪ BI HƠN, NHÂN ĐỨC HƠN VÀ HẠNH PHÚC HƠN

Bài viết khác của tác giả

  1. TÌNH YÊU THƯƠNG GIỐNG NHƯ MỘT VIÊN NGỌC QUÝ
  2. MỘT ĐẦU ÓC UYỂN CHUYỂN
  3. KHÁM PHÁ NHỮNG GÓC NHÌN MỚI

Bài viết mới

  1. DANH NGÔN VỀ SỰ THÔNG MINH
  2. NIỀM TIN VÀO CHỦ NHÂN KHÔNG LÀ CHÌA KHÓA
  3. BẠN THÔNG MINH HƠN BẠN TƯỞNG