VENERABLE THUBTEN CHODRON
Trích: Lòng Rộng Mở, Tâm Trong Sáng; Ban dich thuật Thiện Tri Thức; NXB. Thiện Tri Thức, 2009
Muốn nhẫn nhục và bi mẫn thì chưa đủ để những thái độ này xuất hiện trong tâm thức. Phải trau dồi chúng một cách khoa học. Thế nên quan trọng là dự kiến một khoảng thời gian tĩnh lặng mỗi ngày để làm việc cho sự an vui riêng của mình.
Vào phút yên lặng buổi sáng cho phép chúng ta xác lập động cơ không làm hại những người khác và giúp họ hết lòng trong suốt ngày. Một khoảng bình an buổi chiều cho phép chúng ta xem lại và thu hóa những sự kiện trong ngày. Quan sát những phản ứng của chúng ta đối với những cái đã xảy ra, chúng ta học tự biết mình. Chẳng hạn chúng ta có thể nhận thấy chúng ta rất dễ nhạy cảm với những lời phê bình hay chúng ta cảm thấy miễn cưỡng, bị bắt buộc phải giúp đỡ những người khác khi họ kêu gọi chúng ta. Chúng ta hãy xem chúng ta có muốn tiếp tục có những thái độ và những xúc cảm ấy không. Trường hợp chúng ta muốn thay đổi, chúng ta có thể áp dụng những kỹ thuật đã được đề xuất trong sách này.
Không nên thấy thời gian chúng ta trau dồi tâm thức mình và thời gian chúng ta ở với người khác là hai. Khi chúng ta ở một mình, chúng ta có thể tư duy về cuộc sống và những thái độ của chúng ta và quyết định cách cư xử với người khác, gồm cả công việc. Tiếp theo chúng ta tư duy về cái đã xảy ra, rút những bài học từ những kinh nghiệm và có những quyết định mới cho tương lai. Theo như vậy thời gian yên tĩnh để thực hành pháp và những hoạt động hàng ngày sẽ bổ túc và làm lợi lạc lẫn nhau.
Sự đều đặn thường xuyên là rất quan trọng cho việc thực hành. Thiền định mười phút mỗi ngày thì hơn năm giờ mỗi tháng. Và nếu mỗi năm người ta cũng có thể làm một cuộc ẩn cư nhập thất vài ngày hay vài tuần, điều đó rất tốt. Việc ấy sẽ giúp bạn đi xa hơn trong tiến trình phát triển tâm linh này.
Những người sống trong xã hội hiện đại đầy công việc đến độ họ có khuynh hướng tản mác, những khi người ta xác định rõ những ưu tiên, họ trở nên dễ tìm ra thời gian cho sự chiêm nghiệm bên trong. Chẳng hạn chúng ta có thể lập một danh sách mọi hoạt động của chúng ta và xếp chúng theo thứ tự quan trọng. Điều này sẽ cho chúng ta sự sáng tỏ và sức mạnh cần thiết để quản lý chương trình mỗi ngày của chúng ta.
Quan trọng là xác định những mục trong thực hành tâm linh và không chờ đợi một biến đổi tức thời. Những điều kiện bên ngoài trong xã hội hiện đại có thể biến đổi rất nhanh, nhưng trạng thái tâm thức và những thói quen của chúng ta thì không như vậy. Chúng ta phải thể hiện kiên nhẫn với mình và với những người khác. Nếu chúng ta có khuynh hướng tự phán xét một cách khắc nghiệt, chắc chắn chúng ta cũng làm thế với những người khác. Nhưng một thái độ như vậy không giúp chúng ta thay đổi, cũng như không giúp người khác thay đổi. Với tình thương và nhẫn nhục với chính mình, chúng ta tự cải thiện một cách có tiến bộ. Cũng thế, nếu chúng ta có thái độ này với những người khác chúng ta sẽ không đòi hỏi hay thiếu kiên nhẫn.
Quân bình là thiết yếu. Nếu đôi khi cần phải đẩy tới hết mức những giới hạn của mình, cũng cần biết bình an để hấp thụ điều đã học. Thật ra, thách đố thường trực là tìm ra một chỗ giữa một bên là muốn làm hơn cả điều lý trí đòi hỏi và một bên là để cho rơi vào lười biếng.
Bằng cách học quân bình những hoạt động của chúng ta, chúng ta có thể tránh được sự kiệt quệ. Những người làm những nghề nghiệp giúp đỡ và chăm sóc nếu cho đi chính mình quá nhiều thường có nguy cơ vượt khỏi những giới hạn của mình. Thường là khó mà nói: “Không, tôi đã rã rời. Chương trình này rất thú vị nhưng tôi không thể giúp anh trong lúc này”. Điều đó có thể cho chúng ta một mặc cảm phạm tội hay cảm tưởng rằng chúng ta biếng lười, như thể chúng ta để cho những người khác rơi rụng.
Phải biết rằng chấp nhận làm hơn khả năng thật sự của mình, điều đó không giúp cho những người khác lẫn cho chính mình. Rất quan trọng khi có thể đánh giá những khả năng của mình với sự chính xác. Chúng ta đôi khi đầu tư mình vào nhiều dự án trong khi ở những thời khắc khác chúng ta cần nhiều an bình, học hỏi và tư duy hơn. Thuận theo thời gian này, chúng ta sẽ có nhiều thời gian có phẩm chất hơn để sống với những người khác. Đây là điều lama Yeshe, một trong những vị thầy của tôi, đã khuyên:
Quan trọng là hiểu rằng sự thực hành đích thực, đó là thực hành từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác, ngày này qua ngày khác. Chúng ta làm cái gì chúng ta có thể, dù cho đó là trí tuệ của chúng ta, bằng cách hồi hướng sự thực hành của chúng ta cho lợi lạc của tất cả. Chúng ta sống cuộc đời mình một cách giản dị, theo những khả năng tốt nhất của chúng ta. Chính điều đó đã là, tự thân nó, cực kỳ lợi lạc cho những người khác; chúng ta không cần chờ trở thành một vị Phật để có thể bắt đầu hành động.