LÀM SAO ĐỂ CÔNG TY VUI VẺ HOÀ ĐỒNG – HT. THÍCH THÁNH NGHIÊM

HT. THÍCH THÁNH NGHIÊM

Trích: Dùng Thiền Tâm Thay Thế Phiền Tâm; dịch giả: Thích Quang Định; NXB Lao Động, cty sách Thái Hà

Quan hệ giữa đoàn thể và cá nhân là quan hệ tương thân tương ái, dựa vào nhau. Mỗi một thành viên đều là đại diện cho công ty. Do đó, khi bạn tiếp xúc với những người ở bên ngoài, họ có thể học hỏi được và cảm nhận được văn hóa của công ty bạn từ những biểu hiện của chính bạn. Tôi nghĩ chắc hẳn mọi người đã từng trải nghiệm qua điều này. Khi bạn đến một nơi nào đó, bạn sẽ cảm nhận được một cách rất tự nhiên phong thái thoát ra từ những người, những sự vật mà bạn tiếp xúc, thậm chí có thể đánh giá về những người, những sự vật đó.

Giống như tôi đã từng nói chuyện với rất nhiều sinh viên đại học và phát hiện ra mỗi một sinh viên đều có nét phong cách của riêng mình. Mỗi khi bước chân vào, điều đập vào mắt tôi đầu tiên chính là tất cả những vật thể hữu hình như khuôn viên trường, các công trình kiến trúc… từ trong phong cách của những công trình đó đã để lại cho tôi ấn tượng đầu tiên sâu sắc; tiếp đó là sau khi tiếp xúc với thầy trò, nhân viên hành chính của ngôi trường này, tôi thấy phong thái của họ ngày càng dung hòa hơn so với trước đây và ngay lập tức trong mắt tôi hình thành lên một “hiệu phong” – một phong cách trường học. Cho nền đoàn thể mang đến cho con người ấn tượng đầu tiên, thông thường đều bắt đầu từ môi trường xung quanh, tiếp đến là những con người làm việc bên trong đó. Do đó chỉ cần bạn làm việc trong công ty, thì bạn chính là đại diện cho tinh thần
của công ty.

Ngoài ra, cảm giác mang lại khi tiếp xúc với người khác quan trọng nhất chính là sự hòa thuận. Ví như Pháp Cổ Sơn lấy “hạnh phúc tự tại” làm chủ đề cho suốt cả một năm đó. Tôi thấy rằng đa số mọi người chỉ coi đó như là những lời lẽ cát tường may mắn hoặc chỉ là một câu biểu ngữ được dán trong nhà hoặc trước cổng nhà mình, dường như chỉ cần dán ở đấy là có thể hạnh phúc tự tại rồi. Nhưng chỉ dán lên như vậy thôi, liệu có tác dụng gì không?

Khi con người ta bất hòa với nhau nhìn vào câu biểu ngữ đó, khi không thích cũng phải nhìn vào, cảm thấy không tự tại cũng phải nhìn vào, như thế đã thật sự là hòa thuận hay chưa?

“Hạnh phúc tự tại” không phải là biểu ngữ, nếu như bạn không muốn thay đổi tâm thái của bản thân, bao dung người khác, vậy thì bất luận là dán hay không dán, hoặc là dán cái gì, đều không có cách nào có thể đạt được sự hòa thuận đó.

Hòa thuận mà chúng ta nhấn mạnh ở đây ám chỉ khi tiếp xúc với người khác đều phải vui vẻ hòa nhã, nhưng không có nghĩa là nhắm mắt làm ngơ, không yêu cầu về chất lượng. Đơn giản mà nói, vui vẻ hòa nhã chính là việc có thể hạ mình nhờ vả người khác, nếu như đối phương từ chối, chúng ta vẫn nên nói rằng “làm ơn, làm ơn”. Khi cần đưa ra yêu cầu về chất lượng thì vẫn phải làm, chỉ có điều khi nói ta phải vui vẻ hòa nhã, không cần thiết phải mắt nhìn trừng trừng hay nói năng lớn tiếng với đối phương.

Một điều đáng chú ý nữa là có một số việc khi đối diện nhau ta thường không biết nên nói thế nào, bởi sợ đối phương tức giận, cho nên cuối cùng dứt khoát không nói ra, có thể nói đây là tâm lý chung và là tính cách phổ biến của người phương Đông. Rõ ràng có người hỗn xược ngay trước mặt bạn, người ta đã làm những việc chúng ta không thể chấp nhận được, nhưng vì để không phải chịu tổn thương hay bị tức giận, bạn chỉ cần mắt nhắm mắt mở cho qua. Đây chính là loại người mà Khổng Tử gọi là “hương nguyện”.

Ví dụ, có người lớn hút thuốc trong phòng làm việc, mọi người không góp ý trực tiếp lại nói xấu sau lưng. Cuối cùng, có người cho rằng dù sao cũng có người hút thuốc rồi, vậy thì chúng ta cũng có thể hút, làm như vậy quả là không hay rồi. Khi gặp phải tình huống như vậy chúng ta nên khuyên bảo, không phải lo lắng làm như vậy sẽ đắc tội với người khác, bởi vì như vậy là giúp đỡ đối phương cải thiện, thay đổi thói xấu. Trái ngược lại hoàn toàn, nếu như không khuyên nhủ trực tiếp, mà lại bàn tán sau lưng, có thể sẽ ảnh hưởng đến những người khác, khiến họ tức giận, buồn phiền. Có thể hôm nay anh ấy hút một điếu, không ai khuyên nhủ cả, cho đến sau này anh ta có thể hút nhiều hơn, như thế tình hình càng xấu đi, thêm vào đó nếu có người mời thuốc mà nhắm mắt làm theo, vậy thì càng nguy hiểm. Cho nên một khi bạn chứng kiến bất cứ ai đang làm những việc không được phép làm thì nên nói chuyện với họ bằng thiện ý.

Ở đây tôi chỉ lấy việc hút thuốc làm ví dụ, các việc khác cũng nên suy ra tương tự, từ một suy ra ba, học một biết mười. Ví như, có một số người hay nói chuyện trong phòng làm việc, nói to, nói nhỏ, thì thầm, ầm ĩ giống như trong chợ mua bán vậy. Khi tình trạng như thế phát sinh, ta cần nhắc nhở họ, yêu cầu họ nói nhỏ hoặc giữ trật tự một chút.

Nhưng khi gặp mặt thì nên chào hỏi đối phương, sau đó mới nói chuyện chính, không cần thiết phải cãi nhau, như vậy sẽ không đắc tội với ai. Ngược lại, nếu như bạn chỉ trỏ vào người khác mà quát tháo lớn tiếng, sẽ khiến họ tức giận và bị tổn thương, như vậy là chính bạn lại không hòa đồng với họ rồi.

Mọi người chỉ cần phát huy tinh thần vui vẻ, hòa đồng trong công việc, từ trước đến nay vui vẻ, hòa đồng không chỉ dừng lại ở câu khẩu hiệu, mà nó có thể nâng cao nhân phẩm một cách thật sự. Khi nhân phẩm được nâng cao, bản thân bạn có thể đạt được tâm hòa, khẩu hòa, nhân hòa, ngã hòa, và có thể làm việc một cách vui vẻ, lành mạnh.

Bài viết này đã đóng bình luận.


Bài viết khác của tác giả

  1. QUAN ĐIỂM VỀ HÒA HỢP TÔN GIÁO
  2. HẠNH PHÚC ĐÍCH THỰC LÀ GÌ?
  3. PHÉP HAY ĐỂ ĐIỀU CHỈNH CHỈ SỐ EQ TRONG CÔNG SỞ

Bài viết mới

  1. NIỀM TIN
  2. THẲNG THẮN NÓI RA SUY NGHĨ
  3. KẾT NỐI NHỮNG ĐIỂM RỜI RẠC CUỐI CÙNG